Ga 4,5-15: ”Khát nước hằng ngày” – ”khát nước sự sống”

Ga 4,5-15: ”Khát nước hằng ngày” – ”khát nước sự sống”


3/3/2013 10:15:35 AM

Ngôn ngữ biểu tượng, nghịch lý và kỹ thuật hành văn hiểu lầm trong Tin Mừng Gio-an

phongcanh.jpg 

Nội dung

 

I. Bản văn Ga 4,5-15

II. Dẫn nhập

III. Phân tích

    1. Ngôn ngữ biểu tượng và nghịch lý

    2. Kỹ thuật hành văn dị nghĩa, gây hiểu lầm

    3. Cuộc gặp gỡ, đối thoại vượt trên mọi thứ rào cản

IV. Kết luận

 

 

I. Bản văn Ga 4,5-15 (Bn văn Gio-an, TIN MNG và BA THƯ)

 

5 Vậy Người [Đức Giê-su] đến một thành Sa-ma-ri, gọi là Xy-kha, gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se, con của ông ấy. 6 Ở đó có giếng Gia-cóp. Đức Giê-su vất vả vì đi đường nên ngồi xuống bờ giếng. Lúc đó khoảng giờ thứ sáu [12 giờ trưa].

 

7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với chị ấy: “Cho Tôi uống với.” 8 Vì các môn đệ của Người đã đi vào thành để mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri nói với Người: “Làm sao Ông là người Do Thái lại xin tôi nước uống, tôi là một phụ nữ Sa-ma-ri?” Vì người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri.

 

10 Đức Giê-su trả lời và nói với chị ấy: “Nếu chị nhận biết ân huệ của Thiên Chúa và ai là người nói với chị: ‘Cho Tôi uống với’, hẳn chị đã xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước sự sống.” 11 [Chị ấy] nói với Người: “Thưa Ông, Ông không có gầu và giếng lại sâu. Vậy, Ông có nước sự sống từ đâu? 12 Chẳng lẽ Ông lớn hơn cha của chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này, chính người đã uống nơi giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của người nữa?”

 

13 Đức Giê-su trả lời và nói với chị ấy: “Bất kỳ ai uống nước này sẽ lại khát. 14 Nhưng ai uống nước mà chính Tôi sẽ ban cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát. Nhưng nước mà Tôi sẽ ban cho người ấy sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời.” 15 Người phụ nữ nói với Người: “Thưa Ông, xin Ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây múc nước.”

 

II. Dẫn nhập

 

Đoạn văn Ga 4,5-15 thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp vào lúc giữa trưa, khi ấy Đức Giê-su vất vả vì đi đường nên ngồi xuống bờ giếng (4,6). Đoạn Tin Mừng này vừa là ví dụ điển hình của việc tin vào Đức Giê-su, nghĩa là dám từ bỏ con đường mình đang đi để tuyên xưng niềm tin vào Người, vừa là mặc khải về căn tính của Đức Giê-su một cách nghịch lý: Người có nước sự sống lại đang khát nước và phải xin nước để uống.

 

Câu chuyện về người phụ nữ Sa-ma-ri chỉ có trong Tin Mừng Gio-an và được trình bày cách độc đáo với kiểu hành văn đặc thù của Tin Mừng Gio-an, phần sau sẽ phân tích ba đề tài trong đoạn văn Ga 4,5-15:

(1) Ngôn ngữ biểu tượng và nghịch lý: “Khát nước hằng ngày” và “khát nước sự sống”.

(2) Kỹ thuật hành văn dị nghĩa, gây hiểu lầm, nhằm giúp độc giả hiểu đúng mặc khải.

(3) Cuộc gặp gỡ và đối thoại vượt trên mọi thứ rào cản như: Tôn giáo, phái tính và nơi thờ phượng. Đây là cuộc gặp gỡ có khả năng làm nẩy sinh sự đón nhận lẫn nhau và dẫn đến sự sống đích thực, sự thờ phượng đích thực và niềm tin đích thực.

 

III. Phân tích

 

1. Ngôn ngữ biểu tượng và nghịch lý

 

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp mô tả sự tìm kiếm của hai con người. Đức Giê-su là người xin nước uống vì Người vất vả đi đường lúc giữa trưa. Người nói với người phụ nữ: “Xin chị cho Tôi nước uống” (4,7). Còn người phụ nữ Sa-ma-ri là người thường xuyên vất vả tới giếng múc nước nên cũng xin nước uống. Chị ấy nói với Đức Giê-su: “Thưa Ông, xin Ông cho tôi thứ nước ấy [nước sự sống], để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4,15). Câu chuyện về “khát nước” và “lấy nước” bên bờ giếng mở đầu và kết thúc bằng hai lời xin: Người có “nước hằng sống” (dịch sát: “nước sự sống”) thì xin “nước hằng ngày”. Còn người có gầu để múc nước giếng, nghĩa là có “nước hằng ngày” lại xin “nước sự sống”.

 

Câu chuyện nói đến hai thứ nước và hai thứ khát. Đức Giê-su nói về sự khác biệt giữa “nước giếng” và “nước sự sống” như sau: “13 Bất kỳ ai uống nước này [nước giếng] sẽ lại khát. 14 Nhưng ai uống nước mà chính Tôi sẽ ban cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát. Nhưng nước mà Tôi sẽ ban cho người ấy sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (4,13-14). “Nước hằng ngày” là thứ nước uống vào sẽ lại khát, còn “nước sự sống” là thứ nước uống vào sẽ không bao giờ khát nữa.

 

Như thế trong cuộc đối thoại, danh từ “nước” (hudôr) và động từ “khát” (dipsaô) vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa biểu tượng. Nghĩa đen là nước uống hằng ngày, nghĩa biểu tượng là “nước đích thực” mà Đức Giê-su ban tặng cho những ai tin vào Người. Để phân biệt, Đức Giê-su gọi thứ nước này là “nước sự sống” (hudôr zôn). “Khát nước” theo nghĩa đen là khát nước uống hằng ngày. “Khát” theo nghĩa biểu tượng là “khát nước sự sống”, nghĩa là khao khát sự thật, khát được biết ai là đấng cứu độ trần gian, khát tâm linh, khát sự thờ phượng đích thực, khao khát gặp được ai đó đáng tin và để tin. Như thế, nghĩa biểu tượng của “nước” và “khát nước” nhằm trình bày mặc khải. Tuy nhiên trong mạch văn, nghĩa đen của việc “khát nước” cũng mặc khải về căn tính của Đức Giê-su: Đức Giê-su là con người như bao người khác và nhân tính của Đức Giê-su được tỏ lộ qua kiểu hành văn tương phản, hài hước và nghịch lý: Người tự cho mình có “nước sự sống”, uống vào thì đời đời sẽ không khát, nhưng người ấy lại đang khát và phải xin người phụ nữ Sa-ma-ri nước để uống: “Chị cho Tôi uống với” (4,7). Theo mạch văn, nước hằng ngày quan trọng, vì chính Đức Giê-su đã mệt mỏi vì đi đường và Người xin nước uống. Như thế, nhu cầu về nước hằng ngày diễn tả thân phận làm người của Đức Giê-su. Người là con người như mọi người, sống trọn vẹn thân phận làm người. Người cũng đói, khát, vất vả thi hành sứ vụ như bao người khác.

 

Đồng thời bản văn cho phép hiểu đói, khát, vất vả theo nghĩa biểu tượng. Đức Giê-su khao khát rao giảng Tin Mừng. Người chấp nhận vất vả để dẫn đưa những con chiên lạc về cùng một ràn chiên. Nghĩa biểu tượng của động từ “khát” được gợi ý trong cách kể chuyện. Thực vậy, điều nói rõ trong bản văn là Đức Giê-su khát nước và Người xin nước để uống, nhưng trình thuật không kể việc Đức Giê-su uống nước mà đi thẳng vào trọng tâm câu chuyện là mặc khải của Đức Giê-su về căn tính và sứ vụ của Người. Khi người phụ nữ hỏi: “Làm sao Ông là người Do Thái lại xin tôi nước uống, tôi là một phụ nữ Sa-ma-ri?” (4,9), Đức Giê-su không trả lời câu hỏi này mà đi thẳng vào điều Người muốn mặc khải cho chị: “Nếu chị nhận biết ân huệ của Thiên Chúa và ai là người nói với chị: ‘Cho Tôi uống với’, hẳn chị đã xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước sự sống” (4,10).

 

Chi tiết Đức Giê-su xin nước uống vừa là mặc khải về nhân tính của Đức Giê-su, vừa đề cao vai trò của người phụ nữ. Đức Giê-su đang cần đến sự giúp đỡ của chị, đồng thời Người đề nghị với chị thứ nước Người có khả năng ban cho chị: “Nước sự sống”. Đức Giê-su tôn trọng quá khứ, hiện tại và tương lai của chị, Người mặc khải để chị biết Người là ai và chị được tự do lựa chọn con đường của mình, lựa chọn tin vào ai và tin vào điều gì.

 

2. Kỹ thuật hành văn dị nghĩa, gây hiểu lầm

 

Hành trình tìm kiếm của người phụ nữ Sa-ma-ri được trình bày qua kỹ thuật hành văn gây hiểu lầm. Trước hết chị hiểu lầm “nước giếng” là “nước sự sống”, vì chị nói với Đức Giê-su: “Thưa Ông, Ông không có gầu và giếng lại sâu. Vậy, Ông có nước sự sống từ đâu?” (4,12). Trong mạch văn, quà tặng của Đức Giê-su là “nước sự sống”, dịch sát: “nước sống” (hudôr zôn) theo nghĩa nước sống động, sinh động (living water) chứ không phải nước tù trong ao. Người phụ nữ đã hiểu “nước sống” theo nghĩa đen. Thứ đến, chị hiểu lầm về “khát nước giếng” và “khát nước sự sống” khi chị nói với Đức Giê-su: “Thưa Ông, xin ông cho Tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây múc nước” (4,15).

 

Trao đổi về đề tài “nước uống” và “khát nước” kết thúc ở đây (4,15) vì xem ra chị ấy hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của “nước sự sống” như Đức Giê-su muốn. Để tiếp tục cuộc đối thoại, Đức Giê-su quyết định thay đổi đề tài, Người với chị: “Hãy đi gọi chồng của chị, rồi trở lại đây” (4,16). Mục đích kỹ thuật hành văn gây hiểu lầm trên đây muốn nói với độc giả rằng: Đừng nghĩ và đừng hiểu sai như nhân vật trong câu chuyện. Nói cách khác, nhờ sự hiểu lầm của người phụ nữ Sa-ma-ri trong trình thuật mà độc giả có cơ may hiểu đúng và phân biệt rõ nghĩa đen và nghĩa biểu tượng của “nước giếng” và “nước sự sống”. Nhờ đó độc giả hiểu tại sao Đức Giê-su có “nước sự sống” mà phải “xin nước giếng” để uống.

 

Đến cuối trình thuật (4,39-42), độc giả sẽ nhận ra rằng không phải dùng gầu để múc “nước sự sống” như người phụ nữ Sa-ma-ri đã nghĩ (4,11), nhưng để có nước sự sống, con người cần đón nhận và tin vào Đức Giê-su. Câu chuyện kết thúc khi những người Sa-ma-ri trong thành Xy-kha đến gặp Đức Giê-su và họ nói với người phụ nữ: “Không còn phải vì lời của chị mà chúng tôi tin. Vì chính chúng tôi đã nghe và đã biết rằng Người thật là Đấng cứu độ thế gian.” Như thế, “TIN”, “NGHE”, “BIẾT” Đức Giê-su và tuyên xưng Người là “ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN” thì có “nước sự sống” nơi mình. Đó là thứ nước “sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (4,14).

 

3. Cuộc gặp gỡ, đối thoại vượt trên mọi thứ rào cản

 

Ý nghĩa thứ ba của trình thuật là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri đã vượt trên mọi thứ rào cản. Câu chuyện mở đầu với sự ngạc nhiên của người phụ nữ: “Làm sao Ông là người Do Thái lại xin tôi nước uống, tôi là một phụ nữ Sa-ma-ri?” (4,9). Câu hỏi này cho thấy khoảng cách giữa hai bên, cụ thể là sự khác biệt về nguồn gốc và niềm tin (Do Thái – Sa-ma-ri), rào cản phái tính (nam – nữ), khác nhau về nơi thờ phượng (Giê-ru-sa-lem – Gơ-ri-dim). Tuy vậy, câu chuyện kết thúc trong niềm tin và đón nhận lẫn nhau. Nhờ lời loan báo của người phụ nữ, những người Sa-ma-ri trong thành Xy-kha đến với Đức Giê-su và “xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày” (4,40). Cuộc gặp gỡ kết thúc tốt đẹp khi người thuật chuyện cho biết kết quả việc Đức Giê-su ở lại với họ như sau: “Nhiều người hơn nữa đã tin, nhờ lời của Người” (4,41). Cuộc gặp gỡ mở đầu với nhiều trở ngại, nhưng Đức Giê-su đã vượt trên mọi thứ rào cản để dẫn người nghe đến lựa chọn đón nhận lời mặc khải và tin vào Người.

 

IV. Kết luận

 

Có thể rút ra từ Ga 4,5-15 ba bài học: (1) Ngôn ngữ và văn chương Gio-an. (2) Hành trình tìm kiếm nước sự sống. (3) Cách thức gặp gỡ và đối thoại đích thực.

 

(1) Bài học thứ nhất liên quan đến ngôn ngữ và văn chương Gio-an. Trong Tin Mừng Gio-an, tác giả thường dùng ngôn ngữ biểu tượng, dị nghĩa và gây hiểu lầm. Trong Ga 4,7-15, danh từ “nước” và động từ “khát” vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa biểu tượng và cả hai nghĩa đều quan trọng. Các từ dị nghĩa trong bản văn thường làm cho người nghe hiểu lầm. Đức Giê-su nói theo nghĩa biểu tượng thì người nghe hiểu theo nghĩa đen. Đây là kỹ thuật hành văn nhằm giúp độc giả hiểu đúng lời Đức Giê-su, nghĩa là nhận ra nhân vật trong câu chuyện hiểu sai, hiểu lầm lời của Người.

 

Tin Mừng Gio-an thường trình bày đề tài cách nghịch lý. Chẳng hạn người ban nước sự sống lại phải xin nước uống. Kiểu hành văn này làm lộ ra căn tính của Đức Giê-su: Người là Con Thiên Chúa (ban nước sự sống) và Người là con người (khát nước và xin nước uống). Sự nghịch lý này sẽ đạt đến đỉnh cao trên thập giá: Chết trên thập giá là tôn vinh.

 

(2) Bài học thứ hai là hành trình tìm kiếm “nước sự sống”. Câu chuyện mời gọi độc giả hãy coi trọng cả hai thứ nước: “nước sự sống” và “nước hằng ngày”. Đừng chỉ chú trọng tìm “nước sự sống” mà xem nhẹ công việc làm ăn để “có nước hằng ngày”. Cách hiểu của người phụ nữ Sa-ma-ri: “Thưa Ông, xin Ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây múc nước” là đã hiểu sai về “nước sự sống”. Để có “nước sự sống” con người cần không ngừng khao khát đối thoại với Đức Giê-su và hiểu đúng lời mặc khải của Người. Từ đó, “đến với”, “tin” và “ở lại” với Người. Đó là cách con người đón nhận “nước sự sống”, thứ nước sẽ làm thoả mãn mọi khát vọng của con người.

 

(3) Bài học thứ ba là cách thức gặp gỡ và đối thoại với người khác. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri đã diễn ra ở một nơi cụ thể: giếng Gia-cóp, gần thành Xy-kha miền Sa-ma-ri. Đồng thời trình thuật mời gọi độc giả áp dụng cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Gia-cóp vào những cuộc gặp gỡ hằng ngày trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Đó là những cuộc gặp gỡ có khả năng giải thoát khỏi mọi hình thức ngăn cách và khác biệt về niềm tin, giới tính hay nơi thờ phượng. Từ đó làm nẩy sinh đối thoại đích thực trong sự chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Nếu như đối thoại và gặp gỡ dẫn đến sự hiểu biết “Đức Giê-su là ai” và “nước sự sống là gì” thì độc giả đang sống Lời Chúa và đang làm sống lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri trong thế giới hôm nay./.

 

Ngày 03 tháng 03 năm 2013.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.

leminhthongtinmunggioan.blogspot.com 

Lượt xem 146 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *