Virút Côrôna (COVID-19) đã từ từ bẻ gẫy toàn thể thế giới trong một ít thời gian. Mặc những cảnh báo, dân chúng cứ đi du lịch, cứ tổ chức lễ hội, những buổi họp, và dường như không lo lắng về sự cách ly xã hội. Khi nó mới bắt đầu ở Trung Quốc và về sau ở nước Ý, nhiều người đã không hiểu sự nghiêm trọng của hoàn cảnh trước khi nó đánh phá các đất nước và các thành phố của chúng ta. Chúng ta đã xem video xé lòng về một phụ nữ Trung Quốc chạy theo sau xe tang chở xác người chồng bà mà không thể nói lời tạm biệt lần cuối cùng. Như ở Bergame bên Ý không còn chỗ để chôn người chết trong các nghĩa trang, các xe quân đội đã được triển khai để chở các quan tài ra ngoài thành phố để thiêu. Con số người chết đang báo động trong các nước bị nhiễm Covid-19, và con số những người bị nhiễm nhân lên hàng ngày. Ngày 21/3/2020, Thủ Tướng nước Ý Giuse Conté đã ‘tuýt tê’: “Chúng ta đã mất kiểm soát cơn dịch. Chúng ta chết về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta không còn biết phải làm gì nữa. Mọi giải pháp trên trần gian đều bó tay. Giải pháp duy nhất là ở trên trời.”
Cho đến bây giờ, nếu có ai nói đừng sợ, chúng ta nghe ngay người đó. Nhưng ngay bây giờ chúng ta sợ hãi, song đồng thời, chúng ta phải có trách nhiệm về sự sống của chúng ta cũng như của người bên cạnh. Thật lạ là ở nước Mỹ, ở nước Anh, dân không có đủ giấy vệ sinh, nhiệt kế và nước khử trùng tay. Bây giờ chúng ta đang sợ hãi không phải để thu gom giấy vệ sinh, mà là để cứu sự sống chúng ta và sự sống của những người khác. Hiện tại, thật chẳng ích gì khi tự hỏi nhà nước phải làm gì và Giáo Hội phải làm gì. Đây không phải là lúc hoảng hốt về sự việc hủy bỏ việc thờ phượng trong nhà thờ. Không một chính phủ nào trên thế giới không tìm giải quyết vấn đề. Vấn nạn vượt khả năng của chính phủ. Nó vượt tầm kiểm soát của mọi giáo quyền. Không ai có thể đùa giỡn với virút: virút không biết bạn là ai và nó không thể phân biệt người giầu với người nghèo. Đối với virút không có đảng phái chính trị hay phe nhóm tôn giáo. Mọi người sẽ bị lây nhiễm nếu chúng ta không là những người công dân có trách nhiệm. Nếu chúng ta không biết trách nhiệm tham gia vào việc ngăn chặn sự lan tràn virút, có thể chúng ta sẽ không có được một giây để hối hận.
Bây giờ, điều quan trọng, đó là sự an toàn cho tất cả mọi người. Chúng ta sẽ có thể ôm hôn nhau sau này, chúng ta sẽ có thể bắt tay, tổ chức tiệc tùng, trở lại với các cộng đồng kinh nguyện chung: Vì tất cả những sự việc đó, chúng ta buộc phải giữ gìn sự sống. Cách duy nhất giữ gìn sự sống là tuân theo các chỉ dẫn. Chúng đã đang học sử dụng những từ mới như là sự giam hãm, sự cách ly xã hội, sự xa cách xã hội, sự giảm bớt và sự giới nghiêm. Sự chấn thương tâm lý đối với nhiều người là bị cách ly vì thế giới của chúng ta chưa từng dạy chúng ta hưởng dùng sự cô đơn, biết im lặng ít ra mươi phút mỗi ngày. Chúng ta luôn bận rộn vì bạn bè, những quán ba, những cuộc gặp gỡ ngoài xã hội, rạp chiếu fim, lễ hội, và chúng ta đi tới mức mà chúng ta không có thể nghĩ tới một phút không có cuộc sống xã hội. Chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng ra một ngày như ngày hôm nay xảy ra. Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi người. Nó đã thay đổi nền kinh tế, công ăn việc làm, các gia đình, những người già, các bệnh nhân, người nghèo và cả xã hội nói chung. Khi một thảm họa tự nhiên xẩy đến, dân chúng băng bó lại vết thương và trở lại đời sống bình thường trong một ít thời gian nhờ khả năng phục hồi nhanh. Trong trường hợp này, đây là một sự đau khổ từng bước hơn là một biến cố thời gian. Một số người đau khổ hơn những người khác.
Điều cần thiết là hiểu rằng sự giam hãm là một biện pháp tạm thời. Tuy nhiên, chúng ta không thể tiên đoán việc đó có thể kéo dài bao nhiêu thời gian. 40 ngày là giải pháp giam hãm bắt buộc tại chỗ đối với những ai bị nhiễm căn bệnh lây nhiễm. Tự cách ly là bắt buộc để kiểm soát sự lây lan của bệnh. Chúng ta có thể đọc trong Kinh Thánh (Sách Lêvi 13) rằng 40 ngày là bắt buộc đối với những người nhiễm bệnh lây. Đó là vì sự an toàn cho mọi người.
Người ta có hạnh phúc khi có sự cách ly xã hội không? Chắc chắn là có. Việc học hành chứng tỏ rằng ngoài gia tài của chúng ta hay hiện tình mà chúng ta đang phải đương đầu, còn có một yếu tố quyết định cách mạnh mẽ cho hạnh phúc: cách cư xử của chúng ta. Như thế, chìa khóa của hạnh phúc hệ tại trong các hoạt động thường ngày của chúng ta. Thật vậy, cuộc sống thường ngày của chúng ta đã bất ngờ thay đổi. Sự di chuyển của chúng ta bị hạn chế; chúng ta không thể đi nhà hàng để thưởng nếm những món ưa thích. Chúng ta phải xếp hàng đợi để trả tiền tại quầy hàng thực phẩm; chúng ta không thể gặp gỡ bạn bè và các thành viên gia đình như trước đây. Nhưng có lẽ đây chỉ là một thời kỳ ngắn thôi. Hạnh Phúc của chúng ta không lệ thuộc cách nặng nề vào hoàn cảnh cuộc sống.
Làm sao có những chọn lựa sáng suốt để hạnh phúc trong những thời khắc khó khăn? Hãy tái tổ chức cuộc sống chúng ta ngay từ nơi chúng ta đang ở. Chẳng có lý do nào phải buồn bã hay sợ hãi đối với những gì đang xảy ra. Kiểm soát chúng không thuộc quyền hạn của chúng ta.
Đây là một vài gợi ý để cải thiện cuộc sống trong thời khắc xa cách xã hội :
1/ Bắt đầu liên lạc lại : Thông thường, với thời biểu bận rộn, chúng ta không bao giờ đủ thời gian để liên lạc với bạn bè và những người bên cạnh. Đây là lúc khởi động lại. Hãy gọi cho bạn bè và các thành viên của gia đình gần hay xa bằng cách sử dụng các kỹ thuật khác nhau có thể. Facetime, WhatsApp, Facebook, google duo, và twitter là một vài chương trình mà ngày nay chúng ta có thể sử dụng. Dành ít thời giờ cho chúng. Bây giờ chúng ta không thể than chúng ta không có thời giờ.
2/ Tìm làm điều gì đó thú vị. Nấu món ăn khoái khẩu của bạn, tìm một sách dạy nấu ăn, nấu ăn trong gia đình. Xin mẹ dạy làm một món đặc biệt.
3/ Tìm kiếm những fim mà bạn có thể xem trong gia đình. Tìm những chương trình phát sóng ưa thích của đài truyền hình. Hãy thư giãn mà xem đừng quan tâm đến công việc hay Covid-19.
4/ Đọc một vài cuốn sách. Nếu bạn không có ở nhà, đặt mua trên mạng. Tìm những cuốn sách mà bạn luôn thích đọc, hay chúng làm bạn quan tâm.
5/ Dành thời giờ tập thể dục. Đi bộ nếu nơi bạn ở thuận tiện mà không phạm luật giam hãm. Hãy làm sạch bụi máy tập thể thao bạn đã mua mà chưa bao giờ sử dụng để bắt đầu dùng nó.
6/ Bắt đầu một giáo trình học trên mạng. Có nhiều giáo trình trên mạng như là “Coursera”, họ có tới hơn 1400 giáo trình để chọn.
7/ Giúp đỡ ai đang cần giúp, nhất là nếu bạn biết một người cao tuổi trong khu phố đang cần giúp mua hàng nơi tiệm tạp hóa hay gọi điện để hỏi thăm sức khỏe của họ.
8/ Dành một ít thời giờ để cầu nguyện trong gia đình: lần chuỗi mân côi là một cách tuyệt vời bắt đầu. Chớ gì Chuỗi Mân Côi là thành phần cuộc sống của bạn. Hãy học biết ở một mình và hưởng dùng sự cô đơn.
9/ Hãy đọc Kinh Thánh và tìm những lời làm vững lòng, rồi chia sẻ chúng cho gia đình và bạn bè. Chẳng hạn, “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cor 4,17). Hay, “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rom 8,28)
10/ Hãy thiết lập một tương quan tốt với Chúa trong sự cô đơn. Hãy tin tưởng vào Lòng xót thương của Ngài. “Vì chính Ta, Ta biết các ý định mà Ta định về các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa – các ý định bình an chứ không phải ý định bất hạnh, để ban cho các ngươi một tương lai và một hy vọng” (Gr 29,11).
Shijo Kanjirathamkunnel , CM, Mission d’Alaska
Cha JB Nguyễn Quốc Thư dịch
(Nguồn: https://vinhson.net/)
Lượt xem 141 Lần