“Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954”
[Kỳ 3] Chính Quyền Bắt Giáo Dân
Sau cuộc đại hội giáo dân, tình hình trong giáo xứ mỗi ngày một trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Không ai còn để tâm lo công ăn việc làm gì nữa, mà chỉ lo chống đỡ những cuộc bắt bớ của chính quyền đồng thời mong đợi ngày sớm được di cư vào Nam để có cuộc sống bình an.
Vì muốn dập tắt phong trào đấu tranh nên chính quyền tìm cách bắt đi từng người một, hòng uy hiếp, đàn áp, làm yếu đi cuộc đấu tranh của giáo dân Ba Làng. Chính vì thế, sau cuộc đại hội không lâu, chính quyền đã thực hiện một cuộc ruồng bắt giáo dân như đã dự đoán.
Hôm đó, tôi đang ăn bữa cơm chiều, bỗng nghe tiếng hò la, khua thùng đập vách, rồi tiếng chuông nhà thờ gióng lên liên hồi. Tôi biết chắc là chính quyền đang bắt giáo dân. Nhưng tôi lại không biết chính quyền đang bắt giáo dân ở khu vực nào.
Tôi liền ngưng ngay bữa cơm và cầm vội cây kiếm chạy theo đoàn người đang hò la nhốn nháo với những gậy gộc, giáo mác đang chạy ầm ầm ngoài đường. Trong những tiếng la hò hỗn độn ấy, tôi nghe:
– Công an bắt!… Công an bắt!..
Người cùng chạy bên tôi hỏi:
– Bắt ai, bắt ai?
Tiếng trả lời
– Bắt anh Cả Hiến!
Tất cả mọi người liền trực chỉ hướng Nam cuối làng Như Xuân về phía căn nhà của anh Cả Hiến. Tới nơi, tôi thấy đã có khoảng trên dưới ba trăm (300) người đứng vây quanh công an và anh Cả Hiến. Anh Cả Hiến đang hỏi công an:
– Các anh bắt tôi về tội gì, cho tôi xem trát lệnh?
Cán bộ, công an lúng túng vì không có trát lệnh mà chỉ bắt người tùy tiện như những lần bắt người vô tội trước kia họ đã làm mà không ai dám phản đối. Khu nhà anh Cả Hiến trở nên hỗn độn kẻ nói người la ầm ĩ. Những đôi mắt đăm đăm sát khí đầy căm hận nhìn cán bộ, công an như muốn xé xác họ ra!
Lúc đầu, công an còn nói năng hách dịch, coi mình là công an nhân dân, đại diện cho chính quyền có đủ mọi quyền lực “bất khả ngăn”. Nhưng chỉ trong mấy phút sau đó, số người kéo về nhà anh Cả Hiến đã lên tới trên dưới ba ngàn (3000) người khép kín nhiều vòng vây quanh công an, cán bộ.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của giáo dân, số cán bộ, công an từ thái độ hách dịch chuyển sang sợ hãi trước số người đang căm thù những hành động đàn áp của chính quyền kéo đến mỗi lúc một đông.
Ông quản Nụ của giáo họ Như Xuân tay cầm cây đao sáng quắc, tiến đến gần bên cán bộ công an:
– Các anh bắt anh Cả Hiến về tội gì!?
Nét mặt cán bộ, công an đã tái xanh vì con số quá đông những người đang lăm le giáo mác. Họ biết có thể họ sẽ mất mạng ngay tại đây. Họ thừa biết đồng bào quá căm thù những hành động đàn áp của phía chính quyền.
Thấy công an lúng túng sợ hãi, cụ Nụ lại tấn công thêm:
– Nếu cách anh trả lời được anh Hiến có tội gì thì chính chúng tôi là những người sẽ bắt anh ấy giao cho chính quyền. Nhưng nếu các anh bắt người của chúng tôi mà không vì tội gì thì chính các anh là người có tội với đồng bào. Nào các anh trả lời đi. Anh Hiến tội gì?
Cán bộ, công an lúng túng trước câu hỏi dồn dập của cụ vì anh Hiến có tội gì đâu để họ có câu trả lời cho cụ. Một tên trong đám công an nói:
– Xin đồng bào thông cảm. Chúng tôi đến đây bắt anh Cả Hiến theo lệnh thượng cấp. Thực tình chúng tôi không biết anh Cả Hiến có tội gì.
Giáo dân la to lên:
– Các anh bắt người ta mà không biết người ta có tội hay không; các anh cũng không có trát lệnh tòa án là một sự vi phạm luật sai trái, là một trọng tội. Các anh có biết không?
Đồng bào biết nếu làm lớn chuyện trong lúc này sẽ không có lợi cho công cuộc đấu tranh nên rừng người đứng bên ngoài chỉ la hét để ngăn ngừa về sau, không muốn có chuyện gì xẩy ra đáng tiếc trong lúc này, làm ảnh hưởng xấu cho công cuộc đấu tranh.
Cụ quản Đóa lên tiếng:
– Thưa đồng bào. Mấy anh cán bộ này không biết một chút luật lệ nào cả. Nay là lần đầu, xin đồng bào bỏ qua cho họ. Chúng ta sẽ phải có phản ứng xứng đáng nếu họ còn lộng quyền!
Với lời nói của cụ Đoá, công an như người đắm thuyền vớ được cái phao để mở đường rút lui. Họ tuy thoát được hiểm nguy đến tính mạng, nhưng khi rút lui phải len lỏi qua rừng người đang bao vây, đám cán bộ phải mất nhiều thì giờ mới qua được vòng vây quá đông khiến lần đầu tiên, cán bộ, công an được nếm mùi cay đắng và được nghe những lời oán hận, nguyền rủa của bà con giáo dân xứ Ba Làng.
Cuộc giải cứu cho anh cả Hiến là lần thử lửa đầu tiên tinh thần đoàn kết trong giáo xứ, đồng thời cũng để chính quyền biết và đánh giá đúng mức những hành động đàn áp của họ.
Khi đám công an, cán bộ đi khuất bóng, đồng bào vui vẻ bắt tay nhau sung sướng ra về. Trên đường về tốp năm tốp bảy chuyện trò vui vẻ, trao cho nhau những lời thề hứa quyết tâm đoàn kết đấu tranh và đoàn kết bảo vệ nhau giống như hôm nay cho đến ngày đạt được kết quả.
–
(Kỳ tới: Giáo Dân Sắm Sửa Vũ Khí Tự Vệ & Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến Về Ba Làng Lần Thức Nhất )
Trích: Hồi ký của cụ Nguyễn Đức Giỏi
Ảnh: Minh hoạ từ internet
Lượt xem 497 Lần