Hôn nhân: Quà tặng hay gánh nặng?
5/10/2018 9:29:20 PM
Đối với người bi quan tiêu cực thì hôn nhân quả là một gánh nặng quá nặng nề, chỉ mong trút bỏ cho nhẹ người, “Nhất vợ nhì nợ” hay “Gái có chồng như gông đeo cổ” (Tục ngữ VN). Còn đối với người lạc quan thì ca tụng hôn nhân như là quà tặng tuyệt vời không gì trên đời này sánh ví bằng, “Người ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc của chính mình trong hạnh phúc của người yêu” (Leibnitz) hay “Cuộc đời của người đàn bà chính là người đàn ông” (Ngạn ngữ phương Tây).
Vậy là có hai thứ hôn nhân, hôn nhân quà tặng và hôn nhân gánh nặng.
1. Hôn nhân quà tặng
Dù cảm nhận hay định kiến thế nào đi nữa thì hôn nhân tự nó vẫn có ý nghĩa tích cực. Vẻ đẹp cao cả của nó không tùy thuộc ở những khái niệm và ngôn từ mà con người gán cho nó. Bởi bản chất của hôn nhân nằm trong ý định sáng tạo và cứu rỗi của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ để họ kết hợp thành đôi hôn phối sống với nhau và nương tựa nhau: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18); “Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
Và sự kết hôn của họ nằm trong chương trình kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa: “Những đôi bạn cử hành hôn nhân Công giáo là những người đã đi vào trong chính kế hoạch của lịch sử cứu độ, mà cao điểm tìm thấy trong Giao Ước Tình Yêu của Đức Ki-tô với Hội thánh. Họ được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Tình Yêu Thiên Chúa…” (x. Những đề tài học hỏi về Tông huấn ‘Những bổn phận của gia đình Kitô hữu’ của ĐGH Gioan Phaolô II, phần 2 Giáo huấn về HNGĐ, Roma 2002, trang 199).
Quà tặng Ơn gọi. Hôn nhân là quà tặng ơn gọi, bởi vì Thiên Chúa đã kêu gọi con người đi vào định mệnh ấy như là một ơn thiên triệu và hôn ước giữa hai người nam nữ được thiết định như một bí tích vừa đem lại ân sủng vừa thúc đẩy dấn thân chu toàn sứ mệnh.
“Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người” (FC, 11).
Quà tặng Sứ mệnh. Hôn nhân là quà tặng sứ mệnh, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người một trái tim để yêu và được yêu, một giới tính để hấp dẫn và thu hút nhau, một định mệnh để liên kết sống-với-nhau. Khi lãnh nhận những ân huệ ấy, con người đáp trả Đấng Tạo Thành bằng việc thi hành sứ mệnh của hôn ước.
Họ chấp nhận nên một để trọn đời yêu thương và nâng đỡ bổ sung cho nhau, “Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (x. Mt 19,6; St 2,24).
Do vậy, “Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời” (x. UB Giáo Lý Đức Tin, Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình, NXB TG Hànội 2004, trang 16).
Họ chấp nhận liên kết nhau để hướng đến một mục đích cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Họ ý thức rằng, “Con cái là ân huệ cao quý của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc” (x. UB GLĐT, sđd trang 16).
Quà tặng Tình yêu. Ai cũng biết tình yêu là nền tảng của hôn ước vợ chồng. Không có tình yêu không có hôn nhân. Chính Thiên Chúa ban tặng cho con người tình yêu để họ có khả năng yêu thương như Người. Bởi vì chính Thiên Chúa là Tình yêu (Deus Caritas est) (x. 1Gio 4,8; 4,16).
Tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” đã viết: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu. Cho nên ơn gọi của con người chính là sống yêu thương. Ơn gọi này được thể hiện một cách đặc biệt trong hôn ước. Sự kết hợp giữa vợ chồng bao gồm mọi khía cạnh trong đời sống vợ chồng chứ không chỉ trong phương diện thể xác mà thôi. Vợ chồng yêu thương nhau có nghĩa là họ liên kết đời sống họ lại với nhau trong tư tưởng, ý chí, hành động, tâm hồn” (D. Wahrheit, Cẩm nang HPGĐ Ki-tô, Mục Vụ HNGĐ 1993, pg 258).
Trong hôn nhân, đôi bạn thể hiện hết các chiều kích của tình yêu, nhất là khi họ trở thành bí tích diễn tả mầu nhiệm tình yêu song phương giữa Đức Ki-tô và Hội thánh, hiền thê của Ngài. Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Sách Thánh có lời chép rằng: ‘Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,31-32).
2. Hôn nhân gánh nặng
Một khi hôn nhân không được nhìn nhận là quà tặng nữa thì sẽ trở thành gánh nặng. Người xưa nói lập gia đình là đi “gánh vác”, thực chất cũng nhằm diễn tả trọng trách của hôn nhân nặng nề mà những ai chấp nhận thực tại ấy thì phải mang vác suốt đời. Nhất là khi sự nặng nề ấy không là gì khác hơn là chính bản thân hai người bạn đời của nhau. Cho nên tục ngữ VN có câu “Nhất vợ nhì nợ” hay “Chồng con là cái nợ nần” là vậy!
Một khi không còn chịu đựng nhau được nữa thì người ta tìm cách trút bỏ. Bởi với họ thì “Hôn nhân ví như một cái lồng, những con chim ở ngoài mong được vào, còn những con chim ở trong chỉ mong thoát ra” (Montaigne). Những cuộc hôn-nhân- gánh-nặng thường đứt gánh giữa chừng bởi thực tế khác hẳn so với những gì người ta mơ tưởng. Có người đã chua chát nói thế này: “Hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết trữ tình mà nhân vật chính chết ngay từ chương đầu” (J.P. McEvoy) hoặc, “Chỉ khi nào đi được nửa quãng đường hôn nhân thì người ta mới nhận thấy thực ra hôn nhân (marriage) chỉ là ảo ảnh (mirage)” (Khuyết danh).
Dựa vào thực tế ta có thể nhận ra một vài loại hình hôn-nhân-gánh-nặng, chẳng hạn:
Gánh nặng vì là hôn-nhân-không-tình-yêu. Ai cũng biết tình yêu là cái nền vững chắc của ngôi nhà hôn nhân, thiếu nền ấy nhà lung lay và nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Do đó, một cuộc hôn nhân nào thiếu vắng tình yêu của một trong hai bạn hoặc của cả hai bạn thì hôn ước ấy không còn ý nghĩa gì nữa. Lúc ấy người ta trở thành gánh nặng của nhau.
Chẳng hạn, “Đàn ông lấy vợ vì mệt mỏi, đàn bà lấy chồng vì tò mò: cả hai đều thất vọng” (Oscar Wilde). Khi kết hôn, nếu không vì tình yêu chân chính, người ta sẽ thất vọng. Có người kết hôn vì tiền. Có người vì sắc dục. Có người vì danh, vì lợi, vì thân thế, vì sự nghiệp. Có người do mai mối, do ép buộc, do áp lực, do liều lĩnh, do dại dột, do vụng về, do chủ quan, do thiếu hiểu biết vv…
Người ta nói “Mọi tình yêu chân chính sẽ dẫn đến hôn nhân” (Engels) nhưng không phải mọi cuộc hôn nhân đều có tình yêu chân chính. Một cuộc hôn nhân không tình yêu hay tình giả, tình ảo sẽ chỉ đem đến thất bại, thất vọng và tan vỡ. Thực vậy, “Nếu không có trái tim yêu thương thì không có mái ấm gia đình” (Byron).
Gánh nặng vì là hôn-nhân-không-thực-tế. Do chủ quan và thiếu hiểu biết, một số người sẽ có những ý nghĩ sai lầm về hôn nhân. Cái nhìn của họ về hôn nhân sẽ phiến diện nên khi va chạm thực tế họ bị choáng và vỡ mộng. Một danh nhân có nói: “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau” (Poppée). Cái hình ảnh “một túp lều tranh với hai trái tim vàng” thực ra chỉ có ở trong mơ, bởi mục tiêu của hôn nhân không phải ngồi đó nhìn nhau mà cùng nhau hướng về một lý tưởng (Antoine de St Exupéry).
Hôn nhân vẫn được xem là một công trình mà đôi bạn phải kiến tạo suốt đời (André Maurois). Nó không phải là một bức tranh có sẵn hay một kiệt tác đã lập trình. Trái lại đó là một cuộc hành trình mà đôi bạn sẽ là bạn đường của nhau, cùng nhau sống, làm việc chung và dẫn dắt nhau đi, cùng chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng chấp nhận một định mệnh. Sống chết vui buồn có nhau.
Thực tế của hôn nhân sẽ khác với những gì bạn nghĩ tưởng và mơ mộng. Bởi thế, có nhiều bạn khi sau kết hôn đã buông xuôi, thất vọng. Họ cảm thấy hôn nhân quá nặng nề, quá phức tạp và đa đoan. Họ không biết rằng “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin), và rằng “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ dàng tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero).
Gánh nặng vì là hôn-nhân-không-chung-thủy. Để đảm bảo cho hôn nhân hạnh phúc lâu dài, hai bạn phải cam kết trung tín với nhau suốt đời. Khi cử hành bí tích hôn phối, trong phần thẩm vấn, vị chủ sự sẽ hỏi đôi bạn “có nhận nhau làm chồng/ làm vợ và hứa sẽ chung thủy với nhau lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không”. Câu trả lời của đôi bạn dĩ nhiên là “Có”.
Sự chung thủy trong đời sống vợ chồng là điều kiện vô cùng quan trọng, không thể thiếu được đối với đôi hôn phối. Khi mới lấy nhau, người ta mặn nồng, thắm thiết vì chưa trải qua thử thách, khó khăn. Nhưng sau thời gian chung sống, họ bắt đầu thấm thía sự đời và tâm trạng chán ngán sẽ xảy đến và càng ngày càng gia tăng. Nhất là khi xuất hiện bóng dáng một người thứ ba. Ai sẽ nói trước được điều gì sẽ xảy ra, khi mà “Ông ăn chả” hay “Bà ăn nem”? Cuộc sống chung sẽ nặng nề khi một trong hai hoặc cả hai người đã có những phút giây “ngoài vợ ngoài chồng” hay “chán cơm thèm phở”. Một cuộc hôn-nhân-không-chung-thủy chắc chắn sẽ là gánh nặng cho đôi bạn và sẽ là tiền đề cho một cuộc chia tay không xa./.
Aug. Trần Cao Khải
Lượt xem 171 Lần