Ảnh hưởng của người cha đến sự phát triển tâm lý trẻ

Ảnh hưởng của người cha đến sự phát triển tâm lý trẻ


6/5/2012 3:17:17 PM

Một đứa trẻ có phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần hay không thì phần nhiều phụ thuộc vào gia đình của nó, mà ở đây chính là ảnh hưởng của người cha, người mẹ.

Trước kia khi nói đến cha mẹ, người ta thường nhấn mạnh đến người mẹ là người có trách nhiệm chủ yếu trong việc chăm sóc con cái – “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng” – và xem đó như là thiên chức của phụ nữ. Còn người cha là người chủ gia đình, người trụ cột về kinh tế. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được đặc trưng bởi khía cạnh tình cảm.Tuy nhiên người cha được xem là nghiêm khắc hơn, còn người mẹ tình cảm hơn trong quan hệ với con cái.

Thực tế cho thấy cùng với sự chuyển đổi cơ chế kinh tế, các chức năng của gia đình được đề cao, đặc biệt là chức năng kinh tế và chức năng giáo dục. Cùng với việc tham gia công việc xã hội của phụ nữ tăng lên đã dẫn đến những quan niệm mới về vai trò của người cha trong gia đình, không chỉ người mẹ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của trẻ mà người cha cũng là nhân vật trụ cột với vai trò không thể thay thế.

Thông thường trong một gia đình, ảnh hưởng của người mẹ đến với đứa con từ tình cảm dịu hiền, còn người cha ảnh hưởng đến con cái thông qua uy quyền. Và chính dựa vào uy quyền của người cha mà người mẹ đưa được những nguyên tắc, những luật lệ vào đời sống của đứa trẻ tạo nên sự cân bằng trong sự phát triển của chúng. Michaux nghiên cứu trẻ và nhận xét: ” Hầu hết trẻ em cảm thấy tự hào vì có cha, tức là có sự bảo vệ của một thứ uy quyền”.

Uy quyền có mức độ của người cha là một trong những yếu tố đem lại sự hoà hợp trong gia đình. Sự thiếu hụt của một trong hai cha mẹ đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách trẻ.

Vai trò của người cha

Có thể nói uy quyền của người cha được tạo dựng từ vai trò làm chủ kinh tế trong gia đình. Ai là người đem lại chỗ dựa cho người khác thì người đó có uy quyền, “Uy quyền của người cha là then chốt của sự hoà hợp trong gia đình”(G.Robin).

S.Freud có nói tới vai trò ”rào chắn” của người cha ngăn cảm sự cuốn hút nó về phía người mẹ. Nếu như người cha làm được điều này, đứa trẻ sẽ đồng nhất với người bố của mình, phát triển nhân cách lành mạnh, phát triển “sức mạnh của tính cách”. Ngược lại, người cha nhu nhược, không có vị trí trong gia đình, không đóng vai trò là tượng trưng của kỷ cương và luật lệ sẽ là nguyên nhân của những sự lệch lạc, những rối nhiễu trong ứng xử của trẻ về sau. Trong lý thuyết này, ta thấy rõ hơn tính tích cực của người cha và ảnh hưởng của người cha lên sự phát triển của đứa con.

Người cha còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực phát triển của đứa con: Cảm xúc, tình cảm nhận thức…Nếu như các nhà theo trường phái phân tâm học cho rằng người cha chỉ nên quan tâm nhiều tới trẻ ở tuổi từ 18 tháng tuổi trở đi, thì các nhà tâm lý học phát triển lại cho rằng tương tác sớm cha – con có ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển của đứa con.

Các nghiên cứu cũng khẳng định người cha tượng trưng và người cha cụ thể đều ảnh hưởng tới đứa con. Mô hình “người cha nghiêm khắc” rất quý đối với các nhà phân tâm học, nhờ người cha thông qua người mẹ mà đứa trẻ phát triển nhân cách, phát triển đúng đắn giới tính. Bé gái nhìn vào tính cách của cha để cảm nhận vai trò là con gái của mình, trẻ trai nhận ra vai trò người đàn ông thông qua bố và đồng hoà với giá trị đó. Các trẻ trai thiếu cha thích nghi kém hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quan hệ tương tác với các trẻ khác cùng chơi.

Như vậy, sự vắng mặt của người cha sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Trong các nghiên cứu của các tác giả đã khẳng định: ảnh hưởng tiêu cực này sẽ mạnh hơn ở trẻ trai so với trẻ gái. Nếu người cha không thể hiện những đức tính tốt trong gia đình, cũng như vai trò xã hội gán cho giới đàn ông trong tương quan gia đình, thì trẻ lớn lên sẽ bị chao đảo trong quan hệ nam nữ sau này, đặc biệt là các bé gái, các bé gái không tạo dựng tốt quan hệ với bạn trai.

Sự thiếu hụt uy quyền

Đó là trường hợp người cha chưa thực hiện đúng quyền lực của mình, hoặc chưa thực hiện đầy đủ những uy quyền của mình mà xã hội giao phó đã làm ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Có hai dạng thể hiện sự thiếu hụt uy quyền của người cha, đó là vắng mặt thật và vắng mặt giả.

– Vắng mặt thật:

Trong những trường hợp này người mẹ phải đảm nhận thay và vai trò này chỉ là thứ yếu đối với bà mẹ. Các nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy sự vắng mặt kéo dài của người cha dù cho khách quan hay chủ quan đều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Nhiều trẻ bám vào mẹ, trẻ trai nguy cơ thiếu nam tính, những đứa trẻ gái lại tự đồng nhất mình với mẹ, trở nên người có nam tính. Những đứa trẻ trai không có bố để nuôi dưỡng quyền lực của đàn ông, trẻ gái không có bố để bầy tỏ nữ tính của mình. Trẻ thiếu bố kém thích ứng xã hội, nhiều trường hợp không duy trì được tổ ấm gia đình khi đã trưởng thành.

Vắng cha dễ làm tăng khả năng trẻ có hành vi lệch lạc. Một nghiên cứu cho thấy con cái của những người cha đi xa nhà một thời gian dài trong chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945) có chỉ số IQ thấp hơn và cũng kém hiểu biết hơn. Nói cách khác, kiến thức sách vở của họ nghèo nàn hơn và khả năng phán đoán về mặt xúc cảm cũng kém hơn. Cũng theo một thống kê nước ngoài thì 95% trẻ vị thành niên phạm pháp trong thành phố Boston “không có cha” và đó là nguyên nhân cơ bản dẫn chúng đến chỗ phạm tội.

– Sự vắng mặt giả:

Đó là những trường hợp người cha có mặt trong gia đình, nhưng khi ở nhà lại quá sa đà vào những công việc mình yêu thích như sưu tập, đọc sách, nghe đài… mà không hề quan tâm đến con cái và những vấn đề của chúng. Hoặc do quá bận công việc nên nhiều khi về nhà là có tâm lý mệt mỏi, hay cáu kỉnh, đe nẹt các con để khỏi bị quấy rầy.

L.Michaux cho là nếu thiếu uy quyền trẻ sẽ mất những cái ”phanh hãm” khi cần, thiếu sự kìm chế cho các phản ứng, trẻ thiếu hành vi bắt chước, hay về trễ, mượn những thần tượng bên ngoài gia đình để thay thế, trẻ tin ở sách báo, phim ảnh để tìm ra giá trị của mình.

Những ông bố có mặt nhưng không làm tròn trách nhiệm của mình hoặc là vắng mặt sẽ làm phát triển không đầy đủ ổn định về mặt nhân cách của trẻ, tính cách thiếu cương quyết, cư xử do dự, lưỡng lự, không có sự nhiệt tình trước những điều nó thích thú, say mê thất thường, ý thức về đạo đức nghèo nàn, không năng động. Tư tưởng bất an, lo âu mà trẻ không ý thức điều đó. Như vậy, sự vắng cha ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ và ảnh hưởng này mạnh lớn ở trẻ trai so với trẻ gái.

Nhìn chung, hội chứng thiếu hụt uy quyền của người cha có 3 xu hướng:

+ Trở thành trẻ nhu nhược, không vững chắc về nhân cách.

+ Cô độc về tình cảm, không có khả năng gắn bó trong quan hệ dài lâu.

+ Luôn cảm thấy thiếu an toàn, chấp nhận khả năng không vượt qua.

Sự lạm dụng uy quyền

Đó là những người cha sử dụng uy quyền một cách thái quá, thường là cứng rắn, không có mức độ, áp chế đối với con. Hoặc có những người cha quan tâm một cách quá mức đến con cái, đôi khi còn nhu nhược với chúng, nhưng lại cư xử với vợ như đối với người tôi tớ. Họ hạ thấp hình tượng người mẹ trước mắt con và ngăn cản mọi sự tiến triển tình cảm bình thường của trẻ (có thể gây ra một tai hại một cách gián tiếp).

Thường thường người cha lạm dung uy quyền của mình khi trực tiếp chống lại con cái. Có một số trường hợp chỉ là một sự bảo vệ con quá đáng. Nếu người cha quan tâm xem những sự nguy hiểm xảy ra sao cho tương xứng với những khả năng phản ứng của đứa trẻ, ông ta không được sử dụng uy quyền để tiêu diệt óc sáng kiến và táo bạo. Sự bảo vệ thái quá sinh ra tính nhút nhát, nỗi sợ trước cuộc đời, nỗi e sợ những trách nhiệm mà sau này đứa trẻ phải chịu đựng.

Có những người cha cứng rắn, họ kỳ vọng quá nhiều vào trẻ, luôn luôn muốn con mình phải trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống, đặt ra những nguyên tắc cứng rắn đối với con (dùng quyền lực áp đặt tâm lý). Sự cứng rắn của ông bố đặc trưng bởi vẻ đạo đức quá mức, chi phối con từng ngày từng giờ, dẫn đến đứa trẻ luôn luôn bất lực, tách rời khỏi bản thân, trốn tránh thực tế để tránh thất bại, trốn vào những mộng tưởng, gặp khó khăn khi tiếp xúc với xã hội, với trẻ cùng tuổi. Nó sẽ trở thành người thụ động, thiếu sáng kiến, để mặc cảm, tự ti, cảm nhận sự vô tích sự, vô giá trị của nó. Nó có khuynh hướng nhỏ đi để đỡ phải chịu đựng, thiếu quan tâm đến tương lai.

Các hình thức giáo dục cực đoan, thô bạo, thiếu tôn trọng con cái khiến cho chúng thấy bất bình, mất đi lòng tự trọng. Các em sẽ không muốn gắn bó mình với gia đình, muốn tìm môi trường khác để tự khẳng định mình và với tâm trạng, thái độ, tình cảm như vậy, các em khó có thể tìm đến những người bạn tốt. Phần lớn các em chủ động, hoặc rất dễ bị lôi kéo gia nhập vào nhóm bạn không chính thức, tiêu cực. Những đứa trẻ có các hành vi lệch chuẩn hoặc gia nhập các băng cướp thường là những đứa trẻ bị đánh đập nhiều, lớn lên sẽ nóng tính, thiếu kiềm chế./.


nguồn: tamly.com.vn

Lượt xem 158 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *