Mặc Khải và Truyền Thống trong nội dung đức tin Kitô giáo
7/11/2013 6:41:52 PM
Giới thiệu
Theo đức tin Kitô Giáo, Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ hiệp thông nội tại, mà còn hiệp thông trong công trình cứu độ.[1] Qua muôn thế hệ, các kitô hữu nhận ra rằng họ đang thừa kế, giao tiếp và lưu truyền những gì Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử. Đặc biệt, họ có kinh nghiệm sâu xa về mối tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống. Đồng thời, họ xác tín rằng Mặc Khải và Truyền Thống dẫn họ vào cuộc đối thoại liên vị và vĩnh cửu với Thiên Chúa, Đấng mà họ đã và đang hướng về như là nguồn gốc và cùng đích của chính mình và toàn thể thế giới thụ tạo.[2]
Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt trình bày Mặc Khải và Truyền Thống trong nội dung đức tin Kitô Giáo theo các mục sau: (1) Hiểu biết tổng quát về Mặc Khải và Truyền Thống, (2) Tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống, (3) Sự ổn định và năng động của Mặc Khải và Truyền Thống, (4) Tương quan giữa Giáo Hội, Mặc Khải, và Truyền Thống, và (5) Một số khó khăn trong việc tiếp cận Mặc Khải và Truyền Thống
1. Hiểu biết tổng quát về Mặc Khải và Truyền Thống
Theo Kinh Thánh, do bản tính sa ngã, con người không thể biết Thiên Chúa cách trực tiếp. Bởi yếu tính siêu việt của mình, chừng nào Thiên Chúa còn ‘thinh lặng’, con người khó có thể tiếp cận và đi vào mối hiệp thông với Người, cũng như thiết lập các tương quan trong thế giới thụ tạo. Nhờ Mặc Khải, Thiên Chúa không còn được xem như Hữu Thể Trừu Tượng của các triết gia hay Đấng ngự trong thế giới linh tượng của Platon. Nhờ Mặc Khải, Thiên Chúa không còn được xem như Thực Tại Tối Cao bàng bạc trong vũ trụ quan của một số nền văn hóa, tôn giáo, triết lý Đông Phương hay trong quan niệm của thuyết Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân: Trời, Đất, Người), của Á Đông. Nhờ Mặc Khải, con người có thể tiếp cận, hiểu biết, và yêu mến Thiên Chúa.
Mặc Khải khởi đi từ Thiên Chúa và thể hiện trong môi trường thụ tạo tới mức con người có thể cảm nghiệm, diễn tả, và trao đổi được. Mặc Khải mang chiều kích thời gian, không gian, lịch sử, và phù hợp với kinh nghiệm của con người. Thánh Tôma cho rằng con người, với khả năng tự nhiên của mình, có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua các tạo vật.[3] Nói cách rõ ràng hơn, kinh nghiệm của con người, dù bị màn đen của tội lỗi che phủ, vẫn có thể nhận biết Thiên Chúa. Giáo lý của nhiều tôn giáo trong lịch sử nhân loại cũng minh chứng điều này. Tuy nhiên, theo đức tin Kitô Giáo trong mọi hoàn cảnh Thiên Chúa luôn ‘đi bước trước’ trong tiến trình con người nhận thức sự hiện diện và hoạt động của Người.
Kinh Thánh Cựu Ước diễn tả sự ‘giao tiếp’ của Thiên Chúa với thụ tạo ngay từ buổi đầu tạo dựng và tiếp tục trong lịch sử. Tuy nhiên, sự giao tiếp này vẫn còn tiềm ẩn. Theo đức tin Kitô Giáo (cũng như Do Thái Giáo và Hồi Giáo), sự giao tiếp của Thiên Chúa với nhân loại cách cụ thể được khởi đi từ Abraham, tổ phụ của dân tộc Do Thái. Với Abraham, Thiên Chúa mở ra chương mới trong mối tương quan với nhân loại. Thiên Chúa của muôn loài muôn vật đã trở thành Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Jacob. Để thực hiện chương trình Mặc Khải trọn vẹn, Thiên Chúa đã ‘hội nhập’ vào môi trường con người cùng với các điều kiện trong môi trường đó nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-t
Với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa biểu lộ chính mình vừa là Thiên Chúa sáng tạo vừa là Thiên Chúa cứu độ.[4] Với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cho phép con người nhận biết Người theo cách thức có thể của thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Người (St 1,26-27). Với Đức Giêsu Kitô, tiêu điểm của mối tương quan giữa Thiên Chúa và thụ tạo, hay cụ thể hơn, giữa Thiên Chúa với con người được xác định. Với Đức Giêsu Kitô, hệ luận rằng Mặc Khải được diễn tả đầy đủ khi được sinh ra trong ý thức của con người và được tiếp nhận bởi tâm trí sống động, trở thành hiện thực.[5]
Mặc Khải viên mãn được thực hiện trong và qua Đức Giêsu Kitô và được tích hợp trong Tin Mừng. Tuy nhiên, Tin Mừng không phải là cuốn sách chứa đựng tất cả các dữ kiện Mặc Khải về Thiên Chúa, về con người, và về tương quan giữa Thiên Chúa và con người, cũng như các tương quan khác mà Đức Giêsu Kitô rao giảng. Tin Mừng không bao trùm toàn bộ các chiều kích Mặc Khải và nhận thức của con người về Mặc khải trong Tin Mừng cũng rất giới hạn.[6] Nói cách khác, cho dù con người sử dụng tất cả các quan năng của mình, sự tiếp cận Mặc Khải của con người vẫn luôn khiếm khuyết bởi vì Mặc Khải không đơn thuần chỉ là đối tượng của tri thức thuần túy. Mặc Khải của Thiên Chúa được biểu lộ qua các môi trường, qua các biến cố, qua các dấu chỉ, và nhờ đó, con người có thể hướng về Thiên Chúa. Con người tiếp cận Mặc Khải bằng đức tin từ Truyền Thống của Giáo Hội.
Với một số người, nói đến Truyền Thống là nói đến những ‘giáo lý cũ kỹ’ hay những gì mang ‘tính bảo thủ’ của Giáo Hội.[7] Với một số người khác, nói đến Truyền Thống là nói đến những ‘sản phẩm của quyền bính’ chứa đựng nhiều lầm lỗi của con người.[8] Truyền Thống được cho là kỳ cục, đầy chuyện đời, và thiếu sáng tạo. Họa chăng, Truyền Thống có một số giá trị lịch sử nào đó mà thôi. Theo họ, chỉ có Mặc Khải là nguồn của đức tin chân chính, còn những thứ khác không quan trọng, thậm chí làm cho đức tin trở nên sai lạc. Đó là lý do tại sao người ta cho rằng Kinh Thánh (hàm chứa các dữ kiện của Mặc Khải) vượt trội hơn so với Truyền Thống (hàm chứa những can thiệp vô bổ, thậm chí nguy hại, của con người). Do đó, vì lợi ích của Mạc Khải, người ta cần loại bỏ những sản phẩm Truyền Thống vương nhiều thiếu sót, lầm lỗi của con người.
Khi đề cập đến Truyền Thống, Cha Yves Congar phân biệt giữa Truyền Thống và các truyền thống (Tradition and traditions). Theo đó, ‘Truyền Thống’ (Tradition, ‘T’ hoa), đề cập đến Truyền Thống Căn Bản của nội dung đức tin Kitô Giáo trong tương quan với Kinh Thánh và Huấn Quyền, trong khi các ‘truyền thống’ (traditions, ‘t’ thường), đề cập đến ‘truyền thống’ trong những phạm vi cụ thể, chẳng hạn, truyền thống Giáo Hội Đông Phương, truyền thống giáo phụ, truyền thống phụng vụ, v.v… Cũng theo cha Yves Congar, Truyền Thống bao gồm nội dung truyền đạt và hành vi truyền đạt, trong đó, nội dung truyền đạt thường được hiểu theo nghĩa khách quan và hành vi truyền đạt thường được hiểu theo nghĩa tích cực.[9]
Truyền Thống có khi lại được hiểu như là việc giải thích Kinh Thánh và làm cho sứ điệp của Kinh Thánh đến với các tín hữu. Chẳng hạn, Truyền Thống chính yếu là các tác phẩm trong thời kỳ hậu Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội trong các Công Đồng Chung. Truyền Thống cũng được diễn tả trong đời sống nội tại của Giáo Hội cũng như các cách thức Giáo Hội biểu lộ bên ngoài trong việc thờ phượng và các hình thức khác trong sứ mệnh của Giáo Hội. Truyền Thống diễn tả đức tin của Giáo Hội cũng là đức tin của các kitô hữu.[10] Truyền Thống cho phép sự tiếp nối đức tin sống động của quá khứ trong hiện tại và tương lai.[11]
Theo một nghĩa nào đó, Truyền Thống bắt nguồn từ Mạc Khải. Nhờ Truyền Thống, Mặc Khải được đón nhận, trao đổi, và lưu truyền trong dòng lịch sử. Đó là lý do tại sao khi nói đến nội dung đức tin Kitô Giáo, người ta đặt Kinh Thánh trong tương quan mật thiết với Truyền Thống cùng với Huấn Quyền của Giáo Hội. Như thế, Truyền Thống không phải là sản phẩm thuần túy của con người, bởi vì Thiên Chúa luôn hoạt động trong Truyền Thống, và nhờ Truyền Thống Thiên Chúa làm cho Mặc Khải được đón nhận trong môi trường nhân loại. Căn tính của Truyền Thống vẫn còn đó, tuy nhiên, cách thức diễn tả Truyền Thống có thể khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của con người.[12]
Theo một nghĩa khác, trong tương quan với Kinh Thánh, xét về mặt lịch sử, Truyền Thống có trước Kinh Thánh và là nguồn cho sự ra đời của Kinh Thánh. Không những thế, Truyền Thống tiếp tục là phương tiện giải thích và mở rộng sự hiểu biết về Kinh Thánh. Truyền Thống cho phép Giáo Hội tập chú vào Mặc Khải để bảo vệ lập trường của mình trong hành trình đức tin.[13] Có thể nói rằng Truyền Thống là nỗ lực của con người chấp nhận và truyền đạt Mặc Khải của Thiên Chúa. Truyền Thống cho phép nội dung đức tin Kitô Giáo được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác mà không phương hại căn tính của mình. Nói cách khác, Truyền Thống cho phép nội dung đức tin Kitô Giáo kết nối và trung thành với di sản của quá khứ trong khi lược bỏ những gì không thích hợp nảy sinh từ bối cảnh văn hóa, tôn giáo, xã hội, nhằm diễn tả nội dung đức tin Kitô Giáo cách phù hợp nhất cho người thời đại.
2. Tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống
Như được đề cập ở trên, có những nhận định tiêu cực trong mối tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống. Theo đó, Mặc Khải và Truyền Thống được xem là hai thực tại ngược nhau, Mạc Khải thì thượng xuất (from above), còn Truyền Thống là hạ khởi (from below). Mặc Khải xuất phát từ Thiên Chúa, trong khi Truyền Thống xuất phát từ con người. Vì muốn làm nổi bật Mặc Khải so với Truyền Thống, người ta cho rằng Mặc Khải là siêu việt, trong khi Truyền Thống là lịch sử pha trộn những chuyện trần gian, mê lầm, phàm tục. Mặc Khải vượt thời gian và có mặt ở khắp mọi nơi, trong khi Truyền Thống ‘mọc lên’ từ địa phương, từ xã hội loài người cụ thể. Nói cách khác, Mặc Khải hoàn toàn xuất phát từ bên trên, bên ngoài như là quà tặng của Thiên Chúa, trong khi Truyền Thống xuất phát từ bên dưới, bên trong khung cảnh của con người. Tắt một lời, Mặc Khải là của Chúa, Truyền Thống là của con người. Ở tình trạng tốt nhất, Truyền Thống chỉ có thể phụ thuộc vào Mặc Khải mà thôi.
Trong thực tế, theo một nghĩa nào đó chúng ta có thể nói rằng Mặc Khải chính là tình trạng động của Truyền Thống và Truyền Thống chính là tình trạng tĩnh của Mặc Khải. Mặc Khải và Truyền Thống tương kết nhau. Truyền Thống là tập hợp các điều kiện cho phép Mặc Khải thành hình và thể hiện; Mặc Khải tương tác với Truyền Thống và cho phép Truyền Thống được lớn lên về mặt ý nghĩa và giá trị. Bao lâu Truyền Thống không đáp trả, Mặc Khải vẫn xa lạ đối với con người. Thông qua Truyền Thống, Mặc Khải biểu lộ trong môi trường của con người và tham gia vào môi trường đó. Truyền Thống còn là ‘phương tiện’ cần thiết cho phép Mặc Khải cắm rễ và sinh hoa trái. Chúng ta có thể dùng hình ảnh cây và đất để nói về tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống: Mạc Khải mà không có Truyền Thống như cây trồng không có đất; Truyền Thống mà không có Mặc Khải như đất trồng không có cây vậy! Chúng ta không thể hiểu Mặc Khải theo cách nào khác hơn là cách Truyền Thống. Mặc Khải là hành động tự do của Thiên Chúa, nhưng Mặc Khải không thể tồn tại bên ngoài kinh nghiệm con người thông qua sự tiếp nối Truyền Thống.[14]
Theo một nghĩa khác, Truyền Thống tương đương với Mặc Khải.[15] Nguyên nhân sâu xa và đầu tiên của Mặc Khải và Truyền Thống là chính Thiên Chúa. Truyền Thống là sự đáp trả đầu tiên cho thực thể đầu tiên của Mặc Khải Thiên Chúa. Nói cách khác, Mặc Khải đầu tiên được truyền đạt bởi một Truyền Thống đầu tiên tương ứng. David Coffey nhận định rằng “sự thật sâu thẳm nhất của Truyền Thống đó là Chúa Cha truyền cho Chúa Con trong Hồng Ân Chúa Thánh Thần từ thế hệ này đến thế hệ khác trong Giáo Hội qua các hành động của thừa tác vụ mình.”[16] Nhận định này có thể xem như việc mô tả sức sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như sự liên kết của Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ. Nói cách khác, như Yves Congar, “Truyền Thống … từ nguyên khởi, không gì khác hơn Thiên Chúa.”[17] Vì vậy, chúng ta có thể hiểu Truyền Thống và Mặc Khải là hai thực tại phân biệt nhau nhưng tương đương nhau về nguồn gốc và tầm quan trọng.
Truyền Thống và Mặc Khải không tách biệt nhau hoặc đứng cạnh bên nhau, nhưng ở trong nhau, hòa quyện vào nhau để cùng diễn tả sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Mặc Khải không tự trình bày mình trong một nơi không có địa chỉ, nhưng dựa trên Truyền Thống và kinh nghiệm của con người để diễn tả ý định của Thiên Chúa, Đấng biểu lộ sự hiệp thông nội tại của mình cũng như sự hiệp thông với thế giới thụ tạo trong chương trình cứu độ. Mặc Khải là ý muốn của Thiên Chúa và Truyền Thống diễn tả sự đáp trả của con người đối với Thiên Chúa. Mặc Khải biểu hiện cách trung thực trong Truyền Thống và ‘định dạng’ Truyền Thống phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Đến lượt mình, Truyền Thống định dạng và làm cho Mặc Khải hoạt động để mang lại giá trị cũng như ý nghĩa trong hoàn cảnh cụ thể.
Lịch sử Mặc Khải và Truyền Thống Kitô Giáo khởi đi từ Abraham, dòng dõi của ông, tới các vua, các tư tế, ngôn sứ và các biến cố khác trong hành trình của dân Do Thái. Những con người, sự kiện và biến cố đó nhằm dọn đường chuẩn bị cho ‘biến cố Đức Kitô’.[18] Tách khỏi Đức Kitô, người ta không thể có sự giải thích thống nhất của Kinh Thánh, cũng như tương quan giữa Mặc Khải và Truyền Thống. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử của cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa. Chính Truyền Thống vừa lưu truyền cuộc đối thoại này, vừa ‘tạo dáng’ cho Kinh Thánh; vừa đặt nền tảng trên Kinh Thánh, vừa giải thích Kinh Thánh. Như thế, Kinh Thánh được xem như ‘hoa trái’ của sự tương tác giữa Mặc Khải và Truyền Thống. Chúng ta cũng nói rằng kinh nghiệm Mặc Khải được tìm thấy trong Truyền Thống và Kinh Thánh. Nói tóm lại, cả Kinh Thánh và Truyền Thống trở thành phương tiện hữu hiệu cho Mặc Khải.
Từ Kinh Thánh, chúng ta học biết rằng muôn vật muôn loài có cùng một khởi điểm, cùng một lịch sử phát triển, và cùng một chân trời cánh chung. Trong tiến trình này, Thiên Chúa không chỉ hiệp thông với các thụ tạo bằng ân sủng hoặc bằng các dấu chỉ, hoặc ‘nói’ với các thụ tạo, mà còn hành động giữa các thụ tạo nhằm mang ơn cứu độ phổ quát đến cho tất cả.[19] Truyền Thống in dấu Mặc Khải của Thiên Chúa, thể hiện qua việc chuẩn bị, thực hiện, và lưu truyền trong lịch sử. Việc chuẩn bị trong Cựu Ước với sự kêu gọi Abraham và các thế hệ sau ông, việc thực hiện được hoàn thành trong ‘biến cố Đức Kitô’, và lưu truyền được diễn tả trong căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội, thực tại được Đức Kitô thiết lập, ủy thác, và sai đi. Giáo Hội tiếp tục với Truyền Thống để chuyển tải Mặc Khải, và làm cho Mặc Khải được đón nhận bởi tất cả mọi người.
Liên quan đến đức tin của cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội, chúng ta nói rằng đối tượng của đức tin là Mặc Khải, nhưng không phải Mặc Khải theo nghĩa độc lập hoàn toàn với bối cảnh lịch sử. Đối tượng của đức tin cũng là Truyền Thống bởi vì Truyền Thống là sự biểu hiện của Mặc Khải. Theo đó, chúng ta không thể nhìn nhận Mặc Khải nếu chúng ta đứng bên ngoài Truyền Thống. Mặc Khải và Truyền Thống hiệp nhất với nhau và trở thành nội dung của đức tin, cũng như nội dung của các tuyên tín thần học của Giáo Hội.
Mặc Khải và Truyền Thống trước tiên không phải là những thông tin được công tức hóa nằm nuôi dưỡng đời sống trí tuệ của con người. Nhờ đức tin và việc tìm kiếm không ngừng nghỉ, con người nhận thức rằng Mặc Khải và Truyền Thống luôn năng động và sáng tạo theo mẫu năng động và sáng tạo của Thiên Chúa nhằm giúp họ vừa gìn giữ, vừa mở ra những cơ hội mới mẻ trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ đức tin và việc tìm kiếm không ngừng nghỉ, con người nhận thức rằng Mặc Khải và Truyền Thống, cùng một lúc, biểu lộ vai trò của chúng trong lịch sử như là các tác nhân chủ đạo hướng dẫn đức tin của con người, đồng thời định hướng cho bước tiến của họ về tương lai. Sự kết hợp hài hòa giữa Mạc Khải và Truyền Thống là điều kiện không thể thiếu được cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội, thực tại tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa trên trần gian.
3. Sự ổn định và năng động của Mặc Khải và Truyền Thống
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng con người có xu hướng quan tâm nhiều hơn các thực tại quy phạm, đơn giản, và dễ hiểu so với các thực tại năng động, phức tạp, và khó hiểu. Tương tự như vậy, liên quan đến Mặc Khải và Truyền Thống, con người thường chú ý đến kết quả của chúng, hơn là quá trình hình thành, trao đổi, vào lưu truyền của chúng. Khi con người càng quan tâm nhiều đến sự kết hợp hoặc ổn định của Mặc Khải và Truyền Thống, họ càng quan tâm ít đến tính năng động phức tạp của chúng trong môi trường nhân loại. Nhìn lại lịch sử, không nghi ngờ gì nữa, ‘cường độ’ và ‘tầm mức’ của Mặc Khải và Truyền Thống không giống nhau ở mọi thời và mọi nơi.
Thật ra, Mặc Khải và Truyền Thống không xuất hiện như những hiện tượng, biến cố, hoặc thời điểm rời rạc trong dòng lịch sử, nhưng luôn nhất quán, đồng thời, vừa hiện thực vừa mầu nhiệm. Con người với khả năng giới hạn của mình không thể nhận ra tất cả các chiều kích của Mặc Khải và Truyền Thống. Như được trình bày ở trên, nói rằng con người có khả năng tíếp cận Mặc Khải và Truyền Thống không có nghĩa rằng con người có khả năng nắm bắt đầy đủ thực tại Mặc Khải và Truyền Thống, đồng thời mô tả chúng. Sự viên mãn của Mặc Khải và Truyền Thống Cựu Ước được thể hiện trong ‘biến cố Đức Kitô’. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Thiên Chúa ‘dừng’ Mặc Khải để con người tiếp tục với Truyền Thống trong Tân Ước. Đành rằng Mặc Khải và Truyền Thống có dạng thức cơ bản của chúng nhờ ‘biến cố Đức Kitô’, tuy nhiên, dạng thức này không thể được diễn tả cách đầy đủ bởi kinh nghiệm và ngôn ngữ giới hạn của con người.
Nội dung của Mặc Khải và Truyền Thống vượt quá khứ và hiện tại để có thể tương thích với tất cả các hoàn cảnh khác nhau của nhân loại. Xét về tính năng động, chúng ta có thể nói rằng việc tự Mặc Khải của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở Kinh Thánh và cụ thể là ‘biến cố Đức Kitô’ theo nhận thức của con người. Sự hiểu biết này có thể xem như câu trả lời cho câu hỏi về cách thức ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi thế hệ mà không phụ thuộc vào ý thức của con người. Trong thực tế, con người không chỉ sở đắc một số khái niệm rời rạc về Mặc Khải, Truyền Thống, và cấu trúc của chúng, mà còn kinh nghiệm và hiểu biết về Mặc Khải và Truyền Thống. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự hiểu biết chính yếu của con người về Mặc Khải và Truyền Thống là nỗ lực của đức tin và lý trí, chứ không đơn thuần chỉ là nỗ lực của lý trí.
Mặc Khải và Truyền Thống vừa siêu, vượt không gian và thời gian, vừa hiện diện trong không gian và thời gian. Theo đó, Mặc Khải và Truyền Thống vừa ổn định về căn tính, vừa năng động về hình thái để có thể tiếp cận bất cứ hoàn cảnh nào của môi trường con người. Mặc Khải và Truyền Thống năng động để chúng luôn là chúng hầu có thể hiện diện cách nội tại trong kinh nghiệm của con người. Mặc Khải luôn là hành vi của cùng một Thiên Chúa, Đấng không ngừng bày tỏ tình yêu của mình đối với con người. Truyền Thống luôn là sự diễn tả mối quan hệ trường cửu giữa Thiên Chúa và con người qua các thế hệ. Căn tính của Mặc Khải và Truyền Thống luôn ổn định, trong khi các biểu hiện bên ngoài, vốn chịu tác động bởi các yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội có thể thay đổi dạng thức trình bày và phát triển.
Sự thật của Mặc Khải, được diễn tả bởi Truyền Thống trong đời sống đức tin của Giáo Hội, là sự thật trong quá trình hình thành và tăng trưởng được nối kết với các yếu tố khác trong thế giới nhân sinh.[20] Do đó, như đã được đề cập ở trên, Mặc Khải và Truyền Thống diễn tả cùng một thực thể của việc tự truyền thông của Thiên Chúa, của ‘biến cố Đức Kitô’ và của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người theo những cách thức khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta nhận thức rằng các Tông Đồ cũng như các kitô hữu thời hậu Kinh Thánh hiểu Cựu Ước theo những cách thức mới mẻ hơn so với những người Do Thái.[21] Tương tự như thế, các kitô hữu trong thời đương đại có những hiểu biết mới mẻ hơn về Kinh Thánh so với các kitô hữu trước thời Khai Sáng (the Englightenment).
Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nói rằng “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Mô hình đức tin này không có gì thay đổi trong lịch sử Giáo Hội. Điều chắc chắn rằng nhờ những cố gắng trong việc phân tích, chú giải, và lượng định, sự hiểu biết và kinh nghiệm của Giáo Hội về những lời này của thánh Phaolô ngày càng được đầy đủ hơn. Chẳng hạn, từ ‘Ba Ngôi’ không hề xuất hiện trong những lời trên, cũng không xuất hiện trong bất cứ bản văn nào của Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung được ‘bóng dáng’ của giáo lý về Chúa Ba Ngôi trong những lời trên. Như thế, chúng ta có thể xem đức tin của Giáo Hội là thực thể tích hợp, đồng hóa, và lượng định Mặc Khải và Truyền Thống, cùng những gì đã được công bố trong quá khứ. Đức tin của Giáo Hội dựa trên Mặc Khải và Truyền Thống không chỉ mang tính lãnh nhận, tiếp tục, lưu truyền mà còn mang tính bổ sung, phát triển, và ‘sáng tạo’ nhằm làm cho Giáo Hội ngày càng thể hiện cách đầy đủ hơn vai trò của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong Giáo Hội, khi nói về Truyền Thống, người ta thường đề cập nhiều hơn đến các công trình viết của các Giáo phụ, những người kế vị các Tông Đồ và giữ vai trò hàng đầu trong đức tin. Các kitô hữu hướng về các ngài và tập chú vào đức tin mà các ngài đã thực hành và truyền lại cho Giáo Hội. Sự trở về nguồn của đức tin là rất quan trọng, bởi vì đức tin của các giáo phụ là mẫu mực đức tin của mỗi cá nhân cũng như của cộng đoàn Giáo Hội. Đức tin của các giáo phụ là đức tin dựa trên Mặc Khải và Truyền Thống hội tụ ở ‘biến cố Đức Kitô’. Chính đức tin này làm cho Giáo Hội phân biệt với các tổ chức trần thế khác trong xã hội loài người. Chính đức tin này ‘định dạng’ Giáo Hội cũng như chính Giáo Hội ‘định dạng’ đức tin này trong quá trình hình thành, tồn tại, và phát triển của mình.
4. Tương quan giữa Giáo Hội, Mặc Khải, và Truyền Thống
Các kitô hữu ý thức rằng Giáo Hội hôm nay là sự tiếp nối lịch sử của Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập, và được xây dựng bởi các Tông Đồ, những người đã nhận ra Mặc Khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước và sự viên mãn của Mặc Khải trong Tân Ước. Trong giai đoạn đầu, đức tin của các kitô hữu được hình thành nhờ sự tích hợp của hai Giao Ước, Cựu Ước và Tân Ước. Trong giai đoạn hai, đức tin của các kitô hữu được tích hợp bởi đời sống của các thánh Tông Đồ và đời sống của Giáo Hội từ thời hậu Kinh Thánh trở về sau. Vì vậy, trong giai đoạn hai, đức tin sống động của các kitô hữu mang cả hai chiều kích, chiều kích Tông Đồ và chiều kích Giáo Hội.[22] Tuy nhiên, các kitô hữu có xu hướng chú ý đến những gì được bắt nguồn từ Tin Mừng qua các Tông Đồ, hơn là những gì xuất hiện trong đời hậu Tông Đồ của Giáo Hội.
Chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đến theo Truyền Thống, làm cho Mặc Khải chung quyết được hiện diện và hoạt động (Mt 5,17-18).[23] ‘Biến cố Đức Kitô’ là bước ngoặt huyền diệu trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, nhờ đó Mặc Khải và Truyền Thống được diễn tả cách đầy đủ và ý nghĩa nhất. Sự kết hợp mầu nhiệm giữa thần tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô có thể xem là ‘mô hình’ cho sự kết hợp giữa Mặc Khải và Truyền Thống vậy. Thần tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô phân biệt nhau, nhưng không tách biệt. Tương tự như vậy, Mặc Khải và Truyền Thống phân biệt nhau, nhưng không tách biệt. Mặc Khải định nghĩa Truyền Thống và Truyền Thống định nghĩa Mặc Khải. Cũng như Đức Giêsu Kitô vừa siêu việt vừa lịch sử, Mặc Khải và Truyền Thống vừa siêu việt vừa lịch sử, và Giáo Hội vừa siêu việt vừa lịch sử.
Kinh Thánh và Truyền Thống từng được xem là ‘hai nguồn’ Mặc Khải (các thần học gia hậu Công Đồng Trentô (1545-1563) cho mãi tới Công Đồng Vatican II), trong đó Kinh Thánh bao gồm các tác phẩm viết, vốn được quy điển hóa bởi thẩm quyền Giáo Hội, còn Truyền Thống chủ yếu là các tác phẩm của các Giáo Phụ và giáo huấn của các Công Đồng Chung trong quá khứ. Tuy nhiên, như đã được đề cập ở trên, Kinh Thánh và Truyền Thống nối kết nhau, ở trong nhau và giải thích cho nhau. Cụ thể hơn, Kinh Thánh và Truyền Thống đều bắt nguồn từ Mặc Khải của Thiên Chúa, từ nguồn duy nhất này, chứ không phải là hai nguồn song song nhau. Kinh Thánh chính là Truyền Thống hàm chứa Mặc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử và lưu truyền trong lịch sử được viết ra, hay Kinh Thánh chính là văn tự đúc kết của Truyền Thống. Nói cách khác, Kinh Thánh chính là Lời của Thiên Chúa trong cách trình bày Truyền Thống của Giáo Hội trong bối cảnh văn hóa, xã hội nhất định. Ngày 20 tháng 11 năm 1962, khi họp bàn về Mặc Khải, các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II đã từ chối lược đồ ‘Các Nguồn Mặc Khải’, thay vào đó là lược đồ đơn giản ‘Mặc Khải’. Lược đồ ‘Mặc Khải’ này được khai triển trong Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải Của Thiên Chúa Dei Verbum của Công Đồng Vatican II. Hiến Chế này được chuẩn nhận bởi các Nghị Phụ và được công bố bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ngày 18 tháng 11 năm 1965.
Chúng ta cũng nói rằng Qui Điển Kinh Thánh chính là nội dung của Mặc Khải. Điều này không có nghĩa rằng Kinh Thánh là hoàn toàn tương đương với Mặc Khải hoặc bao trùm Mặc Khải. Thực ra, như đã được đề cập ở trên, Mặc Khải của Thiên Chúa không chỉ gói gọn trong Qui Điển Kinh Thánh, mà còn hiện diện trong các thực thể khác mà con người có thể cảm nghiệm được. Chúng ta có thể nói rằng Mặc Khải trong Kinh Thánh là Mặc Khải cơ bản, Mặc Khải Chính Yếu và rằng các hình thức Mặc Khải khác của Thiên Chúa không xa lạ với Mặc Khải trong Kinh Thánh và tìm được tiếng nói chung với Mặc Khải trong Kinh Thánh. Mặc Khải trong Kinh Thánh được thiết lập, giải thích và áp dụng bởi Truyền Thống trong Giáo Hội. Tầm mức của Mặc Khải và Truyền Thống lớn hơn những gì được cụ thể hóa trong các bản văn Kinh Thánh, các tác phẩm của các Giáo Phụ, và Huấn Quyền, cùng các tài liệu khác.
Chính Truyền Thống diễn tả đức tin của Giáo Hội qua hành động, lối sống, giảng dạy, và các nghi thức phụng tự. Truyền Thống làm cho Mặc Khải hòa hợp với bối cảnh cụ thể trong sứ mệnh Giáo Hội. Sự thống nhất nội tại của Mặc Khải và Truyền Thống cho phép Giáo Hội luôn là thực tại sống động giữa lòng thế giới nhằm biến đổi thế giới và những gì trong đó. Về phần mình, Giáo Hội được Thiên Chúa ủy thác làm cho nội dung của Mặc Khải và Truyền Thống ngày càng sáng rõ hơn trong đời sống mình nhằm mang lại lợi ích cho các thành viên trong Giáo Hội và tất cả mọi người mà Giáo Hội quan tâm.[24]
Chính Mặc Khải và Truyền Thống quyết định đức tin của cá nhân và cộng đoàn. Do đó, là kitô hữu nghĩa là tiếp nhận Mặc Khải trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội.[25] Vì lợi ích của các kitô hữu cùng với kinh nghiệm và những gì làm nên cuộc sống họ, Mặc Khải và Truyền Thống cần được giải thích và tiếp tục được giải thích trong Giáo Hội. Bằng cách tập chú vào Mặc Khải và Truyền Thống trong Giáo Hội, các kitô hữu sẽ được nuôi dưỡng và sinh hoa trái trong tình huynh đệ với các thành viên khác của cộng đoàn Giáo Hội.
Chúng ta nói rằng Mặc Khải và Truyền Thống được nhận ra bởi Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội không sở hữu Mặc Khải và Truyền Thống mà là nơi Mặc Khải và Truyền Thống hiện diện và hoạt động. Giáo Hội đồng hóa Mặc Khải và Truyền Thống trong giáo lý và đời sống mình. Đồng thời, Giáo Hội ý thức rằng Truyền Thống không thể được xem như là một nguồn phụ trội của Mặc Khải.[26] Tương tự như thế, Truyền Thống cũng không thể được xem như là thực thể hoàn toàn thuộc Huấn Quyền của Giáo Hội.[27] Sự thống nhất nội dung đức tin Kitô Giáo gồm Kinh Thánh, Truyền Thống, và Huấn Quyền cần được nhìn nhận và khai triển. Người ta không thể tách rời chúng mà không có bất kỳ phương hại nào đến tính duy nhất của đức tin Giáo Hội.
Nhờ sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội diễn tả Truyền Thống liên tục của kho tàng Mặc Khải, vốn được hoàn thiện bởi Đức Giêsu Kitô trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.[28] Trong sự phát triển của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính làm cho Mặc Khải trở nên rõ ràng hơn và bảo tồn Truyền Thống khỏi sai lạc. Nhờ sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn thể hiện căn tính của mình dựa trên Mặc Khải và Truyền Thống trong cuộc đối thoại liên lỉ với các thực tại hay thay đổi khác trong xã hội loài người.[29]
5. Một số khó khăn trong việc tiếp cận Mặc Khải và Truyền Thống
Những khó khăn trong việc tiếp cận và nhận thức Mặc Khải và Truyền Thống luôn hiện diện. Các câu hỏi có thể đặt ra là: Bằng cách nào con người với kinh nghiệm hạn chế của mình lại có thể tiếp cận chân lý Mặc Khải siêu việt? Bằng cách nào con người với ngôn ngữ eo hẹp lại có thể diễn tả thực tại Truyền Thống? Thực ra, việc tích lũy kinh nghiệm và phát triển ngôn ngữ không chỉ lệ thuộc không gian, thời gian mà còn nhiều yếu tố khác nữa.[30] Những lệ thuộc đó ảnh hưởng khá lớn đến sự tiếp nhận, trao đổi, và lưu truyền Mặc Khải và Truyền Thống trong Giáo Hội. Câu hỏi khác có thể đặt ra: Đâu là các tiêu chuẩn để các kitô hữu định vị căn tính của Mặc Khải cũng như Truyền Thống trong sự năng động của chúng cũng như sự năng động của môi trường con người trong thế giới thụ tạo?
Con người có xu hướng xem Mặc Khải và Truyền Thống hoặc là năng động hoặc là ổn định. Bằng cách nhấn mạnh sự ổn định, con người có thể xem xét Mặc Khải và Truyền Thống trong phạm trù siêu hình của những thực tại không thay đổi. Trong trường hợp này, con người có thể làm cho lời dạy và tín điều dẫn xuất từ Mặc Khải và Truyền Thống phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của môi trường văn hóa, lịch sử, xã hội.[31] Tuy nhiên, khi Mặc Khải và Truyền Thống được hiểu như là các thực tại năng động thì việc định vị và mô tả chúng sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Mặc Khải và Truyền Thống có thể bị bóp méo bởi những người cho rằng mình nắm giữ chúng in toto (trọn vẹn).[32] Sự thật của Mặc Khải và Truyền Thống có thể bị ‘biến dạng’ vì sự chủ quan của con người khi họ chỉ dựa vào kinh nghiệm, khả năng, và ‘truyền thống’ hạn hẹp của mình để tiếp cận. Điều này được thấy trong Mt 15,3 (truyền thống của các ông), Mc 7,7-8 (duy trì truyền thống của người phàm) hoặc Cl 2,8 (truyền thống người phàm). Theo đó, với một số người, chỉ có Kinh Thánh như là Mặc Khải và Truyền Thống thực sự được tìm thấy trong Kinh Thánh mà thôi, ngoài ra, Truyền Thống sẽ sai lạc. Người Công Giáo lại nhấn mạnh tính đầy đủ của Kinh Thánh và sự cần thiết của Truyền Thống.[33] Tuy nhiên, thật không dễ dàng để làm sáng tỏ sự hiểu biết này.
Mặc Khải và Truyền Thống dễ bị tổn thương trong quan điểm của thời hiện đại.[34] Chẳng hạn, với ý niệm không chắc chắn do Descartes (1596-1650) đưa ra, người ta có thể yêu cầu thẩm định lại Mặc Khải và Truyền Thống. Chúng ta nhận định rằng Mặc Khải căn bản của Thiên Chúa được tìm thấy trong Kinh Thánh. Trong thời hiện đại, với các phương pháp mới trong nghiên cứu Kinh Thánh, chẳng hạn Phê Bình Nguồn, Phê Bình Hình Thức hoặc Phê Bình Soạn Thảo, các nhà chú giải Kinh Thánh chỉ ra rằng Mặc Khải Kinh Thánh không chỉ được hiểu theo nghĩa đen, mà cần tìm hiểu sâu xa về bối cảnh văn hóa, ngôn ngữ, và nhiều tác nhân khác nữa để có thể hiểu cách đầy đủ hơn.[35] Tương tự như thế, sự tiếp cận các tác phẩm của Giáo Phụ và Công Đồng Chung cũng cần đặt trong bối cảnh văn hóa, lịch sử, xã hội nhất định. Chẳng hạn, ngôn ngữ giáo lý Chúa Ba Ngôi trong Công Đồng Chung Nicea-Constantinople (vay mượn từ nền văn hóa Hi Lạp) có vẻ xa lạ đối với sự hiểu biết của thời hiện đại. Câu hỏi đặt ra là liệu các kitô hữu ngày nay có thể nhận thức giáo lý Chúa Ba Ngôi như các kitô hữu thời ấy không?
Theo quan điểm của Thần Học Kinh Viện, thần học là đức tin tìm kiếm sự hiểu biết (fides quaerens intellectum). Trong nghiên cứu thần học, các thần học gia lệ thuộc vào các trình thuật của Mặc Khải và Truyền Thống trong việc nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, các trình thuật của Mặc Khải và Truyền Thống không có tính lôgíc, biện chứng, định lượng, và rõ ràng như các dữ liệu của khoa học tự nhiên, xã hội. Trong quá khứ, ngôn ngữ, ý tưởng, và các vấn nạn triết học được thần học xem như ‘phương tiện’ để từ đó tiếp cận Mặc Khải và Truyền Thống. Ngày nay, việc nghiên cứu thần học đã có những biến chuyển đáng kể. Trong khi vẫn ‘tôn trọng triết học’, các nhà thần học còn hướng về các khoa học xã hội và lấy các hiểu biết từ khoa học xã hội bổ sung cho việc nghiên cứu của mình. Đối với họ, Mặc Khải và Truyền Thống có nền tảng trong trật tự kinh nghiệm, văn hóa, lịch sử, xã hội và chịu nhiều ảnh hưởng của các môi trường này. Đối với một số thần học gia, các nghiên cứu thần học nên hạ khởi (from below) hơn là thượng xuất (from above), từ thực tế cuộc sống của con người hơn là những suy tư trừu tượng. Đã có một số phản ứng chống lại xu hướng này, chẳng hạn như Karl Barth, người cho rằng thần học cần phải trung thành với sứ điệp của Kinh Thánh tiên khởi của Tin Mừng trong các tình huống khác nhau.[36] Theo ông, xu hướng thần học hạ khởi có thể vì lợi ích của thế giới trần tục hơn là vì lợi ích của Nước Trời.
Làm sao con người có thể phân biệt giữa Truyền Thống và các truyền thống?[37] Lịch sử minh chứng rằng sự lẫn lộn và đồng hóa giữa Truyền Thống và các truyền thống sẽ bóp méo cả hai và dẫn đến những rạn nứt lớn trong sự hiệp nhất các kitô hữu. Các truyền thống bổ sung không thể miễn nhiễm sự tham gia chủ quan của con người. Câu hỏi có thể được nêu ra là làm thế nào con người nhận biết và xác nhận các truyền thống ấy bắt nguồn từ Truyền Thống duy nhất chân thật? Làm thế nào con người có thể biết rằng sự hiểu biết của họ về Mặc Khải và Truyền Thống trong thời điểm hiện tại phù hợp với sự hiểu biết của những người khác trong quá khứ? Các cuộc tranh luận giữa các truyền thống Kitô giáo khác nhau về những câu hỏi tương tự như thế vẫn luôn tiếp diễn.
Hầu như các giáo hội Kitô Giáo trên thế giới đều có khuynh hướng cho rằng họ đang trung thành với Mặc Khải chân thật. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào người ta có thể lý giải thích hợp sự kiện trong đó các giáo hội cho rằng căn tính của họ bắt nguồn từ Mặc Khải và được nuôi dưỡng bởi Mặc Khải?[38] Bằng cách nào người ta có thể hiểu được sự thống nhất và sự đa dạng của Mặc Khải và Truyền Thống, cả về nội dung và sự biểu hiện của chúng? Trong thực tế chỉ có một Mặc Khải duy nhất từ Thiên Chúa, được thể hiện trong một Truyền Thống duy nhất theo nhiều cách thức khác nhau.[39]
Chúng ta có thể nói rằng Mặc Khải và Truyền Thống đã tới ‘thời viên mãn’. Tuy nhiên, sự nhận thức của con người về Mặc Khải và Truyền Thống chưa tới ‘thời viên mãn’ bao lâu Giáo Hội và các thực thể khác đang trên hành trình trần thế. Phải chăng thái độ đúng đắn nhất của Giáo Hội nói chung và của các kitô hữu nói riêng là sống nội dung của Mặc Khải cách Truyền Thống, đồng thời, luôn mở rộng con tim và khối óc của mình trong việc tiếp cận Mặc Khải và Truyền Thống cho sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.
Kết luận
Sự tìm hiểu, đánh giá, và lượng định trên đây dẫn chúng ta tới sự hiểu biết rằng Mặc Khải và Truyền Thống đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa đối với con người. Cả hai vừa là những thực tại siêu việt, vừa là những thực tại lịch sử. Là những thực tại siêu việt vì Mặc Khải và Truyền Thống phát xuất từ Thiên Chúa, thể hiện tình yêu đời đời của Thiên Chúa đối với con người. Là những thực tại lịch sử vì Mặc Khải và Truyền Thống được nhận ra bởi con người trong hoàn cảnh văn hóa và xã hội nhất định. Mặc Khải và Truyền Thống định nghĩa nhau, giải thích cho nhau, và cùng nhau diễn tả tình hiệp thông của Thiên Chúa đối với con người.
Con người chỉ có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa khi có sự hòa hợp giữa Mặc Khải và Truyền Thống. Sự hòa hợp này được diễn tả rõ nét trong biến cố Đức Kitô, biến cố qua đó Giao Ước của Thiên Chúa với Dân Người là Israel đạt tới sung mãn và khai nguyên Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu giữa Thiên Chúa và con người. Biến cố Đức Kitô minh chứng rằng Thiên Chúa vừa là Chủ Thể của Mặc Khải và Truyền Thống, vừa là Chủ Thể làm cho Mặc Khải và Truyền Thống trở thành phương thế, nhờ đó nhân loại được hưởng ơn cứu độ của Người. ‘Biến cố Đức Kitô’ vừa thể hiện tính thống nhất của Mặc Khải và Truyền Thống, vừa thể hiện tính liên tục của Mặc Khải và Truyền Thống, vừa cho phép Mặc Khải và Truyền Thống được hội tụ, vừa làm cho Mặc Khải và Truyền Thống được triển nở và mưu ích cho con người.
Mặc Khải và Truyền Thống chính là nguồn sống và hoạt động của đức tin Giáo Hội. Nhờ Mặc Khải và Truyền Thống, Giáo Hội thể hiện căn tính, đời sống, và sứ mệnh của mình như là bí tích của Đức Kitô và dấu chỉ của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động. Giáo Hội tiếp nhận, sống, và lưu truyền Mặc Khải trong ký ức Truyền Thống và làm cho ký ức này tỏa lan trong kinh nghiệm đức tin của các kitô hữu. Giáo Hội luôn ý thức tính siêu việt và lịch sử, tính năng động và ổn định, tính phổ quát và cụ thể của Mặc Khải và Truyền Thống. Đồng thời, Giáo Hội cũng luôn ý thức những khó khăn nảy sinh trong tiến trình tiếp nhận, sống, và lưu truyền Mặc Khải và Truyền Thống trong hành trình đức tin của mình tiến về Vương Quốc Thiên Chúa.
GM. Pet. Nguyễn Văn Viên
Sách tham khảo
Barth, Karl. Dogmatics in Outline.
Brown, David. Tradition and Imagination – Revelation and Change.
Coffey, David. In Prudentia – Tradition and Traditions.
Congar, Yves. Tradition and Traditions.
Congar, Yves. Tradition and the life of the Church.
Congar, Yves. Theology Today.
Cullmann. “Tradition, Revelation and Gospel: A Study in Galatians”. Journal for the Study of the New Testament, n. 53 (1994): 65-86.
Dulles, Avery. Models of the Church.
Dulles, Avery. The Survival of Dogma.
Geffré, Claude. The Risk of Interpretation.
Hagen, Kenneth (ed). The Quadrilog – Tradition and the Future of Ecumenism. Collegeville: Michael Glazier, 1994.
Jeanrond, Werner. Theological Hermeneutics: Developments and Significance.
Lakeland, Paul. Theology and Critical Theory: The Discourse of the Church.
Lennan, Richard. The Ecclesiology of Karl Rahner.
Lennan, Richard. An Introduction to Catholic Theology.
MacIntyre, Alasdair. Whose Justice? Which Rationality?. Notre Dame:
Mackey, J.P. Tradition and Change.
Meredith, Anthony. The theology of Tradition.
Power, David. “The Holy Spirit, Scripture, Tradition, and Interpretation,” in Keeping the Faith: Essays to Mark the Centenary of Lux Mundi, ed. Geoffrey Wainwright.
Rahner, Karl. The Trinity.
Rahner, Karl & Ratzinger, Joseph. Revelation and Tradition.
Rush, Ormond. ‘Sensus Fidei: Faith “Making Sense” of Revelation’. Theological Studies 62 (2001): 231-261.
Schillebeeckx, Edward. Theologians Today.
Sullivan, Francis. Creative Fidelity: Weighing and Interpreting Documents of the Magisterium. Mahwah: Paulist, 1996.
Sweet, William. “The Future of Tradition”, in Science et Esprit, n. 54 (2002): 299-312.
Sykes, Stephen. The Identity of Christianity.
Thiel, John. Senses of Catholic Tradition.
Tilley, Terrence. Inventing Catholic Tradition. Maryknoll: Orbis, 2000.
[1] Karl Rahner, The Trinity (London: Burns and Oates, 1970), 22.
[2] Karl Rahner, in Richard Lennan, The Ecclesiology of Karl Rahner (New York: Oxford University Press, 1995), 48.
[3] See also Rm 1,20.
[4] Avery Dulles, The Survival of Dogma (New York: Crossroad, 1982), 31.
[5] Yves Congar, Theology Today (London: Sheed and Ward, 1972), 75.
[6] Joseph Ratzinger, “Revelation and Tradition,” in Revelation and Tradition, ed. Karl Rahner & Joseph Ratzinger (New York: Herder & Herder, 1966), 32.
[7] Terrence Tilley, Inventing Catholic Tradition (Maryknoll: Orbis, 2000), 25.
[8] J.P. Mackey, Tradition and Change (Dublin: M.H. Gill and Son, 1968), 150.
[9] Yves Congar, Tradition and Traditions (London: Burns and Oates, 1966), 307.
[10] Ormond Rush, “Sensus Fidei: Faith Making Sense of Revelation,” Theological Studies 62 (2001): 235.
[11] Blondel, in Avery Dulles, “Tradition and Creativity: A Theological Approach,” in The Quadrilog – Tradition and the Future of Ecumenism, ed. Kenneth Hagen (Collegeville: Michael Glazier, 1994), 315.
[12] Stephen Sykes, The Identity of Christianity (London: SPCK, 1984), 23.
[13] Richard Lennan, An Introduction to Catholic Theology (New York: Paulist Press, 1998), 22.
[14] Karl Rahner, in Richard Lennan, The Ecclesiology of Karl Rahner, 49.
[15] See also Dei Verbum 9.
[16] David Coffey, in Prudentia – Tradition and Traditions (Sydney: St. Patrick’s College – Manly, 1990), 55. See also Cullmann, in “Tradition, Revelation and Gospel: A Study in Galatians,” Journal for the Study of the New Testament, n. 53 (1994): 67.
[17] Yves Congar, Tradition and the life of the Church, tr. A Woodrow (London: Burns and Oates, 1964), 15.
[18] Joseph Ratzinger, “Revelation and Tradition,” in Revelation and Tradition, 37.
[19] Edward Schillebeeckx, Theologians Today (London: Sheed and Ward, 1972), 71.
[20] Claude Geffré, The Risk of Interpretation, tr. D. Smith (New York: Paulist, 1987), 62.
[21] Edward Schillebeeckx, Theologians Today, 81.
[22] See also Dei Verbum 7.
[23] William Sweet, “The Future of Tradition,” Science et Esprit 54 (2002): 304.
[24] David Brown, Tradition and Imagination – Revelation and Change (New York: Oxford University Press, 1999), 110.
[25] Tillard, “Tradition, Reception,” in The Quadrilog – Tradition and the Future of Ecumenism, ed. Kenneth Hagen (Collegeville: Michael Glazier, 1994), 331.
[26] Anthony Meredith, The theology of Tradition (Cork: The Mercier Press, 1971), 52.
[27] Paul Lakeland, Theology and Critical Theory: The Discourse of the Church (Nashville: Abingdon Press, 1990), 163.
[28] David Power, “The Holy Spirit, Scripture, Tradition, and Interpretation,” in Keeping the Faith: Essays to Mark the Centenary of Lux Mundi, ed. Geoffrey Wainwright (London: SPCK, 1989), 153.
[29] See also Dei Verbum 12.
[30] Marc R. Alexander, “G.H. Tavard’s Concept of Tradition,” in The Quadrilog – Tradition and the Future of Ecumenism, ed. Kenneth Hagen (Collegeville: Michael Glazier, 1994), 290.
[31] Francis Sullivan, Creative Fidelity: Weighing and Interpreting Documents of Magisterium (Mahwah: Paulist, 1996), 113.
[32] Terrence Tilley, Inventing Catholic Tradition, 175.
[33] Terrence Tilley, Inventing Catholic Tradition, 8.
[34] William Sweet, “The Future of Tradition,” 300.
[35] Richard Lennan, The Ecclesiology of Karl Rahner, 54.
[36] Karl Barth, Dogmatics in Outline (New York: Harper & Row, 1959), 5.
[37] Alasdair MacIntyre, Whose Justice? Which Rationality? (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1988), 366.
[38] Werner Jeanrond, Theological Hermeneutics: Developments and Significance (New York: Crossroad, 1991), 165.
[39] John Thiel, Senses of Catholic Tradition (
Lượt xem 321 Lần