Những nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình
3/18/2019 9:43:37 PM
Thống kê cho biết năm 2008, ở VN có khoảng gần 90.000 cặp vợ chồng ly hôn, tỷ lệ ly hôn là khoảng 30% đến 40%. Con số không nhỏ. Đáng báo động. Và xem ra thực trạng này có chiều hướng gia tăng. Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM), tỷ lệ ly hôn/ kết hôn ở VN là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 21 đến 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1-7 năm và hầu hết đã có con…
Thử điểm qua một số nguy cơ chính:
1. Những bất đồng, mâu thuẫn dai dẳng
Có thể nói nguy cơ phổ biến nhất và lớn nhất là sự bất đồng, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Khi ra tòa xin ly hôn, người ta đều nói cách ngắn gọn “Chúng tôi không hợp nhau…”. Thực chất, lý do không-hợp-nhau chỉ là cách nói chung chung. Phải hiểu đó là giữa hai vợ chồng đã từng xảy ra sự không-hòa-hợp về một hay nhiều phương diện nào đó, lớn cũng như nhỏ…Các nhà tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình thường đưa ra mấy loại nguyên nhân gây bất hòa, chẳng hạn: tâm lý và tính cách khác biệt, sở thích đối chọi nhau, không cùng quan điểm về cuộc sống và cách giáo dực con cái, nghi ngờ việc vợ hay chồng ngoại tình, trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv.
Dù với lý do nào đi nữa thì với thời gian, những mâu thuẫn sẽ gặm nhấm tình cảm hai bạn, khiến mối quan hệ vợ chồng luôn căng thẳng và bầu khí trong gia đình trở nên ngột ngạt. Ngạn ngữ có câu, “Lỗ nhỏ đắm thuyền”. Chỉ cần một vài xích mích nhỏ, con thuyền hạnh phúc của hai bạn có thể chòng chành và có nguy cơ đắm chìm.
Để đề phòng thảm họa này, các bạn nên tỉnh táo và tìm cách giảm bớt những mâu thuẫn, bất đồng bằng cách mỗi người tỏ thiện chí muốn cải thiện tình hình. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng“ (Ca dao VN). Hoặc, “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công, đó là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa“ (Harold Nichlson).
2. Thực trạng “Chồng chúa vợ tôi”
Hiện nay, tình trạng chồng chúa vợ tôi trong gia đình không phải là hiếm. Đó là chưa kể vấn đề bạo hành gia đình cũng đang ở mức báo động. Nhiều ông chồng, mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng nhiễm thói quan liêu ngoài xã hội, về nhà lúc nào cũng tỏ ra hách dịch, cứng cỏi, nghiêm khắc với bạn đời mình. Người vợ không còn là bạn-đường-bình-đẳng mà chỉ là tôi mọi, là “ôsin”, là kẻ thừa hành lệnh của ông “chủ chồng”.
Sống trong hoàn cảnh này, người vợ cảm thấy mình không còn được tôn trọng, danh dự bị tổn thương, phẩm giá bị hạ thấp. Họ mất hết mọi sáng kiến trong gia đình, trái lại chỉ biết cúi đầu phục tùng chồng. Thậm chí kể cả trong sinh hoạt chăn gối, người chồng hoàn toàn nắm phần chủ động và tung hoành, khiến cho người vợ cảm thấy mình chỉ là món hàng sử dụng khi cần đến.
Do vậy vì phải sống mỏi mòn trong thực tế bi đát này mà người vợ chán nản, thất vọng và muốn thoát ly khỏi sự kềm kẹp của chồng. Con số thống kê về các vụ ly hôn cho thấy số người nữ đứng đơn xin ly hôn bao giờ cũng cao hơn nam giới. Chỉ có một giải pháp tích cực mới mong cải thiện tình hình, đó là người chồng nên xem xét lại vấn đề “bình đẳng giới”, và về mối quan hệ “phu phụ” trong gia đình. Bình đẳng, hòa đồng, yêu thương kính trọng là những yếu tố không thể thiếu trong mối quan hệ vợ chồng. “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton).
3. Sự xuất hiện bóng dáng “Người thứ ba”
Ngày nay, chuyện về người-thứ-ba được đề cập và đăng tải khá nhiều trong chuyên mục Tình yêu Hôn nhân Gia đình trên các trang báo hằng ngày. Chuyện “ông ăn chả” và “bà ăn nem”, hay “chán cơm thèm phở” là chuyện xem ra bình thường, như chuyện thời tiết! Một thống kê cho biết, có khoảng 60% đàn ông và khoảng 40% phụ nữ ngoại tình ít nhất 1 lần. Ngoại tình thầm kín, ngoại tình công khai. Ngoại tình ngắn hạn, ngoại tình dài hạn.
Khi người thứ ba xuất hiện, mối quan hệ vợ chồng sẽ gặp nhiều rắc rối, phiền toái.
Trước hết, một trong hai hoặc cả hai người sẽ nghi ngờ lòng chung thủy của nhau. Từ đó tình yêu và hạnh phúc sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người thứ ba là người thật việc thật và người đó tích cực xen vào nội tình gia đình, thì lúc ấy đôi bạn sẽ không thể thụ động chịu đựng. Chồng hay vợ sẽ tìm mọi cách vạch mặt chỉ tên “kẻ thù dấu mặt” ấy, tìm kế triệt hạ người này bằng nhiều cách, kể cả những hăm dọa hay dùng bạo lực. Trong khi đó, mối quan hệ vợ chồng bỗng dưng trở nên căng thẳng. Cảnh “cơm chẳng lành, canh không ngọt” thường xuyên xảy ra. Chiến tranh giữa hai bạn đời có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Và một khi chiến tranh đã xảy ra thì viễn ảnh một cuộc chia tay là không xa.
Cuộc hôn nhân lý tưởng vẫn là một-vợ-một-chồng và tình yêu trong hôn nhân thì chỉ có một, một tình yêu chân thành, chung thủy và bền chặt.
4. Tình trạng kinh tế khó khăn
Theo số liệu thông kê về các nguyên nhân gây đổ vỡ trong gia đình ngày nay, ta thấy nổi bật có nguyên nhân về kinh tế. Khi giầu có thì phú quý sinh lễ nghĩa nhưng khi gặp cảnh thiếu thốn, túng bấn thì người ta dễ sinh ra cáu gắt, khó chịu và cực đoan.
Cuộc sống thiếu thốn, nghèo đói sẽ làm đôi bạn mệt mỏi, chán ngán vì một trong hai hay cả hai phải đầu tắt mặt tối lo chuyện cơm-áo-gạo-tiền, nên không ai còn thời gian quan tâm đến nhau, đến việc chăm sóc con cái, đến bổn phận đối với gia đình.
Tiền bạc và những tiện nghi vật chất tuy không phải là cứu cánh của đời sống, nhưng thiếu nó gia đình cũng dần mất đi sự đậm đà hương vị do những thứ đó mang lại. Dù sao, nếu hai bạn quan niệm vấn đề kinh tế không phải là chuyện-sống-còn của tình yêu và hạnh phúc gia đình, thì họ sẽ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn…Ca dao VN có câu: “Đói no có thiếp có chàng, còn hơn chung đỉnh giầu sang một mình”.
5. Những trục trặc về chuyện chăn gối
Chuyện chăn gối vợ chồng được coi là chuyện thầm kín khó nói, nhưng một khi đã xảy ra những trục trặc về chuyện ấy rồi thì chẳng còn giữ kín được nữa. Không nói ra, nhưng cả hai đều hiểu rằng “kẻ thù” của họ lúc này là sự bất-hòa-điệu-tình-dục (sexual disharmony). Lúc đó, nguy cơ đổ vỡ sẽ là chuyện có khả năng xảy ra. Về chuyện ân ái không hòa hợp, người ta đã nhận định: “Đời sống tình dục của hai bạn khác nhau rất nhiều nhưng hai bạn lại không thể chia sẻ. Tình trạng này làm giảm dần các cuộc ‘yêu’ giữa hai vợ chồng. Khi vấn đề này kéo dài, giữa hai người không có sự liên kết, đồng điệu về tâm hồn, mối quan hệ dần rạn nứt và chuyện ‘đường ai nấy đi’ cũng chẳng còn quá xa vời” (ngoisao.net ).
Quả đúng vậy, trong các đôi vợ chồng, việc xảy ra những trục trặc này nọ liên quan sinh hoạt chăn gối là khá phổ biến. Nguyên do có thể từ phía chàng, cũng có thể từ phía nàng hoặc từ cả hai. Dù xuất phát từ ai thì những trục trặc này cần sớm nhận diện và giải quyết. Đôi khi vợ chồng ngại nói với nhau vì đó là chuyện phòng the, chuyện thầm kín. Nhưng khi xảy ra mâu thuẫn này nọ thì chuyện ấy chẳng còn kín chút nào nữa…Một là hai người ngậm đắng nuốt cay để yên phận, yên lòng. Hai là tìm cách giải quyết theo hướng tích cực. Có khi phải nhờ đến sự trợ giúp của nhà tư vấn tâm lý hay sự can thiệp của y học.
Thực tế cho biết: “Suy giảm ham muốn tình dục là một trong những vấn đề hay gặp ở phụ nữ. Cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc con cái, những căng thẳng, bệnh tật, tuổi tác… là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ không mặn mà với ‘chuyện yêu’. Đối với những cặp vợ chồng có cuộc sống tình dục không hòa hợp, đa phần đều do phía nam giới không hiểu và không nắm vững tâm lý tình dục của vợ. Theo các nghiên cứu về tình dục,khoảng 70% cặp vợ chồng thỉnh thoảng gặp một vài trục trặc. Hầu hết phụ nữ không cảm thấy hứng thú tình dục ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Nhưng điều này không có nghĩa là họ đang có vấn đề về tình dục…” (angela.com.vn )
Tốt nhất là vợ chồng cần chia sẻ và cảm thông nhau trong những tình huống “lấn cấn” mà chỉ có hai người mới nhận ra được. Tình yêu và nhu cầu tình dục gắn liền nhau. Tình yêu giúp cho tình dục mặn nồng, và tình dục giúp cho tình yêu thăng hoa, tươi mới. Bất kỳ sự mất-hòa-hợp nào cũng phải trả giá, vì khi “vợ chồng không cùng nhịp và khi’chuyện ấy’ không hoà hợp sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt”.
6. Bên tình bên hiểu
Chuyện nàng dâu mẹ chồng không mới, và dường như lúc nào cũng là vấn đề “hot” trong các gia đình, nhất là gia đình lớn có nhiều thế hệ chung sống. Đa số các bạn trẻ ngày nay đã ý thức được điều đó nên đã chọn cuộc sống độc lập. Họ cố gắng tạo dựng cơ ngơi riêng để có thể sống riêng biệt, nhờ đó tránh được sự đụng chạm và mâu thuẫn giữa mẹ chồng với nàng dâu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những đôi bạn vì hoàn cảnh nào đó phải sống chung và vì thế rất khó tránh khỏi va chạm.
Một bài báo mới đây đã nhận định: “Mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở và là chủ đề bàn luận của rất nhiều thế hệ. Chưa bao giờ, mâu thuẫn gia đình, hôn nhân, mẹ chồng, con dâu lại trở nên căng thẳng như hiện tại. Chuyện con dâu, chuyện mẹ chồng và các mối quan hệ xung quanh gia đình nhà chồng luôn là chủ đề muôn thuở của chị em. Hàng ngày có biết bao nhiêu mâu thuẫn nhưng dường như mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu được chú ý và quan tâm rất nhiều… Dù biết rằng, mâu thuẫn ấy là khó tránh khỏi song làm cách nào để xóa bỏ những định kiến nhưng khúc mắc ấy để cuộc sống gia đình bình yên mới là điều quan trọng nhất…” (eva.vn *09/06/2012).
Trong chuyện này, ngoài mẹ chồng và nàng dâu, người con trai giữ vai trò quan trọng và luôn phải giằng co giữa tình và hiếu. Bởi thực tế có nhiều chàng vì thương mẹ mà mạt sát vợ mình, hay ngược lại, vì yêu vợ mà khinh thường cha mẹ mình. Chính trong những tình huống “tay ba” như thế, sự mâu thuẫn trở nên gay gắt và phức tạp.
Khá nhiều trường hợp, vì đôi bạn lúng túng không biết giải quyết thế nào cho ổn thỏa, mà gia đình trở nên bất hòa, xào xáo. Một đằng mẹ chồng bất bình cách xử sự của con dâu, một đằng con dâu không chịu đựng nổi sự “kềm kẹp” của mẹ chồng, một đằng người con trai không khôn khéo trong vai trò trung gian hòa giải, những rắc rối chồng chất khiến hạnh phúc và hòa khí đôi bạn khó bền vững. Lúc đó, từ những mâu thuẫn, bất đồng, đối kháng, việc ly hôn ly dị xảy ra giữa đôi bạn là điều khó tránh khỏi.
Vậy vấn đề đặt ra không phải là xóa bỏ hoàn toàn những xung đột xung quanh chuyện mẹ chồng nàng dâu, mà là tìm cách làm giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn giữa những thành viên cốt cán trong gia đình. Ông bà ta nói: “Một sự nhịn chín sự lành”, và có lời khuyên sau: “Thay đổi nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi của mình để giữa mẹ chồng, nàng dâu trở nên thân thiết như người ruột thịt. Những điều chỉnh xuất phát từ tình yêu thương chân thật luôn mang lại những kết quả tất đẹp. Sống trong sự êm đẹp cũng là mong ước của tất cả chúng ta chứ không riêng gì của hai đối tượng ‘mẹ chồng nàng dâu’…” (Thảo Trang, “Mẹ chồng nàng dâu: chuyện nhức đầu”, báo NLĐ 16-8-2003)./.
Aug. Trần Cao Khải
Lượt xem 122 Lần