Mùa Vọng và việc đổi mới

Thấm thoát thời gian trôi, người tín hữu Công Giáo trên địa cầu tạm biệt mùa phụng vụ năm C, để bắt đầu cho chu kỳ phụng vụ mới năm A.

Mùa phụng vụ mới khởi đi từ tâm tình sống Mùa Vọng. Mùa vọng mang âm sắc tím của đợi chờ – trông mong.

Chờ đợi, trông mong điều gì nếu không phải là chờ Chúa đến – ĐẾN Ở GIỮA CHÚNG TA – EMMANUEL. Nhưng Chúa đã đến rồi.

Vậy sao cứ phải mong chờ? Thưa, mong chờ giờ Chúa đến, chờ ngày cuối cùng của mỗi người và ngày quang lâm của Con Thiên Chúa làm người.

Ai nấy đều đợi chờ – trông mong dù đời người ngắn ngủi, phận người mong manh!

Chính vì sự ngắn ngủi, mong manh của đời mình mà tôi phải “… canh thức (tỉnh thức), vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Thánh Phaolô còn khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra ” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)

Tỉnh thức, chờ đợi có nghĩa là theo Chúa, lựa chọn những gì Chúa Kitô đã chọn, đã yêu, để có một cuộc sống phù hợp với mình”. (ĐTC Bênêđictô XVI)

Để chọn lựa đúng đắn, khôn ngoan, trưởng thành, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô ngự đến. Lời Chúa và kinh nghiệm thiêng liêng của bậc thánh nhân dạy mỗi chúng ta thường xuyên suy gẫm về sự chết.

Suy nghĩ về sự chết  là cách thế hữu hiệu nhất để sống tốt, sống trưởng thành trong từng phút sống đời mình. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất”.“Biết trần gian là nơi tạm trú, sao con còn bo bo dành cho được sở này, chức kia, tiếc nuối chiếc bàn, chiếc ghế…? Con sẽ mang nó theo vào Thiên Đàng “hưởng phúc đời đời” sao? Phi lý và điên khùng! (ĐHV 672). Đừng để lúc sắp bước chân vào ngưỡng cửa đời đời, con hối tiếc vì đã đổi “của thiệt” lấy toàn “đồ giả”” (ĐHV 676).

Phải nhìn nhận rằng, chúng ta chưa sống từng ngày cách tốt nhất, đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn trẻ, mình không mang bệnh nan y, còn lâu mới chết… Đó cũng là cám dỗ, đó là suy nghĩ của đứa trẻ trong đời sống tâm linh, chưa chín chắn đủ của người trưởng thành.

Đã làm người: người kitô hữu giữa đời, hay sống đời tận hiến đều bị lôi cuốn bởi đam mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, có nhiều của cải, cơ ngơi, uy tín, sáng giá, chức vụ cao, ảnh hưởng rộng, nhiều người nể phục, gầy dựng nên những công trình hoành tráng, kiên cố để lưu truyền hậu thế… Ít có ai muốn sống âm thầm, ẩn dật, trầm lặng ở một nơi không có tiện nghi, thiếu thốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, bị xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân. Dẫu biết rằng tất cả những vật chất con người gầy dựng, tích lũy đều là hư vô. Vì khi nằm xuống lòng đất tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì, chẳng ai còn nhớ đến. Thế hệ tương lai chẳng biết ta là ai duy chỉ một mình Chúa biết rõ mỗi người.

Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của con người ở nơi Chúa mà thôi. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. (Tv 61,6)

Mùa vọng về mời gọi tôi, bạn, chúng ta hướng đến cùng đích đời mình trong một nhân cách trưởng thành toàn diện để đồng hành với anh chị em mà mình được sai đến trong sứ vụ. Một nhân cách trưởng thành sẽ giúp người tu sĩ làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa cách hữu hiệu ở mọi nơi mọi lúc của cuộc sống mình.

Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Sống thế nào với lời mời gọi khẩn thiết ấy?

Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng, chẳng bao giờ đạt đến sự trưởng thành toàn diện như chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần. Phải chăng chúng ta đang nỗ lực sống những giá trị của Tin Mừng, nhiệt tình sống tích cực lời khấn dòng để làm bớt dần những bất xứng hơn đối với Thiên Chúa, Đấng chúng ta cam kết sống cho Ngài và vì Ngài mà sẵn sàng phục vụ anh chị em đồng loại.

Để bớt dần những bất xứng đòi hỏi mỗi người phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống của mình. Nhìn thật kỹ, để có thể thấy những ngổn ngang, lộn xộn, gồ ghề trong tâm hồn mà sửa đổi.

Mùa vọng, thời gian thuận tiện để quyết tâm hối cải, thay đổi những thói xấu bằng những việc tốt lành, biết nghĩ tốt, nhìn ra điều tích cực nơi tha nhân, khiêm tốn nhận ra giá trị, công lao, thành quả của người khác để nâng đỡ, khích lệ… để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã kêu gọi, Gioan Tẩy Giả đã loan báo, và Thánh Phêrô đã nhắc lại “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải…” (2Pr 3-9)

Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh chị em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới. Ngôi Lời Thiên Chúa đã hạ sinh ở giữa nhân loại, ở trong mỗi người. Đến lượt mình, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta hạ sinh Người cho anh chị em bằng một cuộc sống luôn có Chúa hiện diện trong một nhân cách trưởng thành thật sự để gương mặt thánh thiện, hiền lành, giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta. “Nếu lấy ‘ta’ ra khỏi trung tâm cuộc đời và đặt ‘Chúa Kitô’ vào đó, ta sẽ được an toàn, mạnh mẽ và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi.” (ĐGH Phanxicô). 

Tác giả: Nữ Tu Anna Lê Tuyết

Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn 



 

Lượt xem 109 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *