Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để người khác không hiểu? (Mc 4,10-12)
4/27/2013 8:59:48 AM
Trong một diễn từ ngắn với những người thân cận, Chúa Giêsu dường như muốn nói rằng Ngài dùng dụ ngôn để người khác không hiểu.
Khi Chúa Giêsu ở một mình, nhiều người thân cận vây quanh cùng với nhóm Mười Hai bắt đầu hỏi về các dụ ngôn. Ngài nói với họ: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ”. Sau đó Ngài nói: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” (Mc 4,10-12)
Nếu tin vào đoạn Tin Mừng này thì Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để những ai không phải là môn sinh không thể hiểu được mà trở lại cùng Thiên Chúa. Điều này khá lạ lùng, bởi vì Chúa Giêsu đến rao giảng chỉ để cho người ta quay trở về với Chúa thôi mà! Tại sao Ngài lại muốn cho ai đó không hiểu sứ điệp của Ngài chứ?
Tại sao phải dùng ẩn ngữ?
Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người thân cận với mình, nhưng tại sao sứ điệp của Ngài lại phải ẩn dấu với những kẻ khác? Câu trả lời được tìm thấy trong cách giải thích đoạn trích dẫn ở câu 12: “để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ”. Ở đây, Thánh Marcô trích dẫn sách ngôn sứ Isaia (Is 6,9-10: Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành“). Trong văn mạch nguyên thủy, câu trích này là lời loan báo sự thất bại của ngôn sứ Isaia: sứ điệp của ông đã không đưa dẫn dân chúng trở về với Thiên Chúa mà lại làm họ chai cứng trong tội lỗi, để rồi hậu quả cuối cùng là sự phá hủy Đền thờ Giêrusalem và lưu đày Babylone.
Trình thuật trong Tin Mừng Marcô trích lại câu của ngôn sứ Isaia, chỉ thêm từ “hina” có nghĩa là “để”. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “để” những người ở bên ngoài cứng lòng. Thêm vào đó, đối với những kẻ ở bên ngoài, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng «cái gì cũng phải dùng dự ngôn» để họ không thể nào hiểu được lời nói và hành động của Ngài. Khi được trình bày như thế, xem ra giáo huấn của Chúa Giêsu quá bí hiểm và có khuynh hướng bè phái. Chúa Giêsu thật sự có ý muốn nói như vậy không?
Nhiều cách giải quyết
Cách hiểu đầu tiên là xem thử các bản văn khác trong Tân Ước sử dụng câu trích đoạn Isaia này như thế nào. Đoạn này được trích lại trong sách Công vụ Tông Đồ (Cv 28,26-28: “Hãy đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng không hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”) để giải thích sự kiện dân Israel từ chối nghe lời rao giảng của các kitô hữu. Cũng vậy, Thánh Gioan cũng trích đoạn này để giải thích sự từ chối của dân Israel (Ga 12,39-41: “Sở dĩ họ không thể tin là vì ngôn sứ Isaia còn nói: Thiên Chúa đã làm cho mắt chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành! Ngôn sứ Isaia nói những lời đó, vì đã thấy vinh quang của Đức Giêsu, và ông đã nói về Người”), sự từ chối dường như đã được Thiên Chúa nói rồi. Vậy thì ta có thể diễn giải rằng các kitô hữu sơ thời đã dùng câu trích đoạn ngôn sứ Isaia để giải thích sự cứng lòng của dân Israel không tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và câu chuyện được Thánh Marcô thuật lại cũng có ý hướng như vậy. Trong nhãn quan này, trình thuật giải thích sự thất bại của các kitô hữu khi rao giảng cho người dân Israel, phản ứng tiêu cực của dân Israel đã được Chúa Giêsu và các ngôn sứ loan báo, đồng thời đó cũng là một phần trong ý định của Thiên Chúa. Các câu trích dẫn này nói về hiện trạng vào thời các Tin Mừng được viết hơn là nói về thời Chúa Giêsu. Vào thời tác giả viết Tin Mừng, một phần lớn dân Do Thái từ chối nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Các kitô hữu tiên khởi không biết giải thích làm sao sự từ chối này của dân Do Thái. Khi dùng trích đoạn Isaia, tác giả Tin Mừng đặt vào môi miệng Chúa Giêsu lời nói rằng chuyện thất bại ấy là điều bình thường, và một cách nào đó nó là một phần trong chương trình của Thiên Chúa.
Cách giải quyết thứ hai là đặt lại vấn đề vào trong bối cảnh thời Chúa Giêsu để hiểu xem Ngài nói về ai. Trình thuật đề cập đến những người ở bên ngoài (exo) là những người không hiểu, và “những người thân cận” (peri auton) cùng với nhóm Mười Hai. “Mầu nhiệm Nước Trời” đã được ban cho những người này. Nhưng nhưng người thân cận này là những ai? Kiểu nói này khá mập mờ. Dầu sao thì ngay cả nhóm Mười Hai là những người nhận được chìa khóa hiểu biết dụ ngôn, chính họ cũng đã tỏ ra không hiểu biết gì hết trong suốt Tin Mừng! Thánh Marcô đã dùng câu trích của ngôn sứ Isaia để xếp loại nhóm Mười Hai là «những người ở ngoài» trong Mc 8,14-18 (Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!”. Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao»). Chúa Giêsu quở trách các môn đệ không hiểu biết gì và lòng chai dạ đá. Ta cũng có thể lưu ý rằng chính một thành viên trong nhóm Mười Hai là Giuđa đã phản bội Ngài. Cuối cùng, nhóm Mười Hai đã lẫn trốn và bỏ rơi Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt. Vậy thì chúng ta có thể tự hỏi rằng trong nhãn quan của Chúa Giêsu ai mới thật sự là người ở trong và ai là người ở ngoài? Những người thân cận của Ngài có thật sự hiểu hết mầu nhiệm mà Ngài đã tỏ bày cho họ không? Vào lúc Ngài bị bắt, chính họ mới là “những người ở ngoài”, đối với họ “tất cả đều được dấu ẩn», mặc dầu Chúa Giêsu đã mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời qua lời nói và hành động của Ngài.
Nếu trong cách giải thích thứ nhất ta có thể hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn «những người khác» hiểu, thì bây giờ lại đối mặt với giả thuyết cho rằng đoạn này cũng muốn giải thích sự thất bại của các môn đệ trước sứ điệp của Chúa Giêsu, trước cái chết và sự phục sinh của Ngài, cũng như sự thất bại của các kitô hữu tiên khởi khi loan báo Tin Mừng cho những người Do thái. Trong trình thuật này, những thất bại này dường như là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Tại sao ư? Đó lại là chuyện khác …
Sébastien Doane
Chuyên viên Kinh Thánh
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ theo Interbible
Lượt xem 441 Lần