NỘI TÔI
-“Tết tết tết tết đến rồi! Tết tết tết tết tết tết đến rồi!…”
Bài hát quen thuộc mà mấy bữa nay nhà hàng xóm cứ mở hoài, bài hát khiến ông Ba thấy ám ảnh cái chữ “tết”. Giờ có ai hỏi ông: “Tết chuẩn bị gì chưa?”, thì ông cứ cúi đầu, buồn bã, chẳng trả lời mà bỏ đi nước một. Nhiều lúc ông chẳng muốn gặp ai vì cái tết đối mang lại cho ông quá nhiều mệt mỏi và lo lắng.
Gần tết nghĩa là số nợ khổng lồ đã đến ngày trả. Số nợ có từ lúc bà Ba bị bệnh ung thư, ông mượn tiền chạy chữa cho bà, lo kéo dài mạng sống được gần một năm thì bà chết. Bà ra đi đồng nghĩa với đống nợ vay nóng đã chất lên như núi. Bà đã đi được gần chục năm rồi, mà số nợ ấy cứ lay lất và sinh lãi cao, nay tới hồi bọn đòi nợ siết nhà, siết đất và nhiều lúc chúng muốn lấy luôn cả mạng ông nữa.
Vợ chồng ông có một đứa con trai duy nhất, nhưng nó cũng theo bà Ba sau một năm bà qua đời. Thằng Tín – con trai ông bà – cũng chịu khó làm ăn, nhưng vì số nợ càng lớn dần, nên nó đành xa ông Ba lên Sài Gòn kiếm việc làm, mong có tiền phụ ông Ba trả nợ. Tại Sài Gòn, nó kiếm được chân giao hàng cho siêu thị, tuy vất vả vì công việc liên tục từ sáng đến chín giờ tối, nhưng nghĩ về ông Ba nó thương ông lắm. Cố làm ngày đêm nhưng cuối cùng bị tai nạn giao thông trong một lần giao hàng ban đêm. Nó bị một đám thanh niên đua xe trên đường đâm sầm vào xe nó rồi bỏ chạy, thằng Tín cố giãy giụa mà không ai cứu giúp vì chỗ nó bị thương là chỗ đất hoang, nó đã ra đi theo bà Ba trong đêm ấy.
Điện thoại từ Sài Gòn báo tin thằng Tín chết cũng là ngày giáp tết, ông Ba không đứng lên nổi khi hay tin dữ báo về. Cú sốc thứ hai quá lớn sau cú sốc bà Ba chết. Vì không tiền lo nổi cái đám cho con, ông xin bà con mỗi người một ít rồi lên Sài Gòn hỏa táng cho thằng Tín, ôm hũ cốt về để trên bàn thờ. Hôm hỏa táng chỉ có mình ông đứng trơ trọi với vài nhân viên nhà tang lễ. Về nhà, ông đem tấm hình thằng Tín đặt bên cạnh hình mẹ nó, đốt nhang, sá vài sá, ngồi bệt xuống đất, nước mắt giàn giụa. Bà con thấy cảnh ấy thương tình ông tuổi già một mình, nên chung tay giúp đỡ miếng ăn, áo mặc, nhưng chỉ là những trợ giúp tạm thời, chứ nỗi lo về nợ nần và nhiều khoản khác ông vẫn phải gồng mình lên gánh.
3.
Không biết suốt gần chục năm qua sống một mình, có bao nhiêu việc mà ông đã làm. Chiếc xe hồi trước thằng Tín chạy, được gửi về cho ông sau khi nó chết, ông sửa lại chút ít rồi chạy xe ôm. Nhưng càng lúc chạy xe càng ế, ông chuyển sang làm công nhân cho vài nhà máy trong tỉnh, cuối cùng là nghề bán vé số. Cầm chồng vé số trên tay ông cứ vẫy và rao bán hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, người mua vé số cũng ít, nên chẳng bán được bao nhiêu, mỗi ngày chỉ đủ mua cơm ăn để sống qua ngày. Số tiền kiếm được đã ít ỏi mà tiền nợ cứ chồng chất hết lãi mẹ đến lãi con.
Chưa đêm nào ông Ba nằm ngủ ngon giấc, vì nơm nớp lo sợ cảnh chủ nợ tới đòi nợ, mà mỗi lần chúng tới thì kinh hãi lắm. Ông nài nỉ, van xin đến cỡ nào chúng cũng không chịu tha, có hôm còn đánh ông túi bụi, khiến mặt mày bầm giập không còn chỗ lành. Cứ mỗi lần chúng tới là vài món đồ trong nhà cứ lần lượt bị chúng thâu tóm, ngay cả cái lư hương mà ông cặm nhang cho bà Ba và thằng Tín, cũng bị chúng lấy mất. Ông đành lấy lon sữa bò bỏ cát vào mà đốt nhang cho hai mẹ con thằng Tín. Riết rồi ông đâm ra chán nản, muốn bỏ cuộc trước những lần bị đòi nợ, khuôn mặt ông trở nên hầm hầm ít nói, bọn đòi nợ tới ông chẳng nói tiếng nào, chỉ đáp trả đôi câu rồi để chúng đánh. Ông thực muốn chúng đánh cho ông mau chết để theo bà Ba và thằng Tín, bởi nhìn cuộc sống hiện tại ông ngán ngẫm quá đỗi.
Nhiều lúc ông nghĩ đến cái chết, nhưng ngẫm làm sao trả được cái nợ thì mới mong nhắm mắt mà an nghỉ, chứ trốn đời kiểu này thất đức lắm. Ông biết vợ và con chẳng muốn ông nghĩ quẫn như thế, và cái cảnh túng bần thế chẳng ai mong cả, nhưng con đường tương lai như thể bị chặn đứng lại, trước mắt ông chỉ là ngõ cụt. Khung trời màu đen sẫm cứ bám lấy đôi vai gầy guộc, đôi mắt lõm sâu hoắm và đôi chân yếu ớt.
4.
Chiều 28 tết, bắt chiếc ghế đẩu ra hàng ba ngồi nhìn đường phố, ông thấy người ta náo nức chuẩn bị ăn tết. Những bộ đồ mới thật đẹp, nhìn người rồi ông tự nhìn mình với bộ đồ cũ nhiều chỗ sờn rách, tự nhủ:
-“Bà ơi! Bộ đồ hồi đó bà mua cho tui lúc gần tết. Bà mua cho tui một bộ, bà một bộ và thằng Tín một bộ nữa. Tới hôm nay tui vẫn mặc nó, cũng đang đón tết, nhưng… có một mình bà ơi!”
Một chiếc xe chạy ngang, dáng một thanh niên giao hàng cho siêu thị, mặc chiếc áo màu xanh với cái nón bảo hiểm giống y con trai ông hồi trước, ông chợt nhớ thằng Tín vô ngần:
-“Thằng Tín, mày bỏ ba lại một mình vậy con! Phải chi hồi đó con nghe ở nhà với ba, chắc đã không ra nông nỗi. Tại ba nóng vội trả nợ quá mà hại con, Tín ơi! Hu…hu…hu…” rồi ông khóc một mình.
Tiếng nhạc xuân từ nhà hàng xóm vẫn vọng đều lên bên tai ông: “Tết tết tết tết đến rồi, tết tết tết tết tết tết đến rồi!…”. Định bỏ vào nhà, nhưng ông Ba gắng vượt qua cảm xúc bực mình thường ngày để nghe cho trọn bài hát, hết bài này rồi tới bài khác. Chợt ngó ra trước sân nhà, có một nụ mai đã hé nở và rung rinh trong gió, xung quanh nó là những chiếc nụ non khác đang chờ ra bông để đón cái tết sắp tới. Ông từ từ bước ra sân tới chỗ cây mai, tiếng nhạc đã chuyển sang bài Xuân Này Con Không Về do ca sĩ Duy Khánh trình bày: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con…”
Lấy đôi tay gầy guộc rờ lên cánh mai, rồi rờ sang những chiếc mầm mới nhú. Ông chẳng nhớ nhà mình đã có cây mai này, cũng chẳng biết trồng nó từ khi nào. Nhưng nhìn vào màu sắc rực vàng và thấy những cánh hoa nhỏ xíu rung rinh nhè nhẹ, ông Ba nở nụ cười, nụ cười mà gần chục năm nay dường như chưa xuất hiện trên khuôn mặt ông bao giờ. Nụ cười hòa với nước mắt, rồi ông nói:
-“Ừ Bà! Tui biết rồi! Tết đến rồi! Tui sẽ ăn tết với bà! Thằng Tín nhớ về với ba nghen con! Đừng lo làm quá mà quên tết nhứt!”.
Nhà hàng xóm vẫn vọng ra những câu cuối của bài hát: “…thương con, xin đợi ngày mai!”.
Little Stream
https://dongten.net/2021/02/20/gong/
Lượt xem 400 Lần