Thế nào là tình yêu đích thực?
2/7/2012 8:09:54 PM
|
Thế nào tình yêu đích thực?
Dường như có quá nhiều loại “tình yêu” khác nhau đến mức khó có thể trả lời câu hỏi trên nếu không nhìn vào mẫu gương của chính Thiên Chúa.
Tôi có thể nói tôi “yêu” xế hộp của tôi, nhưng có lẽ cũng chỉ là vì nó đáng tin cậy và nó có thể giúp tôi sống qua những mùa đông ở Michigan. Tôi có thể nói tôi “yêu” công việc của tôi, nhưng có lẽ cũng chỉ là vì nó cho tôi cơ hội được tìm hiểu và suy tư về những điều chất chứa trong tim. Cũng có lúc thậm chí tôi còn nói tôi “yêu” các việc vặt trong gia đình bởi tôi nhận ra rằng quý hóa biết bao khi tôi có một gia đình để được chăm lo, thu dọn.
Những điều ngược lại
Tất nhiên tôi không “yêu” vị nha sĩ bởi mọi mùi vị và âm thanh ở phòng khám nha khoa làm tôi sợ rúm lại. Tôi cũng không “yêu” bác sĩ khám mắt bởi bà ấy luôn nói với tôi rằng thị lực của tôi ngày một kém đi. Mặc dù hết sức trân trọng sự tận tâm của họ chăm sóc cho sức khỏe của tôi, nhưng tôi vẫn không thể nói rằng tôi yêu họ.
Còn chồng tôi
Tôi yêu anh ấy đến mức từ “yêu” xem ra chẳng đủ để diễn tả, mà mới chỉ chạm được tới lớp mặt ngoài về ngữ nghĩa thể hiện tầm quan trọng của anh ấy đối với tôi. Tôi cảm thấy rằng tôi yêu anh ấy ngày hôm nay nhiều hơn ngày chúng tôi đám cưới cách đây 22 năm. Vào ngày cưới, liệu tôi có thể nghĩ rằng tôi sẽ yêu John nhiều hơn? Chắc là không. Tuy nhiên thực tế lại là như vậy. Điều đó đã xảy ra, nhưng không phải một sớm một chiều. Chầm chậm theo năm tháng, tình yêu của chúng tôi lớn dần và trở thành sự kính trọng, sự ngưỡng mộ sâu sắc; một việc học biết lại về vẻ đẹp của những lời thề hứa và một cam kết được nhắc lại.
Tôi cũng yêu những đứa con của mình tới mức mà tôi đã từng nghĩ là khả năng của con người khó mà làm được. Liệu điều đó có thể biến thành một cuộc đời thảnh thơi sống với chồng con? Thật tiếc là không phải như vậy.
Và điều đó đưa tôi quay lại với câu hỏi ban đầu… Tình yêu đích thực là gì?
Khi tuyên bố rằng tôi yêu chồng và các con, liệu có phải tôi luôn say mê họ? Không, tôi không thể nói rằng tôi luôn như vậy. Nhưng tôi có thể nói một cách xác quyết rằng tôi yêu họ. Vậy tình yêu phải là một điều gì đó lớn hơn cả cảm giác? Tôi biết như vậy bởi ngay cả vào những lúc mệt mỏi rã rời nhất, tôi sẽ vẫn gấp rút kiếm được bất cứ thứ gì đứa con cả của tôi muốn ăn, hoặc tôi sẽ vẫn có thể ủi cho chồng cái áo sơ-mi mà chồng ngại ngần đưa cho mình vào 5 phút cuối cùng trước khi chúng tôi phải rời khỏi nhà. Chính sự cam kết đầy tận tụy với gia đình đã giúp đưa tôi thắng vượt lên mỗi khi cảm xúc suy yếu.
Và có thể nói rằng điều đó cũng xảy ra với John. Sự tận tâm của chồng tôi đối với gia đình thật tuyệt vời, không chê vào đâu được. Là người phụ nữ duy nhất trong nhà, nhưng tôi lại để anh hoàn toàn tự do với tiền bạc của anh. Tôi có thể nói rằng các con trai của tôi đã được nuôi dạy trong một gia đình mà cha của chúng đã chứng tỏ sự tận tụy với gia đình trong từng ngày sống, từ việc nhỏ đến việc lớn. Chúa phù hộ cho John, bởi dường như chúng tôi đã đặt nơi anh quá nhiều thử thách bản lĩnh chịu đựng của anh! Trong gia đình nhỏ với năm thành viên, chúng tôi đã cùng trải qua bao nhiêu là buồn khổ, đau đớn, cũng như đã sẻ chia biết bao niềm vui và thành công.
Tất cả điều này để nói lên rằng ngoài yếu tố “cảm giác”, sự “cam kết” cũng là một phần của tình yêu. Nếu cuộc sống gia đình được ví như “chuyến tàu lượn ở trên cao thực hiện những khúc cua đầy thử thách” thì cả hai yếu tố này đều cần thiết cho chuyến tàu đó, trong hành trình yêu thương bạn đời và để có một gia đình thân thương.
Phải chăng tình yêu đối với chồng tôi bắt đầu nhờ những kích thích tố và những nhịp đập mạnh trong lồng ngực? Chắc chắn là vậy. Nhưng những điều đó đều có thời gian và không gian nhất định. Tôi có thể nhớ lại lần hẹn với chồng, nhìn anh chơi đùa với những đứa cháu trai, cháu gái và chứng kiến sự tận tâm của anh với gia đình. Trái ngược với quan điểm thời nay về tình yêu đang ăn sâu nơi thế hệ con cái chúng ta, những cảm xúc ban đầu của sự choáng ngợp và dễ dãi CẦN PHẢI nhường chỗ cho một sự cam kết tỉnh táo và có ý thức.
Nhưng thậm chí sự cam kết cũng thường xuyên dao động
Thật nực cười nếu nói rằng chúng ta có thể luôn luôn 100% “đạt chuẩn”. Đó cũng chính là lý do chúng ta đã trở nên một trong hôn nhân, để nhờ đó mỗi khi những con sóng cảm xúc và cơn sóng cam kết chảy theo từng dòng, chúng ta – những cặp đôi đã kết ước – có thể chống trụ lại được với dòng chảy ngầm có nguy cơ phá đổ chúng ta.
Thiên Chúa dạy chúng ta điều gì về tình yêu? Tình yêu của Chúa thường được gọi là “Tình yêu Agape”. Tình yêu đó đã sai Người Con yêu dấu nhất đến chuộc tội cho thế gian. Tình yêu đó hoàn toàn vị tha, không thể giành giật được, cũng như không thể mua bán, trao đổi. Tình yêu Agape là tình yêu vô điều kiện. Nhưng liệu đó có phải là cảm giác? Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta không phải là một cảm giác, nhưng hoàn toàn là một cam kết được gắn kết với khái niệm “vô điều kiện.” Tuy nhiên, khi đặt dưới góc độ tình yêu giữa con người chúng ta, Thiên Chúa hẳn biết rõ và thậm chí còn kỳ vọng các cảm xúc của chúng ta đều được phát huy, nhưng quan trọng hơn, chính do cam kết của Ngài đối với chúng ta mà có lẽ Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ phản chiếu hình ảnh của nhau. Như ai trong chúng ta cũng có thể kiểm chứng, nếu không có sự cam kết tận tụy của tình yêu thương trong mối tương quan giữa con người chúng ta, sẽ không thể có sự nhẫn nại qua thời gian.
Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta – những thụ tạo của Ngài – phản ánh cam kết của Ngài đối với chúng ta. Ngay khi tội lỗi xuất hiện tại vườn địa đàng, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ chúng ta. Tại sao? Chính bởi cam kết của Ngài đối với chúng ta. Hãy suy nghĩ xem, trong đời sống hôn nhân thường ngày với những lúc bạn phải trải qua các trạng thái cảm xúc như đau khổ, thương tổn, thất vọng và thậm chí giận dữ nữa. Nếu như bạn đưa ra những quyết định liên quan đến đời sống hôn nhân của mình dựa trên những cảm xúc đó, chắc chắn hôn nhân của bạn khó mà tồn tại.
Và đương nhiên, ngày hôm sau hoặc một tuần sau đó, cảm xúc của bạn thay đổi. Bạn có được các cuộc làm hòa, chẳng hạn như một hộp kẹo, hoặc bằng một cuộc nói chuyện trao đổi lâu giờ cũng có thể chuyển đổi cảm xúc của bạn từ trạng thái này sang trạng thái khác, và vào thời điểm đó, bạn lại thấy “tình yêu” trở lại. Trải qua thời gian, “con tàu lượn cao tốc” chứa đựng trạng thái cảm xúc này sẽ rệu rạo dần, và mọi người sẽ đều nhanh chóng muốn bước ra khỏi tàu. Đó chính là lý do vì sao mẫu gương cam kết một cách hoàn toàn của Thiên Chúa cần phải trở thành một yếu tố chính yếu trong những năm tháng đầu tiên của đời sống hôn nhân. Khi chúng ta quyết định một cách có ý thức những cam kết chúng ta với đời sống hôn nhân, cũng là lúc chúng ta đang nỗ lực một cách có ý thức để phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa, tức là cam kết của Thiên Chúa đối với người bạn đời chúng ta.
Chúng ta có rất nhiều cảm xúc về mọi sự, nhưng chính cam kết của chúng ta với Thiên Chúa và các cách thế của Ngài mới là điều giữ cho chúng ta vững bước trong hành trình cuộc đời một cách lâu dài. Hiểu biết được những yêu cầu xuất phát từ đòi hỏi của sự cam kết sẽ làm cho đời sống hôn nhân được tươi mới và đem lại niềm vui cho cuộc sống. Một điều tuyệt vời của sự cam kết bản thân với Thiên Chúa chính là những phần thưởng ngay tức thời và vĩnh viễn. Tất cả các mối quan hệ của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn và tròn đầy hơn. Đời sống hôn nhân của chúng ta được tăng thêm sức mạnh và được hàn gắn khi cần thiết. Tổ ấm của chúng ta được thêm bình an và ngập tràn niềm vui. Mọi công việc chúng ta làm trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều sẽ được coi là những ơn lành, cuộc sống của chúng ta sẽ được coi là những quà tặng cho quá trình khai trí của chính chúng ta. Như vậy chắc chắn rằng việc học hỏi về sự cam kết từ Thiên Chúa sẽ làm cho thế giới chúng ta trở nên tuyệt vời hơn.
Tác giả: Cheryl Dickow | Nguồn: Bezalel Books
Cheryl Dickow là một nhà xuất bản, một tác giả và diễn giả Công Giáo. Thông tin thêm về bà, tham khảo tại www.BezalelBooks.com hoặc email cho bà tại địa chỉ
Cheryl@BezalelBooks.com
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
Quý Linh
Lượt xem 158 Lần