Thần Khí Sự Thật – Hồng Ân Thánh Thần Theo Tin Mừng Gioan

Thần Khí Sự Thật – Hồng Ân Thánh Thần Theo Tin Mừng Gioan


5/25/2012 4:27:32 PM

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh giúp chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ “Paraklêtos”, mà Tin Mừng IV dùng để gọi Chúa Thánh Thần.

holy-spirit.jpg 

I. PARAKLÊTOS – THẦN KHÍ SỰ THẬT.

A. NGUỔN GỐC VÀ Ý NGHĨA TỪ NGỮ.

Trong Tân Ước và kể cả toàn bộ Kinh Thánh, chỉ có năm lần từ ngữ “Paraklêtos” được gợi ra, và Thánh Gioan là tác giả duy nhất đã xử dụng từ ngữ này (Ga 14, 16. 26 ; 15, 26 ; 16, 7. 13 ; 1Ga 2, 1). Thường người ta vẫn hiểu Paraklêtos là tên riêng chỉ Thánh Thần, nhưng đúng hơn đây là hoạt động của Thánh Thần : an ủi, phù trợ, bảo trợ, tôn sư …

Các bản dịch Kinh Thánh dịch từ ngữ này rất khác nhau : “Đấng Bầu Chữa” (cha Nguyễn Thế Thuấn) ; “Đấng Bảo Trợ” (Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ) ; “Đấng Phù Trợ” (bản văn trong các bài đọc) ; bản văn tiếng Latinh thì gọi là “Paraclitus” ; các bản văn khác thường dùng lại tiếng “Paraclitus, Paraclet, Advocate, Counselor …”. Có lẽ đúng nhất là giữ nguyên từ “Paraklêtos”, rồi tùy chỗ, tùy văn mạch mà hiểu là Đấng Bảo Trợ, Bầu chữa, Tôn Sư hay Người Hướng Dẫn… Thánh Thần được ban để, đối với những người yếu đuối thì Ngài là Đấng Bảo Trợ, đối với người thông hiểu thì Ngài là Vị Tôn Sư, đối với người bối rối thì luôn được Ngài bảo vệ và bênh đỡ chống lại thế gian. Vai trò hay hoạt động của Chúa Thánh Thần rất đa diện. Chính vì lẽ đó mà Thánh Gioan sử dụng từ ngữ rất chuyên môn là “Paraklêtos”.

Nghiên cứu nguồn gốc từ ngữ, tìm hiểu hoạt động của Đấng là Paraklêtos và đặt trong bối cảnh mạch văn của bài diễn từ cáo biệt, là bối cảnh mà Chúa Giêsu đã nói về Đấng Paraklêtos, chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa Giêsu không gọi đích danh là Chúa Thánh Thần mà lại chỉ nói về Thánh Thần Sự Thật, hoặc có khi nói đến Thánh Thần trong chức năng của Người là Paraklêtos. Cuối cùng chúng ta sẽ phân tích các bản văn liên hệ để có thể hiểu rõ hơn về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tư cách là Paraklêtos.

Bản văn thứ nhất (Ga 14,16) : Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Ta sẽ xin (sẽ khẩn nài) với Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”. Nói đến một Đấng Bầu Chữa khác, có nghĩa là đã có một Đấng Bầu Chữa rồi.

Bản văn thứ hai (14,26) : “Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta nói với các ngươi”.

Bản văn thứ ba (15, 26) : “Khi Đấng Bầu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta”.

Bản văn thứ tư (16, 7-8) : “… vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa không đến với các ngươi ; còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử”.

Bản văn thứ năm (Ga 16, 13) : “Song khi nào Ngài đến, vì là Thần Khí Sự Thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật”. Bản văn không nêu đích danh Paraklêtos , nhưng sử dụng đại danh từ Ekeinos (= Ngài).

Như thế trong Tin Mừng Gioan có bốn chỗ nêu đích danh Paraklêtos, và chỗ thứ năm dành một đại danh từ với nghĩa là Paraklêtos. Ở 4 đoạn trước, với những hoạt động rõ ràng, chúng ta thấy Chúa Giêsu xác định Thánh Thần là Paraklêtos ; nơi đoạn thứ năm, khi đi vào mầu nhiệm hiệp thông giữa Cha – Con – Thánh Thần, thì Đấng đó được ám chỉ (Ekeinos) chứ không còn được nêu danh, Ngài ẩn sâu như thể kéo chúng ta vào trong huyền nhiệm. Có thể nói, có một điều gì đó chúng ta như chạm tới nhưng không cách nào nắm được, khôn phương đạt đáo. Chúng ta sẽ thấy đây là đỉnh cao hoạt

động của Thánh Thần, Ngài sẽ đưa chúng ta đến chỗ am tường mọi điều về sự thật, tức là mạc khải của Thiên Chúa, để chúng ta hiểu Chúa Con là ai, Chúa Cha là ai. Vai trò của Paraklêtos ở đây là đưa chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong 1Ga 2, 1 : “Nếu ai (trong chúng ta) trót phạm tội, (thì này), ta có Đấng Bầu Chữa nơi Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính”, tác giả Gioan xác định Paraklêtos là Đức Giêsu Kitô trong tư cách là Đấng Công Chính.

Như thế Paraklêtos không phải là tên riêng của Chúa Thánh Thần cho bằng nói lên chức năng hoạt động của một Đấng mà Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã khẩn nài Chúa Cha ban cho các môn đệ. Đàng khác Paraklêtos cũng là Đấng mà Chúa Giêsu sai đến với chúng ta.

Theo cha Raymond E. Brown (chuyên môn về tác giả Gioan) : “Đấng Paraklêtos là Đấng tiếp nối sự nghiệp của Vị tiền nhiệm, ở đây Thánh Thần tiếp nối sự nghiệp của Đức Giêsu tương tự như Giôsua tiếp nối sự nghiệp của Môsê. Vì thế, Paraklêtos là Đấng “Alter-ego” của Đức Giêsu. Ngài hiện diện thay cho Đức Giêsu khi Người vắng mặt”. Ta có thể thấy Đấng Paraklêtos luôn luôn có mặt, nhưng chỉ phát huy quyền của Ngài khi Đức Giêsu vắng mặt. Hệ luận của việc gọi Thánh Thần là Alter-ego của Đức Giêsu cho thấy Ngài luôn luôn làm theo ý Đức Giêsu, giúp cho người ta yêu mến Đức Giêsu, đến với Đức Giêsu và chính Ngài làm mọi sự nhân danh Đức Giêsu. Thánh Thần không là cái bóng của Đức Giêsu, nhưng là Đấng toàn quyền và đặc biệt phát huy quyền mình khi Đức Giêsu vắng mặt. Cần lưu ý, đây chỉ là cách giải thích mà các nhà chuyên môn giúp chúng ta hiểu, chứ chưa phải là tiếng nói của giáo quyền.
Theo nguyên tự, Paraklêtos là một từ Hy Lạp do tiếng Para-klêtos bởi động từ là parakalein là gọi đến gần bên, gọi ai đến gần, xin điều gì, khẩn nài, khuyến dụ-an ủi. Dịch sang tiếng Latinh thường là Advocatus có nghĩa là Vị Trạng Sư, Đấng Bầu Chữa, Đấng Biện Hộ, Đấng Bảo Vệ, Đấng An Uûi, Vị Cố Vấn…

Trở lại với nguồn gốc từ ngữ Paraklêtos, chúng ta thấy một trong những tác giả thời Tân Ước, ông Philon (thế kỷ II) đs4 sử dụng từ ngữ paraklêtos như là vị trạng sư hay người bầu chữa trong khung cảnh toà án, thuần về nghĩa pháp đình. Trong một vụ kiện liên quan đến nhân vật tên là Caius, Philon đã nêu ra ý kiến là cần đến một paraklêtos, nghĩa là một vị trạng sư để giúp cho Caius được thuận lợi hơn. Trong một phiên toà, nếu có được vị trạng sư giỏi thì không những giúp cho bị cáo được vững vàng mà có khi còn đem lại trắng án. Với chứng từ của Philon, chúng ta hiểu Paraklêtos là từ ngữ chuyên môn của pháp đình.

Bản LXX dịch Cựu Ước, không thấy có từ paraklêtos ; chỉ có từ paraklêtores trong Is 40, 1 với nghĩa là an ủi : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”.

Trong môi trường Dothái-giáo, đặc biệt nơi giới rabbi, lại cũng không dịch chữ paraklêtos : họ đọc trại ra tiếng Dothái thành praqlit, praqlita nghĩa là giữ nguyên các phụ âm của paraklêtos (prqlt) để xử dụng trong các nguyên tự Dothái với nghĩa là trạng sư (khác với người cáo tội).

Rabbi Ben Jacop (khoang 150) viết : “Ai tuân giữ giới răn cách hoàn hảo thì có được một Đấng praqlit” nghĩa là ai giữ luật thì tự người đó sẽ có một đấng bầu chữa cho mình, còn ai lỗi luật thì phải đối diện với vị buộc tội và đấng đó không phải là paraklêtos. Hành vi sám hối, bác ái và đền tội là khiên thuẫn chống lại hình phạt.

Bước sang lãnh vực tôn giáo, Philon cho chúng ta những chứng cớ sống động trong tác phẩm “về những lời chửi rủa” (De exsecrationibus). Tác giả cho thấy mình có ba đấng Paraklêtos xuất hiện trước Chúa Cha : – lòng nhân hậu của Chúa Cha ; – sự thánh thiện của các tổ phụ ; – việc tu thân tích đức của mỗi người.

Tiến sang lãnh vực cử hành phụng tự, theo luật Dothái-giáo, mỗi ngày người ta sát tế hai con chiên ở đền thờ và hai con chiên này cũng được gọi là paraklêtos với nghĩa là đền tội.

Như thế trên bình diện từ ngữ, chúng ta ghi nhận hai ý nghĩa căn bản của Paraklêtos : trạng sư chuyển cầu (x. câu chuyện của Abraham trong St 18, 16t). Ngoài ra, trong 1Ga 2,1 Đức Giêsu được gọi là Đấng Paraklêtos do việc Người đổ máu ra làm Đấng xá tội, nên Paraklêtos có nghĩa thứ ba là Đấng xoá tội con người.

Như vậy, ta cò thể thấy paraklêtos mà Gioan viết lên là một từ ngữ chuyên môn của riêng Tin Mừng thứ tư hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, không vay mượn từ bất cứ nguồn nào (các giáo phụ vẫn gọi tác phẩm của Gioan là do Chúa Thánh Thần viết bằng ngòi bút của Gioan).

B. ĐẤNG PARAKLÊTOS VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀI.

Trong văn bản Dothái, hoạt động của Đấng Paraklêtos được gọi là paraklèse (dịch từ tiếng Dothái nikhan) có nghĩa là an ủi. Chúng ta có thể đối chiếu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong vai trò Paraklêtos với các bản văn của Isaia II. Nơi các bản văn này, paraklêtos có nghĩa là an ủi, xoa dịu, làm nhẹ nhàng, nâng đỡ. Đàng khác, Is (43, 10 và 12) nêu ra vụ kiện giữa Thiên Chúa chống lại các ngẫu thần, trong đó nhà Tiên Tri giới thiệu Israel như là chứng nhân của Thiên Chúa. Trong Gioan (16, 8-11), Đấng Paraklêtos tố cáo thế gian và nại đến các môn đệ Chúa Giêsu trong vai trò chứng nhân (15, 26t).

Như vậy, paraklèse hay hành vi chuyên biệt của Đấng Paraklêtos trước hết là an ủi, thúc đẩy Dân Chúa can đãm, tin tưởng để vượt qua những khó khăn, thử thách và chướng ngại và sau nữa là biện hộ, làm chứng, chỉ dạy…

Ngài là Đấng Paraklêtos vì Ngài là Chứng Nhân đồng thời là Thầy Dạy trong vụ kiện giữa Đức Giêsu với thế gian. Ngài là Thần Khí Sự Thật (Ga 14, 17 ; 15, 26 ; 16, 13). Các giáo phụ đã chuyển dịch từ ngữ paraklêtos thành những hoạt động của Vị Trạng Sư (Advocatus, Tertullien) ; Đấng An Uûi (Consolator, Hilario) hay theo cả hai nghĩa (Advocatus-Consolator, Augustinô), vài bản dịch Latinh cổ thêm Paraclitus.

C. MẠCH VĂN DIỂN TỪ CÁO BIỆT (GA 14-16).

Khi đọc lại trong mạch văn diễn từ cáo biệt, chúng ta sẽ thấy điều này : rõ ràng Thánh Gioan đặt một bên là Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và bên kia là thế gian. Khung cảnh là Nhà Tiệc Ly sau khi Giuđa ra đi. Lúc ấy Chúa Giêsu mới nói diễn từ cáo biệt. Như vậy diễn từ cáo biệt là lời của Vị Thầy dành riêng cho các môn sinh của mình, từ thế hệ này đến thế hệ khác, khi Ngài nhìn về tương lai (và cũng là tương lai rất xa) mà trong đó vai trò chủ đạo đối với các môn đệ, với tất cả Hội Thánh, chính là Paraklêtos … Vai trò của Chúa Thánh Thần quan trọng đến độ không thể thay thế được, đối với Hội Thánh sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh cho tới lúc Ngài trở lại. Đặt trong mạch văn diễn từ cáo biệt cho chúng ta hiểu rõ chỗ đứng và vai trò của Chúa Thánh Thần.

Trong diễn từ cáo biệt, điều quan trọng là vấn đề kế vị ; ngoài ra còn nói đến tương lai của dòng tộc, của môn phái… mà thường trong nội dung diễn từ, viễn ảnh tương lai không mấy sáng sủa nên có nhắc nhở về sự can đảm để trung thành và đủ sức vượt qua thử thách.

Tương tự như Môsê trong các chương cuối sách Thứ Luật, trong đó diễn từ thứ nhất ôn lại lịch sử của Dân Chúa, diễn từ thứ hai vừa ôn lại lịch sử vừa nói đến tương lai của toàn dân khi tiến vào Hứa Địa. Môsê nhấn mạnh đến sự trung thành của Thiên Chúa và nhắc nhở dân trung thành với Giao Ước và truyền thống của cha ông. Chúng ta cũng tìm thấy trong văn chương Dothái-giáo rất nhiều loại diễn từ cáo biệt (có thể đây là điểm đặc biệt của dân tộc Dothái vì họ tựa vào sự trường tồn của hậu duệ các tổ phụ), như “Sách về các ngày lễ” hay “Lời trối của 12 tổ phụ”… (x. St 49 về diễn từ của Giacóp).

Điểm khác biệt giữa diễn từ Dothái-giáo và diễn từ cáo biệt trong Tin Mừng Gioan là : Các diễn từ Dothái-giáo quy về Lề Luật (Torah), còn diễn từ cáo biệt trong Gioan 14-16 quy về Đức Giêsu.

Trong diễn từ của Đức Giêsu có xen lẫn lời loan báo sự trở lại của Ngài và việc ban Đấng Paraklêtos . Vậy Đức Giêsu hoạt động nhờ Đấng Paraklêtos như thế nào ?

 

Ðấng Paraklêtos

Ðức Giêsu

Ga 14, 16

Do Chúa Cha ban

Ga 3, 16

14, 16t t

ở với, ở bên các môn đệ
ở trong các môn đệ

13, 16
14, 20

14, 17

thế gian không nhận, không biết
các môn đệ biết, nhận

1, 11 ; 5, 43
12, 48

14, 16

do Chúa Cha sai đến

5 ; 7 ; 8 ; 12

14, 26

giảng dạy

7, 14 ; 8, 20 ; 18, 18

15, 26

làm chứng

5, 31 ; 8, 13 ; 18, 37

16, 8

bắt lỗi thế gian

3, 19 ; 9, 41 ; 15, 22

16, 13

không tự mình nói
nhưng nghe gì thì nói ra

7, 17 ; 8, 26 …

16, 13

loan báo điều sẽ đến

4, 25

16, 13

đưa vào tất cả sự thật

1, 17 ; 14, 6 ; 18, 37



Như thế, hoạt động của Đấng Paraklêtos rất đa dạng và tự do, cốt để hiệp thông các môn đệ với Chúa Giêsu và Chúa Cha. [Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến (apostelein), Ngài sống vâng phục và khiêm hạ ; còn Thánh Thần được trao gửi (peimpein), Ngài đưa vào hiệp thông].

Qua diễn từ cáo biệt, trong bối cảnh Giuđa đã rời Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu như thể nói với các môn đệ về tương lai Hội Thánh sau này. Có ba lần Ngài nhắc đến việc Ngài sẽ ra đi (13, 23 ; 14, 19 ; 16, 16), rồi bầu khí đầy ưu tư xao xuyến của các môn đệ vì họ sẽ phải đối diện với quyền lực thế gian, cùng với hình ảnh cây nho và cành nho trong Ga 15, càng làm cho các môn đệ thấy viễn ảnh một số trong họ sẽ tách lìa với thân cây … Nhưng nếu được lãnh nhận Đấng Paraklêtos thì họ sẽ có được bình an, va hơn thế nữa, còn được chính Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mình.

D. GIẢI THÍCH CÁC VĂN BẢN LIÊN HỆ.

1.Đấng Bầu Chữa ở với các ngươi luôn mãi ! (Ga 14, 16).

Thánh Thần hiện diện như Đấng An ủi (consolator).

Điểm đáng lưu ý trong đoạn văn này là Chúa Giêsu giới thiệu Chúa Thánh Thần trong tư cách một Đấng Paraklêtos khác ; như vậy phải hiểu là các môn đệ đã có một Đấng Paraklêtos rồi, Đấng nay được thư thứ nhất Gioan chỉ là chính Đức Giêsu (2, 1). Chúa Giêsu đã xuất hiện trong tư cách là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc loài người, và Ngài thể hiện tư cách đó đối với các môn đệ dưới hoạt động của một Đấng Paraklêtos. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn hiểu Paraklêtos chỉ về Chúa Thánh Thần, nhưng trong mạch văn này, Paraklêtos phải hiểu về chính Chúa Giêsu, Đấng an ủi,

phù trợ, bảo vệ và hương dẫn các môn đệ, nói tắt, tất cả những hoạt động mà sau này Chúa Thánh Thần sẽ làm thì Chúa Giêsu đã làm trước. Như vậy, rõ ràng bao lâu còn hiện diện nơi trần gian với các môn đệ thì Chúa Giêsu đóng vai trò Đấng Paraklêtos. Ngài không chịu để mất một người nào. Ngài luôn luôn bảo vệ môn đệ [xt. Câu chuyện tai vườn Cây

Dầu trong Ga 18, 1t, như xưa kia Môsê bảo vệ Dân Chúa trong hành trình sa mạc, trước mặt người đời và trước toà Chúa

(Đấng chuyển cầu), x. Xh 32, 11. 30 : dù chính mình không chạy theo ngẫu tượng, không phạm tội như dân đi trong sa mạc, nhưng tới khi đến trước mặt Thiên Chúa, Môsê không cáo tội anh em mình…].

Giờ đây, vào lúc sắp ra đi, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về Đấng kế vị Ngài là Đấng Paraklêtos khác, Đấng sẽ thay thế Ngài, mặc lấy tâm tình của Ngài. Đấng Paraklêtos khác là “Alter-ego” của Đức Giêsu sẽ hoàn toàn trung thành với sứ mạng của Ngài.

Đấng Paraklêtos khác ấy là Đấng luôn ở với các môn đệ, tương tự như Đức Giêsu yêu các môn đệ cho đến cùng (x. Ga 13, 1). Điều này bù đắp cho việc Đức Giêsu sắp ra đi.

Đấng Paraklêtos là Thần Khí Sự Thật, là Đấng mạc khải Chúa Giêsu. Sự thật trong Gioan là chính Chúa Giêsu, mầu nhiệm Con Thiên Chúa trong vai trò cứu thế. Mầu nhiệm Sự Thật hướng tới hai đối tượng : các môn đệ và thế gian. Thế gian không thể lãnh nhận Thánh Thần vì thế gian không thấy và không biết Chúa Giêsu, bởi bản chất của thế gian là dối trá (x. 1Ga 2, 16 : đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt và kiêu hãnh về của cải ; những điều ấy do từ thế gian mà có). Thế gian chỉ coi là thật điều nó chạm tới và hưởng thụ, nên vô phương lãnh hội mạc khải của Chúa Giêsu (Ga 1, 10 ; 8, 23…). Do đó, thế gian coi là hư ảo điều Thiên Chúa thông ban cho con người như mầu nhiệm Thiên Chúa, ân sủng, đức tin, lời hứa sự sống đời đời… Đối ngược lại với thế gian, các môn đệ của Chúa Giêsu được Thần Khí Sự Thật tác động nên mới có thể biết và lãnh hội mầu nhiệm Chúa Giêsu. Người môn đệ của Chúa Giêsu không thể yêu mến Chúa Giêsu, nếu không có Thần Khí Sự Thật.

Với Gioan, thấy là tập trung cái nhìn vào con người Đức Giêsu để có thể khám phá ra sự hiện diện của Thần Khí Đức Giêsu và có Chúa Giêsu ở cùng.

2. Đấng Bầu Chữa sẽ dạy các ngươi mọi sự (Ga 14, 26).

Đấng Paraklêtos là Vị Thầy, là Tôn Sư !

Gợi lên hai thời kỳ của Mạc Khải : – thời Chúa Giêsu ở với các môn đệ ; – thời Chúa Giêsu ra đi, để lại cho Thánh Thần tiếp tục hiện diện. Trong thời kỳ sau, Thánh Thần với nhiệm vụ Thầy Dạy, tôn vinh Chúa Giêsu và làm vinh danh Chúa Cha.

Có hai động từ nói về hoạt động của Thánh Thần : “Chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại điều Ta đã nói với các ngươi”. Có lẽ đây là một trong các đỉnh cao của Tin Mừng : sứ mạng Chúa Giêsu chấm dứt, nhường chỗ cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm. Thực vậy, cho đến nay, Chúa Giêsu là Đấng giảng dạy về Thiên Chúa trong Đền Thờ, nơi tiêu biểu của Mạc Khải (x. Ga 6, 59 ; 7, 14 ; 18, 20). Từ nay, Thánh Thần thay Ngài để giảng dạy bằng cách tiếp nối sứ mạng và nội dung mạc khải của Chúa Giêsu qua việc nhắc nhớ, giúp đào sâu Lời Chúa Giêsu để các môn đệ hiểu tường tận về mầu nhiệm cứu độ.

3. Thần Khí Sự Thật sẽ làm chứng về Ta (Ga 15, 26).

Đấng Paraklêtos làm chứng về Chúa Giêsu !

Chủ đề “làm chứng” là chủ đề trong yếu trong Tin Mừng Gioan. Có thể nói, Tin Mừng Gioan tập trung vào việc làm chứng về Chúa Giêsu (x Ga 19, 35).

Nguồn gốc của Thánh Thần là từ nơi Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu mạc khải điều này trong Ga 15, 26 để lưu ý nguồn gốc thần linh của Đấng Paraklêtos. Những gì Thánh Thần làm đều mang tính Thiên Chúa, thuộc lãnh vực thần thiêng.

Vai trò Chúa Thánh Thần là làm chứng vì liên quan đến vụ kiện giữa Đức Giêsu và thế gian. Thế gian đã kết án người công chính, đã giết hại người vô tội. Cho nên vai trò của người làm chứng là xác nhận điều đã thấy, và giải oan cho người vô tội : Ngài bênh vực và làm cho người công chính được vinh quang. Trong vụ kiện này, thế gian vừa chạm tới Chúa Giêsu vừa đụng tới các môn đệ Người. Với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần thì sẽ tỏ lộ rõ ràng ai đúng ai sai.

Làm chứng thế nào ? – Chứng từ thường nại tới uy tín của Lời Kinh Thánh (x. Ga 5, 45-47). Chúa Thánh Thần giúp cho các môn đệ nhớ lại Lời Kinh Thánh (Ga 14, 26 ; 16, 13-15), soi sáng cho họ về mối tương quan giữa hoạt động của Chúa Giêsu với Lời Kinh Thánh , vì Thánh Thần là Đấng linh hứng, là Tác Giả của Lời Kinh Thánh ; chỉ mình Ngài có thể làm sáng tỏ Lời Kinh Thánh là Lời Chúa Con nói điều Chúa Cha dạy (Pater docebat, Filius dicebat).

Điều quan trọng ở đây là Chúa Giêsu uỷ thác các môn sinh của mình cho Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần sẽ hỗ trợ các môn sinh này trong sứ mạng làm chứng trước thế gian (x. Mc 13, 11). Họ sẽ làm chứng bằng cách trung thành với những gì đã nghe, đã thấy về Chúa Giêsu, không thêm không bớt điều gì. Thánh Thần là bảo chứng sự trung thành với kho tàng đức tin. Ngài còn dạy môn đệ tiến sâu hơn vào sự thật (Ga 16, 13).

4. Đấng Paraklêtos đến, sẽ bắt lỗi thế gian (Ga 16, 7-11).

Chúa Giêsu an ủi các môn đệ trước lúc Ngài ra đi, Ngài nói : “Ta ra đi, thì ích lợi hơn cho các ngươi, vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa không đến với các ngươi ; còn nếu Ta ra đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi”.

Khi Chúa Giêsu còn tại thế thì chưa có việc ban Thánh Thần, vì đó là do kế hoạch của Thiên Chúa. Thực vậy, khi Chúa Giêsu ra đi thì Thánh Thần được trao ban và nhờ lãnh nhận Thánh Thần mà các môn đệ làm được mọi chuyện, kể cả việc phải đối diện với thế gian. Thánh Thần bênh đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ bằng việc “Bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử”. Ngài trở thành Vị Trạng Sư cho các môn đệ trước thế gian.

Về tội : Thế gian (qua người Dothái) đã kết án Chúa Giêsu dù không tìm ra chứng cứ buộc tội (Ga 9, 24 ; 18, 30). Đấng Paraklêtos chứng minh Chúa Giêsu vô tội. Tội ở về phía thế gian vì đã không tin và khước từ Chúa Giêsu (Ga 3, 19-21 ; 9, 41 ; 12, 37). Thế gian bảo Đức Giêsu phạm thượng và kết án Ngài trong khi Ngài đích thực là Con Thiên Chúa (Ga 19, 7), hơn thế nữa, thế gian còn từ khước chính Thiên Chúa. Thánh Thần vạch ra cho thấy là thế gian đã phản bội chống lại Thiên Chúa.

Về sự công chính : Khái niệm “công chính” của Tin Mừng Gioan khác với Tông đồ Phaolô. Công chính theo Phaolô nằm trong tương quan cứu độ. Theo Gioan, công chính là được tôn vinh bên Chúa Cha. Người công chính là người biết hướng về Thiên Chúa. Thế gian quả quyết mình nắm quyền quyết định về sự công chính (Ga 9, 28), Thánh Thần tỏ cho thấy thế gian đã sai lầm vì Chúa Giêsu đã sống lại và được tôn vinh (Ga 16, 5). Về với Chúa Cha là dấu chứng Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian.

Về án xử : Từ khi thế gian kết án Đức Giêsu thì những tưởng rằng đã xong vụ kiện. Đức Giêsu phải đền tội bởi Ngài là vua Israel (Ga 19, 19). Nhưng Đấng Paraklêtos đến lật lại vụ án, cho thấy thế gian đã phạm thêm sai lầm : từ không tin đến đắc thắng và lầm lạc. Trong vụ án, Đức Giêsu đã chết nhưng Ngài cũng đã toàn thắng, bởi Ngài đánh bại Satan là kẻ cầm đầu thế gian (x. Ga 12, 31 ; 14, 30 – con rắn trong St 3, 1 là biểu tượng quyền lực theo nghĩa chính trị, xt Ga 8, 44). Như vậy, người Dothái lên án Chúa Giêsu vì họ hành động theo sự xúi bẩy của Satan, họ hành động theo bóng tối. Thế gian đã kết án Đức Giêsu nên cũng hành xử tương tự với các môn đệ … Đấng Paraklêtos đã lật lại vụ án Đức Giêsu thì cũng không ngừng làm như thế cho các môn đệ.

5. Ngài (Êkeinos = Đấng Paraklêtos) sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật (Ga 16, 13).

Không chỉ hoạt động trong tư cách Đấng Phù Trợ, An Uûi, mà Đấng Paraklêtos còn là Vị Thầy dẫn đường vào tất cả sự thật. Gợi hứng từ Tv 25, 5 : “Xin dẫn tôi theo đường sự thật của Người, xin hãy dạy tôi vì Người là thần linh tế độ cho tôi…”. Sự thật chính là Lề Luật được coi như Luật sống của Dân Chúa. Trong Thánh vịnh này, lời khẩn xin “cho tôi biết đường lối của Người, xin hãy dạy tôi” nghĩa là được am tường giáo huấn sâu sắc của Chúa.

Chúa Giêsu mạc khải nhiều điều, nhưng các môn đệ chỉ hiểu được một phần (Ga 16, 12), còn phần lớn thì họ chưa mang nổi. Đấng Paraklêtos là Thần Khí Sự Thật đến sẽ giúp đỡ, làm cho môn đệ am hiểu toàn bộ Mạc Khải. Ngài thực hiện việc này bằng cách nói (phải chăng qua tiếng nói Huấn quyền Hội Thánh (?)), nghĩa là tiếp tục mạc khải chính giáo huấn của Chúa Giêsu, vì Ngài nói lại cho chúng ta những điều Ngài đã nghe được trong việc Chúa Cha dạy bảo Chúa Con. Như thế cho thấy có sự hiệp thông sâu xa giữa Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nguồn Mạc Khải vì thế tuôn trào luôn mãi, không khi nào vơi.

Chúa Cha thông truyền mọi sự cho Chúa Con, và Chúa Thánh Thần kín múc tất cả nơi Chúa Con, để thông truyền lại cho các môn đệ. Vì vậy, Ngài hành động nhằm tôn vinh Đức Giêsu Kitô. Đây là sứ mạng tối hậu của Đấng Paraklêtos. Suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu không tìm vinh quang cá nhân cho mình, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh Chúa Con (Ga 17, 1). Chúa Cha đáp lại lời khẩn xin này bằng cách trao gửi Chúa Thánh Thần. Vinh quang Chúa Giêsu là chiếu tỏa quyền năng của Người, là làm trọn Thánh Ý Chúa Cha.

Tóm lại, Đấng Paraklêtos là Đấng An ủi, Vị Thầy, Đấng làm Chứng, Trạng Sư … được Chúa Giêsu hứa gửi cho các môn đệ. Ngài vẫn luôn luôn hoạt động cho các môn đệ. Để có thể đón nhận Ngài, không ngừng phải cầu nguyện.

II. HỔNG ÂN THÁNH THẦN.

A.HƯỚNG THẦN HỌC CỦA GIOAN.

Trong Tân Ước, hai thánh Gioan và Phaolô đề cập nhiều đến Thánh Thần với cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau.

Phaolô nhìn vào đời sống cụ thể của các tín hữu, nhờ việc sống mầu nhiệm Phục Sinh và khám phá ra hoạt động của Chúa Thánh Thần được xem như “hồn” của Hội Thánh. Môn Thánh-Linh-học theo Phaolô quy chiếu về Hội Thánh.

Gioan chiêm ngắm Thánh Thần trong tương quan với con người và giáo huấn của Đức Giêsu , nghĩa là trong tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Khoa Thánh-Linh-học của Gioan quy chiếu về Đức Kitô.

Các học giả nghiên cứu về Gioan sau này thường nhấn mạnh Lời – Hơi Thở. Bulmann đã có công khai sáng cho hướng đi này. Ông nói : “Thánh Thần là Sức Mạnh để thông hiểu Lời Chúa cho cộng đoàn, cũng là sức mạnh cho mọi lời rao giảng Lời Chúa trong cộng đoàn”.

Với Phaolô, Thánh Thần là sức mạnh cho mọi hoạt động của Giáo Hội.

Cha I. De la Potterie nghiên cứu Thánh Thần trong tương quan với Sự Thật (= Mạc Khải của Thiên Chúa) đã nói : “Sứ mạng của Thánh Thần hệ tại việc nội tâm hóa Lời của Đức Giêsu và qua đó giúp các tín hữu am tường Lời Chúa”.

B. TỪ NGỮ LIÊN QUAN ĐẾN PNEUMA.

Trong Tin Mừng Gioan, chỉ có hai trường hợp từ ngữ Pneuma được dùng trong liên hệ với tâm thần (# psykhê) con người. Các trường hợp khác, Pneuma được dùng để chỉ Thánh Thần, Thần Khí Sự Thật.

Thường có hai động từ đi kèm ; cho hay ban (didonai, Ga 3, 34 ; 7, 39 ; 14, 16), nghĩa là Thánh Thần là Hồng Aân của Thiên Chúa ; gửi hay sai đến (pempein, apostelein), gắn liền với việc ban Thánh Thần nghĩa là diễn tả sự đồng nhất giữa người sai và Đấng được sai đến. Qua đó mầu nhiệm hiệp thông được sáng tỏ. Lãnh nhận Thánh Thần cũng là lãnh nhận Chúa Cha và Chúa Con. Khởi điểm của Đấng được sai đến là vâng phục Đấng sai mình.

C. HỔNG ÂN THÁNH THẦN.

1. Tại Gò Sọ (Golgotha, Ga 19, 30. 34).

Nơi thập giá Chúa Giêsu, “mọi sự đã hoàn tất” (têlêlestai) [xt. Ga 13, 1 : Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian để đến cùng Cha, (Ngài) đã yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng (eis têlos)]. Đấng là đỉnh cao sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài đã hoàn tất sứ mạng cách tuyệt hảo hầu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại (x. Ga 4, 32-34 ; 5, 30). Tại đây cũng gợi lên chủ đề “GIỜ”, Giờ Đức Giêsu rời bỏ thế gian về cùng Chúa Cha, giờ chết và được tôn vinh. Chính vào lúc này, Gioan ghi lại : “Ngài phó thác Thần Khí”. Khác hẳn với các tác giả Nhất Lãm khi nói về giờ phút cuối của Chúa Giêsu [“Ngài trút linh hồn” (Mt 27, 50) hay “Ngài tắt thở” (Mc 15, 37 ; Lc 23, 46)].

Pneuma chính là hơi thở. Hơi thở này gắn liền với Đức Giêsu. Trước hết, trong phép rửa ở sông Giođan (Ga 1, 32t) : Thần Khí như chim câu đáp xuống và lưu lại trên Đức Giêsu. Giờ đây, tại Gò Sọ, với động từ paradidonai diễn tả sự thông ban, Đức Giêsu “gục đầu xuống” trong thái độ vâng phục tuyệt đối, “Ngài phó thác Thần Khí”. Những người đầu tiên được hưởng hồng ân này là các phụ nữ (Đức Maria, bà Maria vợ của Klôpa và Maria người Magđala) và người môn đệ Chúa yêu (Ga 19, 25-26).

Trong cái nhìn của Gioan, khổ nạn cũng là vinh thăng cùng với việc trao ban hơi thở (= Thánh Thần), làm thành một tổng thể duy nhất trong Giờ của Chúa Giêsu.

Tường thuật khổ nạn được tiếp nối với lời chứng long trọng khi chiêm ngắm cạnh sườn của Đấng bị đâm thâu, gợi lên hình ảnh Chiên Vượt Qua bị sát tế. Gioan nhấn mạnh “có máu và nước chảy ra” (19, 34) để làm chứng Đức Giêsu đã chết thật, đồng thời bày tỏ hiệu quả cái chết của Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (1, 29). Máu diễn tả cái chết, Nước diễn tả hậu quả ơn cứu độ của cái chết là thông ban Thánh Thần.

Đức Giêsu không chỉ là Chiên Thiên Chúa, Ngài còn là Tảng Đá xây dựng Đền Thờ (x. Ga 2, 21). Thân thể Đức Giêsu trở nên nguồn suối sống động tuôn chảy Thánh Thần, đem lại ơn hoán cải cho con người (x. Ga 7, 38-39). Trong thư 1Ga (5, 6-7) cũng có nói đến nước và máu : “Chính Ngài là Đấng đã đến nhờ nước và máu : Đức Giêsu Kitô …”, chúng ta phải hiểu là tại đây đã hình thành tổ chức Hội Thánh.

2. Tại Nhà Tiệc Ly (Ga 20, 22).

Đức Kitô Phục Sinh hiện ra vào “ngày thứ nhất trong tuần” gợi lên cuộc tạo dựng mới. Cửa Nhà Tiệc Ly, nơi các môn đệ ở, đều đóng kín (Ga 20, 19) để diễn tả sự tự do của Đấng Phục Sinh không còn bị thời gian và không gian cầm giữ.

Đến với các môn đệ Ngài nói “Bình an cho các ngươi !” , và các môn đệ đều mừng rỡ, Bình an gợi lai điều Chúa Giêsu hứa ban (Ga 14, 27) và niềm vui liên quan đến hồng ân các môn đệ lãnh nhận (xt. Ga 16, 20 t t).

Trong bối cảnh này, Gioan còn lưu ý đến thương tích của Đấng đã chịu tử nạn diễn tả nguồn ơn Thánh Thần đã được trao ban.

Mạch văn này đã được nêu lên ba sự kiện : sai đi truyền giáo, hống ân Thánh Thần và việc tha tội.

a. “Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi” (Ga 20, 21) đối chiếu với lời “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai chúng đến trong thế gian” (Ga 17, 18) nói lên sự hiệp nhất giữa Chúa Con với Chúa Cha và sứ mạng tiếp nối của các môn đệ ; có lẽ còn diễn tả nguyên nhân và hiệu quả của việc sai đi : do việc Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con cũng sai các môn đệ. Nói lên mối tương quan này, Chúa Giêsu cho các môn đệ được thông phần sự sống mà Ngài có cùng với Chúa Cha, được thông hiểu, tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa và chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha.

b. “Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ : Hãy chịu lấy Thánh Thần !” (Ga 20, 22). Thổi hơi gợi lại câu chuyện về tạo dựng ban đầu (St 2, 7) và lời tiên báo việc tái tạo Israel (Ed 37, 9). Thánh Thần thực hiện cuộc tạo dựng mới.

c. “Các ngươi tha tội cho ai thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai thì tội họ bị cầm giữ” (Ga 20, 23). Tội ở đây được dùng ở số nhiều, khác với cách Giaon thường dùng để nói đến tội không tin. Như vậy Hội Thánh có quyền tha mọi tội. Chúa Giêsu quả thật là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu. Giờ đây Ngài trao cho các môn đệ quyền này để họ tiếp nối sứ mạng cứu thế, và Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ thực hiện sứ mệnh này …

 

Gm. Giuse Võ Đức Minh

Lượt xem 120 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *