Đứng trước cuộc Thương Khó

Phụng Vụ Tuần Thánh cho chúng ta suy gẫm về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu một cách thật đặc biệt. Trong suốt năm, chỉ có hai ngày chúng ta được chính thức nghe đọc bài Tường thuật Cuộc Thương Khó, là ngày Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
 

Trong tấn thảm kịch này, có nhiều nhân vật và nhiều nhóm nhân vật khác nhau trực tiếp hay gián tiếp can dự vào. Nếu chúng ta không nghe các bài tường thuật một cách thờ ơ, lơ đãng hoặc một cách bàng quan, chắc chúng sẽ có thể nảy ra câu hỏi: Tôi đứng ở vị trí nào trong cuộc thương khó này? Dĩ nhiên câu trả lời cụ thể tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng tôi nghĩ rằng nói chung, chúng ta có thể là bất cứ ai, có thể thuộc về bất cứ nhóm nhân vật nào, bởi vì khả năng làm điều xấu là có thực và rất đa dạng trong lòng chúng ta, cũng như ngược lại, khả năng làm điều tốt vẫn không thiếu nơi ta.

1. Chẳng hạn, ta có thể đứng trong đám quần chúng đã tung hô Chúa vào thành Giêrusalem cách long trọng dăm ba hôm trước, nhưng hôm nay, chính ta lại lớn tiếng yêu cầu nhà chức trách: “Hãy đóng đinh nó đi!” Ðám dân chúng này đã hoàn toàn hiểu sai Ðức Giêsu. Họ chờ đợi nơi Người những điều không nằm trong sứ mạng của Người như của cải vật chất, quyền hành, danh vọng, một đời sống an toàn, bảo đảm. Họ đã thất vọng. Nên khi thế cờ bị lật ngược, khi Chúa sa cơ thất thế thì họ đã trở lòng. Sự thay đổi mau lẹ này nhắc nhở ta một điều là, tuy chúng ta thật có lý mà vui mừng vì được làm môn đệ Ðức Giêsu, song ta mỏng dòn, yếu đuối biết bao, chúng ta dễ dàng bỏ Chúa biết bao! Vậy nên chúng ta cần phải tự hỏi: Tôi theo Chúa vì lý do nào? Vì mục đích gì? Tôi chờ đợi điều gì nơi Chúa?

2. Nếu được phỏng vấn: “Ông, bà, anh, chị nghĩ gì về nhóm binh lính bắt bớ Chúa, nhạo báng, đánh đập và đóng đinh Chúa? Có thể nào ông, bà, anh, chị chấp nhận đứng vào trong nhóm họ không?”, chúng ta chắc chắn sẽ trả lời không chút ngần ngại: “Họ xấu lắm, độc ác lắm. Không đời nào tôi dám làm như bọn họ”. Thế nhưng thánh Phanxicô bảo ta: Hãy từ từ, suy nghĩ thật kỹ rồi hẵng trả lời. Trong một bài khuyên răn các môn đệ mình, Thánh nhân nói: “Người ơi, hãy gẫm mà xem Chúa đã đặt ngươi lên mức tuyệt hảo dường nào! (…) Vậy mà mọi vật dưới gầm trời, tùy theo bản tính của từng loại, đều phụng sự, nhận biết và vâng phục Ðấng tạo Hóa hơn cả chính ngươi. Hơn nữa, cũng không phải ma quỉ đã đóng đinh Ngài, nhưng chính ngươi đã cùng với chúng đóng đinh Ngài, và ngươi còn tiếp tục đóng đinh Ngài khi tìm lạc thú trong nết xấu và tội lỗi. Thế ngươi còn vênh vang cái nỗi gì?” (Huấn ngôn 5). – Vậy suy gẫm sự Thương khó của Chúa Giêsu phải kích thích lòng khiêm nhường chúng ta và phải đưa ta đến chỗ đấm ngực ăn năn thống hối tội lỗi mình.

3. Có khá lắm chúng ta sẽ thuộc nhóm các phụ nữ thành Giêrusalem mủi lòng trước thảm cảnh Chúa vác thập giá lê bước đi lên Núi Sọ. Bài Thương Khó và các nghi lễ Tuần Thánh chắc có đánh động ta không nhiều thì ít. Nhưng chỉ cảm thương Chúa mà thôi chưa đủ. Nếu chỉ là tình cảm chóng qua chóng hết, nếu ta không biết khóc lóc tội mình và hoán cải, nếu ta không ra sức vác thập giá mình mà đi theo Chúa cho tới cùng thì rồi cũng chẳng ích lợi gì. Tình cảm suông chẳng sinh ích bao nhiêu, cần phải biến cảm xúc thành hành động. Hồng y Henry Newman viết: “Cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến sự đau khổ của Chúa Kitô mà không đi tới chỗ vâng lời Người thì không phải là yêu mến Người thật nhưng là chế ngạo Người. Tình yêu chân chính đưa tới tình cảm đúng và hành động đúng. Những tình cảm nồng nàn không đi đôi với đời sống đạo đức, đó chỉ là một thứ giả hình…”

4. Khá hơn nữa, chúng ta sẽ là ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa. Có thể được lắm chứ, bởi vì ông ta chỉ là con người hèn mọn và cũng chẳng phải ông xung phong làm việc tốt lành này. Vâng, “trong cái đám đông ấy, hẳn ông là người thấp hèn nhất, bị khinh dể nhất. Nếu là để làm việc gì cao sang hơn thì người ta đã không chú ý tới ông. Nhưng vì đây là công việc nặng nhọc của một phu khuân vác và vì dự phần vào số phận của một tên tử tội là một điều nhục nhã, nên Simon là người thích hợp cho hoàn cảnh: ông là một công nhân, một người hèn mọn, một người nghèo khó có thể bị bắt làm phu dịch tha hồ. Tại sao chính cái phần bị ngược đãi nhất và tối tăm nhất của đời ta lại có thể dự phần vào công việc của Chúa Cứu Thế? Ðó là điều phũ phàng và khó hiểu đối với ta. Sở dĩ như thế là vì ta có khuynh hướng loại trừ ra khỏi đời ta những gì làm cho nó nghèo nàn, khốn khổ. Nhưng đó lại chính là cái làm cho ta có khả năng được trưng dụng bởi tình yêu như Ðấng Cứu Thế ngày xưa” (R.Voillaume). Ðiều ta phải bắt chước nơi ông Simon là tuy bị bắt ép vác đỡ thánh giá ngoài ý muốn của mình, nhưng ông đã mau mắn chia sẽ nỗi khổ nhục của Chúa cách ý thức và tích cực. Chắc hẳn nhờ đó mà sau này hai con của ông là Alêxanđê và Ruphô đã trở thành Kitô hữu.

5. Ðể nêu một khả năng cuối cùng trong nhiều khả năng còn lại: chúng ta thuộc về Nhóm 11 Tông Ðồ. Chúng ta thường là những người có thiện chí, có nhiều điều dốc quyết tốt lành; chúng ta muốn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh; có thể chúng ta còn quảng đại tham gia đời sống Giáo Hội, làm nhiều việc tông đồ, xã hội và từ thiện; là thành viên tích cực của hội đoàn này, hội đoàn kia trong giáo xứ… Nhưng rồi “lửa thử vàng, gian nan thử đức”, một hoàn cảnh nào đó bất ngờ xảy tới buộc chúng ta phải đưa hết tinh thần Kitô hữu của mình ra mà thi thố, bấy giờ chúng ta mới nhận ra rằng tinh thần ấy chưa bén rễ sâu nơi mình, và thực tế chúng ta vẫn còn ngả nghiêng lắm, yếu đuối và hèn nhát lắm, chẳng khác chi các Tông Ðồ sau khi Chúa bị bắt. Họ đào tẩu hết. Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai? Khi Giáo Hội gặp khó khăn, khi những người chung quanh trở lòng bỏ Chúa, chúng ta rất dễ sinh nao núng, ngờ vực và thậm chí chối bỏ Chúa như ông Phêrô. Nhưng trường hợp Phêrô cũng nhắc nhở ta rằng cho dù ta có sa ngã thế nào đi nữa cũng không phải là tuyệt vọng. Chúa vẵn đưa mắt nhân từ nhìn ta và kêu nài ta quay trở về mỗi khi ta trót hèn hát phản bội Chúa. Chỉ có cùng đường, tuyệt vọng khi chính ta tuyệt vọng về mình và mất hẳn lòng trông cậy vào tình thương tha thứ của Chúa, như ông Giuđa. Tình thương của Chúa chỉ “bó tay” khi chúng ta nhất quyết từ chối hành động tha thứ và cứu độ của Người mà thôi.

Lm. Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo, ofm

Lượt xem 128 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *