Hôn nhân-Gia đình: Thách đố và thăng tiến
5/12/2020 2:37:41 PM
Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI, một kỷ nguyên đánh dấu bước ngoặt về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin, một yếu tố quan trọng đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Nhưng tiếc thay, sự phát triển của khoa học hiện đại làm đời sống đạo đức con người cũng thay đổi, sự hưởng thụ ích kỷ, cạnh tranh, gian dối, bất nghĩa, vô tâm, vô cảm… Hậu quả là các tệ nạn đã tấn công và tàn phá các mối tương quan trong gia đình, xã hội. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện . [1]
Trước đây, khi đời sống con người còn vất vả, mỗi gia đình đều ra sức làm việc, nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn; bữa cơm trong gia đình “cơm độn”, dưa mắm qua loa, cơm không đủ no, mặc không đủ ấm, ăn bữa nay, lo bữa mai…. Và một khi nhu cầu sinh hoạt, giải trí, học tập còn đơn sơ, nghèo nàn thì đời sống tâm linh lại ít được chú trọng ngay nơi mái ấm gia đình và lan ra ngoài xã hội. Những giá trị đạo lý làm người cơ bản và những nguyên tắc ứng xử nhân bản dần dần bị xoá mòn:
– Trong gia đình phai nhạt đạo hiếu: con cái không còn coi trọng bổn phận làm con đối với các bậc sinh thành, phai lạt tình cha nghĩa mẹ, xem thường tình máu mủ anh em…
– Vợ chồng không còn xem trọng nghĩa “tào khang”, tình chung thuỷ, tính keo sơn của tình nghĩa phu thê.
– Trong môi trường giáo dục, nơi học đường: học trò không còn nghiêm cẩn với nguyên tắc tôn sư trọng đạo, thường xuyên xảy ra bạo lực học đường, thầy cô gây gương mù gương xấu…
– Ngoài xã hội chợ đời thì mạng sống và nhân phẩm con người bị xúc phạm và đe doạ thường xuyên, khắp chốn; khó mà tìm được những mối tương quan giữa con người với nhau thân thiết như được ví trong câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Những nét đẹp tình cảm, tinh thần và tâm linh, những giá trị đạo đức và luân lý ấy hình như bây giờ chỉ còn là những ký ức đã lui vào dĩ vãng.
Trong thông điệp “TIN MỪNG SỰ SỐNG”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã minh giải về tính “tiêu cực đặc trưng và suy đồi nghiêm trọng của xã hội hôm nay bằng cụm từ “nền văn minh sự chết” như sau. Xin trích: “Thực ra, nếu nhiều khía cạnh quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích bằng một cách nào đó bầu khí luân lý bất ổn mù mờ và đôi khi giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân nơi một số người, thì cũng không kém phần chân thực rằng chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà người ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá nầy tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hoá sự chết này được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang phần nào quan niệm thực dụng của xã hội.” [2]
“Thời đại của nền văn minh sự chết”. Thật vậy, xã hội hôm nay, các giá trị công bằng, chân lý, đạo đức nhân bản bị coi thường trước những tham vọng của con người, giá trị của hôn nhân gia đình bị đảo lộn. Có thể liệt kê một chuỗi những vết thương đau xót: Nạn ly hôn ngày càng tăng cao, thêm rất nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi bơ vơ, một số khác rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, dẫn đến nổi loạn hung hăng và bất trị. Nạn yêu cuồng sống vội ngay trong độ tuổi học sinh dẫn đến bạo hành trong học đường, đôi khi gây ra xô xát, án mạng vì tranh giành bạn tình; cũng đẩy tới những trường hợp làm cha, làm mẹ bất đắc dĩ, xói mòn nền tảng hôn nhân gia đình. Nạn nạo phá thai lan tràn khắp nơi vì sai lầm trong yêu đương, vì coi trọng danh dự, tiền bạc, quyền lợi hơn là sự sống con người, chống lại quyền tối thượng của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và trao ban sự sống của Ngài. Tình trạng tự do sống chung, sống thử trước hôn nhân, nạn bạo hành trong gia đình, ngoại tình…đang làm mai mọt những giá trị và truyền thống của hôn nhân gia đình. Đây quả là một vấn đề nhức nhối cần đặt ra. Vậy đâu là nguyên nhân của những vấn nạn này ?
I. ĐỐI DIỆN THÁCH ĐỐ (Đi tìm những nguyên nhân gây đổ vỡ):
1. THAY ĐỔI VỀ MÔI TRƯỜNG SỐNG:
Các thế hệ tiền nhân, là ông bà, cha mẹ chúng ta, bao đời đã quen với nếp sống văn hóa làng xã, yên bình trong “luỹ tre làng” và được điều hướng qua những nẻo đường luân lý từ Khổng Mạnh, tới Phật Giáo và rồi Kitô Giáo….
Với nền văn hóa tương đối “tịnh” nầy, mọi người thấy mình được bao bọc trong “không gian thuần phong mỹ tục” từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Nhưng ngày nay, bối cảnh xã hội đã khác rất nhiều; vẫn trên mảnh đất ấy, làng quê ấy, đô thị ấy… chúng ta đang sống với một bối cảnh và môi trường xã hội mà làn sóng văn minh kỷ thuật hiện đại chi phối gần như toàn bộ; đi theo nền văn minh tiến bộ đó, rất nhiều thứ tệ nạn phát sinh và xâm nhập khiến môi trường sống bị “ô nhiễm” nặng nề: mua bán mại dâm, ma túy, trò chơi điện tử – “game”, bạo lực, buôn lậu, ngoại tình, nạo phá thai, cá độ, cờ bạc, rượu chè, đua xe…
2. THAY ĐỔI VỀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM:
Ngày xưa, đa số mọi thành viên trong gia đình đều làm chung một nghề, ví dụ như làm nông nghiệp, làm gia công, làm các việc tại gia đình. Việc làm chung này tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình chia sẻ công việc cho nhau, đặc biệt hơn là họ có thể dễ dàng sắp xếp thời gian chung cho các sinh hoạt trong gia đình; ví dụ như ăn cơm chung, đọc kinh, cầu nguyện chung, đi lễ chung, vui chơi chung… Ngày nay thì khác, mỗi người trong gia đình làm một nghề khác nhau. Giờ làm việc nhiều khi ngược nhau: chồng làm ca đêm, vợ làm ca ngày… Vì thế hầu như họ không có những sinh hoạt chung trong gia đình. Gia đình giờ đây chỉ còn là quán trọ. Nơi ấy được họ sử dụng để nạp năng lượng và nghỉ ngơi, dưỡng sức để tiếp tục việc làm ăn.
3. KHÔNG CÓ THỜI GIAN DÀNH CHO NHAU:
Chính những khác biệt về nghề nghiệp đã khiến các thành viên trong gia đình không có thời gian dành cho nhau. Vì thế họ ít cảm nhận được tình thân thương, ấm áp nơi gia đình. Bên cạnh đó còn có một lý do khác nữa là họ bị nô lệ hóa cho những phương tiện hiện đại của truyền thông: như các chương trình giải trí hấp dẫn trên truyền hình, những trò tiêu khiển trên internet, hoặc tán gẫu với bạn bè qua điện thoại di động, hoặc các trang mạng xã hội….Họ có thế bỏ ra hàng giờ để thưởng thức và sử dụng những phương tiện đó, nhưng nhiều khi không có giờ để tâm sự, trò chuyện hay bàn bạc những vấn đề khúc mắc trong gia đình với các thành viên khác.
4. CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN:
Hoàn cảnh xã hội đã làm cho mỗi người trong cùng một gia đình nhưng sống trong một thế giới riêng, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình. Do đó, người ta ít cảm thông, ít quan tâm đến nhau, và chỉ còn nghĩ đến mình, lo cho nhu cầu và trách nhiệm riêng của mình. Những sinh hoạt chung trong gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi, cụ thể nhất là các bữa ăn chung trong gia đình. Điều này rất bất lợi cho sự hiệp nhất và tình gia đình giữa các thành viên.
5. CHỦ NGHĨA HƯỞNG THỤ:
Việc hiện đại hóa và công nghiệp hóa khiến đời sống trở nên tiện nghi, phong phú về vật chất. Nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh kinh tế luôn luôn tìm cách tạo nên những nhu cầu không dừng lại ở “mức cơ bản” mà vươn lên, vươn xa mang tính đua đòi, “thời thượng”; khuyến khích người ta tìm những tiện nghi, hưởng thụ tất cả những gì vật chất và kỹ thuật đem lại. Để thỏa mãn những nhu cầu mang tính “bản năng và quy kỷ” này, người ta phải chạy theo đồng tiền, tìm kiếm và coi trọng nó. Khi đã coi trọng đồng tiền thì người ta sẽ coi nhẹ tình nghĩa, là cái cốt tủy tạo nên tương quan không mấy tốt đẹp trong gia đình.
6. CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC:
Trong số những nhu cầu mang tính “kích thích và đáp ứng” do nền kinh tế hưởng thụ tạo ra, những nhu cầu thuộc bản năng khoái lạc con người cũng được khai thác triệt để: các quán ăn nhậu và những tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi, trong đó có cũng có những hình thức giải trí thiếu trong sạch, lành mạnh nhưng lại rất dễ lôi cuốn. Vì thế, rất nhiều người bị cám dỗ tìm kiếm và hưởng thụ những lạc thú xác thịt. Điều này đã gây nên bao tang thương đổ vỡ cho các gia đình.
7. NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA CÁC KIỂU MẪU GIA ĐÌNH:
Ngày hôm nay tình trạng văn hóa và tín ngưỡng khác nhau trong các gia đình do hệ lụy của “hôn nhân hỗn hợp” diễn ra phổ biến. Không nghi ngờ gì ngày hôm nay người ta thường nói đến một “kiểu mẫu gia đình mới”. Từ ngữ “gia đình kiểu mới” được nhiều lần nói đến và người ta có khuynh hướng nói đến một khái niệm mới về hôn nhân. Càng ngày người ta càng rời xa khái niệm hôn nhân là một cuộc sống chung giữa hai người khác phái.
Hôn nhân được định nghĩa trong một khái niệm về một “kiểu mẫu gia đình mới”, đó là tình trạng con cái có cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà không còn phải là chuyện hiếm hoi, có những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ ở với con cái, có những gia đình mà cha mẹ chỉ đến thăm con một năm được một hoặc hai lần, có những gia đình cha mẹ không muốn sinh con hoặc trì hoãn sinh con, những cuộc sống chung không cần hôn thú, gia đình đồng giới tính. Những dạng thức gia đình này được gọi là “kiểu mẫu mới”. “Gia đình kiểu mẫu mới” này phá vỡ khái niệm đúng đắn của hôn nhân gia đình.
8. CHẾ ĐỘ GIA TRƯỞNG TRONG CÁC GIA ĐÌNH:
Do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, nên người nam luôn giữ vai trò quyết định trong các gia đình Việt Nam. Chế độ gia trưởng này đã bén rễ sâu trong mọi cấu trúc xã hội, điều đó đã tạo nên sự bất bình đẳng cơ bản về giới tính và đã tạo ra quyền tối thượng cho nam giới. Chính vì thế không ít người chồng không thủy chung với người vợ, sự vô trách nhiệm của người cha đối với con cái, thường dễ được bỏ qua và dễ được tha thứ hơn là sự phản bội và vô trách nhiệm của người vợ. Vì trọng nam khinh nữ, chỉ chọn con trai, nên trong lúc mang thai nhiều ông bố, bà mẹ đã đi xác định giới tính của người con sắp được sinh ra; nhiều người đã nhẫn tâm loại bỏ thai nhi nữ. Từ quan niệm đó đã có hàng ngàn thai nhi nữ bị sát hại, điều này đã làm băng hoại đời sống hôn nhân gia đình và dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính.
9. LỐI SỐNG CỦA GIỚI TRẺ TRONG GIA ĐÌNH:
Có thể nói thế hệ thanh thiếu niên hôm nay là một thế hệ chú trọng về vật chất nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Trong ba thập niên qua, những sự tiến bộ phi thường về kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực, và việc áp dụng kỹ thuật tân tiến vào mọi lãnh vực đã làm cho đời sống của thanh thiếu niên càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn. Chẳng những thế, sự phát triển về công nghệ thật sự đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách suy nghĩ về cuộc sống của giới trẻ, những quan niệm “tự do ngoài khuôn phép”, ngoài những chuẩn mực đạo đức tốt lành, phẩm chất đạo đức của lương tâm…, khiến họ không còn biết phân định đâu là những việc phải làm và đâu là những gì phải tránh. Sự thể hiện tự do của họ đang trở thành một “ung nhọt” ngày càng làm nhức nhối xã hội, mà hậu quả thật là lớn, trở thành một gánh quá nặng cho xã hội đang thời kỳ phát triển như hiện nay. Đó là những trung tâm cai nghiện ma tuý ngày càng nhiều, những bệnh viện dành điều trị cho những bệnh nhân HIV, những trung tâm mồ côi, hoặc những nhà tình thương tập thể làm nơi tá túc cho những chị em đã lỡ lầm…Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để bớt đi những điều không hay ấy? Câu hỏi này đang là một thách đố cho những người có trách nhiệm và cho chính đời sống hôn nhân gia đình.
10. BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH:
Chuyện bạo hành trong hôn nhân là một chuyện dài không có hồi kết thúc. Nó xảy ra mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, đặc biệt ở những nơi mà dân trí thấp kém, trình độ văn hóa chưa được khai phóng, duy trì những hủ tục và tập quán man khai… Những nơi đó việc vợ bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm, hoặc việc vợ tru trếu, chửi bới, cào cấu chồng là chuyện thường ngày xảy ra. Hành động này đã làm tan nát biết bao gia đình, biết bao cặp vợ chồng đã phải ly dị và bao trẻ thơ đang phải sống thiếu tình cảm của cha mẹ.
11. TỰ DO SỐNG CHUNG:
Với chủ trương thực dụng, hôn nhân ngày nay đang đối diện với nguy hiểm đầu tiên đó chính là tình trạng mỏng manh, không bền vững, vì bản chất của hôn nhân đã bị hiểu sai lạc. Càng ngày các bạn trẻ càng có khuynh hướng sống chung, sống thử trước khi kết hôn. Việc sống chung đã trở thành một sinh hoạt bình thường trong xã hội, và không bị coi như là một hành vi vô luân lý. Hậu quả là con số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân càng ngày càng đông, số ca phá thai càng ngày càng tăng cao. Những hậu quả của việc tự do sống chung, sống thử thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… và gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình. Bên cạnh nỗi đau về tinh thần, còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của nó, người trong cuộc khó tiên liệu hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại.
12. TÌNH TRẠNG LY HÔN:
Mâu thuẫn về lối sống, chủ nghĩa tự do cá nhân… là những nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng ly hôn. Ly hôn hay ly dị gây ra rất nhiều đau khổ, lo âu và hoảng loạn. Sau một thời gian nào đó, cả nỗi đau khổ lẫn sự khoan khoái nhường chỗ cho sự cô độc. Những người ly hôn thường bị gia đình, bạn bè đặt họ dưới cái nhìn bất bình thường, nghi kỵ. Do đó, từ việc giao tiếp đến việc làm ăn, họ có thể gặp trở ngại do đánh giá không tốt của mọi người. Từ đó cuộc sống tương lai của họ cũng gặp khó khăn cả về tâm lý, tình cảm. Nhiều khi nỗi chán trường lẫn mặc cảm tự ti khiến họ không còn tha thiết, hào hứng với cuộc sống. Từ sự chán chường, bất mãn và hận đời, họ sẽ sống buông thả, tiêu phí thời gian cho những thú vui để lãng quên thực tại phũ phàng mà họ đang phải đối diện: rượu chè bê tha, nghiện ngập ma túy, tệ nạn xã hội…. Và từ tâm lý bất lợi, bất ổn ấy mà họ có thể sao nhãng, xem thường mọi bổn phận đối với con cái và trách nhiệm họ đang gánh vác. Từ đó kéo theo những tác hại luân lý cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Trước các vấn nạn trên, xin nêu vài giải pháp phần nào giúp cho các các gia đình trẻ có được một tình yêu hôn nhân “đẹp đẽ – mạnh mẽ” để có thể đương đầu với những thách đố của thời đại.
II. CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN (Đi tìm những biện pháp khắc phục):
1. THÔNG CẢM NHAU:
Dù là vợ hay chồng mỗi người đều có một con tim và một khối óc; và vì thế, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm nghiệm khác nhau. Đa số những cuộc cãi vã, hoặc xích mích, bất bình giữa vợ chồng đều đến từ những nguyên nhân trên. Do đó, vợ chồng phải có giờ ngồi với nhau với thái độ lắng nghe và chia sẻ. Ngồi với nhau như lúc mới quen biết. Nói với nhau như thuở mới gặp nhau. Chỉ khi nào ta mở rộng lòng mình lắng nghe với thái độ kính trọng và yêu thương, lúc ấy ta mới khám phá ra tình yêu mà chồng hay vợ mình dành cho mình; mới hiểu rằng, phê phán, trách móc, hoặc nghi ngờ là những hành động tội lỗi, hết sức xấu xa và nguy hiểm.
Tâm lý hôn nhân gia đình cho việc vợ chồng lắng nghe và nói với nhau cách thành thật, tôn trọng là một phương pháp trị liệu tốt nhất, hữu hiệu nhất trong việc hàn gắn và hóa giải những xung khắc trong gia đình.
2. DÀNH THỜI GIỜ CHO NHAU:
Trong đời sống gia đình, công việc dù bận rộn mấy vợ chồng cũng nên dành thời gian cho nhau, đây cũng là cách vun trồng tình yêu nơi gia đình mình, nhất là “sẵn sàng dành thời giờ cho nhau” để trò chuyện với nhau, lắng nghe nhau, nhìn vào mắt nhau, trân trọng nhau, thân mật với nhau, để ý đến nhau, sống bên nhau một cách ý thức và thắt chặt mối tương quan gia đình. Đừng để đến sinh nhật, ngày kỷ niệm thành hôn, hoặc một biến cố lớn mới tặng vợ mình hay chồng mình một bó hoa, một cánh thiệp, hoặc một nụ hôn vội vàng, nhạt nhẽo. Hãy làm những việc ấy mỗi ngày trong khi bạn có thể làm được.
3. CẦU NGUYỆN:
Cầu nguyện là phương pháp tối hảo để hóa giải những bất bình, tranh cãi và hiểu lầm giữa vợ chồng. Đây chính là điều cần thiết và hết sức quan trọng, khởi đi từ giáo huấn mạc khải, từ KinhThánh; đặc biệt, được thể hiện trong “dấu chỉ” tiệc cưới tại Cana: qua sự bầu cử của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa thành rượu ngon, làm cho niềm vui đôi tân hôn được trọn vẹn . Điều này chứng tỏ sự quan trọng của cầu nguyện, và sự hiện diện của Thánh Gia trong hạnh phúc hôn nhân.
Cầu nguyện giúp cho vợ chồng thêm dầu vào chiếc đèn tình yêu, và rượu yêu thương vào bầu rượu hạnh phúc của gia đình mình.
KẾT LUẬN:
Gia đình là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta nơi đó mỗi thành viên trong gia đình được gắn kết với nhau bằng một tình cảm thiêng liêng không thể tách rời, tình cảm ấy được ví như những tia sáng diệu kì dẫn dắt chúng ta. Tia sáng ấy sẽ sưởi ấm cho tâm hồn mỗi người.
Vì thế, để có một gia đình hạnh phúc, một nơi để chúng ta được dừng chân nghỉ ngơi, như mọi người thường nói, nhất thiết, phải xây dựng gia đình thành một bến đỗ bình yên và an toàn ; là nơi mà những “thủy thủ”, sau những cuộc hải hành vượt qua giông bão” có thể tìm về để “neo đậu bình yên”. Gia đình còn là nơi luôn được che chở nâng đỡ yêu thương, nơi tạo ra những tiếng cười mà mỗi thành viên trong đó đều có vai trò và trách nhiệm giữ gìn, nâng niu, trân trọng; đừng để đánh mất rồi mới đi tìm lại; lúc đó đã muộn lắm rồi.
Sau cùng, chỉ cần việc đơn giản nầy thôi, đó là hàng ngày quan tâm nhau bằng những việc nhỏ nhất; hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy Vui mừng Hoan hỉ) đó là “lưu ý đến những chi tiết nhỏ”:
“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:
Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới;
Chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất;
Chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ;
Chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường họp chàng rể đến chậm;
Chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh;
Chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.
Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ này, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi.” [3]
Vâng, chính “những chi tiết nhỏ” đó sẽ làm cho mái ấm gia đình càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và gắn kết mọi người gần nhau hơn. “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất”. Goethe thật đúng khi nói về gia đình như thế.
Isave Dương Thị Bích Nga (Dòng MTGQN)
_________________
[1] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, số 9.
[2] ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG (EVANGELIUM VITAE) ban hành ngày 25.3.1995,
[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn “hãy Vui mừng Hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate). Bản dịch: Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, nxb. Tôn Giáo 2018. Số 144-145, tr. 96-97.
Lượt xem 118 Lần