Một số trường hợp phải dâng lễ tạ tội theo chương 5 sách Lêvi
10/17/2012 8:52:51 PM
Sự kiện nó không có câu mở đầu ”Giavê phán với ông Môshê rằng” khiến cho người ta có thể nghĩ rằng các câu 1-13 của chương 5 tiếp tục chương 4. Đặc biệt là phần hai các câu 7 tới 13 nói về lễ tạ tội cho một thường dân chắc chắn là phần tiếp theo của chương 4, vì người ấy không có khả năng tài chánh để mua chiên dê, mà chỉ có thể mua một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non. Như thế 6 câu đầu chương 5 là phần do soạn giả thêm vào mà không theo luận lý nào. Ngoài ra, kết cấu và nội dung của chúng thiếu chặt chẽ, các từ ngữ tế tự cũng không chính xác, thiếu các yếu tố lễ nghi như việc đặt tay trên đầu con vật, và việc đưa thêm vào yếu tố xưng thú tội lỗi, cho phép kết luận rằng chúng là các điều lệ hiện hữu độc lập với nhau, nhưng được soạn giả quy tụ lại với nhau vì tính cách phụng tự, trong khi tính cách pháp lý chỉ là phụ thuộc.
Phần đầu chương 5 sách Lêvi viết: ”Khi một người nào phạm tội, vì tuy là nhân chứng về một việc đã thấy hoặc đã biết, mà không chịu nói ra sau khi đã nghe lời khuyến cáo long trọng, thì nó phải mang lấy tội một mình;
hoặc khi một người nào đụng đến bất cứ vật gì ô uế – như xác chết một dã thú ô uế, xác chết một gia súc ô uế, xác chết một con vật ô uế – mà không biết, thì nó trở nên ô uế và mắc lỗi;
hoặc khi người ấy đụng đến một cái gì ô uế của người ta – những thứ ô uế khiến người ta trở nên ô uế – mà không biết, thì sau khi biết nó mắc lỗi;
hoặc khi một người nào lỡ lời mà thề làm điều gì bất kỳ tốt xấu – trong mọi điều một người có thể lỡ lời mà thề – nhưng không biết, thì sau khi biết, nó mắc lỗi về một trong những điều ấy.
Vậy khi ai mắc lỗi về một trong những điều trên, thì nó phải xưng thú tội lỗi mình đã phạm, rồi phải đưa đến dâng Giavê lễ vật đền tội vì tội đã phạm, là một con chiên cái hay một con dê cái làm lễ tạ tội, và tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó khỏi tội” (Lv 5,1-6).
Công thức ”Vậy khi ai mắc lỗi về một trong những điều trên, thì nó phải xưng thú tội mình đã phạm” cho phép nghĩ rằng đây là điều có tính cách pháp lý được thêm vào những gì đã nói trước đó. Nhưng nó không rõ ràng, vì không biết việc xưng thú đó liên quan tới những gì đã nói hay chỉ là một sự nhận lỗi chung chung, hoặc việc đọc một danh sách các tội, như thói quen của người Babilonia và người Assiri.
Tính cách tỉ mỉ và máy móc của lễ nghi tạ tội trong cựu ước không châm chước cho trường hợp nào hết, kể cả những trường hợp phạm tội mà không biết. Bình thường mà nói, khi không biết, tức không cố ý, thì không có lỗi, và không thể coi là tội, nhưng ở đây cũng vẫn tự động mắc tội.
Phần thứ hai của chương 5 đề cập tới lễ tạ tội cho một thường dân và là phần tiếp theo chương 4. ”Nếu người ấy không có phương tiện kiếm được chiên dê, thì vì tội đã phạm, nó phải đưa đến dâng Giavê lễ vật đền tội, là một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non, một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu. Nó sẽ đưa đôi chim đến cho tư tế. Trước tiên tư tế sẽ tiến dâng con chim làm lễ tạ tội; tư tế sẽ cấu đầu con chim ở gần gáy, nhưng không tách hẳn ra; tư tế sẽ rảy máu lễ vật tạ tội vào thành bàn thờ, phần máu còn lại sẽ được bóp vào chân bàn thờ. Đó là lễ tạ tội. Còn con thứ hai, tư tế sẽ dâng làm lễ toàn thiêu như luật định. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho nó khỏi tội đã phạm, và nó sẽ được tha”
Nếu người ấy không thể kiếm được một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non, thì vì tội đã phạm, nó phải đưa đến dâng lễ tiến, là bốn lít rưỡi tinh bột làm lễ tạ tội. Người ấy sẽ không đổ dầu lên trên, cũng không bỏ hương vào, vì đó là lễ tạ tội. Người ấy sẽ đưa đến cho tư tế, tư tế sẽ bốc một nắm làm phần kỷ vật dành cho Giavê và đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên các lễ hỏa tế dâng Giavê. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho nó, vì tội nó đã phạm trái với một trong những điều trên, và nó sẽ được tha. Tư tế sẽ có phần, như khi người ta dâng lễ phẩm” (Lv 5,7-13).
Hai trường hợp như kể trên đây dành cho các tín hữu nghèo không có khả năng tài chánh mua chiên dê làm của lễ tạ tội.
Phần ba của chương 5 các câu 14-26 đưa chúng ta vào trong một lãnh vực pháp lý khác liên quan tới một trường hợp gian lận trong một lãnh vực thánh thiêng. Các của thánh nói tới ở đây là các lễ tế nói chung và các phần dành cho các tư tế. Văn bản cũng đề cập tới các gian lận khác nhau trong lãnh vực dân sự. Các câu 14-19 nói về các tội vô tình, trong khi các câu 20-26 nói tới các tội cố ý. Nhưng sự khác biệt này không thay đổi các điều kiện để được ơn tha tội, vì trong cả hai trường hợp ngoài lễ vật đền tội còn phải trả thêm một phần năm nữa. Sự tha thứ gắn liền với yếu tố phụng vụ và việc bồi thường.
Chương 5 sách Dân Số cũng nói tới luật bồi hoàn như sau: ”Phàm ai, đàn ông hay đàn bà, vì bất trung với Giavê mà phạm một trong những tội người ta quen phạm, thì con người ấy phải chịu phạt. Nó phải xưng thú tội mình đã phạm và đền bù đầy đủ, ngoài ra còn phải trả thêm một phần năm nữa cho người mình đã làm thiệt hại. Nếu người này không có bà con gần để lãnh của bồi thường thiệt hại, thì vật bồi thường sẽ thuộc về Giavê, tức là thuộc về tư tế, chưa kể con dê xá tội phải dâng để làm nghi thức xá tội cho người mắc tội” (Ds 5,5-8).
Vào thời vua Joas cai trị Giuđa từ năm 835 đến 796 trước công nguyên, tiền lễ vật đền tội và bồi thường được dành cho các tư tế, nhưng không nộp vào Đền Thờ như viết trong chương 12 câu 17 sách các Vua II: ”Còn số bạc người ta xin lễ đền tội và lễ tạ tội, thì không nộp vào Nhà Giavê, số bạc ấy thuộc về các tư tế” (2 V 12,17).
Phần ba chương 5 sách Lêvi đề cập tới lễ đền tội và viết: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Khi một người nào bất trung, vô ý phạm đến những của thánh dành cho Giavê, thì phải đem dâng Giavê lễ vật đền tội, là một con chiên đực toàn vẹn bắt từ bầy chiên, giá trị bằng một số chỉ bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện – để làm lễ đền tội. Tội nó đã làm thiệt thánh điện bao nhiêu, nó sẽ phải đền, cộng thêm một phần năm, và nộp cho tư tế. Tư tế sẽ dùng con chiên đực dâng làm lễ chuộc tội mà cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ được tha” (Lv 5,14-16).
Liên quan tới con dê phải lượng gía trong một vài trường hợp người ta bắt phải trả bằng súc vật và cũng dự kiến là có thể tính ra tiền theo các lễ nghi đã thiết định. Vì thế kiểu nói trên đây cũng có thể dịch là ”có thể tính ra tiền, theo đơn vị của thánh điện”.
Chương 5 sách Lêvi đề cập tới một trường hợp phạm tội vô tình thứ hai, chỉ phải đền tội và có tính cách phụng tự, khác trường hợp đi trước và đi sau. Văn bản viết: ”Nếu một người nào phạm tội và vô tình làm một trong những điều mệnh lệnh Giavê cấm làm, thì nó mắc lỗi và phải mang lấy tội mình. Nó phải đưa đến cho tư tế một con chiên đực toàn vẹn bắt tư bầy chiên, giá trị như đã quy định, để làm lễ đền tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó về tội nó đã vô ý phạm mà không biết, và nó sẽ được tha. Đó là lễ đền tội; nó qủa là mắc tội với Giavê” (Lv 5,17-19).
Phần cuối cùng của chương 5 sách Lêvi trình bầy một trường hợp gian lận đối với người khác và bị coi là gian lận đối với Thiên Chúa. Văn bản viết: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Khi một người nào phạm tội bất trung với Giavê, vì đã từ chối không trả cho người đồng bào một vật ký thác, một vật gởi tay, hay một vật mất trộm, hoặc vì đã bóc lột người đồng bào, hoặc vì đã từ chối không trả một vật bắt được, khi nó đã thề gian về một trong những điều trên là những tội người ta có thể phạm, thì kẻ phạm tội và mắc lỗi như thế phải trả lại vật mình đã ăn trộm, hoặc của đã bóc lột, hoặc cái đã được ký thác cho mình, hoặc vật bị mất mà mình đã bắt được, hoặc bất cứ vật nào mà nó đã thề gian là không giữ. Nó phải đền đầy đủ, cộng thêm một phần năm và phải nộp cho chủ của, ngày mà nó dâng lễ đền tội. Nó phải đem dâng Giavê lễ vật đền tội, là một con chiên đực toàn vẹn bắt từ bầy chiên, giá trị như đã quy định, nộp cho tư tế làm lễ vật đền tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó trước nhan Giavê, thì nó sẽ được tha, bất kể nó đã làm gì khiến mình mắc lỗi”.
Trường hợp trên đây cho thấy một trong những nét đẹp nhất của luật tế tự do thái. Đó là các tội chống lại tha nhân cũng bị coi như là các tội chống lại chính Thiên Chúa, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Người, và là con cái Thiên Chúa. Phẩm giá con người phát xuất từ đó, và chính nó phải là điểm quy chiếu cho tất cả mọi tương quan giữa con người với nhau. Nét đẹp thứ hai trong văn bản nói trên là việc trả lại và bồi thường không được chậm trễ, ngay trnog ngày dâng lễ, vì nó là điều kiện để của lễ đền tội được chấp nhận. Trên bình điện này luật tế tự do thái đạt đỉnh cao thần học, tu đức, nhân chủng và xã hội học, mà các bộ luật tân tiến ngày nay cũng không sánh kịp.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1117)
Linh Tién Khải
Lượt xem 142 Lần