“Lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an

“Lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an


10/12/2013 9:41:09 PM

Tuy đề tài “lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chỉ xuất hiện ở 2 câu trong Tin Mừng Gio-an: 19,35 và 21,24, nhưng “lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ này có vai trò đặc biệt quan trọng cho cộng đoàn Gio-an và cho độc giả qua mọi thời đại.

Nội dung

 

I. Dẫn nhập

II. “Người đã xem thấy đã làm chứng” (19,35)

      1. Bản văn Ga 19,31-37

      2. Bối cảnh văn chương 19,31-37

      3. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su

      4. Lời chứng của ai?

      5. Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin

      6. Nội dung lời chứng

            6.1. Không đánh gãy ống chân (19,33 // 19,36)

            6.2. Cạnh sườn bị đâm thâu (19,34 // 19,37)

            6.3. Lời chứng và lời Kinh Thánh

      7. Mục đích của lời chứng: “Để anh em tin”

III. Người môn đệ đã làm chứng và đã viết (21,24)

      1. Ga 19,35 và 21,24

      2. Lời chứng đã được viết ra

IV. Kết luận

 

Thuyen.jpg

 

I. Dẫn nhập

 

Như đã trình bày trong bài viết “Danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an”, danh từ “lời chứng” liên quan đến  người môn đệ Đức Giê-su yêu mến xuất hiện 2 lần ở 19,35b; 21,24b, và động từ “làm chứng” liên quan đến người môn đệ này cũng xuất hiện 2 lần ở 19,35a; 21,24a. Hai câu này được thuật lại như sau:

 

(1) Sau khi một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giê-su, và “ngay tức thì, máu và nước chảy ra” (19,34b), người thuật chuyện kể trong câu tiếp theo: “Người đã xem thấy [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến], đã làm chứng (mematurêken), và lời chứng (hê marturia) của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin” (19,35).

 

(2) Trong phần kết luận thứ hai của sách Tin Mừng (21,24-25), soạn giả viết: “Chính môn đệ này [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến] là người làm chứng (ho marturôn) về những điều đó và người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng (hê marturia) của người ấy là xác thực” (21,24).

 

Bài viết này sẽ phân tích hai câu (19,35; 21,24) liên quan đến lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

 

II. “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35)

 

Trong số các môn đệ Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an, chỉ có người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện diện dưới chân thập giá. Sự hiện diện quý báu đó đã làm cho môn đệ này trở thành chứng nhân trực tiếp về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Lời chứng liên quan đến biến cố quan trọng này được thuật lại trong đoạn văn 19,31-37. Phần sau sẽ phân tích đoạn văn này qua 7 mục: (1) Bản văn Ga 19,31-37. (2) Bối cảnh văn chương 19,31-37. (3) Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su. (4) Lời chứng của ai? (5) Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin. (6) Nội dung lời chứng. (7) Mục đích của lời chứng: “Để anh em tin”.

 

     1. Bản văn Ga 19,31-37

 

31 Vì là ngày chuẩn bị lễ, những người Do Thái không để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát mà ngày sa-bát đó là lễ lớn , họ xin Phi-la-tô để đánh gãy các ống chân của họ và mang xác đi. 32 Vậy lính tráng đến đánh gãy các ống chân người thứ nhất và người khác cùng bị đóng đinh với Người [Đức Giê-su]. 33 Nhưng khi đến gần Đức Giê-su, vì thấy Người đã chết rồi, họ không đánh gãy các ống chân của Người. 34 Nhưng một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Người, và ngay tức thì, máu và nước chảy ra. 35 Người đã xem thấy, đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin. 36 Các việc này đã xảy ra để Kinh Thánh nên trọn: “Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy.” 37 Lại có lời Kinh Thánh khác nói: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.”

 

      2. Bối cảnh văn chương 19,31-37

 

Đoạn văn 19,31-37 thuộc đoạn văn lớn hơn: 19,16b-42. Đoạn văn này thuật lại cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, khởi đầu bằng việc quân lính dẫn Đức Giê-su đi đóng đinh (19,16b) và kết thúc bằng việc an táng Đức Giê-su (19,42).

 

Đoạn văn Ga 19,16b-42 có thể chia thành 7 tiểu đoạn:

 

1)  19,16b-18: Đức Giê-su bị đóng đinh vào thập giá  

                       cùng với hai người khác.

 

2)  19,19-22: Tấm bảng viết bằng ba thứ tiếng:

                      Híp-ri, La Tinh và Hy Lạp.

 

3)  19,23-24: Lính tráng chia nhau áo Đức Giê-su,

                     “để nên trọn lời Kinh Thánh”.

 

4)  19,25-27: Đức Giê-su, thân mẫu

                      và môn đệ Người yêu mến.

 

5)  19,28-30: Đức Giê-su chết trên thập giá,

                     “để Kinh Thánh được nên trọn”.

 

6)  19,31-37: Lưỡi đòng đâm cạnh sườn và lời chứng,

                     “để Kinh Thánh nên trọn”

 

7)  19,38-42: Giô-xếp A-ri-ma-thê và Ni-cô-đê-mô

                      tẩm liệm và mai táng Đức Giê-su.

 

“Lời chứng” và hành động “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến được nói tới ở 19,35, câu này thuộc tiểu đoạn 6 (19,31-37) trên đây. Phần sau sẽ tập trung phân tích tiểu đoạn 19,31-37, thuật lại biến cố Đức Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

 

      3. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su

 

Khi một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su, người thuật chuyện cho biết: “Ngay tức thì, máu và nước chảy ra” (19,34b). Hình ảnh này gợi lại nguồn nước sự sống Đức Giê-su đã nói ở 7,37-38: “37 Vào ngày cuối cùng, ngày long trọng nhất của dịp lễ, Đức Giê-su đứng lên và lớn tiếng nói: ‘Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’” Người thuật chuyện giải thích lời này ở 7,39: “Điều đó, Người [Đức Giê-su] nói về Thần Khí mà những người tin vào Người sẽ lãnh nhận. Tuy nhiên Thần Khí chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” Như thế, “điều chưa có” ở 7,39 đã được thực hiện ở 19,34.

 

Trong Cựu Ước, hình ảnh nguồn nước có thể áp dụng cho Thiên Chúa như là nguồn ơn cứu độ (Is 12,3); hoặc áp dụng cho Giê-ru-sa-lem, nơi mọi dân tộc quy tụ về (Dcr 14,8); cũng có thể áp dụng cho những người thực hành sự công chính đích thực của Thiên Chúa, họ trở thành nguồn suối nước không thể khô cạn (Is 58,11). Có thể nói “mạch nước sự sống” ở Ga 4,14 và 7,38 biểu tượng cho Lề Luật sống động và Giao Ước mới được ghi khắc trong lòng con người. Trong viễn cảnh này, Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an được trình bày như là Đấng thực hiện lời hứa về nguồn nước sự sống trong Cựu Ước.

 

Cách thức Tin Mừng Gio-an mô tả cái chết của Đức Giê-su cũng gợi ý đến việc Người trao ban Thần Khí. Người thuật chuyện kể ở 19,30: “Khi đã nếm giấm, Đức Giê-su nói: ‘Đã hoàn tất’, và Người gục đầu xuống trao thần khí.” Diễn tả cái chết của một con người bằng kiểu nói: “Gục đầu xuống trao thần khí (paredôken to pneuma)” là không bình thường trong văn chương thời đó. Vì thế, thành ngữ “trao ban thần khí (paredôken to pneuma)” (19,30) có gợi ý đến việc Đức Giê-su trao ban Thần Khí (pneuma), như đã nói đến ở 7,39. Đồng thời Đức Giê-su chính thức trao ban Thần Khí cho các môn đệ sau khi Người Phục Sinh. Người thuật chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su Phục Sinh và các môn đệ như sau: “Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20,22). Như thế, mạch văn cho phép hiểu: Khi Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng ở 19,30, cũng là lúc Người trao ban Thần Khí (to pneuma), lúc Người đổ tràn Thần Khí vào thế gian.

 

      4. Lời chứng của ai?

 

Ở 19,35, bản văn không nói rõ là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng, nhưng theo mạch văn, đó là người môn đệ này chứ không thể ai khác. Thực vậy, trong đoạn văn 19,23-42, các nhân vật của trình thuật gồm có: Lính tráng (họ), thân mẫu Đức Giê-su, các phụ nữ khác và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Người môn đệ này đã chứng kiến những gì xảy ra trong biến cố Đức Giê-su chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Vì thế, lời chứng của “người đã xem thấy (ho heôrakôs)” (số ít) ở 19,35 không ai khác hơn là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Các nhân vật khác trong bản văn luôn được nói đến ở số nhiều: “lính tráng”, “các phụ nữ”.

 

Ở 19,35c xuất hiện đại từ “ekeinos” (người ấy): “Người ấy (ekeinos) biết rằng mình nói sự thật.” Đại từ “ekeinos” (người ấy) trong câu này là đại từ chỉ định, giống đực, số ít. Dựa vào đại từ này, một số tác giả cho rằng: “Người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về Thiên Chúa hay Đức Giê-su. Cách hiểu này dựa trên cách dùng đại từ nhấn mạnh (cường điệu) “ekeinos” trong Tin Mừng thứ tư: Đại từ này chỉ về Đức Giê-su 3 lần (1,18; 2,21; 3,28) và chỉ về Thiên Chúa 3 lần (1,33; 6,29; 8,42). Chúng tôi không đồng ý cách hiểu: “Người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về Thiên Chúa hay Đức Giê-su, bởi vì về mặt ngôn ngữ, đại từ nhấn mạnh “ekeinos” (người ấy) dùng để thay thế một nhân vật đã nói đến trước đó trong bản văn. Vì thế, “người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về “người đã xem thấy” ở 19,35a, và theo mạch văn, “người đã xem thấy” chính là “người môn đệ đứng dưới chân thập giá”. Vậy lời chứng ở 19,35 là của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

 

      5. Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin

 

Ga 19,35 mở đầu như sau: “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35a). Động từ “thấy” (hôraô) trong Tin Mừng thứ tư thường diễn tả sự “thấy” đạt thấu mầu nhiệm mặc khải (xem 1,34; 19,35; 20,8.18.25.29…); đồng thời, động từ “hôraô” (thấy) cùng với các động từ khác cũng có nghĩa “thấy” như “theaomai”, “theôreô” và “blepô”, hàm ẩn thấy thể lý, thấy bằng mắt để làm chứng về điều mình đã chứng kiến. Tuy nhiên, không nhất thiết phải “thấy” (hôraô) bằng mắt để đạt tới mầu nhiệm đức tin. Bởi vì Đức Giê-su nhắn gửi đến các tín hữu đã không thấy Người như sau: “Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29). Như thế, uy thế lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 dựa trên việc người môn đệ này chứng kiến sự kiện và dựa trên tư cách của người môn đệ, nghĩa là người tin vào Đức Giê-su.

 

Cho nên, không phải hễ “thấy” là có thể “làm chứng”. Theo thần học Tin Mừng thứ tư, điều kiện trước tiên để làm chứng phải là môn đệ Đức Giê-su, nghĩa là chỉ “người tin vào Đức Giê-su” mới có thể làm chứng về Người. Thực vậy, trong đoạn văn 19,31-37, xét theo bên ngoài, những gì môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã thấy cũng là những gì quân lính đã thấy. Nhưng quân lính không thể làm chứng vì họ không tin vào Đức Giê-su. Thực ra, người môn đệ còn “thấy” những thực tại liên quan đến đức tin mà quân lính không “thấy”. Chẳng hạn, người môn đệ nhận ra sự chết của Đức Giê-su trên thập giá trở thành nguồn sự sống cho người tin, cái chết của Đức Giê-su đã ứng nghiệm những lời loan báo trong Cựu Ước. Vì thế, mục đích của lời chứng là lời mời gọi tin vào Đức Giê-su:“Người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin” (19,35c).

 

I. de La Potterie nhận định: “Đối với Tin Mừng theo thánh Gio-an, chứng nhân không phải là người đã chứng kiến các sự kiện, chứng nhân là người làm chứng về lòng tin của mình” (I. de LA POTTERIE, La vérité dans saint Jean, t. I: Le Christ et la vérité L’Esprit et la vérité, (Analecta Biblica 73), Rome, Biblical Institute Press, 1977, p. 82). Đối tượng của việc thấy thể lý cần được soi sáng bởi lòng tin mới có thể làm chứng. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hội đủ các yếu tố để làm chứng về Đức Giê-su. Lời chứng của người môn đệ này là nền tảng cho đức tin của những người không thấy Đức Giê-su (20,29), và bảo đảm sự xác thực của nội dung Tin Mừng, như soạn giả ch. 21 đã khẳng định trong kết luận thứ hai ở 21,24: “Chính môn đệ này [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến] là người làm chứng về những điều đó và là người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.”

 

      6. Nội dung lời chứng

 

Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 vừa liên kết với những gì quân lính đã thực hiện, vừa liên kết với lời đã chép trong Kinh Thánh. Cấu trúc đoạn văn 19,33-37 cho thấy điều này.

 

Bang1cautruc19_33-37.jpg

 

Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 được nói đến sau hai hành động của quân lính: (A) 19,33: Quân lính không đánh gãy các ống chân Đức Giê-su, và (B) 19,34: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su. Hai hành động này song song với hai lời gợi ý trong Kinh Thánh: (A’) 19,36: “Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy”, gợi đến Xh 12,46; Tv 34 (33),21, và (B’) 19,37: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”, gợi đến Dcr 12,10; Kh 1,7. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, điều đã xảy ra là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép, nghĩa là cuộc đời Đức Giê-su làm cho lời Kinh Thánh được nên trọn. Đức Giê-su thực hiện lời Thiên Chúa đã loan báo trong Cựu Ước qua các ngôn sứ.

 

           6.1. Không đánh gãy ống chân (19,33 // 19,36)

 

Bản văn cho thấy việc quân lính không đánh gãy ống chân Đức Giê-su (A. 19,33) làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy” (A’. 19,36). Lời này gợi đến chỉ thị của Đức Chúa truyền cho Mô-sê về việc ăn thịt chiên trong lễ Vượt Qua: “Chỉ được ăn chiên trong nhà mà thôi; không được mang thịt ra khỏi nhà. Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó” (Xh 12,46). Như thế, Đức Giê-su được tỏ bày như con chiên dùng trong lễ Vượt Qua theo chỉ thị Đức Chúa truyền cho Mô-sê.

 

Lời Kinh Thánh ở Ga 19,36 cũng gợi về Tv 34,20-21: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.” Đây là thánh vịnh nói về người công chính bị bách hại nhưng được Đức Chúa bảo vệ chở che. Như thế, liên kết với Tv 34, Ga 19,36 muốn nói: Chính Đức Giê-su là người công chính bị bách hại, gặp nhiều nỗi gian truân nhưng được Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn, bằng chứng là “không một xương nào của Người bị đánh gãy” (Ga 19,36).

 

           6.2. Cạnh sườn bị đâm thâu (19,34 // 19,37)

 

Sự kiện cạnh sườn Đức Giê-su bị đâm thâu (B. 19,34) làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (B’. 19,37). Lời này gợi đến lời sấm của ngôn sứ Da-ca-ri-a ở Dcr 12,9-10: “9 Ngày ấy, Ta sẽ tìm cách tiêu diệt mọi dân tộc tiến đánh Giê-ru-sa-lem. 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.” Những câu này (Dcr 12,9-10) thuộc lời sấm của Da-ca-ri-a (Dcr 12–14), và mang chiều kích cứu độ vào thời Mê-si-a. Nhân vật bí ẩn trong Dcr 12,10: “Đấng chúng đã đâm thâu” được đồng hóa với Đức Giê-su. Chính Người là Đấng bị đâm thâu, là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để giải thoát dân và cứu độ dân Người.

 

Cạnh sườn Đức Giê-su bị đâm thâu (B. 19,34) được sách Khải Huyền nói đến như dấu tích sự chiến thắng dẫn đến ăn năn hối cải. Tác giả sách Khải Huyền viết: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!” (Kh 1,7).

 

Ga 19,37 gợi đến Dcr 12,10 và song song với Kh 1,7 vừa làm rõ ý nghĩa sự chết của Đức Giê-su, vừa báo trước sự chiến thắng của Người và muôn dân sẽ nhận biết Người. Đức Giê-su đã nói với những người Do thái điều này ở Ga 8,28: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng TÔI LÀ.” Nghĩa là khi Đức Giê-su chết trên thập giá, mọi người sẽ nhận biết Người và Người trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Người cũng đã báo trước điều này ở Ga 12,32: “Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Trong viễn cảnh này, thần học Tin Mừng thứ tư khẳng định rằng: Giờ chết của Đức Giê-su là giờ Người được tôn vinh, là giờ Chúa Cha tôn vinh Người và Người tôn vinh Chúa Cha. Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người ngay trước biến cố Thương Khó như sau: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin tôn vinh Con của Cha, để Con tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

 

           6.3. Lời chứng và lời Kinh Thánh

 

Những phân tích trên cho thấy người môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng (C. 19,35) hai điều: (A. 19,33) chân của Đức Giê-su không bị đánh gãy và (B. 19,34) nước và máu đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Song song với hai điều trên, người môn đệ này cũng làm chứng là lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, liên quan đến những gì đã xảy ra (A’. 19,36, B’. 19,37).

 

Lời chứng của người môn đệ dựa vào những gì đã thấy tận mắt với động từ “thấy” (hôraô) kèm theo động từ “làm chứng” (martureô). Hai động từ này được chia ở thì quá khứ hoàn thành, nghĩa là Ga 19,35 nói đến lời chứng của người môn đệ trong quá khứ: “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35). Tuy nhiên, động từ “thấy” (hôraô) trong lời ứng nghiệm Kinh Thánh ở 19,37 lại chia ở thì tương lai: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (19,37). Như thế, lời chứng của người môn đệ cũng hướng về tương lai. Lời chứng của người môn đệ này dẫn đến niềm tin và chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu như là Đấng cứu độ. Những ai sám hối và tin vào Đức Giê-su thì máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng bị đâm thâu trở thành nguồn nước hằng sống cho họ.

 

Tóm lại, lời chứng của người môn đệ ở 19,35 gồm bốn yếu tố:

 

(1) Lời chứng dựa vào những gì đã chứng kiến: “Người đã xem thấy đã làm chứng” (19,35a).

 

(2) Lời chứng theo đúng sự thật: “Lời chứng của người ấy xác thực” (19,35b).

 

(3) Người làm chứng ý thức mình nói sự thật: “Người ấy biết rằng mình nói sự thật” (19,35c).

 

(4) Mục đích của lời chứng là tin: “Để cả anh em nữa, anh em tin” (19,35d).

 

      7. Mục đích của lời chứng: “Để anh em tin”

 

Mục đích của lời chứng là “để cả anh em nữa, anh em tin” (19,35d). Chi tiết đáng lưu ý là người thuật chuyện đột ngột ngưng kể câu chuyện để quay sang nói trực tiếp với độc giả qua đại từ “anh em” (humeis), ngôi thứ hai số nhiều. Đại từ “anh em” (ngôi thứ hai) hàm ẩn đại từ “tôi, chúng tôi” (ngôi thứ nhất) của người thuật chuyện. Kiểu hành văn ngỏ lời trực tiếp với độc giả (ngôi thứ hai) là đặc trưng của Tin Mừng thứ tư. (Xem phân tích cách dùng các đại từ ngôi thứ nhất  (tôi, chúng tôi) và ngôi thứ hai (anh em) trong tập sách: Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?, tr. 224-231). Vai trò làm chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 nhằm mời gọi cộng đoàn và độc giả qua mọi thời đại, tin và tin mạnh mẽ hơn vào Đức Giê-su. Lời chứng này cho thấy tầm quan trọng và uy thế của người môn đệ này trong Tin Mừng thứ tư và trong cộng đoàn đón nhận Tin Mừng.

 

R. A. Culpepper nhận định: “Câu này (19,35) cho biết tầm quan trọng của người môn đệ được yêu. Người môn đệ này là chứng nhân cho những người tin sau này. Trình bày sự hiện diện của môn đệ này vào lúc then chốt trong trình thuật Thương Khó là cách thức để khẳng định hai điều, [trước hết] uy thế của người môn đệ này như là một chứng nhân đích thực, [thứ đến] uy thế và sự khả tín của sách Tin Mừng, được hiểu ngầm. Tin Mừng có thể tin được, vì Tin Mừng dựa trên lời chứng của môn đệ thân cận nhất với Đức Giê-su, người môn đệ này đã hiện diện khi Đức Giê-su chết, đã thấy Chúa sống lại, và đã mang đến một bằng chứng chân thật” (R. A. CULPEPPER, John, the Son of Zebedee. The Life of a Legend, (SPNT), Columbia (SC), University of South Carolina Press, 1994, p. 66).

 

Trong kết luận thứ hai của sách Tin Mừng Gio-an, soạn giả đã khẳng định lại lời chứng đích thực của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở Ga 21,24.

 

III. Người môn đệ đã làm chứng và đã viết (21,24)

 

Cuối sách Tin Mừng thứ tư, soạn giả ch. 21 dựa vào lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến để kết luận sách Tin Mừng. Đồng thời, soạn giả dựa vào uy thế của người môn đệ này để bảo đảm sự chính thống của nội dung sách Tin Mừng. Soạn giả viết: “Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều đó và là người đã viết những điều đó và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (21,24). Phần sau sẽ bàn về hai câu (19,35; 21,24) nói về lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến và vai trò của soạn giả trong tương quan với bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 21,24.

 

      1. Ga 19,35 và 21,24

 

Câu 21,24 này có những chi tiết song song với 19,35, đồng thời mỗi câu có chi tiết riêng.

 

Bang2-19_35_21_24.jpg

 

Đề tài “làm chứng” ở 19,35 song song với 21,24 về hai chi tiết: (1) Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã làm chứng (19,35a // 21,24a), (2) Đó là lời chứng xác thực (19,35b // 21,24c). Mỗi câu có một chi tiết riêng: 19,25c cho biết mục đích của lời chứng là “TIN”; 21,24b cho biết người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã viết ra lời chứng của mình.

 

Như thế có bốn điều cần ghi nhận liên quan đến người môn đệ Đức Giê-su yêu mến:

(1) Là người đã thấy và đã làm chứng.

(2) Lời chứng này xác thực, có uy thế và đáng tin cậy.

(3) Mục đích của lời chứng là để dẫn đến tin vào Đức Giê-su.

(4) Lời chứng xác thực này được ghi lại trong sách Tin Mừng.

 

Ở 21,24, đối tượng lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến là “những điều đó” (toutôn). Theo nghĩa hẹp, từ “toutôn” (những điều đó) chỉ những gì đã xảy ra trong biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Theo nghĩa rộng, “toutôn” (những điều đó) gợi đến tất cả những hành động và lời nói của Đức Giê-su trong suốt sứ vụ công khai.

 

      2. Lời chứng đã được viết ra

 

Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là “người đã viết” (hô grapsas) “những điều đó”. Như thế, lúc soạn giả viết 21,24 thì đã có bút tích của người môn đệ này. Có thể nói, cốt lõi bản văn Tin Mừng thứ tư là những điều người môn đệ này làm chứng và đã viết ra; nhưng chúng ta không biết đoạn văn nào trong Tin Mừng hiện nay do tay người môn đệ này viết.

 

Người biên soạn sách Tin Mừng lần sau cùng (soạn giả ch. 21) đã sắp xếp, triển khai, thêm bớt các đoạn văn để làm thành sách Tin Mừng hiện nay. Rất có thể soạn giả đã thống nhất bản văn từ đầu đến cuối, vừa giữ lại những điểm độc đáo trong bản văn đã có, vừa xây dựng một nền thần học chung của toàn bộ sách Tin Mừng thứ tư. Để hiểu tính năng động trong quá trình biên soạn Tin Mừng thứ tư, chúng ta có thể phân biệt ba nhân vật thuộc ba giai đoạn chính hình thành Tin Mừng thứ tư: (1) Bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24); (2) Tác giả sách Tin Mừng (l’évangéliste) là người đã viết sách Tin Mừng ở giai đoạn đầu với kết luận ở 20,30-31; (3) Soạn giả (le rédacteur), người đã biên soạn ch. 21, sắp xếp lại, thêm bớt một số đoạn văn để làm thành bản văn Tin Mừng hiện nay. (xem phân tích “Hai kết luận của sách Tin Mừng Gio-an” trong tập sách: Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?, tr. 232-236.

 

Khẳng định của soạn giả ch. 21 bằng cách dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” cho thấy soạn giả nói trực tiếp với người đọc: “Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (21,24c). Đây là lời xác quyết về tính trung thực và liên tục của lời chứng được lưu truyền từ người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đến soạn giả cuối cùng của sách Tin Mừng. Soạn giả còn tự xưng là “tôi” (ngôi thứ nhất số ít) ở 21,25: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm, nếu viết lại từng điều một, tôi thiết nghĩ cả thế gian cũng không chứa nổi các sách được viết ra.”

 

Cách xưng hô “chúng tôi” ở 21,24c cho thấy soạn giả không phải là một người đơn độc. Soạn giả là thành phần của một nhóm, một truyền thống, một trường phái, gọi là “trường phái Gio-an” (l’école johannique, Johannine school). Tập thể này đã góp phần biên soạn và hình thành Tin Mừng thứ tư hiện nay qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cách xưng hô “tôi” (số ít) xác định người chịu trách nhiệm biên soạn Tin Mừng, người này dựa vào uy thế của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến và trường phái Gio-an để biên soạn và xuất bản sách Tin Mừng.

 

IV. Kết luận

 

Những phân tích trên cho thấy, tuy đề tài “lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chỉ xuất hiện ở 2 câu trong Tin Mừng Gio-an: 19,35 và 21,24, nhưng “lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ này có vai trò đặc biệt quan trọng cho cộng đoàn Gio-an và cho độc giả qua mọi thời đại. Có thể tóm kết đề tài qua ba ý:

 

(1) Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là lời chứng xác thực, có uy tín và đáng tin cậy. Bởi vì người môn đệ này vừa chứng kiến biến cố bằng con mắt thể lý, vừa nhìn thấu sự kiện bằng con mắt đức tin. Đối tượng của lời chứng chính là Đức Giê-su, đặc biệt là lời chứng về biến cố Thương Khó – Phục Sinh và những gì đã nói trong Cựu Ước nay được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su.

 

(2) Mục đích của lời chứng là để dẫn độc giả đến hành động tin vào Đức Giê-su và tin vào giáo huấn của Người. Vì thế, cần nhận ra lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là lời mời gọi tin vào Đức Giê-su.

 

(3) Lời chứng đã được ghi ghép lại trong sách Tin Mừng và được đặt trong một truyền thống: Từ bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đến tác giả và soạn giả sách Tin Mừng. Từ đó, qua sách Tin Mừng, độc giả được mời gọi đón nhận lời chứng xác thực này và tiếp nối việc “làm chứng” về “lời chứng” liên quan đến căn tính, nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su, đã được mặc khải trong sách Tin Mừng Gio-an./.

 

 

Ngày 12 tháng 10 năm 2013.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.

leminhthongtinmunggioan.blogspot.com

Lượt xem 163 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *