Là Linh mục trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, đó là lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân cuộc gặp gỡ với các chủng sinh đến từ nước Anh, ngày 21-4-2018 vừa qua tại Rôma. Ngài nói: “Thật là tốt đẹp khi được thấy các bạn trẻ đang chuẩn bị quyết tâm chấp nhận dấn thân theo Chúa, một sự dấn thân trọn đời”. Ngài cũng nói: “Đối với các con hôm nay, các con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thời của Cha, vì xã hội hôm nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lối sống tạm bợ”. Quả thật, lối sống hưởng thụ vội vàng và chỉ nghĩ đến hiện tại, đang phổ biến nơi nhiều người, nhất là nơi các bạn trẻ. Khi cảnh báo các chủng sinh về nguy hiểm này, vị Mục tử tối cao của Giáo hội muốn hướng họ về một điều kiện căn bản để trở nên môn đệ Đức Giêsu và trở thành Linh mục trong thế giới hôm nay, hầu trở nên “mọi sự cho mọi người”. Ngài nói: “Để chiến thắng những thách đố này và để các con có một lời hứa thực sự với Thiên Chúa, điều căn bản trong thời gian huấn luyện ở đại chủng viện là các con phải được nuôi dưỡng bằng đời sống nội tâm, đồng thời học biết thận trọng để đón nhận những điều tốt lành vào căn phòng tâm hồn thấm kín riêng tư của các con”.
Qua sự dấn thân trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, Linh mục là người hoàn toàn thuộc về Chúa, như dụng cụ trong tay Chúa, tùy Ngài sử dụng. Qua Bí tích Truyền chức, Linh mục được kết giao với Chúa, giống như sự kết giao của Bí tích Hôn nhân, làm cho hai người nam nữ mãi mãi nên một, không thể tách rời phân ly. Vì được “kết hôn” với Chúa, Linh mục nhận Chúa làm gia nghiệp của mình, trung tín với Ngài lúc vui cũng như lúc buồn, khi đau khổ cũng như khi hạnh phúc. Luật Giáo hội quy định, những người đã thụ phong Linh mục, nếu chưa được Đức Giáo Hoàng tha cho hồi tục mà cử hành Bí tích hôn phối, thì hôn phối đó vô hiệu, vì chức thánh là một trong những ngăn trở tiêu hôn.
Linh mục không thi hành chức vụ giống như những công chức khi ở trên công đường, và trong giờ hành chính. Chức Linh mục gắn liền người thụ phong với Chúa. Ơn của Bí tích làm cho người được thụ phong nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Đức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể. Trọn vẹn cuộc sống của Người là cuộc sống của Con Thiên Chúa nơi trần gian. Không có lúc nào người có tên là Giêsu tách rời khỏi Ngôi Hai Thiên Chúa. Dù ăn, dù ngủ, dù đi lại hay hoạt động, Chúa Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa. Mọi hành động của Người đều là hành động sinh ơn cứu độ và nhằm mưu ích cho con người. Vì thế, Linh mục không phải là Linh mục “bán thời gian”, tức chỉ một phần trong thời gian biểu hằng ngày. Chức Linh mục thấm sâu và hòa nhập vào chính bản thể của người được thụ phong. Được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, tất cả những gì Linh mục làm, nhất là trong khi thi hành bổn phận mục vụ, đều phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu và là chính hiện thân của Người giữa đời. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Này đây Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa đã giữ lời hứa ấy và đang hiện diện giữa chúng ta bằng nhiều cách thế khác nhau. Một trong những cách thế hiện diện của Người là qua con người của Linh mục. Nếu chúng ta không nhìn thấy trực tiếp Chúa Giêsu thể lý, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện quyền năng của Người qua đời sống và sứ vụ của Linh mục: Khi Linh mục xức dầu bệnh nhân là chính Chúa Giêsu chăm sóc yên ủi người ốm đau bệnh tật. Khi Linh mục cử hành Bí tích Giao hòa, là chính Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi. Khi Linh mục thăm viếng những người đang đau khổ cô đơn tuyệt vọng, là chính Chúa Giêsu đến với họ để đem cho họ niềm vui và khích lệ. Trọn vẹn đời sống và sứ vụ của Linh mục đều mang tính “Bí tích”, có nghĩa là những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và qua đó, Chúa ban cho nhân loại muôn vàn ân sủng.
Là Linh mục trọn đời và trọn vẹn cuộc đời, Linh mục luôn ở trong tình trạng sẵn sàng lên đường. Linh mục là người nhân danh Chúa để thi hành sứ vụ. Chức Linh mục được tiếp nối qua mọi thế hệ, từ Đức Giêsu cho đến hôm nay. Nếu Giáo hội có ủy nhiệm một tác vụ cho Linh mục và sai đi, là vì Giáo hội nhân danh Chúa Giêsu và làm theo lệnh truyền của Người. “Ai nghe các con là nghe Thày….(x. Lc 10,13-16). Chính Chúa Cha đã sai Đức Giêsu vào trần gian để loan báo Tin Mừng và cứu độ con người, vì vậy, Người được gọi là Đấng Thiên Sai. Trước khi về trời, Chúa Giêsu lại sai các môn đệ, để các ông tiếp tục sứ mạng của Người. Từ cuộc lên đường của các môn đệ đầu tiên cách đây hai ngàn năm, Giáo hội vẫn tiếp tục lên đường, đến với mọi nền văn hóa để đem ánh sáng Tin Mừng chiếu rọi, góp phần làm cho cuộc sống thăng hoa, thấm đượm niềm vui và hy vọng. Trong giáo huấn của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nói lên mong ước của Ngài, là Giáo hội phải mở cửa, phải lên đường, bất chấp mọi nghịch cảnh, kể cả khi Giáo hội vì đi ra mà mang những dấu vết của cuộc đời, hoặc bị tổn thương do những va chạm. Hình ảnh Đức Giêsu can đảm lên đường là gương mẫu và lý tưởng cho Linh mục. Khi có người khuyên Chúa hãy đi nơi khác vì vua Hêrôđê đang đe dọa giết, Người nói: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 32-33). Ý thức mình là người được sai đi, Linh mục phải chuyên tâm làm theo ý của Đấng đã sai mình, như Chúa Giêsu luôn chuyên tâm làm theo ý của Chúa Cha và coi ý của Chúa Cha là lương thực nuôi sống bản thân.
Chức Linh mục của Giao ước mới không chỉ là một sứ vụ được ủy thác, nhưng còn là một ơn gọi. Ơn gọi này đến từ chính Chúa. Người hoàn toàn tự do chọn và gọi những ai Người muốn (x. Mc 3, 13-15). Ơn gọi là một huyền nhiệm, con người không thể hiểu thấu. Vì thế, có nhiều người học hành uyên bác giỏi giang mà lại không có ơn gọi. Huyền nhiệm của ơn gọi khẳng định với chúng ta: kết quả đến từ sứ vụ Linh mục không do sự khôn ngoan tài khéo theo kiểu loài người, mà là đến từ Thiên Chúa. Con người, dù giỏi mấy chăng nữa, chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Người ta đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chọn mười hai tông đồ là những người xuất thân từ làng chài bên bờ hồ Giênêgiarét, là những người quê mùa ít học. Việc Chúa chọn những người dân chài cho thấy, rao giảng Tin Mừng là việc của Chúa, con người chỉ là những cộng sự viên để Lời Chúa được rao truyền cho muôn dân.
Với thiên chức Linh mục, người được thụ phong có thể nói như Thánh Augustinô: Với anh chị em, tôi là Kitô hữu, cho anh chị em, tôi là Linh mục. Linh mục vừa là một tín hữu như biết bao tín hữu khác, vừa là một người mang sứ vụ hướng dẫn anh chị em mình trên con đường theo Chúa. Là Kitô hữu, Linh mục cũng phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân; là Linh mục, Linh mục phải dấn thân hy sinh để đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình. Thiếu một trong hai khía cạnh này, đời Linh mục sẽ trở nên vô nghĩa, sứ vụ tông đồ sẽ vô hiệu.
Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, hoặc dù đây đó có những người không trung thành với lý tưởng đời Linh mục, chức Linh mục vẫn cao cả tuyệt vời. Bởi lẽ, qua sự hy sinh dấn thân phục vụ, Linh mục không còn sống cho chính mình, nhưng sống cho Chúa và sống vì hạnh phúc của tha nhân. Linh mục là người lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của chính mình. Sự hy sinh của Linh mục không phải là vô nghĩa, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10, 29-30).
Chúa không quên thêm: “cùng với sự bắt bớ”. Vâng, thập giá vẫn luôn hiện diện trong đời Linh mục, như Chúa Giêsu đã vác thập giá bước đi để chứng minh tình thương bao la của Thiên Chúa. Tuy vậy, Người không dừng lại ở thập giá, nhưng Người đã phục sinh. Chấp nhận thập giá trong đời, Linh mục sẽ được gấp trăm ở đời này, và sẽ được sự sống vĩnh cửu. Đó là phần thưởng Chúa dành cho những người trung tín.
Trong tháng Thánh Tâm, Giáo hội cầu nguyện xin ơn thánh hóa các Linh mục. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Linh mục luôn mang trong mình trái tim của Chúa, sống thánh thiện để phản chiếu dung mạo của Đức Giêsu nơi trần gian.
Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2018
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng
Lượt xem 157 Lần