Nhiệm vụ giảng dậy của các tư tế

Nhiệm vụ giảng dậy của các tư tế


9/4/2012 5:33:49 AM

Là những người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel các tư tế có nhiệm vụ thỉnh ý Thiên Chúa và tuyên sấm cho dân. Nhưng họ cũng có nhiệm vụ giảng dậy, giúp dân thấu hiểu các giới răn, các giáo huấn của Thiên Chúa và thực thi chúng trong cuộc sống thường ngày.

HighPriest.jpg 

Lời ông Môshê chúc lành cho chi tộc Lêvi như viết trong chương 33 sách Đệ Nhị Luật xem ra được thêm vào sau này và ở số nhiều thay vì số ít, diễn tả một quan điểm mới mẻ hơn: nhiệm vụ của các tư tế không còn là gieo thẻ xăm để thính ý Thiên Chúa nữa, mà là giảng dậy cho dân Chúa. Chương 33 sách Đệ Nhị Luật viết: ”Nó là người đã nói về cha mẹ nó: Tôi không nhìn thấy họ”, anh em nó, nó không nhìn nhận, con cái nó, nó không biết. Chi tộc Lêvi đã tuân thủ lời Ngài và đã giữ giao ước của Ngài. Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Israel” (). Các tư tế dạy dỗ các điều luật của Chúa cho dân, và khi ai không biết hay hồ nghi chuyện gì thì đến hỏi các tư tế (Kg 2,11 tt.; Dc 7,3).). Chương 31 sách Đệ Nhị Luật cho biết ông Môshê trao phó luật lệ cho ”các tư tế, con cái Lêvi” vì họ có nhiệm vụ là đọc nó trong năm tha nợ hay năm toàn xá, trước toàn dân Israel. Văn bản viết: ”Ông Môshê viết luật này và trao cho các tư tế, con cái Lêvi, là những người sẽ kiệu Hòm Bia Giao Ước của Giavê, và cho tất cả các kỳ mục Israel. Ông Môshê truyền cho họ rằng: ”Sau bảy năm, vào thời kỳ có năm tha nợ, trong dịp lễ Lều, khi toàn thể Israel đến để ra trình diện Giavê, Thiên Chúa của anh em, ở nơi Người chọn, anh em phải phải đọc luật này trước toàn thể Israel, cho họ nghe. Anh em hãy tập hợp dân, đàn ông, đàn bà, trẻ con và người ngoại kiều ở trong các thành của anh em, để họ nghe và để họ học cho biết kính sợ Giavê, Thiên Chúa của anh em, và lo đem ra thực hành mọi lời của luật này. Con cái họ là những kẻ không biết, sẽ nghe và học cho biết kính sợ Giavê, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày anh em sống trên đất mà anh em sắp qua sông Giordan để chiếm hữu” (Đnl 31,9-13).

Ngôn sứ Malakhi thì ghi nhận rằng: ”Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; qủa thế nó là thần sứ của Chúa các đạo binh” (Ml 2,7). Tuy nhiên, ngôn sứ chỉ trích các tư tế thời bấy giờ là phản bội nhiêm vụ của họ: ”Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại giao ước với Lêvi. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì, khi áp dụng Luật” (Ml 2,8-9).

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy Luật Chúa các tư tế xem ra cũng có một loại nhiệm vụ pháp lý nào đó, như viết trong chương 21 sách Đệ Nhị Luật: ”Bấy giờ các tư tế, con cái Lêvi, sẽ tiến lại, vì Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã chọn họ để phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Chúa, và căn cứ vào lời họ mà mọi vụ tranh tụng và đả thương được giải quyết” (Đnl 21,5). Các văn bản Qumran còn duy trì nhiệm vụ này của các tư tế (CD 13,2-7). Các tư tế phải can thiệp trong trường hợp xảy ra tội phạm nặng như sát nhân mà không biết ai là thủ phạm. Khi đó các thẩm phán và kỳ mục phải đo khoảng cách từ xác chết đến các thành chung quanh, xem thành nào gần xác chết nhất. Các kỳ mục thành ấy sẽ lấy một con bò cái tơ chưa phải làm việc và chưa bị mang ách, đưa nó xuống một khe suối có nước chảy, không cày cấy gieo giống, và sẽ đánh gãy ót bò cái tơ trong khe suối. Bấy giờ các tư tế, con cái Lêvi, sẽ tiến lại. Tất cả các kỳ mục thành ấy là những người ở gần xác chết nhất, sẽ rửa tay trên con bó cái tơ bị đánh gãy ót trong khe suối. Họ sẽ lên tiếng nói: ”Tay chúng tôi đã không đổ máu này, và mắt chúng tôi đã không nhìn thấy. Lậy Chúa, xin xá tội cho dân Ngài là Israel, mà Ngài đã giải thoát, và đừng để máu vô tội ở lại giữa dân Ngài là Israel. Và họ sẽ được xá tội về vụ đổ máu đó” (Đnl 21,1-9).

Chương 5 sách Dân Số nói tới luật về chuyện ghen tương và cho thấy vai trò trung gian của các tư tế. Văn bản viết: ”Giavê phán với ông Môshê: ”Ngươi hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Nếu ai bị vợ mất nết phản bội, nghĩa là có người nằm với người đàn bà ấy mà người chồng không biết; và người vợ đã bí mật thất tiết mà không có ai làm chứng cáo tội, không bắt được qủa tang; hoặc người chồng nổi máu ghen và ghen tức vợ đã thực sự thất tiết, hoặc nổi máu ghen và ghen tức vợ mà thật ra vợ đã không thất tiết, thì bấy giờ người chồng phải dẫn vợ đến gặp tư tế, mà tiến dâng bốn lít rưỡi bột lúa mạch vì chuyện vợ mình; nhưng không rưới dầu lên trên và cũng không đổ hương vào, bởi đó là lễ phẩm dâng vì ghen tuông, lễ phẩm để tố cáo tội lỗi.

Tư tế sẽ đưa người đàn bà đến đứng trước nhan Giavê, và lấy một bình sành đựng nước thánh, rồi lấy chút bụi trên nền Nhà Tạm bỏ vào nước. Sau đó tư tế lại đặt người đàn bà đứng trước nhan Giavê và lột khăn trùm đầu nó ra, rồi đặt lên hai bàn tay nó lễ phẩm tố cáo, nghĩa là lễ phẩm vì ghen tuông; đồng thời tay tư tế cầm bình nước chỉ sự đắng cay và nguyền rủa. Bấy giờ tư tế sẽ buộc người đàn bà thề và nói với nó rằng: ”Nếu đã không có người đàn ông nào nằm với chị, và nếu chị đã không mất nết mà thất tiết khi chị đang có chồng, thì nước đắng cay và nguyền rủa này sẽ vô hại cho chị. Còn nếu chị có chồng mà mất nết và đã thất tiết với chồng, vì một người đàn ông khác. không phải là chồng chị, đã cho chị nằm với nó – tư tế buộc người đàn bà thề độc vá nói với nó – Xin Chúa làm cho dạ chị héo đi, bụng chị sình lên, khiến giữa đồng bào chị, chị thành đề tài cho người ta gnuyền rủa và chúc dữ cho nhau. Xin cho nước đắng cay này ngấm vào nội tạng chị, khiến bụng chị sình lên và dạ chị héo đi. Người đàn bà ”ấy sẽ thưa ”Amen. Amen”

Văn bản chương 5 sách Dân Số viết tiếp về thử thách nước đắng như sau: ”Tư tế viết những lời nguyền rủa ấy vào giấy và cho nhòa đi trong nước đắng cay, rồi bắt người đàn bà phải uống nước đắng cay và nguyền rủa đó; nước nguyền rủa sẽ thấm vào người ấy để gây ra cay đắng. Tư tế sẽ nhận lấy từ tay người đàn bà lễ phẩm vì ghen tuông, làm nghi thức trước nhan Chúa và đặt trên bàn thờ. Tư tế sẽ bốc một nắm từ lễ phẩm đó, làm phần truy tưởng, mà đốt trên bàn thờ.

Sau đó ông sẽ đưa nước ấy cho người đàn bà uống. Tư tế cho nó uống nước rồi, nếu thật nó đã thất tiết và phản bội chồng, thi nước nguyền rủa sẽ thấm vào nó để gây ra cay đắng, và tạng phủ nó sẽ sình lên, dạ nó héo đi. Giữa đồng bào người đàn bà đó sẽ thành đề tài nguyền rủa. Nếu người đàn bà đó đã không thất tiết, nhưng vẫn trong sạch, thì sẽ không bị hại và sẽ sinh con.

Đó là luật về chuyện ghen tuông, khi một người đàn bà có chồng mà mất nết và đã thất tiết với chồng, hoặc khi người đàn ông nổi máu ghen và ghen tức vợ mình: thì người chồng phải đặt vợ trước nhan Giavê, và tư tế phải áp dụng đầy đủ luật này. Người chồng sẽ vô can, còn người đàn bà sẽ mang lấy tội mình.” (Ds 5,11-31).

Luật lệ trên đây cho thấy sự bất công trong các xã hội theo chế độ phụ hệ, trọng nam khinh nữ. Người ta chỉ trừng phạt phụ nữ ngoại tình, còn đàn ông ngoại tình được hiểu ngầm là điều được phép. Sự bất công ấy tồn tại cho tới thời Chúa Giêsu. Khi các kinh sư và người Pharisêu bắt được qủa tang một phụ nữ đang phạm tội ngoại tình, họ lôi chị ta tới trước mặt Chúa Giêsu để thử Người, vì theo luật do thái, người phụ nữ ngoại tình phải bị ném đá chết. Ở đây họ chỉ bắt chị ta nhưng không bắt người đàn ông đã phạm tội ngoại tình với chị. Họ nói với Chúa Giêsu: ”Trong sách Luật, ông Môshê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Kể lại chuyện này trong chương 8 thánh sử Gioan ghi chú rằng: Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ”Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: ”Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: ”Thưa ông, không có ai cả!”. Đức Giêsu nói: ”Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,5-11).

Các luật lệ khắt khe này đối với nữ giới cũng giúp chúng ta hiểu được thảm cảnh mà thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải sống sau ngày Sứ thần truyền tin. Nếu là một người không tốt lành thánh thiện, Cha Thánh Giuse đã có thể tố cáo Đức Maria là ngoại tình, như các người chồng do thái khác thường làm, để cho Đức Maria bị ném đá, hay trải qua cuộc ”thử thách của nước đắng” như trình bầy trong sách Dân Số chương 5 trên đây. Nhưng Cha Thánh Giuse đã không muốn làm như vậy, mà chỉ toan tính bỏ Đức Maria một cách kín đáo. Và Thiên Chúa đã can thiệp để cho Đức Giêsu Kitô Con Người có một người cha nhân loại hợp pháp, được chào đời và lớn lên dưới một mái ấm gia đình, trong tình yêu thương ấp ủ của cha mẹ. Nhưng Mẹ Maria và Cha Thanh Giuse đã bị dằn vặt và đau khổ biết bao nhiêu!

THKT 1112

Linh Tiến Khải

Lượt xem 96 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *