Satan Dưới Cái Nhìn Kinh Thánh

Satan Dưới Cái Nhìn Kinh Thánh


9/1/2011 10:16:02 PM

Trong Tân Ước, cả hai tên: Satan (Tiếng Hebrew: sătan, địch thủ) hoặc quỷ (Tiếng Hy Lạp: dabolos, kẻ vu khống) thường được dùng như nhau; Kinh Thánh dùng cả hai tên đó để chỉ một nhân vật tự bản chất là vô hình nhưng hành động hay ảnh hưởng được biểu lộ trong hoạt động của kẻ khác (quỷ hay thần ô uế) hoặc trong cơn cám dỗ. Đàng khác, về điểm này khác với Do Thái Giáo về sau này và phần lớn các nền văn chương cổ Trung Đông, chúng ta thấy Kinh Thánh rất dè dặt, chỉ nhằm cho chúng ta biết có nhân vật đó và các mưu mô của hắn cũng như các phương thế để chống lại các mưu mô đó.

01-satan.gif 

I. Địch thủ của ý định Thiên Chúa đối với nhân loại

1. Cựu Ước nói rất rõ về Satan và chỉ dưới một hình thức vừa bảo vệ tính cách siêu việt của Thiên Chúa duy nhất vừa cẩn thận tránh mọi điều gì có thể khiến Israel nghiêng về một thứ nhị nguyên giáo mà họ đã sẵn có khuynh hướng nghiêng theo. Còn hơn một địch thủ đích thực, Satan xuất hiện như một trong các thiên thần tại triều đình của Gia-vê, chu toàn nơi tòa án thiên quốc một nhiệm vụ giống như một biện lý công cộng, có bổn phận bắt mọi người dưới thế phải tôn trọng công lý và quyền lợi của Thiên Chúa . Tuy nhiên, dưới chiêu bài phục vụ Thiên Chúa, chúng ta đã nhận ra trong G 1-3 ý muốn đối nghịch nếu không phải là với Thiên Chúa thì ít ra cũng với con người và với sự công chính của họ: hắn không tin vào tình yêu vô vị lợi (G 1,9). Không hẳn là một kẻ cám dỗ, hắn mong cho Gióp sa ngã; hắn mong muốn điều đó một cách bí ẩn và chúng ta cảm thấy hắn vui thích về điều đó. Trong (Dcr 3, 1-5), kẻ tố cáo biến thành một địch thủ thật sự của ý định tình yêu Thiên Chúa đối với Israel. Để cứu thoát Israel, trước tiên thiên thần Chúa phải khiến hắn im lặng nhân danh chính Thiên Chúa: “Chớ gì Chúa khiến ngươi!”(Gđ 9: Pt)

2. Đàng khác, độc giả Kinh Thánh biết rằng có một nhân vật bí nhiệm đã đóng vai trò căn bản ngay thời sơ nguyên nhân loại. Sáng Thế Ký chỉ nói đến con rắn. Là tạo vật của Thiên Chúa như mọi tạo vật khác (St 3,1), con rắn này lại thông minh và khôn khéo hơn hẳn con người. Nhất là ngay khi xuất hiện trong Kinh Thánh, nó được giới thiệu như kẻ thù của bản tính nhân loại. Ghen ghét hạnh phúc của con người (x. Kn 2, 24), nó đạt đến mục đích bằng cách dùng ngay những khí giới đặc sắc nhất của nó, tức mưu chước và nói dối: “quỷ quyệt nhất trong mọi thú vật ở cánh đồng” (St 3, 1), là kẻ quyến rũ” (St 3, 13; Rm 7,11); Kn 12, 9; 20, 8tt), sát nhân và dối trá ngay từ đầu” (Ga 8, 44), Sách Khôn Ngoan đặt cái tên đúng cho con rắn này: nó là quỷ (Kn 2, 24).

II. Địch thủ của Đức Kitô

Ngay từ giai đoạn đầu của lịch sử, nhân loại chiến bại nhưng vẫn thấy được phần nào là một ngày kia mình sẽ chiến thắng địch thủ của mình (St 3, 15). Con người sẽ “chiến thắng Satan, đó chính là mục đích của sứ mệnh Đức Kitô đến để “làm tê liệt kẻ làm bá chủ của sự chết là ma quỷ” (Dt 2, 14), “phá hủy công trình của nó” (1Ga 3, 8), nói cách khác là đem vương quyền của Cha Người thay thế vương quyền Satan (1Cr 15, 24-28); Col 1, 13t). Vì thế các Tin Mừng trình bày đời sống công khai của Người như cuộc chiến đấu chống Satan. Cuộc tranh đấu bắt đầu từ câu chuyện Satan cám dỗ. Ở đó, lần đầu tiên từ khi cảnh tượng xảy ra ở vườn địa đàng chúng ta thấy một người đại diện nhân loại là “con của Ađam” (Lc 3, 38) đối đầu với ma quỷ. Cuộc chiến diễn tiến nhờ Đức Giêsu giải thoát những kẻ bị quỷ ám, chứng tỏ rằng “nước Thiên Chúa đã đến” (Mc 3, 22tt) và quyền hành Satan đã chấm dứt (x. Lc 10, 17-20), và cả đến khi Người chữa lành những bệnh nhân thường (x. Cv 10,38). Một cách âm thầm hơn, nhưng cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục trong việc Đức Kitô phải đương đầu với người Do Thái cứng lòng tin, những “con cái đích thực của ma quỷ” (Ga 8, 44; x. Mt 13, 38), “dòng giống rắn độc này”(Mt 3, 7 tt; 12, 34; 23, 33). Cuộc chiến đạt đến cực điểm vào giờ Khổ Nạn. Luca cố ý nối liền cuộc khổ nạn này với cơn cám dỗ (Lc 4, 13; 22, 53). Còn Gioan chỉ nhấn mạnh vai trò của Satan (Ga 13, 2.27; 14, 30; x. Lc 22, 3.31) để loan báo thất bại sau cùng của nó. Dường như Satan chủ động nhưng thực ra “nó không có quyền gì trên Đức Kitô cả”: tất cả đều là công trình của tình yêu và sự vâng phục của Con (Ga 14, 30). Ngay lúc hắn tin chắc sẽ chiến thắng thì “Thủ lãnh thế gian này bị quật ngã” (Ga 12, 31; x. 16,11; Kh 12, 9-13). Quyền bá chủ thế gian mà trước kia hắn đã dám dâng cho Đức Giêsu (Lc 4, 6) từ nay thuộc quyền Đức Kitô, Đấng đã chết và đã được tôn vinh (Mt 28,18; x. Pl 2,9).

III. Địch thủ của Kitô hữu

Nếu Đức Kitô sống lại đã đánh bại Satan hoàn toàn thì theo Phaolô cuộc chiến đấu chỉ kết thúc với hành vi cuối cùng của “lịch sử cứu rỗi” trong “ Ngày của Chúa” khi “Người Con, sau khi đánh bại thế lực của mọi Thủ lãnh, mọi quyền năng và của chính “sự chết, sẽ trao vương quyền lại cho Cha Ngài để Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 15, 24-28)

Cũng như Đức Kitô, người Kitô hữu cũng phải chạm trán với Địch thủ. Địch thủ này ngăn cản Phaolô đi đến Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx 2,18) và “chiếc gai nhọn” cắm vào da thịt của ngài”, làm chướng ngại cho việc tông đồ của ngài, và chính hắn cũng là “một thủ hạ của Satan” (2Cr 12, 7-10). Tin Mừng cũng đã đồng hóa nó với kẻ thù gieo cỏ lùng trên ruộng người cha gia đình (Mt 13, 39) hoặc nhổ hạt giống Lời Thiên Chúa ra khỏi lòng người, “vì sợ họ tin và được cứu rỗi” (Mc 2, 15ss). Tới phiên Phêrô, ngài mô tả nó như một con sử tử đói khát luôn lượn quanh các tín hữu, tìm mồi để cắn xé (1Pr 5,8) và như thế đặt họ chống lại Thiên Chúa (Cv 5, 3). Hơn thế nữa, đằng sau hiện thân của quyền lực được Phaolô gọi là tội, dường như ngài cho là có hành động của Satan, cha đẻ ra tội (so sánh Rm 5, 12 và Kn 2, 24; Rm 7, 7 và St 3, 13). Sau cùng, nếu thật sự Phản-Kitô đang hoạt động ở trần thế này thì chính quyền lực của Satan đang núp sau hành động ác động của nó (2Tx 2, 7tt). Như thế, người Kitô hữu- và đây chính là điều thảm hại của định mệnh họ- phải chọn một trong hai hoặc Thiên Chúa hoặc Satan, hoặc Đức Kitô hoặc Bê-li-a (2Cr 6, 14), hoặc “Thần Ác” hoặc “ Thần Chân Lý”.

Các thuật ngữ viết tắt

Pt: bản Phổ Thông
ss: những đoạn song song
t : câu tiếp theo sau
tt: và hai câu tiếp theo sau

(Nguồn: Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh)

Lượt xem 159 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *