Ngôn sứ, những người kỳ cục!

Ngôn sứ, những người kỳ cục!


6/24/2013 12:48:15 PM

Trái với những gì người ta thường nghĩ, ngôn sứ không hề tiên đoán tương lai. Thật nhầm lẫn khi gọi ngôn sứ là “tiên tri”. Sứ điệp của ngôn sứ trong Thánh Kinh không thuộc bình diện tiên đoán mà chỉ là rao giảng.

hosea-gomer-cody-fmiller.jpg
Ngôn sứ Hôsê và bà vợ Gôme (Tranh Cody F. Miller)


Trong Kinh Thánh, vai trò của ngôn sứ rất đúng với từ nguyên của từ «ngôn sứ» (tiếng Pháp là prophète), do hai từ Hy Lạp ghép lại: phèmi, «nói», và pro, «nhân danh». Ngôn sứ là « người nói nhân danh …. », là “phát ngôn viên”. Hiển nhiên là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Các ngôn sứ tố cáo sự bất công, lạm dụng và những gì không phù hợp với ý Chúa. Và hiển nhiên, các ngôn sứ không tiên đoán nên họ có thể tiên đoán sai. Ví dụ, ngôn sứ Êdêkien loan báo sự sụp đổ của Ai Cập (Ed 29), và ngôn sứ Giêrêmia loan báo Babylone sẽ bị tiêu diệt, nhưng thực tế vua Cyrus đã chừa thành này ra nên nó đã không bị tiêu diệt (Gr 51,58)[1].

Khi các ngôn sứ tiên đoán thì không phải là họ nói tiên tri hay nói về tương lai cho bằng nói với mục đích để thay đổi hiện tại. Cách họ nói là như thế này: nếu người dân làm điều này điều kia, hoặc không thay đổi cách hành động, thì họ sẽ gặp phải những điều này điều kia … Như vậy, những ai nghe lời khuyến cáo của các ngôn sứ thì được mời gọi thay đổi lối sống. Cũng giống như các nhà sinh thái học nói nhân danh môi trường và họ khuyến cáo rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục sống như hiện nay thì trong vòng hai mươi lăm năm nữa trái đất chúng ta sẽ như thế này thế kia …. Qua « những tiên đoán » của mình, các nhà sinh thái tìm cách thay đổi hiện trạng. Và nếu các nhà sinh thái đôi lúc có nói quá đi một chút thì họ cũng giống như các ngôn sứ trong Kinh Thánh thôi!

Sứ điệp của các ngôn sứ, được gọi là “sấm ngôn”, thường bắt đầu như thế này: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này …” (Tl 6,8) hoặc là «Sấm ngôn của Đức Chúa là Thiên Chúa… » (Is 56,8). Sứ điệp này đôi khi được minh họa bằng những cử chỉ có tính biểu trưng (hoặc cử chỉ ngôn sứ), là những hành động để thu hút sự chú ý, để khiêu khích hay ngay cả làm cho chướng tai gai mắt. Ví dụ ngôn sứ Isaia đã ở trần và đi chân không suốt ba năm (Is 20, 1-6)[2], một cách để nói rằng: đừng có liên minh với Ai Cập, đây là điều sẽ xảy ra với đất nước ấy: nó sẽ bị lột sạch. Ngôn sứ Giêrêmia mang dây thừng bện thành gông hay ách cày mang vào cổ (Gr 27, 1-27)[3], để chỉ sự tùng phục vua Nabuchodonosor. Ngôn sứ Hôsê cưới một cô điếm là bà Gôme về làm vợ, cốt chỉ để phản ứng lại với dân Thiên Chúa đang  lâm vào tình trạng trụy lạc như gái điếm khi thờ các thần thánh ngoại giáo (Hs 1, 1-3)[4]. Các ngôn sứ thật sự là những người kỳ cục!

Làm ngôn sứ không phải là một nghề ở Israel, với những phương pháp hay những ngón nghề chính xác có thể truyền thụ lại được (như ở vùng Lưỡng Hà chẳng hạn). Các ngôn sứ của Thánh Kinh thường không chọn nghề ngôn sứ mà chính họ nói mình được kêu gọi hay được Thiên Chúa sai đi (Am 7,14-15)[5]. Họ là những người độc lập với nhà cầm quyền và thường không phải là tư tế. Như vậy, họ có thể dễ dàng chỉ trích người dân cũng như vua chúa và thủ lãnh. Phần nào cũng giống như các nhà báo hiện nay ở những xứ tự do báo chí … Và thật sự có đủ các loại ngôn sứ. Một vài người, như Êdêkien chẳng hạn, có những thị kiến giống như người bị tâm thần phân lập. Những người khác, như ngôn sứ Êlisê, thì cần phải có nhạc mới nói ngôn sứ được (2 V 3,15)[6]. Phụ nữ cũng có thể làm ngôn sứ, như nữ ngôn sứ và thủ lãnh Đêbora chẳng hạn (Tl 4,4), hoặc nữ ngôn sứ Khunđa, người được thỉnh ý sau khi khám phá cuốn sách Luật trong Đền Thờ (2 V 22,13-14).

Ở Israel, ngôn sứ xuất hiện gần như đồng thời với vương quốc và biến mất ít lâu sau khi trở về từ cuộc Lưu Đày, cuối thời đại Ba Tư, để rồi tái xuất hiện dưới hình thức bình dân và có tính cánh chung hơn vào thời Chúa Giêsu, nhất là với Gioan Tẩy Giả (Mt 11,7-9)[7]. Chính Chúa Giêsu cũng được những người chung quanh xem như là một ngôn sứ (Mc 6,15)[8] và chính Ngài cũng bị xem như là một người kỳ cục! Vài thái độ của Ngài đã gây sốc cho nhiều người (Mt 15,12)[9]. Và Chúa Giêsu, với tư cách là một ngôn sứ, đã minh họa cho sứ điệp của mình bằng những cử chỉ có tính biểu trưng: Ngài đòi hỏi các môn đệ từ bỏ mọi sự đằng sau để nói lên rằng Nước Thiên Chúa đang đến rất gần; Ngài tụ họp 12 môn đệ để tượng trưng cho sự thống nhất mọi chi tộc Israel; Ngài dùng bữa với những người bị gạt ra bên lề xã hội để nói rằng họ cũng được dự phần vào Nước Thiên Chúa, vv…. Ngay cả các phép lạ của Ngài và các môn đệ cũng có ý nói lên rằng rồi ra sự dữ sẽ bị loại bỏ (Mc 10,17-20)[10].

Chrystian Boyer
(InterBible)



[1] Đức Chúa các đạo binh phán thế này: các tường luỹ Babylon vĩ đại, bị sụp đổ hoàn toàn, các cổng thành to lớn sẽ bị thiêu rụi. Thế là các dân phải vất vả luống công, các nước kiệt quệ làm mồi cho lửa. Lời sấm được ném xuống sông Êuphơrát

[2] Vào năm vua Átsua là Xácgôn biệt phái tướng tổng tư lệnh đến giao chiến và hạ thành Átđốt, thì chính lúc ấy, Đức Chúa phán qua trung gian của ông Isaia, con ông Amốc, rằng: “Hãy bỏ miếng vải thô ngang thắt lưng ngươi đi, và cởi dép khỏi chân.” Theo lời dạy, ông đã ở trần và đi chân không. Đức Chúa lại phán: “Cũng như tôi tớ Ta là Isaia suốt ba năm trường đã ở trần và đi chân không để nên dấu chỉ điềm báo cho người Ai Cập và người Cút thế nào, thì cũng vậy, vua Átsua sẽ dẫn người Ai Cập đi tù và người Cút đi đày, trẻ cũng như già, mình trần, chân không, mông hở. Thật là nhục nhã cho người Ai Cập. Những ai xem Cút như mối hy vọng và Ai Cập như niềm tự hào sẽ phải sợ hãi và xấu hổ. Ngày ấy, dân cư miền duyên hải này sẽ nói: “Đâu rồi niềm hy vọng của chúng ta, nơi chúng ta đến ẩn náu để được giúp đỡ hầu thoát khỏi tay vua Átsua? Phần chúng ta, trốn ở đâu bây giờ? “

[3] 1 Vào đầu triều Xítkigiahu, con vua Giôsigiahu, làm vua Giuđa, có lời Đức Chúa phán với ông Giêrêmia như sau: Đức Chúa phán với tôi rằng: Ngươi hãy bện dây thừng và làm một cái gông rồi đeo vào cổ. Sau đó, ngươi hãy gửi một sứ điệp cho vua Êđôm, vua Môáp, vua dân Ammon, vua Tia, vua Xđôn, qua trung gian các sứ giả chúng gửi đến Giêrusalem để gặp Xítkigiahu, vua Giuđa.

[4] Lời Đức Chúa phán với ông Hôsê, con ông Bơêri, dưới thời các vua Útdigia, Giôtham, Akhát và Khítkigia trị vì Giuđa, và dưới thời vua Giarópam con vua Giôát trị vì Ítraen. Khởi đầu, lời Đức Chúa thể hiện trong cuộc đời ông Hôsê. Đức Chúa phán với ông Hôsê: “Hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm, vì cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm.” Ông đã đi cưới bà Gôme, con gái ông Đíplagim. Bà đã có thai và sinh cho ông một người con trai. Đức Chúa phán với ông: “Hãy đặt tên cho nó là Gítrơen, vì chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến trừng phạt nhà Giêhu vì tội đổ máu tại Gítrơen, và Ta sẽ dẹp bỏ vương quốc Ítraen. Trong ngày đó, Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ của Ítraen trong thung lũng Gítrơen.”

[5] Ông Amốt trả lời ông Amátgia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta.”

[6] Bây giờ, hãy dẫn đến tôi một người gảy đàn.” Người gảy đàn vừa đánh đàn, thì bàn tay Đức Chúa ở trên ông.

[7] Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

[8] Kẻ khác nói: “Đó là ông Êlia.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ

[9] Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giêsu mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.”

[10] Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”


Lm. Phaolô Nguyễn MInh Chính
chuyển ngữ

 

Lượt xem 167 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *