Nhiệm vụ của các tư tế trong việc hiến dâng các loại lễ tế khác nhau cho Thiên Chúa

Nhiệm vụ của các tư tế trong việc hiến dâng các loại lễ tế khác nhau cho Thiên Chúa


10/14/2012 11:22:06 AM

Khi tìm hiểu lịch sử nhiệm vụ của các tư tế trong việc phụng tự, chúng ta nhận ra các tư tế phải chủ sự nhiều loại lễ tế khác nhau như được trình bầy trong bẩy chương đầu sách Lêvi.

high-priest-before-ark.jpg 

Các lễ tế toàn thiêu có thể là bò tơ, chiên hay dê, hoặc chim gáy hay chim bồ câu. Các loại lễ phẩm gồm tinh bột có rưới dầu và đổ nhũ hương; bột nhào nướng lò làm lễ tiến gồm tinh bột làm thành bánh ngọt không men nhào với dầu và làm thành bánh tráng không men phết dầu; bột nướng chảo gồm tinh bột nhào với dầu, không men, được bẻ ra rưới dầu lên trên; lễ phẩm nấu trong nồi được làm bằng tinh bột với dầu. Từ các lễ phẩm ấy tư tế sẽ lấy ra phần kỷ vật dành cho Giavê và đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ như lễ hỏa tế. Phần còn lại của lễ phẩm thuộc về Aharon và các con ông. Đó là phần rất thánh lấy từ các lễ hỏa tế dâng Giavê.

Nhũ hương đổ trên lễ phẩm được các tư tế lấy đốt dâng cho Thiên Chúa diễn tả niềm tin và sự tôn thờ. Việc ba Vua hay ba Đạo Sĩ đã dâng nhũ hương cho Chúa Giêsu Hài Nhi được các giáo phụ giải thích như là cử chỉ tôn kính thiên tính của Chúa Kitô.

Bột nhào nướng lò là kiểu làm bánh đặc thù của một dân tộc sống cuộc sống định cư; trong khi bột nướng trên chảo là kiểu làm bánh đặc thù của người du mục, di chuyển theo đàn vật nay đây mai đó, tùy theo các cánh đồng cỏ cần thiết cho đoàn vật.

Chương hai sách Lêvi cũng còn xác định rằng không lễ phẩm nào được làm bằng chất men. Không bao giờ được lấy men và lấy mật ong mà đốt cho cháy nghi ngút làm lễ hỏa tế dâng Giavê. Có thể dâng những thứ ấy làm lễ tiến sản phẩm đầu mùa, nhưng không được đưa lên bàn thờ để thành hương thơm làm vui lòng Giavê.

Việc cấm dùng men, đưa chúng ta trở về với lễ tế vượt qua, trong bối cảnh của một nền văn hóa nông nghiệp. Việc dâng lễ phẩm có men và dâng mật ong là lễ nghi của dân ngoại. Nhưng các tài liệu tìm được tại thành Ugarít chứng minh cho thấy mật không phải là chất liệu được dùng để dâng tiến cho các thần linh.

Ngoài ra, chương 2 sách Lêvi cũng buộc tín hữu phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm dâng tiến. Không được để lễ phẩm thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa. Muối được nhắc tới trong phụng tự của dân Assiri và dân ai Cập. Đối với các người du mục cũng như với người Hy Lạp ”cùng nhau ăn muối” có nghĩa là bước vào trong tương quan tình bạn với nhau và dấn thân ký kết giao ước.

Chương 18 sách Dân Số đề cập tới ”tất cả các phần trích dâng trong các của lễ thánh mà con cái Israel dâng Giavê”, được ban cho Aharon và các con ông, ”chiếu theo một quy luật vĩnh viễn. Đó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Giavê, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Sự hiện diện của muối trong phụng tự Israel xem ra liên lỉ, mặc dù có ít tài liệu nhắc tới. Nó có thể được coi như một kiểu liên tục tái đề nghị với tín hữu giao ước của Thiên Chúa.

Tiếp đến chương 2 sách Lêvi cũng nói đến lễ dâng đầu mùa. Nếu tiến dâng của đầu mùa làm lễ phẩm, thì phải tiến dâng gié lúa rang, hột lúa mới đã xay làm lễ phẩm đầu mùa. Rồi phải đổ dầu lên trên và bỏ nhũ hương vào. Tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút phần kỷ vật dành cho Thiên Chúa, tức là một phần bột lúa xay và dầu cùng với tất cả nhũ hương.

Lễ vật đầu mùa bao gồm gié lúa rang ngoài đồng và bánh nướng trong làng. Đây là lễ vật gặp thấy nơi rất nhiều dân tộc trên thế giới, gắn liền với các tín ngưỡng liên quan tới các sức mạnh của rau cỏ và của Mẹ Đất. Trong Israel phát xuất từ sự kiện đất đai là của Thiên Chúa, như viết trong chương 25 câu 23 sách Lêvi: ”Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23). Các sản phẩm mà con người hưởng dùng là ơn Thiên Chúa ban. Ở đây người ta phân biệt các sản phẩm đầu mùa tự nhiên như lúa mạch, lúa mì, trái nho và trái vả, trái ô liu dành cho các tư tế và gia đình họ như được xác định trong sách Lêvi chương 18 câu 13: ”Tất cả thổ sản đầu mùa người ta dâng cho Giavê đều là của ngươi; trong nhà ngươi hễ ai thanh sạch thì được hưởng”. Chúng được phân biệt với các sản phẩm đã được chế biến và chuẩn bị như rượu, dầu ô liu và tinh bột, là các sản phẩm được dùng để dâng cho Giavê. Các lễ phẩm quan trọng là lúa mạch dâng vào dịp lễ Vượt qua và lúa mì dâng vào lễ Ngũ tuần.

Chương 3 sách Lêvi trình bầy hy lễ kỳ an. Nó có hình thái giống chương 1, và cũng chia làm ba phần các câu 1-5; 6-11; 12-17, tùy theo loại súc vật được sát tế. Soạn giả trở lại ngôi thứ ba để miêu tả lễ nghi, và chúng ta thấy tầm quan trọng dành cho tín hữu giáo dân dâng lễ vật.

Các tư tế có nhiệm vụ dâng máu và đốt mỡ trên bàn thờ. Máu cũng như mỡ đều là dấu chỉ của sự sống, chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi, vì Thiên Chúa là chủ tể của sự sống. Ở đây tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện có người cho rằng chương 2 được đưa vào sau này, bẻ gẫy sự hiệp nhất của trình thuật miêu tả hai hình thức chính trong hy lễ của dân Israel. Các miêu tả hy lễ hiệp thông hay kỳ an sẽ được lập lại trong chương 7 các câu 11 tới 21, trong đó người ta phân biệt hai loại hy lễ là hy lễ tạ ơn và lễ vật đã khấn hứa hay lễ vật tự nguyện. Từ văn bản này chúng ta không học biết được gì liên quan tới tiệc lễ nghi, nhưng phải quy chiếu về các văn bản có tính cách lịch sử hơn như sách Xuất Hành chương 24 cho biết ông Môshê cùng với ông Aharon, Nadab, Abihu và bẩy mươi kỳ mục Israel đi lên núi Chúa. ”Họ được nhìn thấy Thiên Chúa của Israel, dưới chân người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời. Người không ra tay sát hại các bậc vị vọng của Israel; Họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống: (Xh 24,9-11). Sách các Vua I chương 3 cũng kể lại giấc mộng của vua Salomon ở Ghibon, rồi nhà vua ”trở về Giêrusalem và đứng trước Hòm Bia Giao Ước của Chúa; ông thượng tiến lễ toàn thiêu, dâng lễ kỳ an và thiết đãi tất cả các bề tôi của mình một bữa tiệc” (1 V 3,15).

Chương 3 sách Lêvi cũng xác định rằng người muốn tiến dâng lễ kỳ an bằng bò đực hay bò cái thì con vật phải toàn vẹn. Họ sẽ đặt tay trên đầu con vật dâng làm lễ tiến và sẽ sát tế nó ở cửa Lều Hội Ngộ. Các con Aharon, là các tư tế sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. Người ấy sẽ tiến dâng một phần hy lễ kỳ an làm lễ hỏa tế dâng Giavê, đó là lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài gần lưng, và khối mỡ trên gan mà người ấy sẽ tách ra cùng với các trái cật. Các con Aharon sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên lễ toàn thiêu đặt trên củi ở trên lửa. Đó là lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê.

Như thế các tư tế có nhiệm vụ rảy máu và hỏa thiêu mỡ các súc vật bị sát tế trên bàn thờ. Vì chúng biểu tượng cho sự sống và chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi.

Trong Thánh Kinh cử chỉ đặt tay trên đầu súc vật sát tế có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong bối cảnh của hy lễ sát tế ở đây nó ám chỉ việc chiếm hữu vật sát tế từ phía người dâng, và sự tham dự của người ấy vào lễ nghi thực hiện trên con vật được sát tế. Và người ta biệt định rằng nơi dâng hy lễ là “trước mặt Chúa” và ở lối vào Lều Hội Ngộ. Mỡ là phần của bữa tiệc dành cho Thiên Chúa và việc đốt mỡ trên bàn thờ là một kiểu làm cho Thiên Chúa tham dự vào bữa tiệc lễ nghi. Ngoài lễ toàn thiêu mà Aharon và các tư tế phải thi hành mỗi ngày, một lần vào ban sáng và một lần vào ban chiều, đây là các lễ nghi họ phải làm khi có tín hữu tới dâng lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa.

Nếu người ấy tiến dâng chiên dê làm lễ Kỳ an dâng Giavê, thì phải tiến dâng một con đực hay một con cái toàn vẹn.

Nếu người ấy dâng một chiên con làm lễ tiến, thì phải tiến dâng nó trước nhan Giavê. Họ phải đặt tay trên đầu con vật dâng làm lễ tiến, và sẽ sát tế nó trước Lều Hội Ngộ. Các con Aharon sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. Người ấy sẽ tiến dâng một phần hy lễ kỳ an làm lễ hỏa tế dâng Giavê, đó là: mỡ của nó, trọn cái đuôi mà người ấy sẽ cắt sát xương cùng, lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà người ấy sẽ tách ra cùng với các trái cật. Tư tế sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là thức ăn hỏa tế dâng Giavê.

Đây là thức ăn biến thành khói, nghĩa là biểu tượng. Nhưng cũng có thể coi đây là dấu vết của các niềm tin cổ xưa, hay phát xuất từ các dân tộc sống gần Israel, liên quan tới các thần linh dược dưỡng nuôi bằng các lễ tế của con người. Các tư tưởng này bị Thánh Kinh khước từ như viết trong Thánh vịnh 50: ”Bò của ngươi, nào Ta có thiết; chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham! Vì thú rừng là của Ta hết thảy, cả ngàn muôn loài vật núi đồi. Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ, động vật nơi hoang dã thuộc về Ta. Ta mà đói, Ta đâu có nói cho ngươi hay, vì trái đất với mọi loài chính Ta làm chủ. Thịt bò há là thức Ta ăn? Máu chiên há là đồ Ta uống? Hẫy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao” (Tv 50,8-14).

Nếu lễ tiến là con dê, thì nghi thức của người dâng và của các tư tế cũng như vậy. Người ấy sẽ tiến dâng một phần con vật làm lễ tiến, làm lễ hỏa tế. ”Tất cả những gì là mỡ đều thuộc Giavê. Đây là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi ở khắp nơi các ngươi sống: tất cả những gì là mỡ và huyết, các ngươi không được ăn” (Lv 3,17).

(Thần Học Kinh Thánh bài 1115)

Linh Tiến Khải

Lượt xem 118 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *