Vì sao hôn nhân không hạnh phúc?

Vì sao hôn nhân không hạnh phúc?


4/25/2019 10:51:42 AM

Chúng ta nhận thấy rằng tất cả những ai đến tuổi lập gia đình, khi bước vào đời sống hôn nhân đều mong ước cuộc sống lứa đôi của họ luôn được êm ấm và hạnh phúc lâu dài. Đó không phải là một mong ước xa vời, viễn vông, nhưng đó chính là kết quả của tình yêu mà đôi nam nữ ban tặng cho nhau. Có thể nói, hôn nhân như một cái cây, nó sống được và tươi tốt là nhờ tình yêu nuôi dưỡng. Và hạnh phúc chính là hoa thơm quả ngọt do tình yêu ấy đem lại.

honhanhanhphuc.jpg

Tuy nhiên, điều đáng buồn là trên thực tế hiện nay có nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ mới sau một thời gian ngắn chung sống, họ đã phải chia tay, đó là cái kết cục đau lòng của một cuộc tình không hạnh phúc. Đó là một hiện tượng khá phổ biến, mà ngày nay người ta dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để ám chỉ, tức là ly hôn sau từ 1 đến 5 năm đầu chung sống.

 

Theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/ năm, tỷ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Đáng lưu ý là 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/ chồng trong độ tuổi từ 18-30, trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng. [1]

 

Đúng như một danh nhân đã nói: “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Những rắc rối trong đời sống hôn nhân là điều hiển nhiên, nó có thể gia tăng theo thời gian và hoàn cảnh của đôi vợ chồng. Nếu ta không tìm cách giải quyết một cách thỏa đáng và đúng lúc thì chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ bế tắc và nguy cơ đổ vỡ.

Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nếu kéo dài có thể được xem như thất bại, nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tựu trung ta có thể liệt kê một số lí do tiêu biểu sau:

 

1. Không nhận thức đúng và đủ về ý nghĩa, mục đích của hôn nhân

 

Nhiều bạn trẻ trước khi kết hôn đã không trang bị cho mình một số kiến thức, kỹ năng, đức tính cần thiết cho đời sống hôn nhân gia đình. Có bạn trẻ nhắm mắt chạy theo số đông, coi việc lập gia đình như một “trò chơi”, ai sao tôi vậy. Họ không nghĩ rằng hôn nhân là một công trình nghiêm túc, phải dấn thân kiến tạo suốt cả đời. Người ta nói, phải cầu nguyện một lần trước khi ra khơi, hai lần trước khi ra trận, nhưng ba lần trước khi kết hôn. Điều đó cho thấy hôn nhân là một việc làm hết sức hệ trọng trong cuộc đời.

 

Chính vì thế, đối với các bạn trẻ Công giáo, trước khi kết hôn phải tham dự một lớp học về Giáo lý hôn nhân và gia đình. Đây được coi là một trong những điều kiện không thể miễn trừ. Qua lớp học này, trước tiên người ta sẽ hiểu khái niệm về hôn nhân là gì. “Đó là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ”. [2]

 

Vậy, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và chung thủy, các bạn phải ý thức rằng việc thực hiện hôn ước giữa một người nam và một người nữ là một hành vi tự do và trách nhiệm. Họ đến với nhau không phải bị ép buộc hay do áp lực của tiền tài danh vọng. Họ cùng cam kết sống và yêu nhau đến trọn đời, đồng thời sẵn sàng đón nhận con cái như là quà tặng của Đấng Tạo Hóa. Thiếu những điều căn cốt này, đời sống hôn nhân của các bạn sẽ gặp thất bại ngay từ những tháng năm đầu chung sống, và nguy cơ tan vỡ là điều sớm muộn gì sẽ đến.

 

2. Không thích nghi được với cuộc sống chung

 

Nhiều bạn trẻ, khi lập gia đình không hình dung viễn ảnh của đời sống vợ chồng, nó phức tạp và khó khăn thế nào. Cuộc sống không còn là của một người nhưng là của hai người kết hợp lại. “Ta với mình tuy hai mà một; mình với ta tuy một mà hai”. Do đó, có người đã nói rằng, “Hôn nhân chia đôi quyền lợi và nhân đôi trách nhiệm”. Điều đó có nghĩa là khi sống chung với nhau, hai vợ chồng phải đủ khả năng để hi sinh quyền lợi riêng tư vì lợi ích chung gia đình đồng thời mỗi bên phải gia tăng trách nhiệm của mình đối với tổ ấm mà hai người đã tạo lập.

 

Một mặt hai bạn phải tập thích nghi với nhau, vì anh là anh, chị là chị, hai người là hai cá thể đặc thù riêng biệt. Họ phải sống làm sao để từ nay, hai người không còn là hai mà là một xương một thịt (x.Mt 19, 6). Nếu có điều kiện thì ở riêng, “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Còn nếu chưa có điều kiện thì đành phải sống chung hai, ba thế hệ trong cùng một căn nhà. Lúc đó những va chạm là điều khó tránh khỏi và các bạn trẻ phải biết khôn ngoan để có thể thích nghi với hoàn cảnh mới mẻ này. Chuyện xung đột mẹ chồng nàng dâu, chẳng hạn, luôn là vấn đề nóng hổi đối với những cặp vợ chồng mới cưới. Nếu họ khôn khéo biết thích nghi thì sẽ tránh khỏi nhiều va chạm không đáng có và nhờ thế cuộc sống hôn nhân gia đình sẽ luôn giữ được hòa khí ấm êm.

 

3. Không tôn trọng người bạn đời

 

Trong các cuộc khảo sát các đôi vợ chồng xin li hôn, người ta thấy rằng việc “Không tôn trọng bạn đời” là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến vợ chồng chán nhau. Tục ngữ VN có câu “Tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng trước sau như một phải kính yêu tôn trọng nhau như là một người khách. Điều này xem ra có vẻ khó thực hiện. Vì trên thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, người ta trở nên nhàm chán nhau, dẫn đến tình trạng coi thường nhau. Tình yêu phai nhạt theo thời gian cộng với những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống chung sẽ trở thành nguyên nhân gây “bùng nổ chiến tranh” giữa hai vợ chồng.

Do đó, người ta đã đưa ra một nguyên tắc sau đây, coi như thước đo mức độ tình yêu mà hai bạn dành cho nhau: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Khi không còn biết trân trọng nhau như hai bạn đời thì cuộc hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ. Thực tế cho ta thấy sự coi thường nhau sẽ gây ra tranh cãi, xung đột và nếu rơi vào tình trạng nặng nề thì sẽ có thể đưa tới bạo lực vợ chồng. Lúc đó, giải pháp mà người ta sẽ thường phải chọn lựa, đó là đường ai nấy đi.

4. Không giải quyết dứt khoát những mâu thuẫn, cãi vã thường ngày

 

Ông bà ta thường nói, chén bát cũng có lúc va chạm huống hồ con người. Và chúng ta nên nhớ một điều này là con người thì nhân-vô-thập-toàn. Không ai là thánh, không ai là hoàn hảo, vì thế trong đời sống vợ chồng, sẽ khó tránh khỏi những va vấp này nọ. Chúng ta biết rằng, những mâu thuẫn, cãi vã, bất đồng là điều thường tình trong cuộc sống lứa đôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta bất lực, chịu thua. Nên nhớ là lỗ nhỏ cũng có thể gây đắm thuyền. Những cãi vã mâu thuẫn hằng ngày phải được giải quyết dứt khoát, nếu không cuộc sống vợ chồng chỉ là những chuỗi ngày u sầu, đau khổ.

 

Ca dao tực ngữ VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, / cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”; hay ông bà ta thường có câu “Một sự nhịn chín sự lành”. Đó là cách thế phổ biến nhất nhằm đánh tan những xung đột giữa hai vợ chồng. Kinh nghiệm cho thấy, lúc đầu chỉ là những bất đồng vụn vặt, cái kiểu ông nói gà bà nói vịt, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nhưng sau do không giải quyết rối ráo vấn đề, những mâu thuẫn xung đột gia tăng dần dần cả về tần suất lẫn tính chất, khiến cho bầu không khí gia đình trở nên ngột ngạt, nặng nề. Hai bạn cảm thấy cuộc sống vợ chồng quả thực là đau khổ, chán chường và hoàn toàn không hạnh phúc.


Để đề phòng thảm họa này, các bạn nên tỉnh táo và tìm cách giảm bớt những mâu thuẫn, bất đồng bằng cách mỗi người tỏ thiện chí muốn cải thiện tình hình. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng“ (Ca dao VN). Hoặc, “Bí quyết lớn nhất  làm cho cuộc hôn nhân thành công, đó là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa“ (Harold Nichlson). 

5. Không cùng quan điểm về nhiều vấn đề trong cuộc sống

 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến li thân, li dị. Đôi bạn sẽ nói một cách đơn giản là “Chúng tôi không hợp nhau!”. Thực ra trong cuộc sống chung, đôi bạn dần dần sẽ thấy rằng giữa hai người thường không có cùng quan điểm về một số vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, quan điểm về nhân sinh, về chi tiêu tiền bạc, về giáo dục con cái, về đối nhân xử thế, về tình yêu-tình dục vv. Đây là chuyện bình thường, vì bá nhân bá tính. Mỗi người là một cá thể biệt lập, nên họ không cùng suy nghĩ, phán đoán, nhận định như nhau.

 

Cuộc sống vốn phức tạp và con người vốn có cái nhìn đa chiều. Chúng ta không thể bắt chước nhau, hay ép người khác phải suy nghĩ và hành động như mình. Tuy nhiên, để đời sống gia đình luôn có hòa khí, mỗi người nên bớt cái “tôi” của mình để hòa hợp với cái “chung” vợ chồng. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

 

Đến một lúc nào đó, nếu đôi bạn cứ bo bo ngoan cố không muốn hoặc không thể dung hòa được với các quan điểm của bạn đời, lúc đó đời sống vợ chồng sẽ trở nên gánh nặng cho cả hai và chắc chắn họ sẽ không hạnh phúc như họ đã từng mong đợi.  

6. Không chấp nhận sự khác biệt của nhau

 

Một trong những điểm quan trọng mà đôi bạn phải ý thức ngay từ lúc còn đang giai đoạn tìm hiểu nhau, đó là sự khác biệt nam nữ, sự khác biệt giữa chồng và vợ. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, trong cuốn “Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại” đã viết như sau:

 

“Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia về gia đình đã tổng kết nên các nguyên tắc sau đây trong cuộc sống gia đình: Chấp nhận – Chịu đựng – Điều chỉnh – Thích ứng. Theo họ nếu các cặp vợ chồng thực hiện đúng theo các nguyên tắc thì nhất định sẽ có một gia đình bền vững. Tại sao lại phải như vậy? Trước hết cần phải chấp nhận người bạn đời của mình như vốn có. Hãy đừng đòi hỏi cao hơn khả năng người bạn đời đáng ứng và cũng đừng mong muốn thay đổi những gì thuộc về bản chất mà nên biết hài lòng về người thân của mình.

 

“Chúng ta ai cũng biết rằng vợ chồng là hai người ở hai phương trời xa lạ, sinh ra và lớn lên trong hai gia đình khác lạ, khác nhau từ truyền thống giáo dục, tập quán, nếp sống, thói quen (có khi còn khác nhau về quốc tịch, màu da, tiếng nói), chưa kể đến biết bao sự khác biệt về trình độ học vấn, sở thích, cá tính, tố chất vv. Nói tóm lại là hoàn toàn khác nhau từ điểm xuất phát ban đầu.

 

“Cá nhân xác định chỉ có một nguyên bản, không hề có phó bản, chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lập lại. Không thể có hai cá thể hoàn toàn trùng hợp với nhau. Như vậy, hai vợ chồng dù có hòa hợp nhau đến mấy đi chăng nữa thì vẫn có những sự khác biệt, đôi khi là trái ngược lẫn nhau, mâu thuẫn với nhau…” [3]  

 

Vậy đã rõ, vợ chồng là hai cá thể khác biệt nhau nhưng lại phải sống chung với nhau trong một gia đình, dưới một mái nhà, cùng chịu trách nhiệm về hạnh phúc gia đình. Họ chẳng những phải chấp nhận nhau, chịu đựng nhau và tự điều chỉnh để người này thích nghi với người kia, tránh được tình trạng xung khắc, xung đột nhau. Ông bà ta thường nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều này cho thấy sự khác biệt vợ chồng là điều tất yếu nhưng sự hòa hợp vợ chồng cũng là điều tất nhiên nhờ đó hai anh chị có sức mạnh vượt thắng được những cơn khủng hoảng trong đời sống gia đình.  

 

7. Không quan tâm đến nhau như thủa ban đầu

 

Trong chương trình “Vợ chồng son” được phát trên kênh HTV 7 mỗi tối khuya chủ nhật hằng tuần, các đôi vợ chồng trẻ có dịp bộc bạch tâm sự về niềm vui nỗi buồn trong đời sống gia đình. Người ta nhận thấy, một trong những điều các cặp quan tâm đề cập đến, đó là vấn đề vợ chồng không quan tâm chăm sóc nhau.

 

Chẳng hạn, sau cơm tối, chồng thì lo chơi game hay xem bóng đá trên TV. Trong khi đó thì vợ ôm cái điện thoại thông minh, lướt web hay vào facebook “chat” với bạn bè… Việc ai nấy làm, chẳng ai nói với nhau lời gì. Cái cảm nhận chung của các đôi vợ chồng rơi vào tình huống này, là họ hoàn toàn thất vọng về nhau. Họ cảm thấy vợ hay chồng không còn quan tâm đến bạn đời của mình như thủa ban đầu nữa. Hai người sống với nhau nhưng trong một tình huống “đồng sàng dị mộng”, tức là thay vì cùng quay về một hướng thì lại quay lưng lại với nhau, như hai người xa lạ!

“Hãy thường xuyên quan tâm đến nhau”. Đó là mệnh lệnh của trái tim. Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.

Thực vậy, “Khi tình yêu còn tươi mới nồng nàn thì tuần nào cũng vài ba lần hẹn hò nhau. Chính đó là thức ăn nuôi dưỡng tình yêu đưa đến kết hôn. Nhưng khi đã sống chung một nhà, thì ai cũng chỉ muốn làm những gì mình thích chứ không phải những gì dành cho nhau. Mỗi người như sống cuộc sống riêng của mình ở bên ngoài gia đình. Những cuộc hôn nhân như thế không tan vỡ sớm thì cũng chết từ từ.” [4]

8. Không hòa hợp trong đời sống tình dục

 

Chúng ta biết rằng, tình yêu và nhu cầu tình dục gắn liền nhau. Tình yêu giúp cho tình dục mặn nồng, và tình dục giúp cho tình yêu thăng hoa, tươi mới. Bất kỳ sự mất-hòa-hợp nào cũng phải trả giá,  vì khi “vợ chồng không cùng nhịp và khi’chuyện ấy’ không hoà hợp sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt”. Sự không hòa hợp trong đời sống tình dục vợ chồng có thể xảy ra trong các trường hợp sau:

Sự nhàm chán đơn điệu kéo dài liên tục qua nhiều năm tháng khiến vợ chồng cảm thấy “nhạt nhẽo” chuyện chăn gối. Lúc đó, người ta thường tìm đến “nhân vật thứ ba” như để bù đắp và thỏa mãn những nhu cầu tình cảm, tình dục. Đó là trường hợp “Ông ăn chả”, “Bà ăn nem” hay “Chán cơm thèm phở”… Nói nôm na đó là tình trạng ngoại tình. Một thống kê cho biết, có khoảng 60% đàn ông và khoảng 40% phụ nữ ngoại tình ít nhất 1 lần. Ngoại tình thầm kín, ngoại tình công khai. Ngoại tình ngắn hạn, ngoại tình dài hạn…

Sự mất hòa điệu trong sinh hoạt vợ chồng có thể xảy ra khi hai người không đáp ứng nhu cầu sinh lý của nhau. Đa số phụ nữ cảm thấy thiệt thòi trong vấn đề này. Trong gia đình họ là những người dành nhiều thời gian, công sức cho chồng con, cộng với những lo lắng về công ăn việc làm, về tiền bạc, về cuộc sống khiến cho họ mất đi nhiều hứng thú trong chuyện chăn gối. Từ đó, mối quan hệ vợ chồng cũng trở nên lạnh nhạt, vô ý nghĩa.

Thực vậy: “Suy giảm ham muốn tình dục là một trong những vấn đề hay gặp ở phụ nữ. Cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc con cái, những căng thẳng, bệnh tật, tuổi tác… là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ không mặn mà với ‘chuyện yêu’. Đối với những cặp vợ chồng có cuộc sống tình dục không hòa hợp, đa phần đều do phía nam giới không hiểu và không nắm vững tâm lý tình dục của vợ. Theo các nghiên cứu về tình dục, khoảng 70% cặp vợ chồng thỉnh thoảng gặp một vài trục trặc. Hầu hết phụ nữ không cảm thấy hứng thú tình dục ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống…”./. [5]

 

Aug. Trần Cao Khải

 

– – – – – – – – – – – –

 

THAM KHẢO & TRÍCH DẪN:

 

[1] Bài “Đâu là lý do ly-hôn-xanh ngày càng nhiều?, nguồn: motthegioi.vn 10-1-2018

[2] Bài 1 sách Giáo lý HN và GĐ, UB GLĐT (HĐGMVN), NXB TG năm 2004

 

[3] Tác giả và sách đd, trang 98-99, NXB Trẻ năm 2000

 

[4] Bài “Khi hôn nhân thất bại”, nguồn: giaoxutanviet.com

[5] Nguồn: angela.com.vn

Lượt xem 114 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *