Vợ chồng hòa thuận: Sức mạnh làm nên gia đình hạnh phúc
7/6/2019 2:03:55 PM
Ông bà ta có câu, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều đó có nghĩa là khi vợ chồng thuận hòa với nhau thì họ có thể làm được những việc lớn lao, phi thường, họ có thể vượt qua mọi khó khăn, có thể chịu đựng mọi vất vả để giúp nhau tận hưởng hạnh phúc hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc duy trì được sự hòa thuận lâu dài giữa hai vợ chồng là điều rất khó khăn, có những trường hợp tưởng chừng như không thể được. Chúng ta nên biết rằng, trên đời này không có cuộc hôn nhân lý tưởng giữa hai vị thánh, mà chỉ có những cuộc hôn nhân giữa hai con người nam và nữ, giữa hai cá thể khác biệt, giữa hai tính cách có thể là rất tương khắc nhau…
Do đó, một cuộc hôn nhân thành công không phải là một cuộc hôn nhân không có sóng gió. Nghĩa là không có những căng thẳng và cãi vã giữa hai người. “Nên một” trong thể xác và tinh thần không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt giữa hai người. Mãi mãi người khác vẫn là người khác, có những nét cá biệt của họ. Mỗi người đều có những nhịp sống riêng của mình. Chàng có thói quen ăn nhanh, nàng thì trái lại ăn uống một cách từ tốn. Chàng thì điềm nhiên đến lạnh lùng. Nàng thì luôn luôn nhiệt tình đến nóng nảy. Nàng thích nghe nhạc, chàng lại thích thinh lặng để suy tư…
Một tâm lý gia nổi tiếng đã nêu ý kiến như sau: “Xét trên phương diện trí não, tinh thần và thể lý, thiên nhiên đã tạo nên một sự khác biệt to tát giữa người đàn ông và người đàn bà. Đến độ người đàn ông luôn nhìn thấy người đàn bà như đối thủ của mình và ngược lại. Đó chính là điều gây nên căng thẳng giữa hai phái. Nếu người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau thì có lẽ tất cả đều rơi vào trạng thái tĩnh và trái đất này sẽ trở nên khô cằn”. [1]
Quả thực, hôn nhân không phải là một dịch vụ sắp đặt hai con người cạnh nhau như hai pho tượng, mà không có một tương tác nào. Trái lại, hôn nhân là một chọn lựa của những con người có tự do và tình yêu, họ cam kết sống chung với nhau, chứ không chỉ là ngồi cạnh nhau. Họ đều theo đuổi mục đích đem lại sự nâng đỡ ủi an, chia sẻ vui buồn, cố gắng đem lại hạnh phúc cho nhau đồng thời hợp tác với nhau trong việc sinh sản, dưỡng nuôi và giáo dục con cái.
Tuy nhiên trong quá trình hợp tác với nhau, không phải lúc nào mối quan hệ vợ chồng cũng êm ả, xuôi chèo mát mái cả đâu, vì có mưa thì cũng có nắng, có lạnh thì cũng có nóng, có nụ cười thì cũng có nước mắt. Như một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên bản nhạc cuộc sống” (David Sarnoff). Những lúc căng thẳng, có khi mâu thuẫn cao độ, thì nguy cơ tan vỡ là điều có thực. Lúc đó nếu cái kiểu “ông nói gà bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” cứ tiếp diễn đi tiếp diễn lại thì tình hình sẽ không ổn. Hai bên phải biết tự kiềm chế và dừng lại đúng lúc. Đó là thời điểm mà hai bên cùng nhường nhịn nhau, cùng nhượng bộ nhau. Một sự nhịn chín sự lành.
Thực vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia về gia đình đã tổng kết nên các nguyên tắc sau đây trong cuộc sống gia đình: Chấp Nhận – Chịu Đựng – Điều Chỉnh – Thích Ứng. Theo họ, nếu các cặp vợ chồng thực hiện đúng theo các nguyên tắc thì nhất định sẽ có một gia đình bền vững. [2]
Chắc chắn những nguyên tắc “Sống chung” trên sẽ giúp các đôi vợ chồng hóa giải được những mâu thuẫn thường ngày, tránh khỏi những va chạm, đổ vỡ đáng tiếc và giúp họ kiến tạo một cuộc hôn nhân bền vững và một gia đình êm ấm. Đó được coi là những điều kiện tâm lý cần có để hai vợ có thể sống hòa thuận lâu dài.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ HÒA THUẬN VỢ CHỒNG
Chúng ta cũng lưu ý một điều là, hòa thuận không có nghĩa là hai người “hòa tan” vào nhau, đến nỗi không ai còn cá tính, cá vị riêng của mình nữa. Bởi vì, “Ta với mình tuy hai mà một / Mình với ta tuy một mà hai”. Trong “hòa thuận” vừa có hòa hợp, hòa đồng lại vừa có tự do, tự ý ưng thuận nữa.
Xét về mặt thực tiễn, hòa thuận có những đặc điểm sau:
* Cùng hợp tác song phương
Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấy”. Đang khi người đàn ông xây nhà mà người phụ nữ “ngồi chơi xơi nước”, thì đó là điều không chấp nhận được. Hôn nhân là hôn ước trong đó hai người cùng thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm với nhau, và đảm nhận bổn phận cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Có người đã nói, “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).
Sự hợp tác song phương giữa đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi là yếu tố cực kỳ quan trọng nhờ đó hạnh phúc gia đình được đảm bảo chắc chắn. Khi nhìn vào một gia đình nào mà thấy hai vợ chồng biết hòa hợp, gắn bó để chăm lo việc nhà việc cửa, việc trong việc ngoài, thì biết ngay gia đình ấy đang hạnh phúc. Bởi “Họ là hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, là hai quả tim nhưng một nhịp đập” (Maria Lowell).
* Cùng chung chí hướng
Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Vợ chồng phải ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Một gia đình mà trong đó “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thì đó là biểu hiện của sự phân hóa, chia rẽ, bất đồng.
Hai người phải dành thời gian để thảo luận, có thể là tranh luận, về những mục tiêu phải theo đuổi. Chẳng hạn, trong vấn đề giáo dục con cái, trong việc quản lý và sử dụng tài chánh, trong việc giải quyết những nhu cầu vật chất, tinh thần trong gia đình vv. Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay “Một cây làm chẳng nên non / ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
* Cùng quan tâm đến nhau và đến những nhu cầu của đời sống chung
“Hãy thường xuyên quan tâm đến nhau”, đó là mệnh lệnh của tình yêu.
Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.
Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.
Bên cạnh đó, nhiều bà vợ than phiền rằng họ rất buồn tủi và cô đơn vì hầu như ông chồng chẳng tỏ ra quan tâm gì tới họ. Sau một ngày làm việc bên ngoài về nhà, chồng chỉ kịp ăn uống vội vàng rồi chui vào phòng xem TV hoặc chơi game. Nếu sự việc cứ tái diễn lâu dài như thế này, thì chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ sớm rơi vào tình trạng tan vỡ…
* Hợp sức giải quyết những khó khăn trong đời sống
Người ta đã ví hôn nhân như bãi chiến trường chứ không phải là luống hoa hồng. Và hôn nhân nhìn xa cứ ngỡ như hạt kim cương nhưng khi lại gần thì đó chỉ là giọt lệ. Điều đó cho thấy khi bước vào đời sống hôn nhân, người ta sẽ khám phá ra rằng không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, êm ái cả.
Rất nhiều người khi mới kết hôn thì hồ hởi, vui sướng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ thất vọng. Có người than thở, “Hôn nhân là một pháo đài, kẻ ở bên trong thì muốn thoát ra, còn kẻ ở bên ngoài thì muốn chui vào ”. Đối với những người “bên trong” này, thì hôn nhân không còn thơ mộng như lâu đài cổ tích, hay đẹp như một túp-lều-tranh-hai-trái-tim-vàng nữa, nhưng là “ngục tù” chôn vùi tình yêu. Người ta nói, “Người phụ nữ khóc trước khi lấy chồng, còn người đàn ông khóc sau khi cưới vợ”. Cả hai cùng khóc, bởi cái viễn cảnh “hợp hợp tan tan” cứ ám ảnh họ.
Tuy nhiên có nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua được những khó khăn thử thách trong đời sống hôn nhân, vì họ đã biết từ bỏ tính ích kỷ để cùng hợp sức với nhau giải quyết những vấn đề của mình.
Người ta đã ví hôn nhân là một chiến trường, vợ chồng là chiến binh, họ phải chiến đấu không mệt mỏi. Có người đã nói, “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller). Thực vậy, cuộc sống gia đình đầy những khó khăn, vất vả, cực nhọc. Khó khăn về kinh tế, vất vả trong công việc làm ăn, cực nhọc để giải quyết những vấn đề gia đình vv.
Từ thực tế khó khăn, phức tạp này, đã phát sinh biết bao hệ lụy. Có người bi quan đã nói, “Hôn nhân là một pháo đài, người ở trong muốn thoát ra, còn người ở ngoài lại muốn đi vào”. Gánh nặng của hôn nhân không chỉ là giải quyết vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn bao gồm tất cả những rắc rối phức tạp trong đời sống vợ chồng. Chẳng hạn, chuyện xung đột nảy sinh do tính tình khác biệt, do sở thích không đồng bộ, do nền giáo dục hấp thu không tương xứng, do trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv. Những bất đồng này xói mòn tình yêu đôi bạn, khiến họ không thể chịu đựng nhau được nữa, lúc đó phát sinh hậu quả ly hôn ly dị. Vì lý do đó mà có một danh nhân đã nói, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.
* Thực hành nghệ thuật nhượng bộ nhau
Trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự “bỏ mình” vì bạn đời. Ngày nay người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ”. Chuyện kể có một đôi vợ chồng già đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu đầy đàn. Trong ngày lễ kỷ niệm năm mươi năm thành hôn, con cháu tụ họp chúc thọ và chúc mừng hai cụ. Dịp vui này, các con cháu đồng thanh hỏi thăm bí quyết nào hai ông bà giữ được hạnh phúc bền vững cho đến ngày nay? Các cụ trả lời ngay, không có bí quyết nào bí mật cả, mà đơn giản đó chỉ là sự nhượng bộ nhau.
Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Người ta nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên…
Tóm lại, để có được sự hòa thuận lâu dài trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên dõi theo và thực hành lời khuyên thiết thực sau đây của thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (Cl 3,12-14)./.
Aug. Trần Cao Khải
– – – – – – – – –
[1] D. Wahrheit, “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô”, Mục Vụ HNGĐ, trang 147
[2] TS Nguyễn Minh Hòa, cuốn “Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại”, NXB Trẻ, trang 98
Lượt xem 108 Lần