Ngoại tình trong mắt người Kitô hữu

Ngoại tình trong mắt người Kitô hữu


3/4/2021 1:34:46 PM

Ngày nay để nói về tình trạng ngoại tình của người có gia đình, nam hay nữ, người ta dùng các cụm từ như “Say nắng”, “Bồ bịch”, “Không chung thủy”, “Người thứ ba”, “tình yêu ngoài luồng”, “Chán cơm thèm phở” hay “Ông ăn chả, bà ăn nem” vv.

ngoaitinh.jpg

Tờ vnexpress.net trước đây trong bài viết có tựa “Nên làm gì khi chồng ngoại tình?” đã có đoạn viết như sau: [1] Cách đây không lâu, tạp chí Forbes đã đưa ra bảng thống kê tỷ lệ ngoại tình ở các quốc gia trên thế giới và khẳng định hiện tượng này dường như đã trở thành một “xu hướng”. Bảng thống kê được xây dựng thông qua việc phân tích những dữ liệu khảo sát của các trang web hẹn hò trên toàn thế giới và công ty kinh doanh bao cao su Durex. Xu hướng này được nhận định tăng theo từng năm.

 

Riêng ở Trung Quốc, theo khảo sát thì trung bình khoảng 33,3% nam giới và 13,3% nữ giới từng ngoại tình. Số liệu này thực sự gây sốc bởi tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc chỉ khoảng 0,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ “trật bánh”. Nói cách khác, sau khi người thứ ba xuất hiện trong hôn nhân, nhiều người chọn cách nuốt nỗi đau và tiếp tục sống. Nghĩa là họ chấp nhận “sống chung với lũ”!

 

Tại Việt Nam, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa, người đã có gần 30 năm nghiên cứu về vấn đề gia đình và ngoại tình, đã viết hàng chục đầu sách về tình yêu, hôn nhân gia đình, đã chia sẻ góc nhìn về đàn ông Việt Nam, cho rằng nói 100% có bồ là không đúng nhưng nói nhiều người có bồ là đúng. Đã có khảo sát cho biết khoảng 60% đàn ông ngoại tình. Tỷ lệ đàn ông ít nhất một lần quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là 90%. Cũng theo chuyên gia này, cái nhìn của xã hội về chuyện ngoại tình giữa đàn ông và phụ nữ cũng khác nhau. Trong khi người đàn ông ít bị lên án hơn thì phụ nữ đã ngoại tình và đặc biệt là có quan hệ thể xác thì khó có đường về, trong khi đàn ông thì kiểu gì cũng được tha thứ. [2]

 

Về chuyện ngoại tình thì ai cũng biết đó là một thứ “tình yêu ngoài luồng” nghĩa là đi ra khỏi ranh giới của khế ước hôn nhân một-vợ-một-chồng, nhưng để hiểu sâu xa thế nào về việc ngoại tình thì ta phải dựa vào những khái niệm cơ bản nhất.  

 

1.- Khái niệm về vấn đề ngoại tình

 

Chúng ta biết rằng, chung thủy được đặt lên hàng đầu khi đã là vợ chồng. Nhưng khi đôi bạn vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân, vẫn là vợ chồng thì chuyện lăng nhăng, tình ái ngoài luồng là không được phép. Ngoại tình khi đang có vợ có chồng là sai cả về mặt pháp luật, đạo lý và đạo đức làm người.  

 

Theo vi.wikipedia thì ngoại tình đề cập đến việc một người đã kết hôn có hành vi tình dục với người khác không phải là người phối ngẫu của họ. Từ một góc độ khác, từ này cũng áp dụng cho một người độc thân có quan hệ tình dục với một người đã kết hôn. Việc ngoại tình thường được liên hệ với các cá nhân có ham muốn tình dục nhiều hơn người bạn đời của họ.  

 

Khi việc ngoại tình vi phạm chuẩn mực xã hội, nó có thể bị gọi là gian dâmthông giankhông chung thủy, hay có bồ bịch. Các thuật ngữ này có thể hàm ý các hậu quả luân lý trong luật dân sự hoặc tôn giáo.

 

Ngoại tình đôi khi chỉ nói về quan hệ tình yêu nói chung, từ cấp độ thấp nhất là có tình cảm với nhau. Trong một số trường hợp, khi hai người có quan hệ ngoài hôn nhân có quan hệ tình dục cũng được gọi là “ngoại tình” mà không dùng từ “thông gian” hay “thông dâm” để khái quát và giảm nhẹ mức độ mô tả.

 

Tại các nước, ngoại tình thường là hành vi bị lên án. Pháp luật các nước có mức xử phạt khác nhau với hành vi này, có những nước chỉ cảnh cáo hoặc phạt tiền, có những nước phạt hình sự (ngồi tù), thậm chí một số nước có án tử hình với tội này.

 

Ở Việt Nam, nhìn chung, ngoại tình vẫn đang là vấn đề bị lên án ở xã hội hiện nay nhưng một số đàn ông Việt Nam cho đó là bình thường, bởi với họ chuyện ngoài luồng thường là để giải tỏa cảm xúc chứ ít khi là tình yêu. Theo một kết quả nghiên cứu về tình dục của nam giới Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) được thực hiện với 5.300 người (trong đó 2.400 nam và 2.900 nữ) trong độ tuổi từ 18- 65 tại 11 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho thấy số bạn tình được một người đàn ông tiết lộ ở con số kỷ lục là trên 200 người. [3]  

 

Đó là khẳng định của xã hội. Còn Hội thánh Công Giáo nói gì về ngoại tình?

 

Tội ngoại tình là gì? Theo Từ điển Công Giáo thì “Ngoại là ngoài; tình là lòng yêu mến giữa nam nữ. Ngoại tình là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của người đã có gia đình. Tội ngoại tình là sự vi phạm Điều Răn thứ sáu và thứ chín, lỗi đức khiết tịnh, thiếu chung thủy giữa vợ và chồng và phá vỡ giao ước hôn nhân (x. GLHTCG 2381).

 

Trong Cựu Ước, ngoại tình là tội mà Thập Giới cấm (x. Xh 20, 14) và xử tội chết (x. Đnl 22, 22). Trong Tân Ước, Chúa Giê-su xác nhận luật cấm này (x. Mt 19, 18). Người còn nói rõ, người ta có thể phạm tội ngoại tình cả trong tư tưởng (x. Mt 5, 27-32).  

 

Hội thánh giữ vững lời dạy của Chúa Giê-su: “Ai rẫy vợ mà cưới vơ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10, 11-12). [4]

 

Như vậy rõ ràng là Thánh Kinh đã lên án tội ngoại tình, Hội thánh cũng liệt kê ngoại tình vào sự vi phạm điều răn thứ 6 và điều răn thứ 9. Do đó chúng ta cần xem lại Thánh Kinh đã nói gì và Hội thánh đã dạy gì về tội này.

 

2.- Thánh Kinh và Giáo lý Hội thánh Công Giáo nói gì về tội ngoại tình?

 

Chúng ta biết rằng, tội ngoại tình là một thứ tội được nhắc đến nhiều lần trong cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Nó được coi là tội trọng với nhiều hậu quả nặng nề và người mắc phải nó nhận được không ít cảnh báo nghiêm khắc. Trong bài viết trích đoạn từ trang augustino.net này, chúng ta hãy điểm qua định nghĩa, giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo lý Giáo Hội Công Giáo về tội này để có những kiến thức và chỉ dẫn cần thiết cho đời sống đức tin. [5]  

 

2.1. Tội ngoại tình trong Thánh Kinh Cựu Ước

 

Trong thời kỳ Cựu Ước, tội ngoại tình bị lề luật lên án rất mạnh mẽ. Thông qua các nhà khôn ngoan, các vị ngôn sứ, Thiên Chúa không ít lần răn dạy, khiển trách cũng như lên tiếng hạch tội và tuyên sấm về số phận thê thảm của những kẻ ngoại tình. Sau đây là một số câu/ đoạn tiêu biểu:

 

– “Ngươi không được ngoại tình.” (Xh 20, 14) (Ds 5,18)

 

– “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử.” (Lv 20, 10)

 

– “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại ở Ít-ra-en.” (Đnl 22, 22)

 

– “Quả thật, môi người đàn bà trắc nết tiết ra mật ngọt, miệng của nó trơn tru hơn dầu. / Nhưng cuối cùng, nó vẫn đắng như khổ ngải, bén như gươm hai lưỡi. / Đôi chân nó đi vào cõi chết, nó thẳng đường bước tới âm ty. / Đường dẫn vào sự sống, nó không theo, nó lạc lối, mà không hay biết. / Trên đường đời, con hãy xa lánh nó, lối vào nhà nó, con chớ lại gần, kẻo danh dự con bị trao vào tay người khác, và năm tháng đời con bị nộp cho đứa bạo tàn, kẻo tài sản của con, người ngoài tha hồ hưởng, và mồ hôi nước mắt của con lại giúp cho thiên hạ làm giàu, để cuối cùng, khi thân tàn ma dại, con đành phải trách phận than thân, và phải kêu lên rằng: ‘Than ôi, tôi đã ghét bỏ lời nghiêm huấn, và lời sửa dạy, lòng tôi đã coi khinh!’.” (Cn 5,3-6.8-12)

 

– “Vì gái điếm là hố sâu và phụ nữ ngoại tình là giếng hẹp. / Nó khác nào kẻ cướp rình chờ hòng tăng số những kẻ bất trung trong nhân loại.” (Cn 23, 27-28)

 

– “Người đàn bà bỏ chồng cũng thế: thị sinh ra đứa con thừa tự bởi người khác. / Trước hết, thị không tuân giữ luật của Đấng Tối Cao, tiếp đến, thị mắc lỗi với chồng; sau nữa, thị ngoại tình vì thói dâm đãng và sinh ra những đứa con bởi người đàn ông khác. / Thị sẽ bị đưa ra trước cộng đoàn, con cái thị cũng bị trừng phạt. / Chúng sẽ như cây không đâm rễ, như cành không sinh hoa kết trái, nhớ đến thị là người ta nguyền rủa, nỗi nhục của thị không thể xóa nhòa.” (Hc 23, 22-26)

 

– “Phần các ngươi, hỡi những kẻ chuyên nghề bói toán, hỡi giống nòi dâm đãng ngoại tình, hãy đến cả đây! / Này các ngươi nhạo cười ai vậy? Các ngươi mở miệng, le lưỡi chống lại ai? Há các ngươi không phải là con của tội ác, là nòi giống của gian dối hay sao?” (Is 57, 3-4)

 

– “Vì sao Ta phải tha cho ngươi chứ? Con cái ngươi đã từ bỏ Ta mà thề bồi nhân danh cái chẳng phải là thần. Ta cho chúng được ăn no mặc ấm, thì chúng lại đi ngoại tình, đổ xô đến nhà bọn điếm. / Chúng là những con ngựa động cỡn và bất kham, đứa nào cũng hú hí với vợ người hàng xóm. / Những chuyện như thế Ta lại không trừng phạt, một dân như vậy Ta không trả thù sao? – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. (Gr 5, 7-9)

 

2.2. Tội ngoại tình trong Thánh Kinh Tân Ước

 

Bước sang Tân Ước, ta thấy Chúa Giê-su thường nói về hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Người như người cha nhân từ ôm ẵm những đứa con hoang đàng, Người đến để cứu vớt những con người tội lỗi và dĩ nhiên, có cả những người ngoại tình.

 

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 8, 2-11), Chúa Giê-su đã không kết án người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang mà người nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Trước đó, trong Ga 4, Ngài cũng không khinh chê người phụ nữ Sa-ma-ri ngoại tình có năm đời chồng mà ân cần nói với chị về ơn cứu độ, về nước hằng sống và tỏ cho chị rằng mình chính là Đấng Mê-si-a.

 

Nhưng ta phải hiểu rằng Ngài làm như vậy là để kẻ phạm tội biết ăn năn, sám hối và không mất tin tưởng vào ơn cứu độ sẽ được thực hiện nơi Ngài chứ không phải vì Ngài coi nhẹ tội ngoại tình hay có ý nói người phạm tội này sẽ dễ dàng được tha thứ.  

 

Như trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 19,18-19), Ngài tái khẳng định các điều răn của Luật Mô-sê như tiêu chuẩn để được sự sống đời đời. Đó là: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.

 

Ngoài ra, trong bốn cuốn Tin Mừng, ta thấy Chúa Giê-su đã nhiều lần nhắc đến tội ngoại tình như là một trong những tội lỗi xấu xa điển hình và thậm chí còn đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe hơn lề luật Cựu Ước để xác định người phạm tội.

 

2.3. Kẻ ngoại tình theo quan điểm của Chúa Giê-su

 

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5, 27-28)

 

Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mt 5, 31-32) (tương tự trong Mt 19, 9)

 

Chúa Giê-su nhắc đến kẻ ngoại tình như ví dụ điển hình về người tội lỗi, xấu xa:

 

Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.” (Mt 12, 39) (tương tự trong Mt 16, 4)

 

Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế”. (Mt 15, 19-20)

 

Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy”.  (Mc 8, 38)

 

2.4. Các thánh Tông đồ cảnh tỉnh người tín hữu về tội ngoại tình:  

 

Ngoài các chi tiết nhắc tới giáo huấn của Chúa Giê-su về tội ngoại tình trong bốn cuốn Tin Mừng kể trên, ở phần cuối của Kinh Thánh Tân Ước, thông qua thư tín của mình, các Thánh Tông đồ cũng nghiêm khắc cảnh tỉnh các tín hữu về tội ngoại tình, đặc biệt là các tân tòng vốn là những người trước đó sống không biết lề luật. Sau đây là một số đoạn tiêu biểu:

 

Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp”. (1 Cr 6,9-10)

 

Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình.” (Dt 13,4)

 

Họ coi việc sống phóng đãng giữa ban ngày như một khoái lạc, họ là những người đầy khuyết điểm và tỳ ố, thích thú vì những chuyện lừa gạt của mình, trong lúc vui vẻ với anh em. Nhìn thấy phụ nữ là họ ao ước ngoại tình, họ phạm tội mãi không chán; họ nhử mồi các tâm hồn nông nổi; lòng họ đã quen thói tham lam. Thật là những kẻ đáng bị nguyền rủa!” (2 Pr 2,13-14)

 

2.5. Giáo lý Hội thánh Công Giáo về tội ngoại tình

 

Giáo lý Công Giáo dựa trên Kinh Thánh và truyền thống Ki-tô Giáo đã có những định nghĩa và giáo huấn như sau về tội ngoại tình:

 

Ngoại tình là thất tín của vợ chồng. Khi hai nguời nam nữ có quan hệ tính dục với nhau, dù là nhất thời mà trong đó có ít nhất một nguời đã kết hôn thì cả hai phạm tội ngoại tình. Đức Ki-tô lên án tội này ngay cả khi chỉ là một uớc muốn (x. Mt 5,27-28). Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm tội ngoại tình (x. Mt 5,32; 19,6; Mc 10,11; 1 Cr 6,9-10). Các ngôn sứ tố giác tội ngoại tình là một tội trọng vì là một trong các hình thức thờ ngẫu tượng (x. Hs 2,7; Gr 5,7; 13,27).” (Giáo lý số 2380)

 

Ngoại tình là điều bất công. Người phạm tội đó bỏ không thực hiện những cam kết của mình, làm tổn hại đến dây liên kết hôn nhân là dấu chỉ của sự giao ước, vi phạm quyền của người phối ngẫu và xâm phạm định chế hôn nhân khi lỗi phạm hôn ước. Người ấy làm phương hại đến lợi ích của việc sinh sản và của con cái vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ.” (Giáo lý số 2381)

 

Nếu người chồng, sau khi đã chia ly với vợ mình, ăn ở với một người phụ nữ khác, thì phạm tội ngoại tình, vì làm cho phụ nữ đó cũng phạm tội ngoại tình; người phụ nữ ăn ở với người đàn ông đó phạm tội ngoại tình vì đã dụ dỗ chồng của người khác” (Thánh Ba-xi-li-ô, nguyên tắc luân lý 73). (Giáo lý số 2383)

 

Ngoại tình và ly dị, đa thê và tự do sống chung là những xúc phạm nặng nề đến phẩm giá của hôn nhân.” (Giáo lý số 2400)

 

Với rất nhiều các chỉ dẫn kể trên và qua những câu chuyện thực tế trong đời sống, chúng ta đã có thể cảm nhận và hình dung được những hậu quả ghê gớm mà tội ngoại tình đem tới cho người phạm tội.

 

Điều nhãn tiền thấy được chính là việc họ hoặc làm tổn thương nghiêm trọng hạnh phúc gia đình mình hoặc phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Với người đã có gia đình, việc ngoại tình dễ dàng đưa đến cảnh ly thân, thậm chí ly hôn, con cái thiệt thòi, quan hệ gia đình đôi bên đổ vỡ. Một người ngoại tình sẽ khó đòi hỏi người bạn đời tha thứ và quên đi tội lỗi của mình để tiếp tục chung sống hạnh phúc. Giả như đối phương có tạm quên, cuộc đời họ cũng sẽ không ít lần đau đớn và buồn tủi vì những ký ức khó lòng tẩy xóa.

 

Với người Ki-tô hữu, việc ngoại tình còn là hành động xúc phạm, chối bỏ lời hứa chung thủy đã trao cho người bạn đời trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn trong hôn lễ. Ngoại tình có thể cắt đứt mối dây hôn nhân và dĩ nhiên, có nguy cơ cắt đứt sự hiệp thông của tội nhân với Thiên Chúa.

 

Có lẽ như đối với bất kỳ thứ tội trọng nào khác, chúng ta cũng vẫn lặp đi lặp lại một điều với người phạm tội là phải ăn năn, sám hối, chừa tội, đền tội, cầu xin ơn tha thứ và trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Nhưng trước hết, mỗi người cũng phải biết sống tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

 

Tội ngoại tình cũng như mọi tội phạm tới điều răn thứ sáu đều có một xuất phát điểm là đam mê vẻ đẹp xác thịt, ước muốn xấu với người khác giới.

 

Để tránh cho mình rơi vào hố sâu của ngoại tình, khi gặp cám dỗ nên biết dứt bỏ, chống trả và cầu xin sự trợ giúp thiêng liêng từ Chúa. Hãy xây dựng tình yêu và hôn nhân dựa trên vẻ đẹp tâm hồn và những đức tính tốt ở người bạn đời chứ không chỉ dựa vào nhan sắc và vẻ đẹp hình thể. Ngoài ra, cần biết tôn trọng thân xác chính mình, lánh xa các dịp tội có nguy cơ đưa đến những ham muốn và suy nghĩ lệch lạc về một người khác giới. Hãy đặt hạnh phúc gia đình, sự trung tín với Chúa lên trên những ham muốn xác thịt. (Hết trích)

 

3.- Những hình thái của ngoại tình

 

Theo các chuyên gia, ngày nay vấn đề ngoại tình đã biến tướng qua những hình thái khác nhau, từ âm thầm kín đáo đến lộ liễu bên ngoài, từ chỉ chớp nhoáng trong giây lát đến kéo dài nhiều ngày tháng, từ thương gần đến yêu xa vv… Người ta đã sắp xếp thành 5 kiểu ngoại tình sau đây. Chúng ta cùng tham khảo một bài viết trên trang vnexpress. net có tựa đề “Nhận diện 5 kiểu ngoại tình”, tóm tắt như sau: [6]

 

3.1. Ngoại tình cơ hội

 

Loại này xảy ra khi một người rất yêu vợ/chồng mình nhưng không thể kìm nén được ham muốn tình dục với người khác. Thông thường, kiểu gian lận này là do hoàn cảnh, cơ hội thuận lợi.

 

Nhà tâm lý học xã hội Theresa E. DiDonato (Mỹ) nói: “Không phải mọi hành động không chung thủy đều có kế hoạch trước và là kết quả của việc không hài lòng với mối quan hệ hiện tại. Có thể họ đang uống rượu hoặc theo một cách nào đó bị ném vào một cơ hội mà họ không lường trước được”. Sau vụ việc, người này thường sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi với vợ/chồng mình, song cảm giác tội lỗi mờ dần khi nỗi sợ giảm bớt.

 

3.2. Không chung thủy bắt buộc

 

Đây là loại ngoại tình được dựa trên sự sợ hãi. Những người này có thể rất yêu và gắn bó với bạn đời, nhưng cuối cùng vẫn phải lừa dối vì nhu cầu được chấp nhận bản thân. Một số người phản bội lời thề hôn nhân không phải vì họ muốn mà bởi vì cần sự chấp thuận và sự chú ý của người khác.

 

3.3. Ngoại tình tư tưởng

 

Tiến sĩ DiDonato nói: “Kiểu không chung thủy này xảy ra khi kẻ lừa dối có ít tình cảm gắn bó với bạn đời của họ. Bề ngoài họ vẫn giữ vỏ bọc hôn nhân nhưng trong lòng lại nghĩ tưởng đến một người khác”. Kiểu ngoại tình này sẽ là nỗi đau cho tất cả người trong cuộc và hiếm khi nó chuyển thành một mối quan hệ lâu dài, cam kết.

 

Trường hợp của Carolyn, người đã kết hôn được 19 năm là ví dụ. Mặc dù cam kết với cuộc hôn nhân của mình, cô không yêu chồng. Trong sáu năm qua, Carolyn đã mơ tưởng đến một người đàn ông khác, người bù đắp thiếu sót trong hôn nhân của cô. Hành động không chung thủy của cô là giải pháp ngắn hạn cho vấn đề hôn nhân. Cô cần một giải pháp khác ngoài việc lừa dối.

 

3.4. Ngoại tình tham lam

 

Kiểu không chung thủy này xảy ra khi một người trải qua tình yêu chân thành và ham muốn tình dục với nhiều người cùng một lúc. Bất chấp quan niệm duy nhất của chúng ta về việc chỉ có một tình yêu đích thực, vẫn có những người có thể yêu nhiều người cùng một lúc. Trong trường hợp này, những người lừa dối rất nỗ lực không gây tổn hại cho ai, nhưng thường khiến tất cả đều bị tổn thương.

 

3.5. Ngoại tình nhưng không chịu bỏ hôn nhân

 

Kiểu không chung thủy này xảy ra khi một người đang ở trong một mối quan hệ và không có ham muốn tình dục, tình yêu với bạn đời, chỉ có ý thức về nghĩa vụ hôn nhân với nhau. Họ phiêu lưu tình ái bên ngoài, có thể nhiều năm tháng, với nhiều đối tượng,

 

Điều quan trọng của kiểu này là, vì vẻ bề ngoài, họ vẫn giữ gia đình. Họ không muốn bị coi là kẻ thất bại, vì vậy họ ở trong một mối quan hệ không hạnh phúc và tìm kiếm từ bên ngoài đối tượng đáp ứng những nhu cầu.

 

Qua 5 kiểu này, ta sẽ có thể phân định người bạn đời của mình đã phạm vào kiểu ngoại tình nào và các bước cần thực hiện tiếp theo. Hôn nhân vẫn có thể tồn tại khi có người không chung thủy, nhưng việc bạn có chấp nhận được hay không sẽ phụ thuộc vào kiểu nào trong 5 loại trên. Thông thường, kiểu ngoại tình cơ hội vẫn sẽ không chung thủy với bạn, bất kể bạn phát hiện và tha thứ bao lần.

 

3.6. Ngoại-tình-online thời Covid-19

 

Trong đại dịch, nhiều công việc được con người làm qua mạng, bao gồm cả ngoại tình. [7]

 

Internet và các mạng xã hội từ lâu đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những người ngoại tình. Năm ngoái, khảo sát của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế YouGov (Anh) cho thấy khoảng 17% người dùng các ứng dụng hẹn hò đang lừa dối đối tác hiện thời của họ.

 

Trong bài viết “Ngoại tình thời Covid-19” trên tạp chí Family Process tháng 7, nhà tâm lý Kristina Coop Gordon và Erica A. Mitchell từ Đại học Tennessee, Knoxville (Mỹ) nhận định gần 25% các cuộc hôn nhân xuất hiện sự không chung thủy. Đặc biệt, người ngoại tình có xu hướng sử dụng các ứng dụng hẹn hò nhiều hơn để tìm kiếm đối tượng một cách kín đáo và an toàn.

 

Các tác giả phân tích: “Những ai không hài lòng với mối quan hệ đang có dễ đi tìm lựa chọn thay thế. Căng thẳng từ đại dịch cũng có thể góp phần khiến họ nhìn nhận tiêu cực về nửa kia cũng như mối quan hệ của mình”; và “Các nghiên cứu đã chỉ ra mức độ stress tăng liên tục làm giảm mức độ hài lòng về tình dục và mối quan hệ nói chung”.

 

Cũng trong bài viết, Kristina Coop Gordon và Erica A. Mitchell cho biết từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, mỗi ngày, trang web ngoại tình AshleyMadison.com có thêm 17.000 tài khoản mới. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 15.500. Bên cạnh đó, hai chuyên gia dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Kinsey, Đại học Indiana rằng khoảng 13% người đang có một mối quan hệ tìm đến người yêu cũ trong đại dịch.

 

Một số đôi tình nhân có thể tận dụng thời gian cách ly mùa dịch để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, Gordon và Mitchell cảnh báo rằng đại dịch sẽ kéo theo nhiều vụ chia tay, ly hôn. Các đôi tình nhân không thể thoát khỏi nhau, cũng không thể tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia do khó khăn tài chính hoặc yêu cầu giãn cách xã hội.

 

4.- Hậu quả của việc ngoại tình

 

Theo vi.wikipedia thì hành động ngoại tình có thể dẫn tới hậu quả về mặt xã hội cực kỳ to lớn. Vì điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạnh phúc gia đình, quan hệ bị tác động mạnh nhất là vợ-chồng (gây ra sự ghen tuông), tiếp đến là quan hệ giữa cha-con và mẹ-con. Có thể hạnh phúc sau đó vẫn được hàn gắn do những người trong cuộc thực sự muốn tiếp tục gắn bó, bỏ qua lỗi lầm cho người kia và người có lỗi thực sự ân hận không tái phạm để giữ hạnh phúc gia đình hiện có và sau này.

 

Mặt khác, ngoại tình kéo theo những vụ ly hôn, làm tan vỡ các gia đình. Sự không chung thủy của một hoặc cả hai vợ chồng chính là nguyên nhân của khá nhiều vụ ly hôn. Điều này ai cũng nhận thấy rõ. Có không ít trường hợp, những người đi ngoại tình đã ly hôn vợ/chồng hiện tại để lấy người tình, lập ra những gia đình mới. Và khi hai người đi đến quan hệ tình dục, có thể dẫn đến sự ra đời của những đứa con ngoài giá thú. [8]

 

Tác giả cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, trong phần kết luận với chủ đề “Chung thủy với bạn đời” đã cho rằng, tình dục cũng như tình yêu, bất cứ sự chia sẻ nào đều không mang lại lợi ích hay tốt đẹp gì cho mối quan hệ vợ chồng. Tác giả nhấn mạnh, ở đây không chỉ bàn về khía cạnh tinh thần, mà còn nói về khía cạnh sinh học tự nhiên nữa. Một khi chúng ta có mối quan hệ ngoài bạn đời, cảm giác tình dục cũng như ham muốn của ta dành cho vợ/ chồng đương nhiên sẽ không còn trọn vẹn, mặc dú có thể ta chưa nhận ra.

 

Bên cạnh đó, theo tác giả bài viết trên, một khi đã có sự chia sẻ cùng lúc thì sẽ kéo theo sự so sánh. Đây là phản ứng tự nhiên của con người. Và trong tình dục thì điều cấm kỵ là so sánh. Vô hình trung điều đó sẽ tạo ra một khoảng cách giữa hai bạn đời. Cảm giác, sự hứng thú và nhiệt tình sẽ bị thay đổi, và theo lẽ tự nhiên, ta sẽ thường cố gắng giả vờ sao cho giống như trước đây. Tuy nhiên, khi ta càng cố gắng một cách giả tạo thì sự bất thường lại càng thể hiện rõ, chất lượng đời sống tình dục của hai vợ chồng chắc chắn sẽ suy giảm. Do vậy, tác giả bài viết khuyên ta hãy chung thủy với bạn đời một cách trọn vẹn nếu không muốn giết chết đời sống chăn gối của mình với bạn đời, thậm chí còn làm cuộc sống gia đình bị đổ vỡ nữa. [9]

 

Như đã đề cập ở trên, với người Ki-tô hữu, việc ngoại tình còn là hành động xúc phạm, chối bỏ lời hứa chung thủy đã trao cho người bạn đời trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn trong hôn lễ. Ngoại tình có thể cắt đứt mối dây hôn nhân và dĩ nhiên, có nguy cơ cắt đứt sự hiệp thông của tội nhân với Thiên Chúa./.

 

Aug. Trần Cao Khải



[1] vnexpress.net

 

[2] baogiaothong.vn

 

[3] vi.wikipedia.org

[4] Mục từ “Ngoại tình” – Từ điển Công Giáo – UBGLĐT/ HĐGMVN – Tái bản có sử chữa lần 1 – NXB TG 2019 – Trang 620

 

[5] augustino.net

 

[6] vnexpress.net 

 

[7] vnexpress.net

 

[8] vi.wikipedia.org

 

[9] Appha Books – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB LĐ-XH năm 2019 – Trang 352-353    

Lượt xem 141 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *