Tổ chức công việc trong một gia đình

Tổ chức công việc trong một gia đình


5/28/2017 9:04:35 AM

“Gia đình, nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ giúp nhau phát triển văn hóa và dung hòa các quyền lợi con người với những yêu sách của đời sống xã hội, gia đình thật là nền tảng của xã hội vậy. Những ai có ảnh hưởng trên các cộng đồng và các tập thể xã hội phải góp phần một cách hiệu lực vào việc thăng tiến hôn nhân và gia đình”.

buc-hoa-gia-dinh.jpg

DẪN NHẬP

 

Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Một gia đình cũng có thể coi là một xã hội thu hẹp. Những công việc của một gia đình cũng chính là những công việc của xã hội như: Kinh doanh, sản xuất, giáo dục, bảo vệ sức khỏe, tổ chức lễ cưới hỏi, giỗ chạp, ma chay… Gia đình cũng cần cân đối thu chi để tích lũy phát triển.

 

Đặc biệt gia đình công giáo còn dành nhiều thời gian để học hỏi, cầu nguyện duy trì và phát triển đức tin, dành thời gian và tiền của cho công việc từ thiện bác ái, truyền giáo. Đó là những việc làm vừa chính đáng, vừa cần thiết đã được Thánh Công đồng Vatican II xác định trong thông điệp phát triển các dân tộc, phần phát triển toàn diện con người:

 

 “Khát vọng của con người hôm nay là có được chắc chắn của ăn, sức khỏe, việc làm ổn định, là có được trách nhiệm nhiều hơn để khỏi bị áp bức, để thoát khỏi cảnh nhục nhã xâm phạm đến phẩm giá của con người là được học hành.

Nói tóm lại là được LÀM, được BIẾT, được CÓ nhiều hơn để SỐNG cho ra NGƯỜI hơn”.

NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH KHI TỔ CHỨC MỘT CÔNG VIỆC
:

Khi tổ chức một công việc ta thường lưu ý đến 4 yếu tố chính:

            – Nội dung công việc (tên công việc)

            – Thời gian tổ chức công việc (giờ, ngày, tháng, năm…)

            – Nơi tổ chức công việc (ở đâu)

            – Nhân sự (người tổ chức? Tổ chức cho ai?)

 

Ngoài 4 yếu tố trên ta cần chú ý đến: Tài chánh, kỹ thuật, phương tiện, mục đích, ảnh hưởng từ công việc, v.v…

 

NỘI DUNG CÔNG VIỆC :

 

Xác định rõ được nội dung công việc luôn là vấn đề hệ trọng. Điều đó giúp ta không bị lạc hướng, không đánh mất mục đích, giúp ta biết được đâu là chính đâu là phụ, biết được việc phải làm, việc phải tránh. Việc đặt tên được công việc “Chính danh” một cách chính xác, cụ thể, ta sẽ tránh được ôm đồm, đỡ lúng túng khi tiến hành thực hiện.

 

Đây là công việc chính quan trọng, nếu không đủ hiểu biết ta cần được tư vấn từ các nhà chuyên môn: về sức khỏe có các bác sĩ; về xây dựng có các kiến trúc sư, kỹ sư; về giáo dục có các nhà giáo; về sản xuất có các kỹ sư nông nghiệp; về kinh doanh, buôn bán có các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, v.v…

 

Ngoài ra, trong kho tàng vô giá của văn chương bình dân Việt Nam, ông cha ta đã để lại những kinh nghiệm quí báu, bởi chính nhiều thế hệ cha ông đã có thời gian dài trải nghiệm cuộc sống.

 

Các vị tiền nhân đã nói về các việc hệ trọng trong gia đình:

 

            “Tậu trâu, dựng vợ, làm nhà

            Trong ba việc đó thật là khó thay”

 

Tậu trâu ở đây được hiểu đó là bắt đầu khởi nghiệp, của người nông dân “Con Trâu là đầu cơ nghiệp”. Quả thật, việc làm nhà, dựng vợ gả chồng, kinh doanh buôn bán là những việc khó khăn và hệ trọng từ trước tới nay ở bất cứ đâu.

Nhận xét về cờ bạc, tiền nhân đã nói:

 

            “Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”…

            Người chơi cờ bạc hầu hết dẫn đến “tán gia bại sản”.

 

Nhận xét về các mối liên hệ trong gia đình ca dao Việt Nam có câu:

            “Dâu dâu, rể rể, cũng kể là con,

            Dâu hiền hơn con gái, rể hiền hơn con trai”

 

Hoặc phê phán quan niệm “Trọng nam khinh nữ”

            “Trai làm chi, gái làm chi. Con nào có đức có nghì thì hơn”.

 

Biết rõ được việc phải làm giúp ta dễ thành công hơn trong công việc.

Nhận định về tầm quan trọng về một số lãnh vực, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã nói: “phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú; phi trí bất hưng”. Quả đúng như thế. Một đất nước không thể giàu được nếu không đi vào con đường công nghiệp. Một đất nước cũng không thể hưng thịnh khi dân trí còn quá thấp kém. Nước ta với hơn 70% dân số làm nông nghiệp nên vẫn còn là nước nghèo. Chủ trương của nhà nước đến năm 2020 nước nhà sẽ trở thành nước công nghiệp giàu có. Muốn trở thành nước công nghiệp, thì một trong những yếu tố quan trọng là dân trí phải được nâng cao. Việt Nam hiện có gần 2.000.000 sinh viên trong 90.000.000 tỉ lệ khoảng 2, 2% (100.000 dân có 220 sinh viên). Theo kế hoạch năm 2020 nước ta sẽ có 450 sinh viên trên 100.000 dân. Đây là một sự cố gắng vượt bực, vì nhiều miền quê số sinh viên rất ít, 10.000 dân chỉ có 20 đến, 30 sinh viên như ở xã Vĩnh Bình huyện Vĩnh Thạnh thành phố Cần Thơ.

 

Số lượng là như thế, nhưng chất lượng lại là một chuyện khác. Chúng ta có đủ số sinh viên với kiến thức và đạo đức tốt để đi vào cuộc sống hay không lại là một vấn đề đang được bàn bạc, thảo luận không những trong quá khứ, hôm nay, mà còn mãi đến ngày mai. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Xã hội là như thế vậy gia đình thì sao. Trước một thế giới hội nhập sâu, một thời kỳ bùng nổ thông tin, gia đình không nắm bắt được, không định hướng đúng cho con cái thì điều gì sẽ xảy ra. Chắc chắn sẽ bị đẩy lùi lại phía sau.

 

– THỜI GIAN THỰC HIỆN CÔNG VIỆC “CƠ HỘI”:

 

Một trong những yếu tố giúp thực hiện công việc một cách thành công là chọn và xác định được thời gian công việc tiến hành. Mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh, mỗi địa phương, đều có thời gian thích hợp.

 

Người ta đi câu mực chung quanh đảo ngọc Phú Quốc vào đêm, ngược lại lấy mủ cao su trên cao nguyên, thu hoạch mùa màng ở ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng lại vào ban ngày. Đi thăm Festivan Hoa Đà Lạt vào ban ngày, nhưng thưởng thức hoa Quỳnh thì phải vào giữa đêm, v.v…

 

Về giáo dục ở gia đình, tục ngữ ca dao Việt Nam đã lên tiếng:

            “Dạy con từ thuở còn thơ,

            Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”

            Hoặc: Bé chẳng vin, cả gẫy cành…

 

   Trong công việc đồng áng ở miền đồng bằng sông Hồng Bắc Việt:

            “Tháng chạp là tháng trồng khoai

            Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

            Tháng ba cày vỡ ruộng ra

            Tháng tư bắt mạ, thuận hòa mọi nơi

            Tháng năm gặt hái vừa rồi

            Bước sang tháng sáu, nước trôi đầy đồng

            Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng

            Đi làm ngoài đồng xá kể sớm trưa…

 

Chúng ta đang sống trong thập niên thứ hai thế kỷ 21, một thế kỷ của hội nhập và toàn cầu hóa, một thế kỷ được dự báo là có sự bùng nổ cùa ngành viễn thông, nền Kinh Tế Tri Thức sẽ nắm ưu thế, chính những thông tin sẽ đem đến của cải nhiều hơn đất đai. Ta chỉ cần so sánh giữa Singapore và đảo Phú Quốc thì thấy rõ điều đó. Singapore có diện tích 599km2 với hơn 4 triệu dân, GDP đạt trên 30.000 USD/người/năm; đảo Phú Quốc diện tích 594km2 với khoảng 100.000 dân, GDP chỉ 800 USD/người/năm.

 

Trong thế kỷ này ai nắm được cơ hội sẽ thành công, người để mất cơ hội sẽ bị tụt hậu.

 

NƠI TỔ CHỨC CÔNG VIỆC :

 

Mỗi loại hình công việc đòi hỏi một địa điểm thích hợp, ta không thể xây nhà máy thủy điện nơi ĐBSCL mà ngược lại nơi đồng bằng chỉ xây dựng nhà máy nhiệt điện hoặc điện nguyên tử. Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Trà Nóc đã nói lên điều đó. ĐBSCL đất yếu nên các nhà đầu tư ít chọn xây dựng nhà máy lớn, đầu tư cho đồng bằng rất ít so với đầu tư toàn quốc, các nhà đầu tư lớn thường chọn: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM v.v… Ở nước ta mỗi vùng miền trong 63 tỉnh thành đều có những đặc sản riêng : nhãn Hưng Yên, bưởi Biên Hòa, xoài cát Hòa Lộc, nước mắm Phú Quốc, mè xửng Huế, Cần Thơ gạo trắng nước trong…

 

            Muốn ăn bông súng mắm kho

            Thì về Đồng Tháp ăn no đã thèm

 

Để chọn được nơi thực hiện công việc đòi hỏi phải có kiến thức đấy đủ, chuyên sâu. Nếu nhận thấy chưa vững vàng, tốt hơn hết ta nên nhờ tư vấn chuyên ngành hoặc những người có uy tín, có kinh nghiệm hướng dẫn. Điều đó giúp ta sẽ đạt thành công hơn.

 

IV/- VẤN ĐỀ NHÂN SỰ:

 

Vấn đề nhân sự luôn quan trọng nhất, dù bất cứ ở đâu, thời nào. Nếu chúng ta có tất cả mọi yếu tố, mà thiếu con người thì cũng bằng không. Ngược lại, dù thiếu một vài yếu tố, nhưng có con người linh hoạt, có tâm có tầm vấn đề sẽ được khắc phục và công việc sẽ dần dần được thực hiện.        

 

Tổ chức một công việc từ nhỏ đến lớn, bình thường đến quan trọng, ta nên chú ý đến hai vấn đề căn bản:

            * Người tổ chức

            * Tổ chức cho ai?

Người tổ chức: Nhóm tổ chức; ban tổ chức.

Tùy theo công việc, việc tổ chức cần đến một người, một nhóm người, một ban tổ chức với nhiều tiểu ban.

 

            TD1: Việc nấu ăn cho một gia đình hằng ngày bình thường chỉ cần một người nội trợ. Khi gia đình tổ chức đám hỏi, đám giỗ thì số người nấu ăn tăng lên thành một nhóm năm bảy người. Khi bữa tiệc đãi hàng ngàn người thì phải thành lập một ban tổ chức. Trong ban tổ chức lại có nhiều tiểu ban v.v…

 

            TD2 : Khi ta làm một căn nhà nhỏ cấp 4 từ 50 triệu đến 100 triệu chỉ cần một vài người thợ thực hiện. Khi xây dựng một căn nhà cấp một đầu tư 1 tỉ trở lên thì không thể đơn giản có một hai người thợ mà phải có một nhóm thợ chuyên nghiệp, có kỹ sư giám sát công trình. Khi xây cầu Cần Thơ dài gần 16 km, kinh phí 380 triệu USD thì không thể một nhóm thợ, một công ty xây dựng mà cần nhiều công ty, nhiều kỹ sư, nhiều nhóm thợ, dưới sự lãnh đạo chung của một ban tổ chức. Khi xây dựng nhà thờ Ngọc Thạch giáo phận Long Xuyên (2001 – 2006) cha xứ và giáo dân đã tổ chức thành lập các ban: ban kiến thiết, ban vận động, các ban lại chia thành nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban chịu trách nhiệm một vấn đề nh: tiểu ban vật tư (chuyên mua bán vật tư); tiểu ban điện nước máy (chuyên lo điện, nước và bảo quản sửa chữa máy móc)…

 

        TD 3: Ngày 19, 20 , 21 tháng 10 năm 2017, Phong trào Cursillo Việt Nam Đại Hội Ultreya Kỷ niệm 50 năm Phong trào Cursillo hiện diện tại Việt Nam (1967-2027). Ngoài Ban Tổ Chức gồm 19 người, còn chia ra 12 tiểu ban để chịu trách nhiệm về: Truyền thông, âm thanh ánh sáng, Phụng vụ, khánh tiết, tiếp tân, trật tự, vệ sinh, ẩm thưc, qua lưu niệm….

 

Một số yêu cầu với người tổ chức:

 

Một công việc được thành công hay không một phần lớn nhờ biết tổ chức. Ông cha ta đã từng nói: “Một người hay lo, bằng kho người hay làm”

 

            Người tổ chức cần một số điều kiện :

            + Phải có hiểu biết nhất định: từ tổng quát đến chi tiết (óc tổng hợp và óc phân tích).

            + Có một số kinh nghiệm: nếu có kinh nghiệm về vấn đề ta cần làm thì tốt nhất.

            + Biết dùng người: “dụng nhân như dụng mộc”

            + Hiểu tâm lý: từng lứa tuổi, từng người v.v…

            + Có kiến thức về quản lý: có tinh thần cầu tiến học hỏi.

            + Có khả năng ăn nói, trình bày vấn đề có hệ thống, mạch lạc.

            + Có uy tín với mọi người.

 

Ngoài ra, người tổ chức luôn cần sự trong sáng, trung thực, có tấm lòng nhân hậu, thực hiện công khai minh bạch đặc biệt về tài chánh.

 

Với người Công giáo, ta cần phải có lòng cậy trông, phó thác nơi Chúa quan phòng. Bất kể việc lớn bé, ta dành cầu nguyện trước, trong và sau khi việc hoàn thành.

 

Công việc có kết quả thế nào ta luôn cảm tạ Thiên Chúa, không phải ta chỉ cảm tạ Ngài khi công việc suôn sẻ, ta cần phải cảm tạ nhiều hơn khi công việc không như ý, và biết lắng nghe ý của Ngài qua dấu chỉ của sự việc: “Tận nhân lực, tri Thiên mệnh”.

 

 ÁP DỤNG TRONG VIỆC TỔ CHỨC MỘT GIA ĐÌNH :

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN CÓ TRONG GIA ĐÌNH
:

Trong gia đình hệ trọng nhất là việc thuận hòa, chính sự thuận hòa mang lai hạnh phúc, và công việc to nhỏ được tiến triển tốt đẹp. Cũng chính thế mà ông cha ta đã nói:

            “Nhất sự thuận vạn sự lành”

            “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”

 

Nhưng muốn có thuận hòa trong gia đình, mỗi thành viên, đặc biệt là vợ chồng phải có một số điều cần thiết :

 

* Hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau:

 

Còn ai hiểu nhau hơn vợ và chồng. Những người đã quyết định sống với nhau trọn đời sau khi đã hiểu rõ nhau, đã tự do quyết định đi đến hôn nhân. Sự hiểu biết, tôn trọng nhau không ngừng ở đó. Vợ chồng cần học hỏi thêm, hiểu biết nhiều về tâm sinh lý đời sống vợ chồng. Vợ học hỏi thêm về đặc trưng của người nam trong gia đình trong xã hội. Từ đó dễ thông cảm với chồng hơn. Ngược lại chồng cũng cần mở rộng sự hiểu biết hơn về người vợ đang cần sự che chở, sự an ủi, sự khích lệ, sự chia sẻ cả tâm hồn, thể xác và công việc v.v…

 

* Bàn bạc để đi đến thống nhất:

 

Có nhiều gia đình lục đục, cãi vã nhau, thậm chí sâu xé nhau, vì chồng làm theo đường chồng; vợ làm theo đường vợ; mạnh ai nấy làm. Như chồng thì chỉ thích làm ruộng chê ghét buôn bán. Trong khi vợ thì một mực đi buôn bán không đoái hoài gì đến ruộng đồng lại còn chê bai làm ruộng quê mùa. Kết quả gia đình sẽ tan nát.

 

Trong trường hợp chồng một nghề, vợ một nghề nhưng biết thông cảm và tôn trọng chia sẻ với nhau, gia đình vẫn hạnh phúc.

 

Chính vì thế, vợ chồng nên dành nhiều thời gian để bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất một số vấn đề cơ bản trong gia đình :

+ Vấn đề lập nghiệp
: sao cho phù hợp với vợ, chồng và hoàn cảnh.

+ Vấn đề nhà cửa
: thống nhất xây dựng trong tầm tay, đừng vung tay quá trán: “Một năm làm nhà, ba năm trả nợ”.

+ Vấn đề sinh sản
: Vận dụng qui luật tự nhiên để quyết định số con trong gia đình hay còn gọi là sinh sản có trách nhiệm.

+ Vấn đề giáo dục con cái
:

Vợ chồng cần nâng cao sự hiểu biết về tâm sinh lý của con cái theo từng lứa tuổi, cũng chính tử sự hiểu biết tâm sinh lý con cái theo từng lứa tuổi, cha mẹ có phương pháp giáo dục tốt hơn. Khích lệ nhiều hơn quở trách, trừng phạt, tôn trọng hơn miệt thị; bao dung, độ lượng, nhân hậu hơn oán ghét, căm giận. Giúp con trẻ tự tin, tự lập và tự trọng.

 

Nên gởi con đến trường tốt để được giáo dục có hiệu quả, ở nhà nên dành một vị trí riêng biệt cho con học hành; giúp con tự lập được thời khóa biểu ở nhà một cách hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Theo dõi con cái bằng chính thời khóa biểu con mình đã tự làm ra. Hướng dẫn con cái biết cách cầu nguyện, và hằng cầu nguyện mỗi ngày.

+ Vấn đề tích lũy và tiêu dung
:

Việc tích lũy chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta biết tiêu dùng. Và muốn có để tiêu dùng đúng mục đích có ý nghĩa ta phải tích lũy. Của cải, tiền bạc là một vấn đề hết sức quan trọng trong gia đình. Hầu hết những bất hòa trong gia đình là vì tiền bạc, có gia đình chồng hoang phí vợ hà tiện, ngược lại có gia đình vợ hoang phí chồng chặt chẽ chi ly. Tất cả đều không đem lại hạnh phúc.

 

Vợ chồng cùng công khai phần thu – chi trong một tháng, một năm. Việc công khai đó cũng cần cho con cái trưởng thành biết để chúng cảm thông với cha mẹ, với gia đình. Từ đó vợ chồng quyết định mức chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, tháng và năm cho các sinh hoạt cần thiết. Vợ chồng cần dành dụm để chi xài mai sau. Ta cũng nên biết: “Tiểu phú do cần, đại phú do Thiên”.

 

Việc làm từ thiện, bác ái, dâng cúng nhà thờ được tính ngay vào phần chi hàng năm, tạo ra mộg thói quen tốt. Không phải đợi đến lúc tích lũy được nhiều, khá giả mới làm từ thiện thì e rằng không kịp. Vì ai biết ta không còn ở trên đời này ngày nào?

+ Cùng tham gia công việc
:

Vợ chồng con cái nên tham gia tích cực các công việc của gia đình. Tham gia từ việc bàn bạc đến thống nhất việc sẽ làm. Khi thực hiện thì phân công khéo léo, phù hợp với khả năng từng người.

 

Ông cha ta đã dạy:

           “Dụng nhân như dụng mộc”.

            “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”

           

Thực ra ở mỗi gia đình, người chồng, người vợ biết rõ khả năng của mình và con cái mình, biết rõ sở trường sở đoản và hoàn cảnh từng đứa con.

 

Phân công là một nghệ thuật biết dùng người phù hợp với từng công việc. Muốn làm tốt việc phân công buộc ta phải học hỏi không ngừng. Cũng nên biết qua ưu, khuyết điểm của phương pháp phân công: Taylor và Fayol.

 

Phương pháp phân công của Taylor ở các xưởng máy nhằm: tăng năng lực sản xuất, sản xuất mau hơn, ít tốn nhân công, giá thành rẻ. Thực tế đã đạt được. Nhưng lại làm mất óc sáng tạo của người thợ, khiến người thợ không vui vì công việc đơn điệu, nhàm chán, đều đều.

 

Phương pháp phân công của Fayol trong văn phòng các xí nghiệp. Fayol đã chia thành 6 loại công việc: Công việc kỹ thuật; công việc thương mại; công việc tài chánh; công việc an ninh trật tự; công việc kế toán; công việc quản lý. Fayol trọng sự chỉ huy tổng quát duy nhất. Phương pháp này vẫn còn thích hợp. Ngày nay người ta rút ra được kết luận: “Yếu tố quan trọng nhất trong các xí nghiệp vẫn là con người” (Gilbreth : học trò của Taylor).

 

Trong gia đình, dù phân công cách nào nhưng phải tạo được sự đồng thuận, mọi người vui vẻ trong công việc, biết hỗ trợ nhau khi cần thiết. Sản phẩm từ công việc của gia đình phải là kết quả của lòng yêu thương, sự hòa thuận, sự nâng đỡ. Được như thế đẹp biết bao.

 

Ca dao Việt Nam đã mô tả nhiều sự phân công tuyệt đẹp trong gia đình :

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

“Cha chài mẹ lưới con câu

Con trai tát nước nàng dâu đi mò”

“Đêm hè gió mát thăng thanh

Em ngồi canh cửi, còn anh vá chài”

“Hỏi anh làm thợ ơi nao

Để em gánh đục gánh bào đi theo”

 

Bài hát cháu lên 3, một chấm phá đẹp về công việc gia đình hôm nay (Cháu lên ba cháu vô mẫu giáo, cô thương cháu vì cháu không khóc nhè, không khóc nhè để mẹ lo cây trái, cha vào nhà máy ông bà vui cấy cày…). Gia đình Thánh Giuse Mẹ Maria và Chúa Giêsu luôn là gia đình mẫu mực để mọi gia đình noi theo.

 

LỜI KẾT

 

Sau cùng xin trích dẫn lời dạy của Thánh công đồng Vatican II: Hội Thánh trong thế giới ngày nay, hiến Chế mục vụ thay lời kết.

 

“Gia đình, nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ giúp nhau phát triển văn hóa và dung hòa các quyền lợi con người với những yêu sách của đời sống xã hội, gia đình thật là nền tảng của xã hội vậy. Những ai có ảnh hưởng trên các cộng đồng và các tập thể xã hội phải góp phần một cách hiệu lực vào việc thăng tiến hôn nhân và gia đình”.

 

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Lượt xem 126 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *