Giọt nước mắt ai?
7/29/2013 8:33:17 AM
Kinh Thánh cũng chứa chan nước mắt. Chúa Cứu Thế đã để lại thế gian này hai thành phần trong con người Ngài là những giọt nước mắt và máu. Nước mắt chứng tỏ rằng trái tim Ngài thổn thức vì tật nguyền của chúng ta và Ngài vui mừng mang lấy nỗi buồn phiền đau khổ của chúng ta. Máu là bằng chứng cho thấy ước mong lớn lao của Ngài là rửa sạch chúng ta khỏi bất công và tội lỗi. Trong vườn Giếthsêmani, Ngài đã cầu nguyện trong tiếng nức nở và nước mắt!
NƯỚC MẮT BÀ HOÀNG trong sách Et 8,3: “Bà Étte lại vào thưa chuyện với vua. Bà sấp mình dưới chân vua mà khóc lóc, xin vua thương cất đi cái thảm hoạ Haman, người Agác, đã tính gây ra và xin vua phá tan ý đồ của y toan hại người Do Thái.” Ở đây, bà hoàng dễ thương người Do Thái này đã cầu xin đức vua bảo vệ dân tộc mình. Lời cầu xin hiệu nghiệm, đức vua động lòng, thỉnh cầu được chấp thuận. Bà đã liều mạng sống để cầu xin cho dân tộc mình. Những giọt nước mắt nói lên sự tha thiết và tận tình nơi tâm hồn bà. Cầu xin với nước mắt luôn mang lại hiệu quả.
NƯỚC MẮT NHÀ NÔNG trong Tv 126,5-6: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” Nước đã làm cho hạt giống nẫy mầm thì tại sao người đi gieo lại khóc chứ? Khóc là vì hạt giống, vì đất đai cằn cỗi hay vì nỗi nhọc nhằn của nhà nông? Đoạn văn nói rằng: “Người gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan”, ở đây nói đến người đi gieo vãi hạt giống Tin Mừng chứ không phải lúa bắp ngô khoai. Khóc là vì phập phồng lo sợ những mối hiểm nguy luôn rình rập ở phía trước những người chưa nhận được hạt giống tốt trong tâm hồn. Khóc là vì người đi gieo quan tâm lo lắng khi mang Tin Mừng ra đi. Chúa làm cho ta có thể khóc vì thương tiếc những người bị lạc mất!
NƯỚC MẮT NGƯỜI CHA trong Mc 9,24: “Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Thật là một cảnh tượng buồn bã. Nó diễn đi diễn lại trong nhiều gia đình. Một đứa con bệnh tật, hư hỏng và một người cha cầu xin. Người cha thật thống khổ khi đứa con bị thần dữ ám. Trái tim một người cha đau khổ vì con vẫn chưa bao giờ được yên ủi. Ma quỷ thật bạo tàn, nó phá hủy cuộc sống để rồi cười cợt trên nỗi đau. Nó hủy diệt tâm hồn để rồi vui mừng trên sự hư đốn. Nó làm rạn nứt tâm hồn và sát muối vào vết thương. Không có ân huệ nào trong chương trình của ma quỷ, cũng chẳng có lòng thương xót trong kế hoạch của nó. Người cha trong đoạn Tin Mừng đến với Chúa Giêsu và nói trong nước mắt: “Lạy Thầy, tôi tin, xin giúp cho lòng tin yếu kém của tôi!”. Những giọt nước mắt như vậy rất quý giá trước mặt Chúa. Nó nói lên tấm chân tình, một tâm hồn tin tưởng và thiết tha. Những giọt nước mắt như vậy sẽ có hiệu lực trước mặt Chúa. Những người cha, hãy mang con mình với Chúa. Ngài sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt và đáp ứng lời van xin của những người cha.
NƯỚC MẮT TỘI NHÂN trong Lc 7,38: “Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” Người phụ nữ tội lỗi quỳ dưới chân Chúa. Chị lấy nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc mình mà lau. Có lẽ chị đã nấp sau cánh cửa khuất nào đó trên con đường Capharnaum khi Chúa Giêsu nói lên lời đáng ghi nhớ này: “Hãy đến với Ta hỡi những ai lao nhọc và gánh nặng và ta sẽ cho nghĩ ngơi bổ sức” (Mt 11,28). Những người đàn ông chị đã từng gặp đều đến để cướp bóc chị. Họ đã lấy đi tất cả những gì chị có, ngay cả đức hạnh. Họ đã để lại cho chị nhiều lo lắng và muộn phiền. Và này một Người đến đem lại sự yên ủi cho tâm hồn bất an của chị. Chị mang bình ngọc thạch đựng dầu thơm ra, thứ quý giá nhất dành để lấy chồng của người con gái phương Đông, chị đập vỡ nó ra dưới chân Người mà chị trao hết trái tim và tình yêu. Chúa Kitô thấy những giọt nước mắt, nó nói lên sự thành tâm thống hối của chị. Và từ trái tim, Ngài đã ban cho chị sự tha thứ và bình an.
NƯỚC MẮT QUÂN VƯƠNG trong 2 V 20,1-5: “Trong những ngày ấy, vua Khítkigia lâm bệnh nguy tử. Ngôn sứ Isaia, con ông Amốc, đến gặp vua và nói: “Đức Chúa phán thế này: Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi đâu.” Vua quay mặt vào tường, và cầu nguyện với Đức Chúa như sau: “Ôi, lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài.” Rồi vua Khítkigia khóc, khóc thật to. Ông Isaia chưa ra đến sân giữa, thì lời Đức Chúa phán với ông: “Hãy quay lại nói với Khítkigia, thủ lãnh dân Ta: Đức Chúa, Thiên Chúa của Đavít, tổ tiên ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Này Ta chữa lành ngươi, ba ngày nữa, ngươi sẽ lên Nhà Đức Chúa.” Đau khổ không từ một ai. Vua chúa hay nữ hoàng gì rồi cũng có lúc khóc, chính khách hay chủ ngân hàng, tướng tá hay chủ tịch gì cũng thế. Đại gia hay quyền lực cở nào cũng vậy, nỗi đau buồn không tránh né bất kỳ ai. Nó đi vào bất cứ tâm hồn nào mà chẳng ai có phương tiện gì để ngăn cản nó. Nước mắt của vua Khítkigia đã đánh động trái tim Chúa và Ngài ban cho ông sống thêm 15 năm nữa. Cầu xin với nước mắt luôn mang lại hiệu quả. Những lời cầu xin với cặp mắt ráo hoảnh xuất phát từ những tâm hồn khô khan.
NƯỚC MẮT BÀ ANNA trong I Sm 1,9-10: “Bà Anna đứng dậy sau khi họ đã ăn uống tại Silô. Tư tế Êli đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ Đức Chúa. Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó.” Một người phụ nữ nhìn thấy nhu cầu của dân Israel và cầu xin cho mình sinh được một người con trai để đem dân tộc mình trở về với Chúa. Bà thấy nhu cầu của dân tộc và nhận ra rằng sự hiện diện của Chúa thật cần thiết. Thiên Chúa đã thấy những giọt nước mắt quý giá, thấy được tâm hồn đang kêu xin và ban cho bà được như ước muốn.
NƯỚC MẮT NGƯỜI RAO GIẢNG trong Cv 20,19: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do Thái.” Thánh Phaolô rất cứng rắn trong lời nói và hành động nhưng lại có một trái tim dịu dàng. Ngày đêm Ngài khóc vì dân Chúa. Những bài giảng của Ngài không khô khan vì ướt đẫm nước mắt, không lạnh lùng vì được sưởi ấm bằng những giọt nước mắt nóng hổi xuất phát từ tình yêu mà ngài dành cho giáo đoàn Êphêsô. Ngài khóc vì quan tâm lo lắng. Những người mới trở lại là gánh đè nặng trong tâm hồn ngài. Cuộc gặp gỡ kéo dài 3 năm trong Cv 20,31: “Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ.” Chúng ta không biết khi nào thì ngài quyên góp tiền cho Giáo hội ở Giêrusalem nhưng chúng ta biết ngài khóc khi nào. Ngài là một mẫu gương rao giảng. Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn dịu dàng, những đôi mắt ướt và một tinh thần yêu thương những người mình phục vụ.
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, Walter Lewis Wilson, Strange Short Stories, Findlay, Ohio, Dunham Publishing Company, 1936.)
Lượt xem 238 Lần