Suy niệm Tin Mừng CN XI Mùa Thường Niên: Người nông dân Nước Trời

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 4, 26-34), Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn mà dạy bảo các môn đệ của Ngài. Những hình ảnh hết sức gần gủi và bình dị từ cuộc sống nông thôn đã được Chúa Giêsu đưa vào trong bài giảng một cách tự nhiên để nói về Mầu Nhiệm Nước Trời. Ngài mở đầu rất ví von: như hạt lúa được gieo vãi, như hạt cải được gieo xuống đất…để rồi theo thời gian, chúng tự mọc lên, phát triển vượt bậc và sinh hoa kết hạt, xum xuê lá cành… và Ngài so sánh: Nước Trời cũng phát triển giống như vậy! Các môn đệ chăm chú lắng nghe, và với những lời giải thích sau đó của Thầy, các ông hiểu hơn về Mầu Nhiệm Nước Trời qua chính những thực tại gắn bó với mình. Những thực tại đó là gì?

Nước Trời đang phát triển bên trong tôi như thế nào?

Ở dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giêsu tóm tắt cho các môn đệ về quá trình phát triển của hạt lúa. Quá trình này thông thường kéo dài khoảng 3-5 tháng từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch. Sau khi được người nông dân gieo vãi, thì những hạt lúa đã “tự mình nảy mầm, mọc lên và sinh trưởng thành cây, rồi trổ đồng đồng, và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt…”[1]. Người nông dân dù có những lúc vất vả, sáng nắng chiều mưa ra công chăm sóc, thì rồi cũng phải quay về với cuộc sống thường nhật và những bổn phận. Hạt giống phải tự mình lớn lên, và đã lớn lên từng ngày như thế nào, người nông dân không hiểu được! Trong tăm tối dưới lớp đất vùi mọc lên mầm sống, hay qua đêm dài sáng dậy mọc chồi non…Người nông dân không thấy được! Chỉ biết đến ngày lúa chín, nặng trĩu hạt, thì đem liềm ra gặt về, lòng hân hoan.

Ở dụ ngôn thứ hai, hạt cải nhỏ bé được gieo xuống đất. Thánh Macco nhấn mạnh: “Đó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”[2] Thật kỳ diệu phải không? Sự sống được bắt đầu từ những điều nhỏ bé như hạt cải, và vươn ra khỏi điểm xuất phát một cách lạ lùng theo cấp số nhân, và hơn thế nhiều, đến nỗi chúng ta không thể lĩnh hội, hay giải thích được. Tuy nhiên, đó lại là một trong những thực tại rất đỗi bình thường của thiên nhiên, con người, và cuộc sống quanh ta.

Hai dụ ngôn chứa đựng hai hình ảnh nhưng cùng một thông điệp như sau: cuộc sống là một thực tại diễn ra theo cách thức rất tự nhiên theo bản chất của sự vật, sự việc, và theo quá trình tiến hóa mang tính khoa học vốn có. Nhưng đồng thời, cuộc sống cũng là một thực tại mầu nhiệm vì có bàn tay của Thiên Chúa can thiệp. Hạt lúa, hạt cải được gieo trồng và lớn lên theo lẽ tự nhiên, nhưng điều đáng suy tư ở đây là sức sống bên trong chúng ẩn tàng những điều kỳ diệu mà khả năng con người không tài nào nhận biết được. Nói như Thánh Phaolo: Tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.”[3]

Thông điệp này giúp ích gì cho chúng ta khi nghĩ về mầu nhiệm Nước Trời?

Nước Trời cũng là một thực tại đang diễn ra nơi bạn và tôi. Dù chúng ta có hiểu, có thấy hay không, thì Nước Trời vẫn đang triển nở từng ngày nhờ hạt giống Lời Chúa được gieo trồng trong mỗi người. Điều quan trọng là chúng ta có nhạy bén và kiên nhẫn để lắng nghe Lời Chúa, Lời đem lại sự sống và nuôi dưỡng tâm hồn mình để triển nở trong hy vọng, và hứa hẹn một mùa bội thu hay không mà thôi.

Tôi có là một người nông dân thực thụ của Nước Trời?

Người nông dân trong dụ ngôn thứ nhất đã lập tức “đem liềm hái ra gặt lúa, vì anh hay chị ấy biết khi nào đến mùa, và khi nào lúa chín.”[4] Nhìn vào cuộc sống đời thực của người nông dân Việt Nam, hình ảnh chị Năm, anh Bảy tay cầm lưỡi liềm, lưỡi hái, cúi khom lưng giữa đồng lúa chín vàng sao mà đẹp quá không biết! Tiếng cười nói xoa dịu cái nắng, cái mưa trong những lúc lao động cực nhọc dường như còn làm gắn bó thêm cái tình giữa người với người. Rồi những khi gặt không kịp vì “lúa chín đầy đồng mà thợ thì ít”, lại có thêm chuyện “gặt vần công”, nghĩa là đợt này anh qua gặt tiếp lúa nhà tôi, tới khi nào đến lúa anh chín, tôi qua gặt tiếp lại. Vậy là thêm lên một cái tình làng nghĩa xóm của người nông dân. Tuy ngày nay, người ta đã cơ giới hóa nền nông nghiệp với những thiết bị máy móc hiện đại thay thế sức người, cuộc sống người nông dân có vẻ nhạn hạ hơn trước, nhưng đâu đó khi nghĩ về hình ảnh thợ gặt, sao vẫn thấy ấn tượng và có nhiều cảm xúc dâng trào. Có lẽ khi những giọt mồ hôi người thợ gặt rơi xuống ruộng, bàn tay chạm vào những hạt lúa chín vàng, mới thấy rõ giá trị của lao động, và niềm vui khi gặt hái những thành quả mong đợi bao ngày?

Chúng ta, những người Kitô hữu, một cách nào đó, chúng ta là những người nông dân của Nước Trời vì được Chúa Giêsu mời gọi loan báo, gieo vãi Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Đặc biệt hơn, chúng ta còn được mời gọi để trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo bao la. Vậy nên, câu hỏi được đặt ra, để là một người nông dân thực thụ, đâu là những kỹ năng cần thiết phải có? Trước nhất là phải biết chọn giống tốt để gieo trồng, biết cách chăm sóc hoa màu, và biết kiên nhẫn chờ đợi ngày giờ thu hoạch. Thứ hai, để là thợ gặt chuyên nghiệp, người nông dân  ngoài kỹ năng gặt hái thuần thục, còn cần chuẩn bị cho mình những chiếc liềm, chiếc hái tốt. Vậy thử hỏi, đâu là những chiếc liềm, chiếc hái của chúng ta trong thời đại này, và chúng đang trong tình trạng như thế nào trong tay chúng ta?

Phút cầu nguyện của người nông dân Nước Trời

Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã dạy các môn đệ về mầu nhiệm Nước Trời, rằng Nước Trời đang phát triển từng ngày trong mỗi cuộc đời như hạt lúa, hạt cải trên đồng, trên rẫy. Đó là một thực tại đã và đang diễn ra cho đến khi ý định của Thiên Chúa được tròn đầy viên mãn. Ngài cũng đang nhắc nhở mỗi người chúng con, những người nông dân của Chúa, hãy sống thực tại Nước Trời bằng chính cuộc sống mình, qua những gì đang xảy ra chung quanh chúng con, và trong chính chúng con. Xin dạy chúng con biết lắng nghe, biết quan sát, và không ngừng học hỏi Lời Chúa hằng ngày, Lời luôn sống động và triển nở ngay cả khi chúng con chưa có khả năng đón nhận. Xin cho chúng con luôn là những người nông dân thực thụ, cần mẫn lao động với ơn ban, để rồi dù thức hay ngủ, Lời Chúa và ơn Chúa vẫn lớn lên mỗi ngày trong chúng con, và hướng dẫn mọi lời nói, tư tưởng, hành vi của chúng con.

Sau cùng, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết  trở nên những chiếc liềm chiếc hái, là khí cụ yêu thương Chúa dùng để phục vụ cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Amen

Quỳnh Thoại, CĐM
https://dongten.net/2021/06/10/nguoi-nong-dan-nuoc-troi/

………….

[1] Mc 4, 26-29.

[2] Mc 4, 30-32.

[3] 1Cr 3, 6.

[4] Mc 4, 29.

Lượt xem 225 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *