Hành trình đi tìm ý nghĩa 3 chữ “Đạo Đại Nguyên” ở nhà thờ Đức Bà – Ba Làng

Trong hành trình đi tìm ý nghĩa của 3 chữ Hán Tự có ghi trên chính điện nhà thờ Đức Bà- Ba Làng, chúng tôi rất cảm ơn các học giả tầm cỡ gần xa đã góp phần chú giải và đưa ra đáp án 3 chữ này nghĩa là: “ĐẠO ĐẠI NGUYÊN” (hoặc Nguyên Đại Đạo).

Vậy, “ĐẠO ĐẠI NGUYÊN” có nghĩa là gì? Sau đây là một số kiến giải của bạn đọc gần xa, chúng tôi xin phép nêu lên một số chú thích tiêu biểu (chọn lọc), hầu giúp bạn đọc có được góc nhìn đa chiều nhất.

1. Tác giả Cù Mai Công:

“Ba chữ này nếu đọc theo kiểu chữ Nho xưa, từ phải sang trái là Đạo 道 Đại大 Nguyên 原. Dịch nôm na có thể (có thể thôi vì các cụ nhà mình xưa thâm thúy lắm): đạo gốc lớn. Còn đọc từ trái sang là Nguyên 原 Đại大 Đạo 道 : gốc đạo lớn. Chủ quan cá nhân thì em nghĩ theo ý đầu tiên hơn (vì các cụ xưa viết kiểu đó). Kính anh”

2. Tác giả Huỳnh Nguyên Vũ đáp lời Cù Mai Công:

“Theo ý chủ quan của em thì các đạo giáo lớn trong tiếng Hán hay dùng cụm từ “Đại đạo – 大道” (có thể tham khảo thêm Cao Đài Đại Đạo hoặc Phật Giáo Đại Đạo trong tiếng Hán), còn các cụ ngày xưa hay viết 1 chữ nhưng hàm ý rộng và bao quát hơn như từ “Nguyên – 原”,từ này có thể hiểu là “Nguyên Thuỷ – 原水” hay/ hoặc “Khởi Nguyên (nguồn) – 起原“ hoặc là Chính Thống。Vì phân tích trên, có thể hiểu 3 từ “ 原大道” tiếng Hán Việt cận đại sẽ là “Chính Thống Đại Đạo (giáo)”, là đạo (giáo) lớn khởi nguồn cổ đại từ xa xưa trong các tôn giáo. Không biết hiểu vậy có đúng không nữa 😊

3. Tác giả Kính Xóm Mảnh:
“Đại đạo nguyên”
“Đấng cao đài”

Đây là đại tự trước mặt tiền nhà thờ giáo xứ Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Theo thống kê của viện hàn lâm thì hiện nay cũng chỉ có 26 nhà thờ là có chữ hán nôm còn xót lại trong đó có nhà thờ Ba Làng, Thanh Hoá. Ba chữ này cũng được viết ở những nơi khác kể cả trong Phật giáo, đạo giáo, tiên giáo…Được viết ở đây là Thánh giáo. Một số nhà thờ được viết ở Giáo đường. V.v…

4. Từ tác giả Đặng Quốc Việt:

Chữ “Nguyên” thật đa nghĩa. Song có lẽ ở đây không mang ý nghĩa là Đại Đạo , như quan điểm Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ như bên Cao Đài được. Nên ko thể đọc là Nguyên Đại Đạo theo cách trình bày ( từ phải qua trái được ) Mà đọc Đạo Đại Nguyên thì hợp lý hơn.

“Đạo” có thể được tách riêng với hàm ý chung trong danh xưng tín ngưỡng.( Đạo Phật, Đạo Khổng , Đạo Nho, Đạo công giáo …) Mà Đạo ở đây là Đạo công giáo . Câu quen thuộc dễ phân biệt là Nhà thờ Đạo là những người anh em sẽ phân biệt ra ngay là nhà thờ công giáo.

“Đại” là lớn, là bao la,

“Nguyên” thì nhiều nghĩa, có thể là Nguyện , cũng có thể là Nguyên . ( Nguyên có thể hiểu là Y Như, Nguyên vẹn, Nguyên xi : Giữ y như cũ ., ..)

Song các cụ ngày xưa thường thâm ý sâu sắc. Em nghĩ là Đại Nguyên thì phù hợp hơn. Nếu như đọc là Đạo / Đại Nguyên : Nhà thờ Đạo, và dù có trải qua thời gian như thế nào thì nơi đây vẫn là nơi bắt đầu của Đạo. Ngụ ý cho con cháu ngày sau luôn nhớ về nguồn cội và luôn làm theo ý mà người đã răn dạy. Ta là Đạo, mà Đạo cũng là ta, Và hãy giữ mãi cái điều vĩ Đại ấy Nguyên vẹn trong tình yêu của Chúa. Chúa luôn ở bên chúng ta . Amen

5. Từ tác giả Gà Con:

Nguyên đại đạo. Tức là đại đạo bắt đầu từ đây. 3 chữ này kết hợp với thiết kế nhà thờ cổ Ba Làng là tháp ngũ phúc. Có ý nghĩa là : phú,quý, thọ,khang,ninh. Mong cho con chiên lấy đạo làm đầu, sống ấm no, có đức tính tốt, trường tồn.

6. Từ tác giả Trantho Nguyen:

Xin mạn phép : “Nguyên Đại Đạo”
Hai từ Đại và Đạo ý nghĩa dễ nhận biết. Nhưng chữ Nguyên ở đây cũng có nghĩa như chữ Nguyên trong Tết Nguyên đán, Nguyên là sự khởi đầu.

Ý nghĩa theo tôi:
Bắt đầu mở ra của con đường lớn.
Theo kinh thánh, Chúa Giêsu có nói : “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.”

Vậy, dựa trên nền tảng hán nôm và ý niệm tôn giáo ba chữ trên, Nguyên Đại Đạo đặt trên cổng Nhà thờ có thể là. Nhà thờ ( đạo Công giáo ) là nơi bắt đầu cho mọi nẻo đường cuộc sống. Vì đại đạo là con đường lớn cũng có thể hiểu là con đường chính. Ý nghĩa nhắc nhở [ giáo dân ], Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự. Thân mến!

P/S : vì sao lại là Nguyên Đại Đạo mà không phải là Đại Đại Nguyên?
Đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam từ người Châu Âu, nên sẽ ảnh hưởng theo văn hóa Châu Âu việt và đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới.
Thời điểm xây dựng Nhà thờ này có thể chữ quốc ngữ theo mẫu tự la tinh chưa được phổ biến.

7. Sau đây là lời kiến giải từ Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Khánh, SJ trong thư gửi cha Phaolo Thái Sơn, SJ

Anh Sơn mến,

Đây là ba chữ Hán. Tìm qua các nguồn tài liệu, ba chữ “道大原”(Đạo đại nguyên) xuất phát từ cuốn “Chuyện Đổng Trọng Thư”(《董仲舒传》), một tập nhỏ của bộ sách Hàn Thư(《汉书 》), được viết từ thời Đông Hán, thế kỷ I-II sau công nguyên.

Nguyên văn của nó là “道之大原出于天,天不变,道亦不变” âm Hán Việt là: “Đạo chi đại nguyên xuất vu Thiên, Thiên bất biến, Đạo diệc bất biến”.

Nghĩa là: Gốc lớn(hay cội rễ) của Đạo xuất phát từ Thiên, Thiên bất biến(vĩnh cửu), đạo cũng bất biến. Như vậy, ba chữ “Đạo đại nguyên” bớt đi một chữ “chi”. nội dung của câu này khẳng định nguồn gốc thần thánh, vĩnh cửu của Đạo. Đạo này là đạo Trời!

Trong mạch văn rộng lớn hơn của câu trích, Đổng Trọng Thư khẳng định rằng các thánh vương của Trung Hoa như Nghiêu, Thuấn, Vũ đều giữ gìn và tôn kính Đạo này. Ông nói điều đó chủ ý nhằm vào các vị hoàng đế nhà Hán đương thời, khuyến khích các ông phải noi gương các vị thánh vương xưa trong việc tôn kính Đạo mà trị nước. Vua quan và giới sĩ phu Việt Nam thời xưa hẳn hiểu ngay ý nghĩa và bối cảnh của ba chữ “Đạo đại nguyên” này.

Chúc cha trung ương vui khoẻ!

8. Kết Luận:

Tới đây, chúng tôi xin phép khép lại bài tiểu luận nhỏ này. Như chúng ta thấy, sự phong phú và uyên thâm trong cung cách dùng từ ngữ của các cố xưa. Một chữ đơn giản nhưng hàm ý sâu sắc vô cùng. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được những bài viết tích cực từ quý vị bạn đọc gần xa, ngõ hầu làm phong phú thêm kiến thức lịch sử của Đạo Công Giáo trên đất Việt.

Để kết thúc bài viết này, Chúng tôi có gặp được Bộ sách “Thánh Đạo Đại Nguyên lược giải” xuất bản lần đầu vào năm 1907, (trùng với thời gian các nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam có ghi 3 chữ ĐẠO ĐẠI NGUYÊN làm danh xưng)

Nguyên cuốn sách này là tài sản của cha Hóa, cha đỡ đầu của cha Giuse Thâu. “Thánh đạo đại nguyên lược giải” là bộ sách giáo lý dành cho các thầy giảng (giáo lý viên) gồm hai cuốn:

– “Cuốn thứ nhứt” dày 220 trang, in lần thứ hai vào năm 1927 tại Nhà in Qui Nhơn (Imprimerie de la Mission Quinhon).

– « Cuốn thứ hai » dày 241 trang, in lần thứ hai vào năm 1929 tại Nhà in Qui Nhơn (Imprimerie de la Mission Quinhon). Đáng tiếc là cuốn này đã bị mối ăn một phần từ trang 173 đến trang 241.

Tác phẩm này là công trình hợp tác của Đức cha Jeanningros Vị và cha Simon Chính. Xin trích phần «Tiểu dẫn» để chúng ta hiểu rõ hơn về nội dung bộ sách. Qua đó, phần nào nắm bắt được tinh thần của tên gọi “ĐẠO ĐẠI NGUYÊN” có ghi trên chính điện của nhà thờ Đức Bà, Ba Làng

THÁNH ĐẠO ĐẠI NGUYÊN LƯỢC GIẢI
TIỂU DẪN

Đức Chúa Trời dựng nên loài người có trí khôn, để cứ lẽ mà nhìn biết sự thật trên hết, là Đức Chúa Trời, là đấng sanh dưỡng cai trị mọi loài, đáng yêu mến kính thờ trên hết mọi sự. Nhưng mà trí người ta đã ra tối tăm u trệ, phần thì nhiễm lấy lẽ dối trá dị đoan, lại tâm tình hay nghiêng chìu về đàng trái, ham mê những sự xác thịt ưa hạp: nên lấy đạo thánh Chúa làm khó tin, khó giữ, chẳng màng xét tới, mà lại bắt bẻ đều nọ sự kia.

Vì vậy, phải có ơn riêng Chúa ban, người ta mới có sức trở về đàng chính mà tin, giữ đạo thánh sốt sắng bền đỗ.

Nhưng mà cho được ơn ấy, thì Đức Chúa Trời dùng kẻ giảng dạy mở lòng người ta trước. Như xưa Đức Chúa Trời sai môn đệ đi giảng thành nọ chỗ kia trước, đoạn Người đến sau, lại Người dạy rằng: Bay hãy đi giảng cho muôn dân thiên hạ, ai tin mà chịu phép Rửa tội, thì đặng rỗi. Ấy vậy ơn giữ đạo bởi đức tin, tin bởi nghe hiểu. Cho nên phải có kẻ thông biết lẽ đạo đành rành, cùng biết phân giải rẽ ròi minh bạch, dùng những sự thấy đặng mà đem đến việc thiêng liêng, mượn lấy lẽ tầm thường mà suy đến đều cao sâu mầu nhiệm, thì người ta mới dễ nếm mùi đạo thánh. Vì trí khôn thấy sự gì có chứng cớ minh bạch, có lý sự vững vàng, mới lấy làm chắc thật.

Bởi đó kẻ muốn giảng rao danh thánh Chúa, giúp phần rỗi người ta, phải gia công tập luyện cho đầy lòng mến Chúa yêu người, cùng gắn sức học hành cho thông minh đạo lý. Chẳng những phải thuộc mấy đều cần kíp như bổn đạo thường, mà lại phải biết lấy lẽ chắc chắn làm chứng vững vàng, biết dùng ví dụ ám hạp, cắt nghĩa rõ ràng, biết phân giải, đối đáp những đều người ta nghi nan, bắt bẻ thì mới sáng danh đạo thánh Chúa, và làm ích cho người ta.

Nhơn vì sự ấy, đã đặt lấy những đều đại cái trong đạo, lựa những lẽ dễ hiểu trong sách lý đoán, sách thánh hiền cắt nghĩa, cùng giải một hai đều kẻ ngoại hay cơ hỏi bắt bẻ, mà đón làm một bổn, đặt hiệu là Thánh đạo đại nguyên lược giải: phân làm hai cuốn, chia phần, đoạn vắn dài tùy việc, có ý cho vừa sức học trò dễ hiểu dễ nhớ.

Cuốn nhứt tóm lại và giải những sự phải biết, phải tin, là lẽ thật soi sáng cho ta bỏ đàng lạc, trở về đàng chính, mà vưng giữ lề luật Đức Chúa Trời. Cho nên trước hết giảng chung cho biết đạo nào đáng giữ, đạo nào chăng, đoạn cứ thứ theo KINH TIN KÍNH mà phân giải.

Cuốn nhì chỉ những việc phải làm, những đều phải lánh, và phương phép giúp ta làm lành lánh giữ, cùng cách thế cầu xin cho được ơn trọn lành bền đỗ, hầu đặng lãnh phần thưởng toàn công. Cho nên sẽ cứ theo MƯỜI GIÁI RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI, SÁU ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH, BẢY MỐI TỘI ĐẦU, BẢY PHÉP BÍ TÍCH.

Vốn kẻ dạy người ta, phải học nhiều, mới biết dạy ít. Nên đây dọn vừa đủ cho thầy giảng học, hầu biết phân giải mấy đều mình muốn dạy. Ấy vậy thầy giảng phải biết lựa mấy đều chính gốc, đều cần hơn: sự gì người ta phải biết trước, thì dạy trước cho vừa sức kẻ nghe. Cứ sự dễ lần tới sự khó, bậc thấp men lên bậc cao. Cũng như kẻ lên thang, phải qua bậc cần, bậc dưới trước hết, đoạn mới lần lên mấy bậc trên đặng.

Giáo hữu cũng đặng nhờ sách này mà thêm rõ những sự mình phải tin, phải giữ. Vì nhiều người chưa nghe giảng dạy lẽ đạo cho đủ đầu đuôi, lại dầu đã nghe, cũng hay quên mau lảng, có năng coi sách, mới dễ nhớ dễ thuộc hơn. Vì lời nói mau bay, mà chữ biên thì bền đậu. Lại được nhờ đây cho biết giảng giải lẽ đạo, giúp kẻ ngoại trở về đàng chính, vì Đức Chúa Giêsu cũng đã đổ hết máu mình mà cứu chuộc phô kẻ ấy.

Ấy vậy chớ chi mỗi người có đạo nên mỗi tông đồ trong xứ mình, vì Đức Chúa Trời ban cho mình đạo thánh Chúa trước, âu là cũng có ý dạy kẻ chưa biết, nhứt là trong bà con thân tộc mình. Vì vậy, dám khuyên coi xét sách nầy cho rõ đạo lý.

Làm tại nhà trường ĐẠI AN

Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 1907
S. CHÍNH
BTTVHQN

@Ekip Người Ba Làng Kể Chuyện

Lượt xem 675 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *