Mười Tám Chân Dung Đức Kitô Qua Dòng Lịch Sử

Mười Tám Chân Dung Đức Kitô Qua Dòng Lịch Sử


2/1/2013 8:51:09 PM

Tuy rằng “Đức Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8), nhưng mỗi thời đã vẽ bức chân dung của Ngài một kiểu. Trong 18 chương, tác giả đã khám phá ra những nét của một vị tôn sư, một vị đại vương … lẫn một nhà đạo sĩ, một bạn tình, một nhà cách mạng.

jesus-christ.jpg

Mục Lục

Lời Ngỏ

Thời Thượng Cổ

1. Rabbi
2. Khúc quặt của lịch sử
3. Ánh sáng muôn dân
4. Vua các vua
5. Lý càn khôn – Logos (tk 4-5)
6. Con người (tk 5)

Thời Trung Cổ

7. Hình ảnh Thiên Chúa (tk 8-9)
8. Đức Kitô trên thập tự (tk 10-11)
9. Đan sĩ chinh phục thế giới (tk 11-12)
10. Bạn tình của linh hồn
11. Khuôn mẫu cho cuộc sống (tk 13-14)

Thời Phục Hưng

12. Con người mới (tk 15-16)
13. Bức gương trong (thời Cải cách tk 16-17)
14. Thái tử Hòa bình
15. Nhà mô phạm luân lý

Thời Hiện Đại

16. Thi sĩ của tinh thần (Tk 19)
17. Nhà giải phóng (Tk 20)
18. Đức Giêsu Vũ Hoàn.

Kết Luận

 

LỜI NGỎ

Kính thưa quý vị và các bạn, Trong mấy tháng trước, chúng tôi đã
trình bày những vấn đề của thần học về con người và Học thuyết xã hội của Giáo
hội. Tuy dưới những hình thức đa dạng, nhưng chúng ta có thể ghi nhận một mẫu
số chung, đó là: phẩm giá con người được sáng tỏ nhờ mầu nhiệm Nhập thể của đức
Kitô.

Trong tháng này, đang khi chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng sinh,
chúng tôi xin dành mục Thời sự thần học để giới thiệu quyển sách Jesus
through the centuries
 của Jaroslav Pelikan (Yale University 1985).
Tác giả là giáo sư tại đại học Yale, Hoa kỳ. Sau khi hoàn thành một bộ sách 5
quyển về lịch sử tư tưởng thần học Kitô giáo từ đầu đến nay (The Christian
Tradition), tác giả đã viết tác phẩm này, chú trọng đến chân dung của đức Kitô trải
qua 20 thế kỷ.

Tuy rằng “Đức Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi vẫn là
một”
 (Dt 13,8), nhưng mỗi thời đã vẽ bức chân dung của Ngài một
kiểu. Trong 18 chương, tác giả đã khám phá ra những nét của một vị tôn sư, một
vị đại vương … lẫn một nhà đạo sĩ, một bạn tình, một nhà cách mạng. Tác giả
không dừng lại ở các tín điều hay tác phẩm thần học về đức Kitô, nhưng còn muốn
đi tìm chân dung của Ngài nơi những tác phẩm văn học và nghệ thuật, thậm chí
những tác phẩm của những văn hào ngoài Kitô giáo như Mahatma Gandhi. Chúng tôi
xin hân hạnh kính mời quý vị đi chiêm ngắm 18 bức chân dung của
đức Kitô trải qua 20 thế kỷ. Hy vọng rằng không những chúng ta sẽ hiểu rõ đức
Kitô hơn, nhưng đồng thời chúng ta cũng có theo dõi được vài yếu tố đã có ảnh
hưởng tác dụng đến văn hóa nhân loại trong 20 thế kỷ qua.

Jaroslav Pelikan, Jesus
Through The Centuries,
 Yale University 1985.

Mục Thời Sự Thần Học 105-109, Radio Vatican,
tháng 12 năm 1994

Lm Giuse Phan Tấn Thành OP

I. Rabbi

Có lẽ tước hiệu đầu tiên mà người đương thời đã tặng cho đức Giêsu
là “Rabbi”, “thầy Giêsu”. Tước hiệu rabbi không phải là xa
lạ gì đối với xã hội Do thái thời đó (Mt 23,8). Dĩ nhiên ở đây,
“thầy” không hiểu như là thầy nho, thầy đồ dậỵ chữ nghĩa, nhưng là
“kinh sư” (theo bản văn Tân ước của nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh
Phụng vụ), những nhà chuyên môn về Kinh thánh, giải thích và áp dụng luật Chúa
vào hoàn cảnh mới. Thánh sử Luca (4,16-30) tả lại rằng đức Giêsu khai mạc sứ vụ
của mình tại hội đường Nadareth, mở Kinh thánh (sách Isaia ch.61), đọc và chú
giải, giống kiểu các kinh sư thời đó. Cũng vậy, lối văn giảng dậy của Ngài mang
nhiều sắc thái của các đồng nghiệp, thí dụ như bằng cách giải những vấn nạn
được thính giả nêu lên : “Thưa thầy, một bà kia có bảy chồng liên tiếp, đến
ngày sống lại bà sẽ là vợ của ông nào ?” (Mt 22,24) “Thưa thầy, có được nộp
thuế cho hoàng đế Rôma không ?” (Mt 22,16) “Thưa thầy, phải làm gì để được vào
nước trời ?” (Mt 19,16)

Thể văn xem ra độc đáo của rabbi Giêsu là dùng dụ ngôn.
Ngài dùng một biến cố vừa mới xảy ra hay một sự kiện quen thuộc trong đời sống
hằng ngày để so sánh với thực tại về Nước Chúa. Dù sao, thì thính giả tinh ý
hơn có thể nhận thấy có vài nét độc đáo trong những bài giảng của thầy Giêsu,
thí dụ ngài thường thêm tiếng “Amen”. Người Do thái dùng tiếng
“Amen” để kết thúc các kinh nguyện (Tl 27,14-26), ra như ngụ ý nói :
“Đúng thế! mong thay ! ước sao cho được như vậy”. Còn thầy Giêsu thì
lại gắn ở đầu lời tuyên ngôn : “Amen legô hymin” (Quả thật, tôi nói
cho các anh biết). Người ta đếm được trong 4 quyển Phúc âm có tới 75 lần thầy
Giêsu dùng lối nói đó, thường là để kiện toàn Luật Maisen, thí dụ như trong bài
giảng trên núi (Mt 5,21-48).

Như thế thầy Giêsu không phải chỉ giải thích luật như những kinh
sư khác, mà thầy còn dám sửa chữa luật nữa. Thầy tỏ ra mình có uy quyền ngang
hàng với Maisen mà toàn dân Do thái đều nhất trí coi như là Ngôn-Sứ đệ nhất
hạng (Tl 18,15-22). Vì vậy mà cũng có người gọi thầy Giêsu là Ngôn
sứ
 nữa (Ga 6,14; 7,40). Ngoài ra không ít người cũng coi Ngài như
là Messia (Ga 1,41) – người được xức dầu – dịch ra
tiếng Hy lạp là ho Christos, phiên âm là Kitô. Trong các thư của Phaolo, tước
hiệu Kitô và Đức Chúa trở nên nổi bật hơn (Rm 1,1-6), và lấn át đi bức chân
dung nguyên thủy của Rabbi Giêsu Nadareth.

II. Khúc quặt của lịch sử

Thực ra, sự tiến triển vừa nói không phải là gò bó gượng ép. Như
vừa thấy trên đây, rabbi Giêsu đã biểu lộ vài nét độc đáo trong lối giảng của
mình. Ngay từ khi mới bắt đầu sứ vụ, Thầy đã nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều
đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc
1,14-15). Thế hệ các Kitô hữu tiên khởi đã nhận thức rằng nơi đức Giêsu Thiên
Chúa đã đánh dấu một giai đoạn mới của thời viên mãn. Việc đức Giêsu xuất hiện
không phải chỉ giống như là một kinh sư, một ngôn sứ, nhưng nó đánh dấu cả một
giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại. Tác giả của sách Khải huyền đã ghi lại
rằng Ngài là “Alpha và Omega”, nguyên thủy và cùng đích của lịch sử
(Kh 1,8). Thực ra, vào thời ấy, có lẽ có người đã hiểu câu nói ấy theo nghĩa
thế mạt : họ tin rằng đức Kitô thiết lập triều đại của Thiên Chúa trên dương
thế, như bao người đang mong đợi (Tđcv 1,6-7), và kết liễu dòng lịch sử nhân
loại đã mang dấu vết của bao nhiêu cảnh bất công, bóc lột chém giết. Tuy nhiên,
dần dần, người ta mới hiểu chính xác hơn vai trò của đức Kitô trong lịch sử:
Ngài không đến để kết liễu lịch sử nhân loại, nhưng đánh dấu một khúc quặt mới.
Ngài không tiêu hủy các thể chế của nhân loại, nhưng tiêm nhiễm cho nó một
chiều hướng mới.

Tác giả của thư gửi người Hi bá đã gắn liền tất cả các lần Thiên
Chúa mặc khải trong lịch sử nhân loại thành một chuỗi tiệm tiến liên tục hướng
đến đức Kitô: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy
cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã
phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”
 (Dt 1,1). Tuy nhiên, đức Kitô không
phải chỉ đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử tôn giáo, liên can tới mối liên
hệ giữa Thiên Chúa và con người. Thánh Augustinô (De Civitate Dei, viết vào
những năm 413-426) đã đặt đức Kitô như một khúc quặt mang lại ý nghĩa cho toàn
thể lịch sử nhân loại. Những suy tư đó còn mang ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay.
Quyển lịch chúng ta đang dùng dựa theo lối tính của tu sĩ Đionysius Exiguus,
sống vào thế kỷ thứ 6: niên lịch sẽ được tính không căn cứ vào năm lập quốc của
Rôma hay năm lên ngôi của hoàng đế, nhưng căn cứ vào ngày ra đời của đức Kitô.
Lịch sử nhân loại được chia thành hai khúc: trước Chúa giáng sinh và sau Chúa
giáng sinh. Các biến cố khác của nhân loại sẽ dựa theo đó mà tính, dù là vua
Herốt (kẻ đi truy nã hài nhi Giêsu để thủ tiêu) hay là những người muốn tiêu
diệt Kitô giáo như Nêrô, Stalin. Thí dụ lịch sử sẽ ghi lại rằng Stalin qua đời
năm 1953 kể từ khi Chúa Kitô giáng sinh. Tiếc rằng vì những hạn chế cá nhân, tu
sĩ Điônysiô đã tính lệch biến cố Chúa giáng sinh từ 4 cho tới 7 năm. Nhưng dù
sao, lịch sử của nhân loại vẫn xoay quanh biến cố đó.

III. Ánh sáng muôn dân

Sau khi vẽ xong bức chân dung thứ hai (Đức Kitô khúc quặt của lịch
sử), các Kitô hữu không còn coi đức Kitô như là vị giáo chủ của đạo mình mà
thôi, nhưng còn dành một chỗ đứng trong cả lịch sử của nhân loại nữa. Không
những họ giải thích các lời Kinh thánh (gọi là Cựu ước) như là lời tiên báo về
Ngài, nhưng họ còn muốn tìm thấy những lời ám chỉ về Ngài trong các tác phẩm
văn chương triết học cổ điển nữa, tựa như thi sĩ Virgilius của Rôma (70-19
A.C.) đã nói tới ngày sinh nhật của một hài nhi con trời khai trương kỷ nguyên
của trời mới đất mới: “thời đại đồng sắt nhường chỗ cho thời đại hoàng
kim; địa cầu được giải thoát khỏi lo sợ” (Eclogues IV, 5-52).
Những lời của thi sĩ Virgilius cũng như những lời sấm của nữ tiên tri Sibilla
của dân Cuma đã được Augustinô, Giêrônimô giải thích như là loan báo sự xuất
hiện của đức Kitô.

Thực ra, từ thế kỷ thứ hai, Clêmentê Alexandria (tác phẩm Paedagogus,
Stromata
) đã cho thấy rằng đức Kitô không phải chỉ là một nhân vật lịch sử
xuất hiện vào một thời điểm bên Palestina, nhưng Ngài chính là sự Khôn ngoan,
Thượng Trí của Thiên Chúa, đã hiện diện với nhân loại ngay từ lúc khai thiên
lập địa. Ngài chính là Lời Chân Lý; Ngài đã dùng các triết gia để dạy dỗ muôn
dân. Vì thế mà Clêmentê Alexandria không gặp khó khăn gì để chấp nhận những tác
phẩm của Plato đã viết về Đấng Tạo hóa, bởi vì thấy trong đó có nhiều điểm
giống với Kinh thánh.

Một cách tương tự, nhà hiền triết Socrate cũng được sánh với
Maisen trong vai trò dậy dỗ dân Hy lạp biết sống hợp với lý trí, khai trừ việc
thờ ngẫu tượng. Thậm chí Socrate còn được ví như tiền hô cho đức Kitô, một
người công chính bị hãm hại vì yêu chuộng và rao giảng chân lý. Tertullianô
cũng nói tới những linh hồn tự nhiên là Kitô hữu rồi (anima naturaliter
christiana). Nếu trước đây tại Athenes, thánh Phaolo đã nói tới việc người dân
xứ này đang đi tìm kiếm một “Chúa vô danh” (Cv 17, 23) thì nay các
tác giả Clementê Alexanđria, Tertulliano, Giustinô, Eusebiô cũng có thể nói đến
những người đi tìm “đức Kitô vô danh”. Đức Kitô là ánh sáng của muôn
dân, kẻ mà thiên hạ trông mong từ bao thế kỷ.

IV. Vua các vua

Hồi Chúa Giêsu mới sinh ra ở Bê lem, các nhà đạo sĩ đã tới hỏi vua
Hêrôđê rằng: “Vua dân Do thái mới sinh ra ở đâu ?” (Mt 2,2). Nghe câu
hỏi đó, Hêrôđê giật mình lo ngại cho cái ngai của mình sẽ bị lung lay, nên đã
truyền giết hết các hài nhi ở Bêlem để trừ hậu họa. Khi người Do thái điệu Chúa
Giêsu ra trước tòa tổng trấn Philatô, nhằm tìm cho ra một nguyên cớ hợp pháp để
xin xử tử Ngài, họ đã buộc tội rằng ông Giêsu đã tự xưng mình là Vua, và như
vậy là làm loạn chống Hoàng đế Rôma. Lúc đầu, Philatô tưởng thực; vì thế ông chất
vấn Ngài: “Ông có phải là vua dân Do thái không ?” (Ga 18,37). Nhưng
sau khi nghe trả lời, ông không thấy Ngài là một thành phần nguy hiểm cho an
ninh; tuy vậy, để chế nhạo dân Do thái, ông cũng truyền đóng bản án lên trên
đỉnh thập giá : “Giêsu Nadareth, vua dân Do thái” (Ga 19,19).

Nhưng sau đó, các nhà cầm quyền Rôma không coi bản án như là đồ
diễu cợt. Nhiều Kitô hữu vẫn tiếp tục tin rằng đức Kitô là Vua. Sách Khải huyền
(17,14) đã tuyên xưng Ngài là “Chúa các Chúa và Vua các vua”. Dĩ
nhiên, nếu họ chỉ là hạng cuồng tín hoặc mơ mộng thì không thèm chấp làm gì.
Nhưng mà lời tuyên xưng ấy còn mang tới những hậu quả chính trị sâu xa hơn
nhiều. Mỗi lần có lễ lạy, nhân dân Rôma phải tụ nhau tung hô Hoàng đế Cesarê là
Chúa (Kyrios Kaisar) và dâng hương để tỏ lòng tùng phục; còn
các Kitô hữu ương ngạnh đã từ chối, viện lẽ là họ phải trung thành với Vua
Kitô. Những cuộc khảo cứu lịch sử cho thấy rằng một trong những nguyên nhân của
những cuộc bách hại các Kitô hữu trong đế quốc Rôma vào những thế kỷ đầu chính
là vì Nhà nước nghi ngờ lòng trung thành của họ. Hoàng Đế Rôma cho rằng các
Kitô hữu không thực bụng với mình bởi vì họ đang chuẩn bị phục vụ cho Vua Kitô
của họ.

Dù các Kitô hữu đã giải thích rằng sự phục vụ Vua Kitô và Vương
triều của Chúa không có dính dáng gì với hoạt động chính trị, nhưng nhà cầm
quyền Rôma vẫn không yên tâm. Theo họ, phàm ai đã suy tôn đức Kitô là Vua thì
không thể nào tận tụy hết lòng với vua Cêsarê được nữa. Đó là lý do vì sao các
hoàng đế anh minh nhất của đế quốc (tựa như Marcô Aureliô và Điocletianô) lại
là những người ký những sắc lệnh bách hại Kitô giáo cách dữ dội nhất. Những
cuộc bách hại ấy chỉ chấm dứt với Constantinô.

Theo tài liệu đương thời, Constantinô đã làm hòa với Kitô giáo vì
ông đã thắng trận ở cầu Milviô nhờ dấu thập tự. Tuy nhiên, các sử gia ngày nay
đã đặt nghi vấn không hiểu ông ta có thực sự trở lại đạo hay không, hoặc chỉ
nhắm ý đồ chính trị khác. Thực vậy, thay vì chỉ cai trị cái xác của các Kitô
hữu, Constantinô muốn cai trị cả linh hồn của họ nữa: các Kitô hữu có thể an
tâm khi thấy một vua có đạo, được Chúa đặt làm vua thay mặt Ngài. Qua lễ tấn
phong (đội vương miện), Constantinô và các người kế vị muốn lãnh nhận quyền
hành của Vua Kitô để cai trị cả mặt đời lẫn mặt đạo. Để biểu lộ quan niệm mới
về vương quyền, Constantinô dời thủ đô sang thành phố mang tên của ông
(Constantinôpôli). Hoàng đế tự coi mình như thay mặt cho đức Kitô ở trần thế,
kể cả trong những vấn đề nội bộ của Giáo hội (như việc xác định tín điều về đức
Kitô, chống lạc giáo ariô). Quan niệm về thế quyền bao cấp Giáo hội còn tồn tại
khá lâu dài bên Đông phương. Nhưng bên Tây phương thì quan niệm đó không đứng
vững: quyền bính của Chúa Kitô đã được trao cho Phêrô và các tông đồ, chứ không
phải cho hoàng đế. Chính Đức Giáo hoàng mới là đại diện của đức Kitô, với quyền
tháo gỡ: các vua chúa trần gian lãnh nhận quyền hành nơi Đức Giáo hoàng.

Dù sao, chúng ta thấy rằng bức chân dung của đức Kitô Vua đã vô
tình mang theo những ảnh hưởng không nhỏ về mặt chính trị trong lịch sử Kitô
giáo.

V. Lý càn khôn – Logos (tk 4-5)

Đang khi mà các nhà chính trị còn đăm chiêu trước bức chân dung
của đức Kitô Vua, thì các tư tưởng gia Kitô giáo của thế kỷ thứ 4 và thứ 5 chú
trọng tới một bức chân dung khác. Công đồng Nixêa năm 325 đã tuyên bố rằng đức
Kitô là Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ muôn thuở.

Điều đó đã được thánh Gioan nói tới ngay từ những dòng đầu của
Phúc âm rồi: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên
Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Thế nhưng, trong tiếng Hy lạp Logos không
phải chỉ có nghĩa là “lời”, nhưng còn có nghĩa là : “lý
lẽ”, “sự cấu thành”, “kế hoạch”. Như vậy, đức Kitô
không những là lời mà Thiên Chúa dùng để nói với nhân loại, nhưng còn là lời
tạo dựng của Thiên Chúa vào lúc khai nguyên. Vì thế mà chúng tôi xin mạn phép
dịch là “lý càn khôn”, khởi điểm cho nền triết học Kitô giáo, và nói
được là của khoa học hiện đại.

Thực ra, các triết gia Hy lạp (tựa như Platon) đã bắt đầu tư duy
về nguồn gốc của vũ trụ rồi. Đức tin nơi đức Kitô Logos sẽ giúp cho triết học
về vũ trụ tiến xa hơn nữa. Khi tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ
nhờ Logos, các triết gia Kitô giáo rút ra kết luận rằng vũ trụ này không phải
do ngẫu nhiên mà thành: nó đã được tạo dựng nên do một Lý trí; và nó mang trong
mình cả một kế hoạch chương trình. Do đó, lý trí chúng ta cần phải cố gắng khám
phá ra lý lẽ, bản chất và cùng đích của sự vật. Hơn thế nữa, Logos của Chúa đã
thông ban ánh sáng của Ngài cho lý trí con người; vì thế con người cần phải
biết dùng lý trí của mình để khám phá ra lý lẽ của vạn vật, chứ không nên dựa
vào chiêm tinh bói toán, hay phó mặc cho số mạng may rủi. Nhờ những thâm tín
ấy, Grêgoriô Nazianzênô, Basiliô Cesarêa, Grêgoriô de Nyssa đã đặt nền móng
không những cho hữu-thể-học, vũ-trụ-học Kitô giáo, mà còn cho cả khoa học tương
lai nữa. Thực vậy, khoa học thành hình được bởi vì dựa trên giả định là vũ trụ
này vận hành theo một chương trình kế hoạch, chứ không phải như con cờ súc sắc.

Việc chiêm ngắm đức Kitô Logos (Lý càn khôn) không những đã thúc
đẩy lý trí con người tìm hiểu căn gốc và kết cấu của vũ trụ. Dựa trên thần học
của thánh Phaolô về sự liên đới chặt chẽ giữa con người với vũ trụ (Rôma
8,19-23; 1Cr 15,20-28), Grêgôriô de Nyssa cho thấy rằng đức Kitô không những đã
cứu chuộc con người, trả lại cho con người hình ảnh Thiên Chúa đã bị méo mó vì
tội lỗi; nhưng đức Kitô cũng đã tái tạo vũ trụ, mang lại cho nó một hướng đi
mới. Nói khác đi, nơi đức Kitô Logos (Lý càn khôn) chúng ta vừa tìm thấy nguồn
gốc và ý nghĩa của vũ trụ, lại vừa tìm thấy cứu cánh tối hậu của nó nữa.

VI. Con người (tk 5)

Khi đọc Phúc âm, ta thấy đức Kitô nhiều lần tự xưng là “con
người” (khoảng 70 lần trong nhất lãm, và 11 lần trong Gioan). Trong tiếng
Do thái “con người” có nghĩa là bản chất con người dòn mỏng hay chết;
vào thời của Chúa Giêsu, thì thêm tư tưởng Khải huyền về một nhân vật từ trời
đến (Mt 24,27.30 // Đn 7,13-14).

Trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội đề cao thiên tính của đức
Kitô, chống lại những lạc thuyết và giáo phái chỉ coi Ngài như một ngôn sứ hay
vĩ nhân không hơn không kém. Tuy nhiên, sau khi đức tin về thiên tính của đức
Kitô đã được khẳng định với những hệ luận mà chúng ta đã thấy nơi những chân
dung mô tả trên đây, người ta mới quay sang nhân tính của Ngài. Đức Kitô là con
người: Ngài tỏ lộ cho ta thấy bộ mặt đích thực của con người.

Có thể coi thánh Augustinô như tác giả đã nghiên cứu tâm lý con
người dựa vào đức Kitô. Đường hướng này tiếp tục qua các thế hệ sau, và tầm
quan trọng của sự đối chiếu ấy đã được Blaise Pascal phát biểu như sau:
“Nếu chỉ biết Chúa mà không biết sự hèn mạt của con người thì sẽ đâm ra
kiêu ngạo; nhưng nếu chỉ biết sự hèn mạt của con người mà không biết Chúa thì
sẽ đâm ra tuyệt vọng; việc biết đức Kitô có tính cách trung dung, vì ở nơi Ngài
ta vừa thấy cả sự cao cả của Chúa lẫn sự hèn mạt của con người” (Pensées 526;
421). Thánh Augustinô đã kể lại cảm nghiệm đó trong sách “Xưng thú”
(Confessiones): Augustinô không hổ thẹn thuật lại những sa ngã của mình; nhưng
đồng thời, nhờ gặp gỡ đức Kitô qua các thánh vịnh, Augustinô đã lĩnh nhận được
sự tha thứ của Chúa. Nơi đức Kitô, Đấng vô tội nhưng đã chấp nhận thân phận con
người với những thử thách cay đắng của nó, Augustinô tìm được niềm hy vọng:
chính những đam mê dục vọng của con người có thể trở thành tốt. Nói cho cùng,
cái động lực then chốt nơi con người là tình yêu.

Tùy việc lựa chọn đối tượng yêu, mà con người trở nên thánh nhân
hay quỷ sống. Nhưng nhất là, nơi đức Kitô, con người dù tội lỗi đến đâu cũng có
thể được tình yêu Chúa tha thứ. Đức Kitô, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con
người, đã giúp Augustinô hiểu biết tâm lý con người cách sâu xa hơn. Vào thời
chúng ta ở thế kỷ XX, Công đồng Vaticano II, trong hiến chế “Vui mừng Hy
vọng” số 22 cũng viết rằng : “Đức Kitô đã mặc khải con người cho con
người”.

VII. Hình ảnh Thiên Chúa (tk 8-9)

Chúng ta đọc thấy tước hiệu đức Kitô là “hình ảnh của Thiên
Chúa vô hình” trong thư gửi Colossê (1,15), nhưng có lẽ Phaolô chưa mường
tượng được những hệ luận của nó. Đạo Do-thái đã cấm trưng bày hình tượng của
Thiên Chúa, có lẽ vì e rằng sẽ hạ giá Đấng Siêu việt xuống hàng gỗ đá. Thế
nhưng, với đức Kitô, con người đã có thể nhìn ngắm dung nhan của Thiên Chúa nơi
khuôn mặt của một con người. Thực ra, trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo cũng
có những phong trào cấm trưng bày hình tượng Chúa, kể cả hình ảnh của đức Kitô:
lý do vì đức Kitô đồng bản thể với Thiên Chúa, và không có ngòi bút nào diễn tả
nổi được Thiên Chúa vô hình. Tuy nhiên, thay vì nhấn mạnh tới tính cách vô hình
của Thiên Chúa, tại sao lại không nói tới việc Thiên Chúa tỏ lộ nơi đức Kitô ?

Câu trả lời cho vấn nạn đã cho phép phát triển nghệ thuật Kitô
giáo. Các nghệ sĩ Kitô giáo không tìm cách chụp lại chân dung của đức Kitô khi
còn sống tại thế ở Palestina, nhưng họ đã cố gắng họa lại khuôn mặt của Ngài
qua những biểu tượng của hết mọi nền văn hóa. Ngài tượng trưng cho Lý càn khôn
cũng như cho Thiện, Mỹ trong thế giới. Khuôn mặt của Ngài phản chiếu những ánh
huy hoàng của thiên tính cũng như những nét cao quý của tâm hồn trong trắng đẹp
đẽ.

VIII. Đức Kitô trên thập tự (tk 10-11)

Việc đức Kitô chịu chết trên Thập giá đã biến đổi ý nghĩa của hình
khổ này: nó không còn là biểu hiệu của nhục hình nữa, nhưng trở thành căn cước
của các Kitô hữu. Thánh Phaolô đã viết rằng : “Tôi không tìm thấy vinh
quang ở đâu khác ngoài thập giá của đức Giêsu Kitô” (Gal 6,14). Qua dấu
hiệu thánh giá đeo trong người hay vạch trên mình, các tín hữu có thể nhìn nhận
các người đồng đạo của mình. Thánh giá được tôn kính và kêu cầu như nguồn sức
mạnh để chiến đấu với lực lượng ma quỷ, tội lỗi, bệnh tật. Trải qua các thế kỷ,
hằng bao nhiêu bài giảng và thánh ca đã ca ngợi sức mạnh và vinh quang của Thập
giá, mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Ngoài đề tài “sức mạnh và vinh
quang”, thời Trung cổ khai triển thêm đề tài “sự điên rồ” của
Thập giá, đã được thánh Phaolô nói tới ở 1Cor 1,15: Thiên Chúa đã mạc
khải sự khôn ngoan qua sự điên rồ của Thập giá.

Nhìn lên Thập giá, thánh Grêgoriô cả (Tk 6) đối chiếu với sự đau
khổ của ông Gióp, để rồi từ đó rút ra những bài học về sự khiêm nhường, hiền
lành, nhịn nhục. Thập giá trở thành một trường linh đạo dạy nhân đức cho các
Kitô hữu. Nhưng chưa hết; thánh Grêgoriô còn mời gọi các tín hữu hãy tiến xa
hơn nữa để khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bề ngoài xem ra việc đóng
đinh đức Giêsu là kết quả của một kế hoạch mà quân dữ đã toan tính; nhưng họ có
ngờ đâu rằng Thiên Chúa đã dùng đó để thực thi tình thương của Ngài, qua việc
trao ban Con một Ngài cho chúng ta. Các nhà thần học thời Trung cổ Abelarđô,
Anselmô sẽ đào sâu hơn luận cứ ấy khi suy tư về ý nghĩa của việc cứu chuộc.
Theo Anselmô, tội của chúng ta xúc phạm tới Chúa công chính vô cùng. Tuy Ngài
thương yêu và sẵn lòng tha thứ cho ta, nhưng Ngài không thể nào phớt lờ sự rối
loạn trật tự mà tội đã gây ra. Sự rối loạn chỉ có thể xóa bỏ qua việc đền bồi
cân xứng do chính Con Chúa thực hiện.

Những tư tưởng thần học vừa nói đã để lại ảnh hưởng không nhỏ trên
lối sống đạo của các Kitô hữu thời Trung cổ và các thế hệ kế tiếp. Thánh giá
kêu gọi con người đền bồi phạt tạ vì tội lỗi của mình và tha nhân. Thánh giá kêu
mời con người thực tập nhân đức khiêm nhường, kiên nhẫn, chấp nhận hy sinh vì
tình yêu. Đó là chưa nói tới việc tôn kính Thập giá trong thánh đường, trong tư
gia hay mang thập giá trong người. Tiếc rằng, đôi khi Thập giá chỉ nhìn thấy
như biểu tượng của tình yêu hy sinh đau khổ; và ít nhắc tới biểu tượng của
“quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

IX. Đan sĩ chinh phục thế giới (tk 11-12)

Dĩ nhiên Thập giá của đức Kitô phải trở thành mẫu gương cho tất cả
những ai muốn làm đồ đệ của Ngài. Tuy vậy, từ thế kỷ thứ 6, bên Tây phương một
luồng Kitô học mới đã thành hình: đức Kitô trở thành mẫu gương đặc biệt cho các
đan sinh; hay nói đúng hơn: chính đức Kitô là đan sĩ tiên khởi. Ngài đã khước
từ những dụ dỗ của ma quỷ muốn cai quản thế giới và đã chọn lựa con đường khắc
khổ của thập tự. Bức chân dung này được tô đậm trong bản luật dòng Biển đức.

Thực ra, phong trào đan tu đã ra đời từ mấy thế kỷ trước đó bên Ai
cập, khi mà một số kitô hữu rút lên sa mạc để tiếp tục nhuệ khí của anh hùng tử
đạo, thay vì chứng kiến cảnh nguội lạnh của một Giáo hội được chính quyền ưu
đãi. Thế nhưng, không bao lâu, người ta lại thấy các đan sĩ tham dự vào đời
sống của Giáo hội, đặc biệt là bên Đông phương nơi mà các Giám mục phải sống
độc thân đang khi các linh mục được lập gia đình: trong tình trạng đó, tìm đâu
ra người độc thân để làm Giám mục nếu không phải là trong hàng ngũ các đan sĩ ?

Còn bên Tây phương, sự tham dự của các đan sĩ vào đời sống của
Giáo hội và xã hội bắt nguồn từ những nguyên nhân khác. Khi đức Grêgoriô VII
bắt tay vào việc cải tổ Giáo hội, thì Ngài mang ra áp dụng những biện pháp cải
cách đời đan tu đã đựơc áp dụng ở Cluny, và kêu gọi các đan sĩ tiếp tay với
mình. Nửa thế kỷ sau, đức Eugêniô III (thuộc dòng Xitô) lên làm Giáo hoàng và
cũng theo đường lối ấy. Dù sao, thì từ lâu các đan sĩ đã được các Giáo hoàng
sai đi truyền giáo nơi các miền xa xăm ở miền Bắc cũng như Đông Âu.

Thoạt tiên, những hoạt động tông đồ của các đan sĩ xem ra trái
ngược lại với ơn gọi xa cách đời. Nhưng nói cho cùng, ơn gọi của họ không phải
là bỏ đời, song là phục vụ Chúa Kitô. Luật thánh Biển đức có viết: “Không
có gì được phép đặt trước tình yêu của đức Kitô” (Amori Christi nihil
praeponatur). Chính tình yêu ấy đã giúp cho việc canh tân đời sống và canh tân
Giáo hội vào thế kỷ thứ 11 cũng như thế kỷ kế tiếp.

X. Bạn tình của linh hồn

Vào thời Trung cổ, ngoài bức chân dung của Đức Kitô-Đan sĩ đã thu
hút biết bao tín hữu từ bỏ mọi sự để theo Ngài và phụng sự Chúa qua việc chiêm
ngắm Lời Chúa và cử hành phụng vụ, chúng ta còn thấy một bức chân dung khác trở
thành đề tài cho thần bí Kitô giáo: Ngài là bạn tình của linh hồn. Thực ra, khó
xác định được thần bí Kitô giáo đã xuất hiện từ lúc nào, và do ảnh hưởng từ đâu
(có người cho rằng nó chịu ảnh hưởng của thuyết tân-Platon, qua một tác giả
sống ở thế kỷ thứ 5, mạo danh là Đionisiô đệ tử của thánh Phaolô). Các tác phẩm
thần bí cổ điển bàn tới đời sống thần bí như là sự kết hợp với Mầu nhiệm Thiên
Chúa; từ thế kỷ thứ 12, thần bí đặt trung tâm của sự kết hợp là chính Đức
Kitô.
 Ta có thể coi thánh Bernarđô như tác giả điển hình của chiều
hướng này, khi chú giải quyển Diễm ca.

Sách Diễm ca (còn được gọi là: Tình ca, hay Ca đệ nhất) nguyên là
một tác phẩm ca ngợi tình yêu trai gái. Nhưng người Do thái đã sớm giải thích
theo nghĩa bóng, áp dụng vào mối tình giữa Thiên Chúa với Israel, mối tình lắm
lần đã bị cô nàng phản bội. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, một vài
giáo phụ (như Origène) đã áp dụng cho mối tình giữa đức Kitô với Hội thánh.
Nhưng Bernađô thì lại áp dụng cho cuộc tình duyên giữa đức Kitô với linh hồn.
Đức Kitô xuất hiện như người bạn tình của linh hồn. Ngài bộc lộ tình yêu qua
cuộc đời của mình, vào lúc sinh ra tại Bêlem lẫn những đau đớn nhọc nhằn, đắng
cay vui sướng. Đức Kitô đã đến để hôn ẵm nhân loại, dẫn đưa nó vào phòng loan,
cho con người được kết hiệp với Chúa.

Tuy nhiên đường lên tới tình yêu kết hiệp phải trải qua nhiều giai
đoạn thanh luyện thử thách, ví như những nấc thang, chia thành ba giai đoạn
(thanh luyện, soi sáng và kết hiệp). Tiên vàn, linh hồn cần phải được tẩy
rửa
 cho sạch hết mọi tội lỗi và khỏi những dính bén với tính ích
kỷ, khỏi những quyến luyến với vật chất xác thịt. Giai đoạn hai được gọi
là soi sáng: linh hồn cần được đức Kitô khai quang để ra
khỏi những mù quáng của tâm trí. Sau cùng là giai đoạn kết hiệp,
khi mà linh hồn có thể sống thực lời Phúc âm (Ga 15,4): “Hãy ở lại trong
Thầy và Thầy sẽ ở trong con”. Học thuyết về thần bí kết hiệp với đức Kitô
được quảng bá trong nhiều đan viện, đặc biệt là phái nữ, với những tác phẩm
biến họ thành những thi hào văn sĩ nổi danh vào một thời mà phụ nữ chưa được
cắp sách đến trường.

XI. Khuôn mẫu cho cuộc sống (tk 13-14)

Để kết thúc thời Trung cổ, chúng ta hãy chiêm ngắm một bức chân
dung khác của đức Kitô do thánh Phanxicô Assisi vẽ ra. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta
không hiểu là Phanxicô là một họa sĩ, nhưng theo nghĩa là Phanxicô đã phác họa
ra những nét mới của đức Kitô. Đức Kitô không phải là một nhân vật lồng trong
bức khảm để tôn kính, hoặc một nhà hiền triết với hệ thống tư tưởng đáng cho
chúng ta học hỏi nghiên cứu. Phanxicô nhìn đức Kitô với cặp mắt đơn giản hơn
nhiều : Đức Kitô là một mẫu người mà chúng ta phải họa lại trong đời của mình:
khuôn mẫu của một con người đơn sơ, khiêm tốn, nhưng đầy tình thương xót yêu
mến tha nhân. Phanxicô nhấn mạnh tới đức Kitô như kẻ không có chỗ tựa đầu; việc
đi theo Ngài mang theo sự chấp nhận khó nghèo thanh thoát. Phanxicô đã chọn lựa
sự khó nghèo không phải vì coi vật chất là cái gì xấu xa bỉ ổi; ta phải nói
ngược lại: Phanxicô rất yêu mến vạn vật, và gọi mặt trời mặt trăng cũng như thú
vật là những anh chị em của mình. Phanxicô chọn lựa sự khó nghèo chỉ vì đức
Kitô đã sống như vậy. Phanxicô muốn sống lại hết tất cả những cảnh của cuộc đời
đức Kitô: từ cảnh hang đá, cho đến cảnh đóng đinh (và Phanxicô được ơn mang 5
dấu tích như Chúa).

Chúng ta biết rằng sau khi Phanxicô qua đời, các con cái của Ngài
chia ra nhiều phe phái trong việc giải thích đặc sủng của thánh tổ phụ, cách
riêng về việc thực thi sự khó nghèo. Nhưng ảnh hưởng của Phanxicô đối với lịch
sử Kitô giáo không phải chỉ giới hạn vào việc tuân giữ khó nghèo ở trong Dòng
tu nhận Ngài làm tổ phụ. Ảnh hưởng quan trọng hơn cả ở chỗ Phanxicô coi Đức Kitô
như một mẫu gương cần bắt chước và họa lại trong đời sống. Từ đó nảy ra luồng
linh đạo đi theo Đức Kitô (sequela Christi) hoặc noi
gương Đức Kitô
 (imitatio Christi). Linh đạo ấy không phải là cái
gì nhiệm ý: tất cả Giáo hội phải đi vào con đường ấy, làm sao cho Tin mừng
không phải là chữ chết nhưng là đức Kitô sống động. Mọi cuộc canh tân Giáo hội
phải khởi sự từ niềm thâm tín đó, nghĩa là phải trở về với Phúc âm sống.

XII. Con người mới (tk 15-16)

Thế kỷ 15-16 ở Âu châu được gọi là thời “Phục hưng” (Renaissance,
rinascimento trong tiếng Ý). Lẽ ra phải dịch là “tái sinh” mới đúng
nghĩa. Nguyên ngữ của nó lấy từ Phúc âm thánh Gioan 3,3 (nếu ngươi không sinh
lại, – renatus -, thì ngươi sẽ không được thấy nước Chúa). Nói chung, đặc trưng
của thời Phục Hưng là khôi phục lại văn chương Hylạp và Latinh cổ truyền trước
đây đã bị Kitô giáo gạt ra ngoài lề: thí dụ những thi phẩm của Homero, những
trước tác nguyên bản của Plato, Cicero. Về mặt tư tưởng, thì người ta đề cao
giá trị của lý trí và con người, đối lại với thần học thời Trung cổ chú trọng
tới đức tin và Thiên Chúa.

Thực ra, phong trào Phục hưng nảy sinh từ Kitô giáo và có ảnh
hưởng không nhỏ tới Kitô giáo. Phong trào nghiên cứu các tác phẩm Hy la cổ điển
cũng giúp cho thần học trở về với các nguồn (ad fontes) Hy lạp Do thái của Kinh
thánh và các giáo phụ. Việc đề cao các giá trị nhân bản cũng đóng góp không ít
cho thần học. Một lần nữa, đức Kitô trở nên nguồn cảm hứng của các họa sĩ, văn
sĩ cũng như các triết gia và thần học của thời Phục hưng, bởi vì Ngài là con
người lý tưởng.
 Ta có thể lấy Erasmus như một tác giả điển hình.
Trong tác phẩm Enchiridion militis Christiani (Thủ bản
của một hiệp sĩ Kitô giáo) xuất bản năm 1503, Erasmus đã muốn trình bày một nền
triết học của đức Kitô (philosophia Christi) hay nếu nói kiểu Đông phương
“đức Kitô như một hiền nhân quân tử”. Ông chủ trương rằng đức Kitô
không phải là một từ ngữ rỗng tuếch: “Bạn hãy nhìn đức Kitô như là hiện
thân của bác ái, bình dị, nhẫn nhục, thanh tịnh. Bạn hãy đặt đức Kitô làm mục
tiêu của đời bạn. Đức Kitô là thầy dậy của sự khôn ngoan, chiếu dọi ánh sáng
vào đêm tối u mê đần độn của thế gian. Đức Kitô dạy bạn biết cách sống cho nên
người”.

Erasmus không ngại ngùng đối chiếu bản văn Phúc âm với những nhà
hiền triết cổ điển Hy lạp như Socrate, để đưa tới kết luận rằng: việc theo đức
Kitô không làm hạ giá con người, nhưng sẽ giúp con người triển nở toàn diện
hơn. Thực ra, Erasmus không xướng thêm điều chi mới lạ trong lịch sử Kitô giáo.
Trước đây, các giáo phụ cũng đã nhận thấy những mầm mống của chân lý nơi các
tác phẩm của các nhà hiền triết ngoại đạo. Thế nhưng, các vị cho rằng Kitô giáo
đã có đầy đủ chân lý rồi, vì thế hơi đâu mà nghiên cứu các nhà hiền triết ấy !
Còn Erasmus thì nghĩ ngược lại: xét vì các hiền triết có nhiều điều giống với
Phúc âm, cho nên chúng ta hãy học hỏi họ để làm sáng tỏ vẻ phong phú của Phúc
âm hơn. Erasmus đi trước vài tư tưởng gia của thế kỷ 20 khi cho rằng đức Kitô
không thể bị gò bó trong các bức tường của Giáo hội: ngài là mẫu của con người
phổ thế, con người có khả năng gặp gỡ tất cả các tôn giáo và triết học của nhân
loại.

XIII. Bức gương trong (Thời Cải cách tk 16-17)

Chủ trương của Erasmus đã bị Lutêrô phản đối kịch liệt, bởi vì
thuyết nhân bản đã làm tục hóa đức tin Kitô giáo. Nhưng Lutêrô phần nào cũng là
con đẻ của thuyết nhân bản, theo nghĩa là ông đề cao giá trị của quyết định
lương tâm con người trước mặt Chúa, chứ không cần phải qua trung gian của quyền
bính Giáo hội. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng đối diện trực tiếp với Lời Chúa,
để đáp lại bằng lòng tin mang lại ơn cứu độ. Khác với các tác giả trước đây
thích nhìn ngắm những bức chân dung của đức Kitô dựa theo Phúc âm, Lutêrô chiêm
ngắm đức Kitô dựa trên các thư của thánh Phaolô.

Đức Kitô của các nhà sáng lập phong trào Cải cách không phải là
đức Kitô nhà hiền triết theo quan niệm của Erasmus; nhưng là đức Kitô bức gương
trong phản ánh Thiên Chúa. Đối với Luterô, đức Kitô chịu đóng đinh là tấm gương
phản chiếu tấm lòng hiền phụ của Thiên Chúa. Lẽ ra, chúng ta, những con người
tội lỗi, đáng bị Thiên Chúa Thẩm phán tỏ oai phong để luận phạt trừng trị. Thế
nhưng, đức Kitô đã chết thay cho chúng ta trên thập giá; nhờ Ngài chúng ta được
trở nên công chính, và đáng được Chúa tỏ ra lòng thương xót của người cha nhân
hậu. Trái với Erasmus muốn tìm hiểu sự phong phú của Tin mừng qua sự khảo cứu
các tác phẩm cổ điển ngoại giáo, Lutêrô chủ trương rằng cần phải trở về học hỏi
Kinh thánh để khám phá ra bộ mặt thực của Thiên Chúa: Thiên Chúa của đức Kitô
khác hẳn với Thiên Chúa của các nhà triết học và các tôn giáo.

Dù vậy, một cách nào đó, giữa Erasmus và Lutêrô cũng có vài điểm
chung xét vì cả hai đều là con đẻ của thời Phục hưng và nhân bản. Lutêrô chủ
trương phải tìm về nguyên bản của Kinh thánh bằng Do thái và Hy lạp; mặt khác,
ông đã muốn dịch ra sinh ngữ để hết mọi tín hữu có thể tiếp xúc trực tiếp với
Lời Chúa. Cũng trong chiều hướng ấy, Phụng vụ cũng cần phải được cử hành bằng
sinh ngữ; và các nghệ sĩ của Phong trào Cải cách cố gắng hết sức để cho các tín
hữu thấy đức Kitô như một vị thuộc về thời đại của mình: Ngài là hiện thân của
Thiên Chúa, phản ánh của Chân lý.

Lutêrô chú trọng tới sự gặp gỡ giữa con người với Lời Chúa bằng
đức tin. Tuy nhiên theo ông, sự gặp gỡ ấy không có ảnh hưởng gì tới trật tự xã
hội. Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng tới chiều kích vĩnh cửu, chứ không liên hệ
gì tới trần thế. Trái lại, Calvinô khẳng định rằng Nước Chúa không chỉ liên hệ
tới lương tâm cá nhân, mà còn tới các thể chế xã hội nữa; vì thế, cả các nhà
chính trị cũng cần phải áp dụng giáo huấn Tin mừng vào các luật pháp dân sự.
Nói cách khác, theo Calvinô, đức Kitô không phải chỉ là phản ánh của Chân lý
như Lutêrô quan niệm, nhưng còn là tấm gương phản ánh sự Thiện hảo của Thiên
Chúa nữa.

XIV. Thái tử Hòa bình

Dĩ nhiên, trong thời cận đại, những tư tưởng nổi bật của Kitô giáo
không phải chỉ tìm thấy nơi phong trào nhân bản hay cải cách. Tuy nhiên, chúng
tôi chỉ muốn nêu lên một vài nét nào trong bức chân dung của đức Kitô đã đánh
dấu một giai đoạn của lịch sử. Như chúng ta vừa thấy, tuy đồng thời với nhau,
nhưng bức chân dung của đức Kitô theo lối nhìn của Erasmus, Lutêrô và Calvinô
không hoàn toàn đồng nhất. Tệ hơn nữa, phong trào Cải cách đã gây những cuộc
chiến tranh tôn giáo giữa những vua chúa và hoàng thân thuộc phe Công giáo, Tin
lành và hàng chục giáo phái khác. Khi phải chứng kiến những cuộc chiến tranh
huynh đệ ấy, các Kitô hữu đã hướng lên đức Kitô để chiêm ngắm bức chân dung của
“Thái tử Hòa bình”, một tước hiệu mà ngôn sứ Isaia (9,6) đã ám chỉ
cho Chúa Cứu thế. Chiêm ngắm bức chân dung của vị Thái tử Hòa bình có nghĩa là
khảo sát học thuyết của đức Kitô về Chiến tranh và Hòa bình.

Lutêrô chủ trương rằng Tin mừng của đức Kitô không có ảnh hưởng gì
tới trật tự xã hội cả. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương tha thứ, nhưng
điều đó áp dụng cho các tư nhân, chứ không áp dụng cho các nhà cầm quyền. Dù
sao, thì trong lãnh vực chiến tranh và hòa bình, các nhà thần học của nhóm Cải
cách lẫn các nhà thần học công giáo chấp nhận luân lý về “chiến tranh
chính đáng” (bellum iustum) đã thành hình từ thánh Tômmasô Aquinô (Summa
Theol. II-II, q.40). Chiến tranh được coi là chính đáng khi hội đủ ba điều
kiện: 1) do nhà cầm quyền hợp pháp khởi xướng; 2) có một lý do chính đáng; 3)
với chủ ý tốt là cổ võ điều thiện và hòa bình.

Nhưng đó là nói trên nguyên tắc; trên thực tế có thể coi các cuộc
chiến tranh tôn giáo là chính đáng hay không ? Các nhà thần học chia thành
nhiều ý kiến trong việc áp dụng đạo lý cổ truyền vào những hoàn cảnh mới. Duy
có nhóm “Anabapstiste” dám đi ngược dòng, tẩy chay tất cả các cuộc
chiến tranh. (“Anabaptiste” là tên đặt cho một khuynh hướng cực đoan
của phong trào cải cách, chủ trương chỉ ban bí tích rửa tội cho người nào đã
chấp nhận đức tin; vì vậy phải loại bỏ tục lệ rửa tội cho các nhi đồng). Riêng
về vấn đề chiến tranh thì họ khẳng định rằng không có cuộc chiến nào đáng gọi
là chính đáng hay thánh (thánh chiến)! Người môn đệ của đức Kitô phải noi gương
thầy mình, thà sẵn sàng chịu chết chứ không dùng gươm giáo để gây thiệt mạng
cho đối thủ. Người môn đệ của đức Kitô dám chấp nhận cái chết như cách thức để
thông dự vào cái chết và phục sinh của Thầy mình, chứ không dùng khí giới giết
người khác.

Vào thời chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 16, ngoài nhóm Quakers ra,
chẳng ai chấp nhận chủ trương của nhóm Anabapstist vì cho đó là rởm. Thậm chí
họ bị các nhà thần học Cải cách và Công giáo kết án là rối đạo vì họ không tin
Thiên Chúa Ba ngôi. Thật là trớ trêu khi mà có lẽ những người rối đạo ấy lại
gần gũi với đức Kitô Thái tử hòa bình, hơn là những người chính-thống đằng đằng
sát khí, một tay cầm thánh giá một tay cầm gươm súng. Phải chờ tới thế kỷ 20,
các Giáo hội mới xét lại học thuyết chiến tranh chính đáng, và những yêu sách
của Kitô hữu trong việc kiến tạo hòa bình.

XV. Nhà mô phạm luân lý

Thế kỷ 17 và 18 ở Âu châu được gọi là thời đại “Khai
sáng” (Illumination, Enlightenment), kỷ nguyên của lý trí và khoa học. Các
triết gia và khoa học gia loại bỏ hết những gì vượt quá sự kiểm chứng của lý
trí. Cách riêng, khi nghiên cứu chân dung của đức Kitô, các nhà sử học lột hết
tất cả những chi tiết nói tới phép lạ (bị coi là chuyện là hoang đường). Những
mầu nhiệm đức tin như Thiên Chúa Ba ngôi cũng cần phải gạch vì là chuyện phi lý
và chẳng ăn thua chi tới đời sống cả. Cũng không thiếu người đặt lại toàn thể
vấn đề lịch sử tính của Phúc âm, thậm chí có người đặt câu hỏi: đức Kitô là
nhân vật lịch sử hay là huyền thoại?

Trong bối cảnh tư tưởng ấy, thử hỏi có còn gì vớt vát được nơi
chân dung của đức Kitô ? Thưa rằng vẫn còn; đó là bức chân dung của nhà mô phạm
luân lý. Theo Friedrich August Wolf, một triết gia người Đức (1759-1824) trong
tác phẩm Prolegomena ad Homerum viết năm 1795, chuyện ông
Socrate là một nhân vật có thực hay giả tưởng không quan hệ; giá trị của
Socrate ở tác phẩm luân lý mà ông để lại. Điều nhận xét ấy cũng có thể áp dụng
vào đức Giêsu: giáo huấn về luân lý của Ngài đáng cho chúng ta để ý; còn vấn đề
sử tính đâu có ăn thua gì!

Bên kia bờ Đại Tây dương, ông Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba
của Hoa kỳ cũng vẽ lại bức chân dung của đức Kitô bằng cách loại bỏ hết những
phép lạ vào hồi giáng sinh, trong cuộc đời công khai và Phục sinh. (Tác
phẩm: The Philosophy of Jesus of Nazareth, 1804; The
Life and Morals of Jesus of Nazareth extracted textually from the Gospels in
Greek, Latin & English,
 1820). Kết quả từ bức chân dung đó là một
nhà mô phạm luân lý cao thượng, một nền luân lý mà Tổng thống tin rằng tất cả
các công dân của Liên bang Hoa kỳ, dù thuộc hệ phái hay tôn giáo nào, cũng có
thể chấp nhận được.

Phải thú nhận rằng đó là bức chân dung duy nhất về đức Kitô mà
không ít người Kitô hữu mang trong đầu : đức Giêsu cũng giống như đức Phật, đức
Khổng. Các ngài đều dạy con người ăn ngay ở lành, tránh làm điều ác; có thế
thôi.

XVI. Thi sĩ của tinh thần (Tk 19)

Thế kỷ 18 đã hạ bệ đức tin và tôn giáo, thay thế bằng tư tưởng
triết học duy lý. Vì thế họ muốn đi tìm bức chân dung lịch sử của đức Giêsu,
hoặc cùng lắm là an tâm coi Ngài như nhà mô phạm luân lý. Còn thế kỷ 19 thì
được gọi là thời lãng mạn (romanticisme), thời của các văn hào và thi sĩ (chứ
không phải của các triết gia) muốn kết hợp nội tâm với ngoại giới, kết hợp con
người với thiên nhiên. Đối với họ, đức Kitô là “nhà thơ của tinh
thần”, một bức chân dung có thể gặp thấy nơi Friedrich Schleiermacher
(1768-1834) bên Đức, Samuel T. Coleridge (1772-1834) bên Anh và Ralph W.
Emerson (1803-82) ở Hoa kỳ.

Trong những tác phẩm viết vào lúc cuối đời (Life of Jesus,
1819; 1864; The Christian Faith 1821-22) Schleirmacher cho
rằng điều đáng chúng ta lưu ý nơi đức Giêsu không phải là các phép lạ, cũng
chẳng phải là những giáo huấn luân lý, song là ý thức về mối liên hệ với Thiên
Chúa. Đức Giêsu đã đi xuống chiều sâu thẳm nhất của tâm khảm con người, và từ
nơi đó đã vạch ra chiều kích siêu việt của ý thức, nghĩa là hướng thượng tới
Thiên Chúa. Nơi đức Giêsu, biên cương giữa đất với trời đã bị xóa bỏ: Ngài là
biểu hiệu của những gì cao thượng đẹp đẽ nhất của nội tâm con người, những gì
mà chỉ có thể diễn tả qua các tác phẩm của các nhà họa sĩ thi sĩ, chứ không thể
phát biểu bằng tư tưởng triết học được.

Emerson (An Address, 1838) thì cho rằng mầu nhiệm Ba ngôi
Thiên Chúa (Cha Con và Thánh Thần) có thể phát biểu như là Chân / Thiện / Mỹ:
biết / làm / nói. Duy có nhà thơ mới có khả năng diễn tả nói lên cái đẹp. Thế
giới này quả là đẹp; bàn tay nào làm ra nó chắc phải là Đấng Tuyệt mỹ: Đức
Kitô, Ngôi lời Tạo dựng phải là nhà thơ tuyệt mỹ! Emerson tố cáo các Giáo hội
vì đã bày đặt ra tín điều và luật lệ; và như thế là đã thu hẹp chân dung của
đức Kitô lại, thay vì để cho Ngài đồng hóa với tất cả những gì là chân – thiện
– mỹ trong cõi lòng mỗi người và trong vũ trụ. Thay vì giảng về các bổn phận và
nghĩa vụ, tại sao không ca ngợi sự đẹp đẽ, vui tươi? Chính trong tâm tình,
trong nhà thơ của tinh thần mà bạn gặp thấy đức Kitô, chứ không phải qua các
tín điều, các luận cứ khách quan về sử tính mà bạn biết Ngài.

Thực ra, không phải chỉ có Giáo hội công giáo mới cảnh cáo
Schleiermacher vì nguy cơ rơi vào thuyết duy tâm chủ quan; các tác phẩm của ông
cũng bị tẩy chay về phía những nhà thần học Tin lành cỡ Karl Barth. Tuy nhiên,
không thể phủ nhận được rằng nhiều người đã tìm gặp đức Kitô không phải qua các
tín điều hay tác phẩm thần học, nhưng là qua con đường của nội tâm, của những
nỗi vui buồn sướng khổ, qua những xúc động gây ra bởi những biến cố thiên nhiên
hay lịch sử. Tưởng cũng nên biết là vào cuối thế kỷ 19 bên Nga, văn hào
Dostoesvky (1821-1881) trong cuốn tiểu thuyết tựa đề “Các anh em
Karamazov” đã thuật lại rằng chính đức Giêsu đã bị Pháp đình Giáo hội bỏ
tù vì tội rối đạo khi giảng dạy về sự tự do thay vì bảo vệ trật tự.

XVII. Nhà giải phóng (Tk 20)

Trong thư gửi các tín hữu Galata (3,28; 5,1), (một trong những tác
phẩm đầu tiên của Tân ước), thánh Phaolô đã viết như sau: “Không còn người
Do thái hay người Hy lạp nữa, không còn người nô lệ hay người tự do nữa, không
còn đàn ông đàn bà nữa; bởi vì tất cả anh chị em đều là một trong đức Kitô
Giêsu … Đức Kitô đã giải phóng chúng ta, cho chúng ta được tự do; đừng ai
chui đầu vào tròng nô lệ nữa”. Trải qua dòng lịch sử, khi nghe đọc những
lời ấy, các Kitô hữu thường chỉ hiểu theo nghĩa thiêng liêng, áp dụng vào tình
trạng nô lệ và giải phóng khỏi tội lỗi.

Thế nhưng sang thế kỷ 17, nhiều người đã muốn áp dụng vào việc cải
tổ xã hội nữa. Trước tiên là vấn đề nô lệ. Cả phe đòi bãi bỏ lẫn phe đòi duy
trì chế độ nô lệ đều nại vào Sách thánh để biện minh lập trường của mình. Dĩ
nhiên, ai đòi hủy bỏ chế độ nô lệ thì có thể trưng dẫn những câu vừa nói trong
thư gửi Galat. Còn những ai muốn duy trì chế độ thì trưng dẫn thư gửi cụ
Philêmôn xin cụ tiếp nhận Onêsimô; đàng khác, Chúa Giêsu đâu có muốn làm cách
mạng xã hội: Ngài đến thế gian để mang Nước Chúa ngự trị trong tâm hồn con
người cơ mà!. Cuộc tranh luận này đã kéo dài hằng thế kỷ, không những diễn ra
trong các nhà thờ, các lớp học mà cả trong các tòa nhà lập pháp ở Âu châu và Mỹ
châu; nhưng chẳng nhúc nhích được bước nào.

Vào cuối thế kỷ 19, một quyển tiểu thuyết xuất bản bên Nga của Lêo
Tostoi (1828-1910) mang tựa đề Phục sinh (Resurrection, 1899)
đã đánh dấu một giai đoạn mới. Đức Kitô chịu chết trên thập giá được nhìn như
biểu hiệu của một nhà giải phóng xã hội. Tolstoi tự hỏi : “Giả như chúng ta
thực hành các lời Chúa Giêsu giảng trên núi, thì bộ mặt của xã hội đã thay đổi
tới mức nào rồi ?” Trong khi mà có người tố cáo rằng tôn giáo là “thuốc
phiện mê dân”, Tolstoi vặn lại rằng: “Muốn biết có phải là thuốc phiện hay
không thì cứ thử áp dụng lời của Chúa Giêsu “đừng lấy ác báo ác ; nếu ai
tát vào má phải của anh, thì giơ luôn má trái cho họ vả tiếp” (Mt 5,39).

Tolstoi viết một cuốn tiểu thuyết chứ không phải là một nghị luận
thần học hay chính trị. Thế nhưng không hiểu làm sao nó đã lọt vào tay của
Mohandas Gandhi (1869-1948), một luật sư trẻ tuổi Ấn độ nhưng làm việc ở Nam
Phi. Gandhi mang ra áp dụng thuyết gọi là “đối kháng bất bạo động”
(militant non-violence). Cả Tolstoi lẫn Gandhi đều nhìn thấy nơi đức Kitô bức
chân dung của một nhà giải phóng đã bị quên lãng từ 19 thế kỷ qua. Đức Kitô
không phải là nhà giải phóng bằng gươm giáo, quyền hành vũ lực, nhưng là qua
con đường của thập tự. Sau một thời gian hoạt động ở Nam phi, Gandhi trở về Ấn
độ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa của người Anh.
Điều trớ trêu là Gandhi không phải là một Kitô hữu, nhưng lại muốn đem phương
pháp bất bạo động của Phúc âm để chống lại chế độ thuộc địa của người Anh, một
nước tự nhận là Kitô giáo.

Bài học của Gandhi được truyền qua Hoa kỳ, tới các mục sư da đen
như Howard Thorman, Mordecai Johnson, và nhất là Martin Luther King: họ muốn
trung thành làm môn đệ đi theo đức Kitô trên con đường giải phóng đồng loại
bằng thập giá. Trái với những người cho ông là khờ dại, Martin Luther King
(1929-68) kiên trì áp dụng kế hoạch cách mạng bất bạo động, cách mạng dựa trên
tình yêu và hy vọng, trong cuộc tranh đấu đòi cho người da đen cũng được đối xử
bình đẳng như các công dân khác. Gandhi và Luther King đã bị những người quá
khích ám hại. Nhưng không ai chối được hậu quả của sách lược tranh đấu bất bạo
động của các ông, noi gương đức Kitô nhà giải phóng nhân loại.

XVIII. Con người toàn cầu

Vào cuối thế kỷ 20, Kitô giáo đã có mặt khắp cùng thế giới. Lịch
sử của sự bành trướng Kitô giáo không thiếu lần đã bị trà trộn với lịch sử bành
trướng của các đế quốc Âu châu. Vì vậy mà nhiều người lầm tưởng rằng đức Kitô
là người Âu châu, và Kitô giáo được đồng hóa với văn minh kỹ thuật Âu Tây. Từ
đó, người ta nghĩ rằng chấp nhận đức Kitô có nghĩa là chấp nhận tất cả tư tưởng
văn minh của người Âu châu.

Những bức chân dung của đức Kitô được trình bày trên đây đã cho
thấy rằng không thể nào đồng hóa đức Kitô hay Kitô giáo với văn minh của Âu
châu, mặc dù không thể chối được những ảnh hưởng hỗ tương. Dù sao, thì vào cuối
thế kỷ 20, công đồng Vaticano II đã khẳng định rằng Kitô giáo không gắn liền
với một nền văn hóa nào hết; Kitô giáo có khả năng nhập thể vào hết các nền văn
hóa, và tiếp thu những tinh hoa của tất các nền văn hóa của nhân loại.

Cuộc đối thoại với các nền văn hóa không những giả thiết việc diễn
tả đức Kitô với những nét vẽ của nghệ thuật dân tộc, dịch Tân ước ra các ngôn
ngữ của các dân tộc; nhưng mà còn phải đem đức Kitô đến gặp con người thời đại
giữa bao nhiêu vấn đề hiện sinh của họ: đói kém, bệnh tật, dốt nát, bất công,
khắc khoải lo âu !

Như chúng ta đã thấy, trải qua dòng lịch sử, nhiều người đã gặp
đức Kitô bên ngoài biên cương của Kitô giáo. Chắc chắn rằng điều đó vẫn còn tái
diễn trong thời đại của chúng ta và trong tương lai. Trong khi đó, các nhà thần
học tiếp tục nghiên cứu về mối tương quan giữa đức Kitô với các tôn giáo lớn
trên hoàn cầu. Không thiếu lần có người nêu câu hỏi : một người ấn giáo có thể
chấp nhận đức Kitô mà không cần phải trở lại Kitô giáo hay không?

Kết luận

Đến đây, chúng tôi xin kết thúc loạt bài trình bày các bức chân
dung của đức Kitô trải qua các thời đại, dựa theo tác phẩm của Jaroslav
Pelikan. Dù muốn dù không, thế nào sự trình bày cũng chủ quan và thiếu sót. Còn
biết bao bức chân dung khác nữa, biết bao tác giả điển hình khác nữa chứ !

Tuy nhiên, để kết luận, thiết tưởng rằng điều quan trọng ở chỗ mỗi
người Kitô hữu dám đặt cho mình câu hỏi: còn phần tôi, tôi mang bức chân dung
nào của đức Kitô trong đầu ? Bức chân dung nào đã điều khiển những tư tưởng,
tâm tình và hoạt động của tôi ? Hơn nữa, một câu hỏi tiếp cũng cần được gợi
lên: phải làm thế nào để trình bày chân dung sống động của đức Kitô cho đồng
bào của tôi hôm nay ? Đó là những câu hỏi được đặt ra vào lúc Giáo hội khi cử
hành năm thánh đánh dấu 2000 năm biến cố đức Kitô giáng sinh, cũng như khi bước
vào thiên niên kỷ mới.

Lượt xem 233 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *