Thánh Giuse giữa đại dịch Covid-19

Thế giới mà nhiều người ảo tưởng là vĩnh cửu dường như đang tan biến. Nó trải qua năm 2020 với nhiều bi kịch: Thảm họa cháy rừng ở Úc – một diện tích rừng rất lớn, ước tính lên tới hơn 10 triệu ha đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn, khoảng 1.400 ngôi nhà ở bang New South Wales đã bị thiêu rụi, hàng chục thị trấn nông thôn bị tàn phá. Thảm họa lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam làm chết hàng trăm người. Đặc biệt là trận “lụt hồng thủy” 40 ngày đêm ở Trung Quốc nhấn chìm hàng trăm nghìn ngôi nhà và khiến cho hàng nghìn người chết đói. Hết thảm họa thiên nhiên lại đến thảm họa do con người gây ra. Nước Mỹ – một đất nước tự do, giàu có và yên bình bỗng trở nên xáo trộn, hỗn loạn và bạo lực bởi các cuộc xung đột sắc tộc, màu da. Vượt lên trên các thảm họa kia là cơn đại thảm họa có tên Covid 19. Cơn đại dịch này làm cho con người hoang mang, chết chóc, sợ hãi và làm tê liệt hầu hết tới các lãnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội. Số người chết vì Covid 19 đã vượt con số 2 triệu người. Thảm họa này làm cho con người chao đảo, khiếp sợ và làm cạn kiệt về niềm hy vọng vào một thế giới tốt đẹp và tươi sáng.

Trong hoàn cảnh này, trong những tháng ngày dài của cơn đại dịch, “tôi muốn… chia sẻ với anh chị em những suy tư cá nhân về chân dung ngoại thường của Thánh Giuse, nhưng lại thật gần gũi với thân phận con người của mỗi người trong chúng ta. Ước ao này đã chín muồi trong suốt những tháng vừa qua của cơn đại dịch...” (Đức Phanxicô). Giờ đây chúng ta hãy suy niệm về cuộc đời của Thánh Cả Giuse, đấng mà Giáo Hội dành năm đặc biệt này để trao phó thế giới, mọi quốc gia, mọi gia đình, mọi cá nhân dưới sự chở che của Ngài, để cùng với Ngài chúng ta vượt qua mọi thử thách khó khăn.

 Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử.[1]

 Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.[2]

Không chỉ bảo đảm cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp, thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Ngài đã phải tính toán làm thế nào để có thể trốn sang Ai Cập an toàn và nhiều vấn đề khác khiến Ngài không yên giấc: những nguy hiểm sẽ xảy đến trên đường vượt biên? Phải làm gì nơi đất khách quê người để bảo đảm cuộc sống cho ngời vợ trẻ và đứa con vừa mới sinh? Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn. 

Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn; trái lại, Ngài phải trải qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như Ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.

Bí quyết để thánh Giuse có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống đó là luôn luôn đặt thánh ý của Thiên Chúa lên trên hết, tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, nên khi gặp khó khăn Ngài đã không hoảng hốt, không sợ hãi, không đầu hàng, nhưng an bình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, Đấng ở cùng và đang hướng dẫn Ngài.

Trong thời điểm bấp bênh này, khi nỗi sợ hãi Covid 19 xâm chiếm từng tâm hồn, chúng ta cũng được mời gọi sống phó thác và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Tính đến thời điểm hiện tại, Covid 19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người trên toàn thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia phải đóng cửa trở lại, nhiều nhà thờ vẫn trống người, mọi người, mọi nhà vẫn đang thực hành ‘cách li xã hội’. Chúng ta đang thay đổi cách làm việc, chào hỏi nhau bằng ‘đôi mi nhắp nháy’, tránh tụ tập đông người, sửa dụng nước rửa tay thường xuyên. Giống như Thánh Giuse, cách sống sinh hoạt bình thường của chúng ta bị gián đoạn và chúng ta đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn đang chào đón phía trước.

Tôi chắc rằng bạn cũng như tôi, chúng ta luôn có tinh thần đoàn kết với tất cả các anh chị em của chúng ta, có tinh thần đoàn kết giúp đỡ tất cả những ai đang sống bấp bênh thiếu thốn hằng ngày. Chúng ta có tinh thần của Thánh Cả Giuse, luôn sẵn sàng thức tỉnh để quan tâm đến những mảnh đời đang đau khổ về phần xác cũng như phần hồn, để che chở, bảo vệ, đặc biệt là mang lại niềm hy vọng cho họ. Như Thánh Cả Giuse đang chăm chú lắng nghe Thánh ý Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng đang được mời gọi chú ý đến tiếng thầm thì của Chúa trong mọi nơi, mọi lúc trong đời ta.

Nhân loại đang hoảng sợ trước cơn đại dịch thế kỷ. Nỗi sợ đang đang gặm nhắm từng tâm hồn con người, từng gia đình, từng cộng đoàn và cả xã hội. Noi gương Thánh Cả Giuse, đấng mà Giáo Hội đang mời gọi con cái mình đặt trọn niềm cậy trông vào sự che chở và bảo vệ của Ngài, mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống can đảm và xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Giống như Thánh Cả Giuse, chúng ta hãy sống đức tin một cách can đảm, để làm chứng cho lòng trông cậy thay vì hoang mang và lo sợ trong cơn đại dịch. Nguyện xin Chúa chúc lành cho sự cố gắng và hướng dẫn chúng ta trong cơn đại khủng hoảng này. Amen.

Rev. Trịnh Son

 

[1] Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J, “Thánh Giuse trung thành bảo trợ gia đình”
[2] Ibid.

Lượt xem 134 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *