Những Thách Đố Của Hôn Nhân Do Ảnh Hưởng Văn Minh Và Tiến Bộ Khoa Học Hiện Đại
1/5/2014 10:25:43 PM
QUAN NIỆM VÀ SUY TƯ MỚI
Trước hết, nền tảng gia đình ngày nay đang phải đối diện với những thách đố đến từ những quan niệm và suy tư đổi mới của con người thời đại. Hai luồng tư tưởng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với tương quan vợ chồng, đó là quan niệm bình quyền và cá nhân chủ nghĩa.
1-Bình quyền:
Bình quyền là một từ ngữ mà chúng ta thường xuyên nghe thấy trong mọi sinh Gửihoạt, đặc biệt là những sinh hoạt có tính cách xã hội. Tại các nước văn minh tiên tiến, bình quyền còn được đề cao như một hình thức đạo đức xã hội. Đi đâu và ở đâu cũng “ưu tiên cho phụ nữ” – “lady first”.
Bình quyền theo quan niệm nhiều người, cách riêng là nữ giới, có nghĩa là “như nhau” hoặc “giống nhau”. Đàn ông cũng như đàn bà. Trai cũng như gái. Cái gì anh làm được, tôi cũng làm được. Ở một nghĩa tuyệt đối, tôi phải như anh, và anh cũng như tôi. Và với quan niệm, lý luận này, sự khác biệt nam nữ, vai trò chuyên biệt trong đời sống cũng như sinh hoạt xã hội trở thành đảo lộn, mất trật tự.
Bình quyền, do đó, không đồng nghĩa với giống nhau. Anh là anh, tôi là tôi. Đàn ông là đàn ông, và đàn bà là đàn bà. Mỗi người, mỗi phái tính đều có những giá trị và chức năng riêng. Sự khác biệt này không những cần thiết mà còn hữu ích cho cuộc sống cá nhân, gia đình, cũng như xã hội. Vì thế, bình quyền phải được hiểu như sự tương xứng, và ngang hàng. Những bông hoa khác nhau với những hương thơm và màu sắc khác nhau được trồng chung trong một khu vườn. Chúng lớn lên tự nhiên bên nhau trong khu vườn, và đem lại vẻ đẹp đa dạng với những giá trị riêng của chúng.
Trong đời sống hôn nhân, giá trị đồng đều và tương xứng ấy là vai trò và phạm vi của người chồng cũng như của người vợ. Bình quyền trong hôn nhân là một lối diễn tả thái độ sống tôn trọng, yêu thương và tương kính nhau trên căn bản và giá trị của một con người; một cách đặc biệt, người đó là người mình thương, mình yêu, và thương mình, yêu mình. Từ quan niệm bình quyền ấy đưa đến việc san sẻ, và cộng tác với nhau. Vợ chồng khích lệ và giúp nhau làm tròn bổn phận và chức năng mỗi người. Lấy hạnh phúc của người mình yêu là hạnh phúc chính mình. Cảm thông được nỗi đau và nỗi khổ của người mình yêu như của chính mình.
2-Cá nhân chủ nghĩa:
Nếu lấy tôi làm bản vị và đơn vị duy nhất, thì cá nhân chủ nghĩa đồng nghĩa với độc tôn. Trong tương quan xã hội, tôi lo tìm và thỏa mãn cái tôi của tôi, và tôi là nhất, ngoài ra không còn ai khác.
Vì đề cao cái tôi, nên chính khi đi tìm thỏa mãn cái tôi của mình, tôi đã vô tình hay hữu ý làm mờ nhạt hoặc lấn lướt cái tôi của người khác. Điều này làm nảy sinh sự bất công trong xã hội, châm ngòi cho những đấu tranh, tệ đoan xã hội. Quan niệm và sống như tôi là nhất, còn dẫn đến lối sống ích kỷ và tìm mình.
Trong hôn nhân, quan niệm và lối sống này sẽ thúc đẩy người chồng cũng như người vợ lo tìm kiếm và thỏa mãn riêng mình, tạo nên cảnh: “Chồng ăn chả, vợ ăn nem.” Nó cũng sẽ dựng lên một bức tường phòng thủ kiên cố được tự ái bao bọc, khiến dù là chồng hay vợ cũng không thể xâm nhập được. Một cuộc sống mà hễ cái tôi bị va chạm liền nảy sinh vấn đề, cãi vã, khó chịu, hoặc kình chống nhau. Nó hoàn toàn phá vỡ hình ảnh của hôn nhân là sự kết hợp yêu thương giữa hai vợ chồng.
NIỀM TIN LUNG LAY
Nhân loại ngày nay, hơn bao giờ hết đang gặp nhiều thách đố về niềm tin. Nhân danh những tiến bộ của khoa học và nhân danh tự do, con người như đang đuổi Thượng Đế ra khỏi cuộc đời mình, và cuộc sống xã hội. Kết quả của sự sa sút niềm tin này làm cho con người mất định hướng, mất ý nghĩa, và mất đi giá trị cuộc đời, khiến cuộc sống ngày càng trở nên vô vọng, mất đi ý nghĩa của nó.
Vì để lạc mất niềm tin, hay không còn tin vào những giá trị thiêng liêng, phần đông các tín hữu Công Giáo ngày nay đã coi Bí Tích Hôn Phối như một ràng buộc có tính cách pháp lý. Việc cử hành Bí Tích Hôn Phối chỉ là một nghi thức mang màu sắc tôn giáo. Quan niệm này dẫn đến kết quả cho rằng hôn nhân là một việc làm có thể thay thế được khi con người cảm thấy cần có sự thay đổi. Nó được trả lời bằng phong trào ly dị như hiện nay, và đã phá vỡ hơn 50% các cuộc hôn nhân.
Tuy nhiên, hôn nhân Công Giáo lại không phải là một khế ước, hay một nghi thức được cử hành ở thánh đường. Nó là một giao ước bất khả phân ly giữa người chồng và người vợ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mac 10:9). Giao ước này được cử hành long trọng bởi hai người trước sự chứng kiến của đại diện Giáo Hội, thân bằng quyến thuộc, và bạn hữu.
MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI
Con người ai cũng mang trong mình ít nhiều xã hội tính. Sự thay đổi về kinh tế ngày nay đã đẩy con người ra ngoài sinh hoạt của gia đình, thử thách lòng tin tưởng và thủy chung của nhiều người. Đặc biệt nhất của môi trường xã hội là sở làm nơi mà ít nhất mỗi ngày chúng ta cũng phải để ra 8 tiếng, hoặc nhiều hơn có thể lên đến 10, 12, hoặc 16 tiếng.
Từ môi trường sở làm mà nhiều người đã tìm được chồng hoặc vợ tương lai của họ. Ngược lại, cũng từ sở làm mà nhiều người đã mất chồng hoặc mất vợ. Vì cũng chính ở đây phát sinh những tình cảm đe dọa sự chung thủy của vợ chồng:
1-Tình cảm bất chính:
Không ai từ chối tình cảm tốt đem đến sự cộng tác và giúp đỡ trong công việc thường ngày. Tại sở làm có những công việc làm riêng, và cũng có nhiều công việc đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người.
Thời gian dài gặp gỡ, cộng tác và trao đổi tại sở làm hay hãng xưởng đã làm nẩy sinh tình cảm đối với nhau: tình cảm ngay lành và tình cảm bất chính. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Đó là nhận xét của cha ông chúng ta trong những giao tiếp thường xuyên giữa nam và nữ.
Tại những nơi ấy, tình cảm phát xuất trước hết do quan hệ người trên và người dưới. Người chỉ huy và người thừa hành. Tiếp đến là giữa những anh chị em cùng một ngành nghề. Đặc biệt, giữa những người điều hành và người thừa hành là nam và nữ. Bạn bè cùng ngành nghề là nam và nữ.
Cũng tại nơi này, những chuyến công tác xa nhà do các hãng xưởng gửi đi, trong đó phải kể đến những chuyến công tác có cả nam và nữ hoặc chỉ riêng một nam và một nữ.
Môi trường sở làm, trong rất nhiều trường hợp đã trở thành thử thách lớn cho sự chung thủy, nhất là khi người vợ bước vào thời kỳ hồi xuân trung bình từ 40 đến 50 tuổi. Cái tuổi rất khó khăn cho nữ giới cũng như nam giới trong lãnh vực tâm lý và tình cảm.
2-So sánh hơn thua:
Do hàng ngày tiếp xúc với người này, người khác trong sở làm, qua những mối giao tiếp xã hội nẩy sinh những so sánh hơn thua giữa chồng mình với chồng người khác, giữa vợ mình với vợ người khác.
Sự so sánh ấy đặt trên những căn bản như ngành nghề, bằng cấp, kiến thức, và lương bổng. Thông thường, người chồng mà có học lực thấp hơn vợ, có ngành nghề dưới tay vợ, và có mức lương thua kém vợ là những lý do dễ đưa đến những mặc cảm tự ty hoặc tự tôn. Một người bạn đã có lần tâm sự với người viết:
Anh không thể nào tưởng tượng được nỗi đau của tôi khi vợ tôi nói với tôi trong thời gian tôi đang vật lộn đi tìm việc làm: “Học cho lắm rồi cũng ở nhà ăn lương vợ. Ngày mai vào sở làm tôi cho một chức thứ ký cho tôi!”
Sự đau đớn này, có thể gây ra tâm bệnh nếu nó bị dằn vặt và được tái tục mỗi ngày. Nhẹ nhất trong những trường hợp như vậy, người chồng sẽ cảm thấy lép vế, sẽ mất tự tin. Hậu quả sẽ dẫn đến những lời nói và hành động tiêu cực như những lời nói bất nhã, thiếu kính trọng, bẳn gắt, tức bực; đặc biệt nhất là hành động ghen tương vô cớ. Đó là những dấu hiện khởi đầu dẫn đến triệu chứng thiếu tự tin. Khả năng điều hành gia đình vì vậy bị ảnh hưởng và dẫn đến những bất ổn trong gia đình.
Ngược lại, người vợ có thể mang những mặc cảm tự tôn và cho mình không cần thiết phải vâng lời, hoặc kính trọng một người chồng thua kém mình về nhiều mặt. Tình yêu của phụ nữ thường đến từ sự ngưỡng phục: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Và khi sự nể phục không còn nữa, lúc đó ngọn lửa tình yêu cũng bắt đầu lịm tắt.
Chồng cũng như vợ không biết mình cần gì và muốn gì giữa những tình huống như vậy? Không biết hành xử như thế nào để quân bình tình cảm, tình yêu, và trách nhiệm.
TIỆN NGHI CỦA TIẾN BỘ
Ngày nay trong hầu hết các gia đình đều có chiếc computer. Người nào cũng có một chiếc xe, và mỗi người kể cả con cái đều cũng có một chiếc điện thoại di động.
Pascal đã nói: “Khoa học tinh thông làm ta gần Chúa. Khoa học nông cạn làm ta xa Chúa.” Áp dụng vào những tiến bộ của khoa học trong đời sống vợ chồng, điều này có thể hiểu rằng, lạm dụng những tiện nghi của đời sống sẽ đưa đến những khủng hoảng lớn lao trong tương quan vợ chồng. Biết lợi dụng những tiến bộ của khoa học sẽ giúp đời sống vợ chồng tươi thắm hơn, hạnh phúc hơn.
Làm sao có thể kiểm chứng được chồng hay vợ đi đâu, làm gì trong những thời gian sau sở làm. Xã giao? Gặp gỡ bạn bè? Trao đổi nghề nghiệp? Thật ra, chỉ có Chúa biết và người đó biết mà thôi. Và nếu không tin tưởng, thành thật với nhau thì đây là những bước đầu đưa đến đổ vỡ.
Làm sao có thể biết chồng hay vợ đang xem gì, đọc gì trên internet, và email ở phòng bên. Không lẽ lại không tin chồng hoặc tin vợ khi họ sử dụng computer? Không lẽ lại không tin chồng mình, vợ mình đang nói chuyện tốt với bạn bè trên email? Hoặc đang tìm kiếm những thông tin, kiến thức cần cho nghề nghiệp trên các trang nhà? Có nhiều lý lẽ để biện minh hành động chính đáng của mỗi người. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp đã chứng minh sự lạm dụng này đem đến đổ vỡ tình cảm, tình yêu của nhiều vợ chồng.
“Ông lo ôm nó mà không ôm tôi, tôi sẽ đi ôm người khác!”
Hoặc:
“Bà cứ ôm cứng nó mà không ôm tôi, tôi sẽ phá nát cái gia đình này cho mà biết!”
Những câu nói thường xuyên mà nhiều người vẫn thường nói hoặc nghe nói về những lạm dụng computer, email, internet này đã trở thành sự thật chua chát đối với nhiều gia đình khi mà người chồng hoặc người vợ đã không ý thức hoặc kìm hãm được đa mê của mình trong việc sử dụng những tiến bộ của khoa học.
Một cách tương tự, làm sao có thể kiểm chứng được những cú phôn mà chỉ người chồng hay người vợ biết?
“Thôi nha em. Anh đang về gần đến nhà rồi. Ngưng đi, mai mình nói tiếp…?”
Hay:
“Gần đây có ai gọi về nhà này mà hễ nghe tiếng tôi thì lại ngưng không nói nữa?”
Làm sao có thể biết và kiểm soát được những cú phôn đưa đến sự nghi ngờ? Những cú phôn đưa đến những hành vi bất trung và phản bội?!!
TRỊ LIỆU
Câu hỏi được đặt ra mà nhiều người muốn có câu trả lời, đó là phải làm gì để giữ được hạnh phúc hôn nhân giữa trăm ngàn cám dỗ, gọi mời đang xảy ra quanh ta giữa một thời đại với những tiến bộ vượt bực của tư tưởng và khoa học?
1-Thông cảm nhau:
Dù là vợ hay chồng mỗi người đều có một con tim và một khối óc, và vì thế, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm nghiệm khác nhau. Đa số những cuộc cãi vã, chửi bới nhau, hoặc xích mích, bất bình giữa vợ chồng đều đến từ nguyên nhân này: Đó là sự thiếu thông cảm và hiểu biết nhau. Nói một cách dễ hiểu là hiểu lầm nhau.
Khi phủ nhận tình cảm và chủ ý tốt của người mình yêu, là ta đã hành động một cách hết sức tiêu cực, thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, khi người chồng hoặc người vợ càng yêu ta nhiều, càng quan tâm đến ta nhiều mà chỉ nhận lại sự nghi ngờ, hoặc những lời bình luận tiêu cực, thì đau khổ đó sẽ càng tăng gấp bội.
Tuy nhiên, những bất bình, xung khắc và tranh cãi giữa vợ chồng là những gì có thể tránh hoặc khắc phục được. Do đó, vợ chồng phải có giờ ngồi với nhau với thái độ lắng nghe và chia sẻ. Ngồi với nhau như lúc mới quen biết. Nói với nhau như thuở mới gặp nhau. Chỉ khi nào ta mở rộng lòng mình lắng nghe với thái độ kính trọng và yêu thương, lúc ấy ta mới khám phá ra tình yêu mà chồng hay vợ mình dành cho mình; mới hiểu rằng, phê phán, trách móc, hoặc nghi ngờ là những hành động tội lỗi, hết sức xấu xa và nguy hiểm.
Tâm lý hôn nhân gia đình cho việc vợ chồng lắng nghe và nói với nhau cách thành thật, tôn trọng là một phương pháp trị liệu tốt nhất, hữu hiệu nhất trong việc hàn gắn và hóa giải những xung khắc trong gia đình.
2-Dành thời giờ cho nhau:
Có bao giờ bạn nghĩ rằng nụ hôn này, buổi tối hôm nay là nụ hôn và buổi tối sau Gửicùng của bạn đối với chồng hoặc vợ của bạn không? Và nếu như được báo cho biết đây là lần gặp gỡ sau cùng của hai người thì bạn sẽ làm gì trong buổi tối hôm nay?
Có nhiều người vợ hay người chồng đã tỏ ra hết sức hối hận vì đã để vuột mất cơ hội bày tỏ tình yêu đối với vợ hay chồng mình lần cuối. Càng hối hận hơn nữa, khi người vợ hoặc chồng đã chết lúc đó mới khám phá ra cái hay, cái tốt, và nhất là những hy sinh cao cả mà người ấy dành cho mình. Trong thực tế, những hối hận này không thiếu. Nhưng con người hầu như đều có cùng một căn bệnh, đó là chỉ biết hối tiếc khi cái mình có đã mất. Ngược lại, không hề trân quí và coi trọng cái mình đang có trong tầm tay.
Đi vào thực tế, bạn dành cho chồng hay vợ bạn bao nhiều phút, bao nhiêu giờ mỗi ngày? Tôi muốn nói đến những giờ phút mà cả hai đều có thể cười được với nhau, nói được một lời nói yêu thương, hoặc trao cho nhau một nụ hôn, một ánh mắt thân thương. Bạn sẽ trả lời, tôi bận quá không có giờ. Tôi mệt mỏi quá không muốn làm chuyện ấy.
Vậy bạn mệt mỏi vì ai? Và bạn bận rộn vì ai? Vì hạnh phúc gia đình, vì hạnh phúc con cái, và vì hạnh phúc của nhau? Vậy nếu bạn đã có tất cả những bận rộn ấy mà lại không vì tình yêu, không thăng hoa được tình yêu thì những bận rộn kia sẽ chỉ là vô nghĩa. Hy sinh không vì tình yêu là hy sinh vô nghĩa. Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu hời hợt và giả dối.
Đừng để đến sinh nhật, ngày kỷ niệm thành hôn, hoặc một biến cố lớn mới tặng vợ mình hay chồng mình một bó hoa, một cánh thiệp, hoặc một nụ hôn vội vàng, nhạt nhẽo. Hãy làm những việc ấy mỗi ngày trong khi bạn có thể làm được.
3- Sự giúp đỡ chuyên nghiệp:
Nếu những cố gắng giữa hai vợ chồng không đem lại cảm thông, và không tạo điều kiện để hai người ngồi lại với nhau, thì đã đến lúc cả hai cần phải tìm sự hướng dẫn và giúp đỡ chuyên nghiệp. Hãy đến với một văn phòng bác sỹ tâm lý, hoặc gặp gỡ một vị hướng dẫn tâm linh. Bằng một cái nhìn chuyên môn và thực tế, các bạn sẽ được giúp đỡ để hàn gắn, và để có thể ngồi lại với nhau.
Thống kê cho biết, khi cả hai mặc dù tự mình không giải quyết vấn đề của mình được, nhưng muốn có một sự giúp đỡ khách quan và chuyên môn thường đem lại những kết quả tốt. Đặc biệt, ở những người có trình độ học vấn, và trẻ tuổi. Tuy nhiên, nên tránh những giúp đỡ chỉ dựa trên mê tín, dị đoan phù phiếm, vì nó chỉ thỏa mãn được cảm tình tiêu cực mà không giải quyết tận gốc rễ của những vấn đề giữa hai vợ chồng. Ngoài ra, nó còn tạo nên những nghi ngờ, lo lắng, và sợ hãi.
4- Cầu nguyện:
Đề nghị cầu nguyện để hóa giải những bất bình, tranh cãi và hiểu lầm giữa vợ chồng, là một đề nghị khách quan và hết sức quan trọng. Đề nghị này phát xuất từ Thánh Kinh.
Thánh Kinh kể rằng giữa tiệc cưới hôm đó tại
Thánh Kinh còn ghi rõ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ nướclã hóa thành rượu ngon, và là phép lạ đầu tiên mở màn cho hành trình loan báo Tin Mừng của Ngài do lời cầu xin của Mẹ Maria. Điều này chứng tỏ sự quan trọng của cầu nguyện, và sự hiện diện của Thánh Gia trong hạnh phúc hôn nhân.
Đi vào thực hành, mỗi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới, vợ chồng cùng nhau dành ít phút cám ơn Chúa vì giấc ngủ ngon, và còn có nhau trong đời. Trong đêm hôm qua đã có bao nhiêu người chết, bao biến động xảy ra trên trên thế giới, nhưng bạn và gia đình bạn vẫn được bằng an. Cầu xin Ngài tăng thêm nghị lực và mọi điều may lành cho một ngày mới. Mỗi tối cũng dành ít phút ngồi lại với nhau, cảm ơn Chúa Mẹ về muôn ơn lành trong một ngày. Cảm ơn nhau về những việc tốt vợ chồng làm cho nhau và vì nhau. Đồng thời cũng xin lỗi Chúa Mẹ, xin lỗi nhau về những chuyện lầm lỡ đã gây cho nhau ban ngày.
Cầu nguyện như vậy chính là châm thêm dầu vào chiếc đèn tình yêu, và rượu yêu thương vào bầu rượu hạnh phúc của vợ chồng. Kết quả khảo cứu cho biết các đôi vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau sẽ giảm thiểu 14% con số ly dị so với các đôi vợ chồng không cầu nguyện.
14% con số không phải là nhỏ, và biết đâu vợ chồng bạn lại chẳng nằm trong con số may mắn ấy.
Trần Mỹ Duyệt
Lượt xem 112 Lần