Tại sao lại gọi là: Sung Mãn, Sung Thượng, Ngoại Hải, Như Xuân, Ba Làng?

Khi cha Đắc Lộ đến Cửa Bạng giảng đạo Công Giáo, không phải chỉ riêng người Do Xuyên, mà ngài còn làm phép rửa tội cho những người ở các làng lân cận bên kia sông Bạng: Làng Du Độ, làng Khánh, làng Ngoại, làng Bạng, làng Như Áng, làng Khoa Giáp, Đồng Pho và các làng lân cận..
1. Nguồn gốc giáo họ Sung Mãn
Theo các cụ già kể lại, xưa kia, mảnh đất Ba Làng là một bãi hoang vu, mọc rất nhiều bụi dứa dại, thường gọi là bãi Dứa và chưa có nhà cửa gì. Người dân theo đạo Công Giáo chỉ tập trung sinh sống quanh chân Núi Do (làng Do bây giờ). Nhưng giữa người theo Đạo và người bên lương họ luôn có sự mâu thuẫn, đã nhiều lần xảy ra những cuộc cãi nhau to, tới mức những người theo Đạo phải bỏ làng Du Xuyên, để đi về hướng Bắc, khai hoang lập ấp.
Sau vụ xích mích nảy lửa giữa anh em làng Du Xuyên (chúng tôi sẽ đề cập ở một bài khác) và cũng vì lý do nghề nghiệp, một số người Công Giáo thuộc làng Du Xuyên đã tập hợp nhau lại, di chuyển dần về hướng Bắc (hướng lên Núi Thủi) lập nên một “chòm”, chòm này ngày một thêm đông vì có thêm dân Cửa Lò Nghệ An cũng ra đó lập nghiệp, nhất là trong thời kỳ bắt đạo của vua chúa nhà Nguyễn, chòm này là nơi nương náu của nhiều người Công Giáo gốc Nghệ An, Hà Tĩnh và các miền lân cận..
Do dân số tăng mau và cũng vì không muốn phụ thuộc vào làng Du Xuyên nữa, bô lão làng này đã xin tách biệt thành một làng mới lấy tên Bồng Doanh (tức làng Danh hay làng Sung Mãn bây giờ). Như vậy, giáo họ Sung Mãn là giáo họ trị sở ở xứ Ba Làng chính là từ sự khởi nguyên này đây.
Theo từ điển tiếng Việt: “Bồng Doanh” có nghĩa là “nơi cư ngụ của tiên giới”.
Các bô lão tiên khởi của xứ đạo Ba Làng có lẽ muốn lấy tên này để nói với dân làng Du Xuyên (bên lương) và cũng là nói với con cháu hậu thế rằng:
“Đây là làng Bồng Doanh, mảnh đất này chính là nơi dành cho Thiên Chúa ngự trị”
2. Nguồn gốc giáo họ Như Xuân
Theo khẩu truyền: Hồi Chúa Nguyễn Ánh chưa thống nhất được sơn hà, nhiều lần mang quân ra Bắc để đánh nhà Tây Sơn. Nhưng có một lần vì gió Đông thổi mạnh và cũng vì bị quân Tây Sơn phản công, thuyền Chúa Nguyễn phải quay trở lại, dạt vào một làng sau mũi Biện Sơn ẩn nấp. Làng mà thuyền Chúa Nguyễn ghé vào, sau được Chúa Nguyễn đặt tên cho là làng Đông Hồi (có nghĩa là quay trở lại vì gió Đông).
Làng Như Áng (Hải Bình ngày nay) có một vị, tục gọi là ông Quận Hò đã có nhiều công giúp Chúa Nguyễn đánh đuổi Tây Sơn nên sau khi thống nhất đất nước (1802) Chúa Nguyễn có trở lại làng Đông Hồi và thăm một vài làng phụ cận.
Tiện dịp may hiếm có, ông Quận Hò có xin Chúa Nguyễn một ân huệ xin thêm đất, lập thêm làng. Nguyên làng Như Áng, một ngôi làng bên kia sông Bạng, vì đất chật người đông và cũng vì nạn xâm thực của lạch Bạng, một số gia đình không có nhà cửa để ở. Cảnh đói rách và dân bị mất nhà đã làm cho ông Quận Hò phải đau lòng, bèn đánh liều đến xin chúa Nguyễn giúp đỡ cho dân tìm nơi an cư lạc nghiệp.
Nhà vua y cho và từ đó một số đông dân làng Như Áng đã băng qua Sông Bạng, tới lập nghiệp ở khu đất nằm giữa làng Bồng Doanh và Du Xuyên, tục gọi là thôn Như Xuân (vẫn phụ thuộc vào làng Như Áng, tổng Tuần Lá, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoá xưa).
Mãi đến đời ông lý trưởng Hỹ (khoảng năm 1915) làng Như Xuân mới được chính thức tách biệt ra khỏi làng Như Áng, do cha già Sỹ đứng ra lo liệu phân làng.
3. Nguồn gốc giáo họ Ngoại Hải
Làng Ngoại Hải trước kia là một chòm, gồm toàn những người đánh cá gần bờ (đẩy xúc chân và kéo lưới me) thuộc làng Lệ, làng Lau (gần làng Sầm Sơn bây giờ), làng Ngoại, làng Khoa Giáp. Họ làm những chòi lá nhỏ để trú chân trong những ngày mùa bắt cá. Hết mùa, họ lại trở về làng cũ cày ruộng thuê hoặc làm các việc đồng áng khác.
Nhưng cảnh sống ở làng cũ cũng không có gì dồi dào để giữ chân người ở lại. Họ đành phải tha phương cầu thực, dần dần thiết lập được một chòm ở hẳn trên mảnh đất giữa làng Bồng Doanh (tức Sung Mãn) và Núi Thủi. Hằng năm phải đóng thuế cho làng Doanh. Về sau, dân cư ngày một ngày thêm đông đúc, chòm đó mới chính thức được phân thành làng Ngoại Hải.
(Theo cố Jos Trần Cường Tráng, thì có lẽ dân cư từ làng Ngoại là đông hơn cả nên các cụ già làng mới chọn lấy tên làng là Ngoại Hải để gợi nhắc con cháu đời sau nhớ về gốc gác dân làng Ngoại bên kia sông Bạng của mình qua đây chăng?)
4. Nguồn gốc giáo họ Sung Thượng
Trong thời kỳ bắt đạo của vua Tự Đức (1848-1883) và thời quấy phá của phong trào Văn Thân (1888-1913) các làng cứ ngày một thêm đông vì thu nạp thêm dân cư Công Giáo ở các miền lân cận, nhất là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Cho tới khi thái bình, họ đã lập nghiệp định cư luôn ở đó.
Phía Tây núi Thủi có nhiều cây cối và đồng cỏ, vì thế, nhà xứ Ba Làng đã khai thác thành một tranh trại để cấy lúa với diện tích chừng mười mẫu, gọi là Trại Cụ.
Sát dưới chân núi Thủi về phía Tây Nam là xóm Sung Mãn Thượng (Xóm Trại), là phần đất có chiều ngang rộng nhất (từ sông Bạng ra biển). Dân cư ở đây có thể cấy luá và trồng khoai. Có mấy gia đình nuôi bò và dê.
Sung Thượng xưa kia là một vùng đất rừng thiêng nước độc, cây cối um tùm và không có người ở. Do sự gia tăng dân số nhanh chóng của bà con Công Giáo chạy loạn thời triều đình cấm đạo nên giáo dân làng Sung Mãn ngày một đông, buộc các cha sở phải đưa người lên vùng giáp chân Núi Thủi để khai hoang lập ấp và hình thành nên làng Sung Mãn Thượng (do người dân làng Sung Mãn Hạ di cư lên)
5. Nguồn gốc danh xưng giáo xứ Ba Làng
Danh từ Ba Làng là do sự gọi tắt của Ba ngôi làng: Sung Mãn – Ngoại Hải – Như Xuân trước đây, toạ lạc trên một mảnh đất hình cong như chiếc võng rộng chừng 600 mét và dài 2000 mét. Bắc giáp núi Thủi, Đông giáp biển, Tây giáp sông Bạng, Nam giáp Du Xuyên (Núi Do).
Cùng với sự hình thành của làng Sung Thượng (Sung Mãn Thượng), xứ đạo Ba Làng ngày nay thực chất là 4 giáo họ, nhưng dù 3 hay 4 thì vẫn cùng sinh sống trong một cánh cung liền lạc của Vịnh Ba Làng. Đó là sự hiệp nhất mạnh mẽ, đùm bọc gắn kết nhau của bà con giáo dân cùng chung một Xứ, cùng tin một Cha, cùng thờ một Chúa, của một vùng đất sơn thuỷ hữu tình hiếm gặp với biết bao giai thoại đặc sắc và một lịch sử vẻ vang nhiều biến động, thăng trầm.
Ba Làng sẽ luôn là một xứ đạo mẫu mực của niềm TIN sâu sắc, niềm CẬY vững bền và một niềm MẾN thiết tha. Dù ai đi ngược về xuôi, một lần ghé thăm Cửa Bạng Ba Làng, chắc chắn sẽ luôn thương nhớ về một làng chài cổ xưa yên bình như là một niềm tự hào của những người theo đạo Công Giáo Việt Nam!
“Thứ nhất đền thánh Pha-Pha
Thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù”
(Ca dao)
[modula id=”1002″]
Tổng hợp từ tài liệu của: cố Nguyễn Đức Thịnh và jos. Trần Cường Tráng
Ảnh: Minh hoạ từ internet
©️Ekip Người Ba Làng Kể Chuyện

Lượt xem 706 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *