Theo định nghĩa trên, Phụng sự vừa là lý tưởng chọn lựa để theo Chúa và làm môn đệ của Người, vừa là lòng tôn kính dành cho Chúa qua lời kinh cầu nguyện và qua các nghi thức tế tự. Tư cách người phụng sự Chúa còn phải thể hiện qua việc chuyên tâm thực hành những gì Chúa dạy, để rồi cuộc sống của họ phản chiếu sự thánh thiện tốt lành của Chúa giữa cuộc sống trần gian, làm cho nhiều người khác tin nhận và yêu mến Chúa. Hiểu biết và thực thi những gì có liên quan đến khái niệm phụng sự, chính là nỗ lực nên thánh ngay trong cuộc sống hiện tại.
Chúa Giêsu là mẫu mực cho những ai muốn phụng sự Thiên Chúa. Người đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha. Tất cả những gì người làm, đều theo thánh ý của Cha Người. Trước biến cố khổ nạn và thập giá, Người cảm thấy sợ hãi và muốn lui bước, nhưng việc tuân theo ý Cha mạnh mẽ hơn và đã giúp Người vượt lên tất cả: “Xin đừng theo ý con, nhưng hãy theo ý Cha”. Tiến trình đào tạo môn đệ của Người nhắm tới mục đích làm cho họ trở thành những người phụng sự Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (x. Ga 4, 23).
Truyền thống Cựu ước diễn tả những người phụng sự Chúa như những người tôi tớ, thành kính ngước mắt nhìn lên ông chủ bà chủ, hầu được đẹp lòng những người bề trên và hưởng nhờ những bổng lộc do các vị ấy ban cho. Tác giả Thánh vịnh 123 đã thốt lên những tâm tình ảo não: “Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa, là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận…” (Tv 123,1). Qua giáo huấn của Chúa Giêsu, những ai phụng sự Người, không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn bè nghĩa thiết với Người: “Thày không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Bạn bè là những người cảm thông chia sẻ trong mọi nỗi vui buồn. Bạn cũng là những người hiện diện quanh ta trong mọi biến cố hiểm nguy. Người phụng sự Chúa Giêsu sẽ được Người gọi là bạn hữu, để rồi qua đó chia sẻ với Người sứ mạng thiên sai mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, người phụng sự sẽ được gọi Thiên Chúa là Cha với tâm tình con thảo.
Phụng sự Chúa, đó cũng là lựa chọn của biết bao người, nam cũng như nữ, suốt chiều dài của lịch sử. Giữa những bề bộn lừa lọc toan tính xô bồ, họ muốn tìm một lý tưởng, một mẫu mực cho mình. Họ đã chọn Chúa Giêsu và trung thành với sự chọn lựa ấy, mặc dù phải hy sinh đổi mạng sống của mình. Đó là trường hợp các thánh tử đạo. Họ đã thể hiện tình yêu ở mức hoàn hảo nhất, tức là chấp nhận chết vì người mình yêu. Cũng có những người chọn lựa con đường phụng sự Chúa bằng đời sống đan tu, chuyên tâm cầu nguyện trong âm thầm khiêm tốn. Những người khác lại phụng sự Chúa qua những người anh chị em đồng loại, tức là dấn thân phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh cô đơn cơ nhỡ. Qua những người anh chị em này, họ được gặp gỡ chính Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình cho các tội nhân và tự đồng hóa với những kẻ bần cùng. Như thế, con đường phụng sự Chúa mang muôn hình muôn vẻ, được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Chúa và nhờ sức mạnh của Người. Quả vậy, không có tình yêu và nghị lực siêu nhiên, một tu sĩ không thể dấn thân phục vụ người cùi, một thừa sai không thể bỏ quê hương đến một xứ sở xa xôi để loan báo Tin Mừng. Lý tưởng phụng sự Chúa đem lại cho họ sức mạnh và nghị lực siêu nhiên. Họ cũng luôn ý thức rằng Chúa đồng hành và cùng làm việc với họ, và vì thế, những hiệu quả của công việc tông đồ cũng đến từ Chúa.
Phụng sự Chúa không ràng buộc chúng ta trong cảnh nô lệ, nhưng giúp chúng ta được tự do.Không có gì là nô lệ cả khi thờ phượng Thiên Chúa; đúng hơn, đó là tình yêu chan chứa dành cho Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Tự do lớn nhất là Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, để ta trở thành con cái của Ngài. Thánh Phaolô đã quảng diễn tình trạng tự do của con cái Chúa như sau: “Tạ ơn Thiên Chúa! Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính” (Rm 5,17-18).
“Ngươi phải thờ phượng Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi”, Chúa Giêsu đã trả lời Satan như thế (Mt 4,10). Lời tuyên bố này làm vang vọng giáo huấn của Cựu ước: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em là Đấng anh em phải kính sợ. Chính Ngài là Đấng anh em phải phụng thờ… Anh em không được theo những thần khác” (Đnl 6,13-14). Đó cũng là lời mời gọi người tín hữu sống trung thành với lý tưởng đã lựa chọn. Bởi lẽ, những ai trung tín với Chúa sẽ được Người thưởng công. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng đáng ca tụng tôn thờ. Con người hôm nay có khuynh hướng gạt bỏ Thiên Chúa ra bền lề của cuộc sống, nhưng lại thay vào đó là sự tôn thờ đủ mọi thứ ngẫu tượng: nền kỹ trị, tiền bạc vật chất, bổng lộc danh giá… Không ít người đã chuốc lấy đau khổ, khi bám vào những giá trị tạm thời, tụ rồi lại tan như đám mây buổi sáng, để rồi khi tỉnh ngộ, họ cảm thấy trống rỗng và thất vọng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với sự thờ phượng đích thực, trong tinh thần và chân lý. Đó là sự tôn thờ bằng tình yêu mến, được tuyên xưng bằng môi miệng, yêu mến bằng trái tim và được thực hành qua việc làm cụ thể.Phụng sự Chúa không thể tách rời việc phục vụ anh chị em. Nói cách khác, tình bác ái thân thương đối với những người bất hạnh chính là bằng chứng cho việc chúng ta phụng sự Chúa.
“Ai Phụng sự Thày, hãy theo Thày và Thày ở đâu, kẻ phụng sự Thày cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thày, Cha Thày sẽ quý trọng người ấy”. Chúa Giêsu nói điều này liền sau những lời tiên báo cuộc khổ nạn và cuộc phục sinh của Người. Phụng sự là đi theo Chúa, là chia sẻ chén đắng với Người. Theo Chúa là hành trình của niềm vui, cũng là hành trình của thập giá. Chúa sẽ ban phần thưởng thật lớn lao cho những ai trung thành theo Người đến cùng, nhất là được Chúa Cha quý trọng. Còn hạnh phúc nào lớn hơn được chính Thiên Chúa quý mến, qua đó tên chúng ta được ghi khắc trong trái tim của Ngài?
Phụng sự Thiên Chúa trước hết (Dieu premier servir), đó là châm ngôn của thánh nữ Jeanne d’Arc. Châm ngôn này đã giúp Bà vượt lên mọi yếu đuối nữ nhi thường tình, trở thành một vị anh hùng của nước Pháp và là một chiến sĩ đức tin trong lịch sử Giáo Hội. Ước chi mỗi chúng ta luôn đặt việc tin và theo Chúa làm ưu tiên hàng đầu, để rồi lý tưởng ấy chi phối lời nói, việc làm và mọi tư tưởng của chúng ta. Đó là hạnh phúc đích thực mà mỗi người chúng ta đang tìm kiếm, giữa những bộn bề của cuộc sống trần gian.
+GM. Giuse Vũ Văn Thiên
Lượt xem 112 Lần