Đáp án cho cuộc sống hạnh phúc lứa đôi
2/13/2012 12:14:00 AM
Cây hạnh phúc lứa đôi có một đặc tính khác biệt so với các thực vật khác. Nó được gieo trồng từ 2 hạt giống khác nhau, nhưng khi hình thành và phát triển thì hoà hợp lại trong một thể duy nhất.
Từ buổi ban đầu trong sách Sáng thế, vì tình yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Cách đây hơn 2.000 năm, cũng vì tình yêu mà Ngôi Hai lại nhập thể, chịu khổ nạn, chịu chết và phục sinh trong vinh quang để cứu chuộc con người. Và ngày hôm nay, gương mặt tình yêu ấy của Chúa Kitô lại thể hiện dưới hai mặt của hai cuộc sống: tận hiến và lứa đôi.
Đến dự phần thuyết trình chuyên đề “Viết và thuyết trình về người bạn đời” do Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức ngày 10-12-2011, chúng ta bắt gặp vài hình ảnh rất cảm động. Có thí sinh (TS) phải đi trên cặp nạng gỗ vì đôi chân yếu do tuổi tác. Có TS khuyết tật cánh tay phải do di tích của chiến tranh. Đặc biệt có TS vừa mới xuất viện ngày hôm qua.
Vượt qua tất cả những khó khăn về thể chất, các TS đem đến cho chương trình những định nghĩa, quan điểm sống, các so sánh mới lạ, liên quan đến chủ đề viết về người bạn đời. Chúng như những bông hoa tạo thành một vườn hoa đa hương sắc.
TS1 ví von cuộc sống vợ chồng như con thuyền trên đại dương: có khi yên ả, có lúc bão bùng, sóng dữ. Sự phối hợp tay chèo của vợ chồng và cầu nguyện trong cơn phong ba là yếu tố giữ vững sự toàn vẹn của chiếc thuyền.
TS2 cho rằng tình yêu phá vỡ công thức toán học, ở đó 1+1 không còn là 2. Sự phi logic này, trong những tình huống nhất định là nền tảng cho cuộc sống lứa đôi. Những người duy lý cảm thấy rất bất ngờ với những suy nghĩ khác biệt này. Chỉ có tình yêu người ta mới có thể giải thích tại sao sự bao dung không có điểm dừng, lòng nhẫn nại không bờ bến của người này dành cho nửa còn lại. Đây là hai tính cách không thể thiếu trong cuộc sống gia đình và viện dẫn Chúa Giêsu là điểm tựa. Chính Ngài là hình ảnh mẫu mực về sự bao dung, nhẫn nại mà chúng ta bắt gặp trong 3 dụ ngôn: con chiên lạc (Lc 15,4-7), đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10), đứa con hoang đàng (Lc 15,11-33).
TS3 định nghĩa vợ như là bàn tay phải nối dài của chồng trong cuộc mưu sinh vất vả về tài chính, là bàn tay vàng trong việc nuôi dạy con cái gian khổ, kiên trì để chúng nên người. Anh cám ơn Chúa đã ban cho mình một người vợ hy sinh và thuỷ chung.
TS4 kể lại kinh nghiệm biết nương tựa Thiên Chúa để giữ cân bằng trong cuộc sống chông chênh kéo dài và đôi lúc trơ trọi. Chị trong vai người vợ, vẫn tiếp tục nói chuyện với Chúa về chồng trên những trang nhật ký hằng ngày, dù bạn đời không còn hiện diện trên thế gian. Chỉ bảo “giận chồng thì chốc lát, mà yêu đến ngàn thu”.
Một câu ngạn ngữ phương Tây nói rằng: “Đi biển phải cầu nguyện 1 lần, ra trận nên cầu nguyện 2 lần, đám cưới cần cầu nguyện đến 3 lần”. Nhưng chúng ta phải cầu nguyện đến suốt đời, để có một cuộc sống lứa đôi ấm êm đến cuối chặng đường.
Thánh Monica là một người phụ nữ mẫu mực khi nói về chủ đề người bạn đời, một người biết chuyển đại hoạ thành đại phước trong cuộc sống vợ chồng. Thánh nữ đã sử dụng một phương thức bình thường. Ngài kiên trì cầu nguyện, biết cậy trông vào Thiên Chúa đến những mức tới hạn, mà số đông chúng ta không thể tưởng tượng hết và sự nhẫn nhục của vị Thánh dành cho các bà mẹ Công giáo này làm chúng ta phải kính phục.
Tình yêu lứa đôi cao cả là một tình yêu biết và dám vượt qua không gian dành cho hai cá thể. Nó được gắn kết với tình yêu khác rộng lớn hơn, tình yêu nhân loại. Sự ích kỷ phải nhường cho lòng cao thượng và sự bao dung. Ở một chiều kích tâm linh, tình yêu lứa đôi cần phải thanh lọc những quan niệm trần tục, để đón nhận một tình yêu lớn lao khác được kết hiệp với tình yêu với Đức Kitô, bằng con đường thập giá.
Nếu có ai hỏi: Mẫu số chung của cuộc hôn nhân hạnh phúc qua các bài thi đọng lại là gì? Câu trả lời nằm trong điệp khúc của bài hát“Nguyện cầu cho nhau”, bài mà chương trình dùng để mở đầu cuộc thi chiều đó:
Nguyện cầu cho nhau, nguyện cầu cho nhau
Luôn thắm tình ban đầu
Mãi mãi cho anh tươi sáng niềm tin
Mãi mãi cho em thơm ngát ân tình
Nguyện cầu cho nhau, nguyện cầu cho nhau.
Lượt xem 150 Lần