Trong bài giảng Thánh lễ trọng thể kính Chúa Hiển Linh, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta bắt chước các nhà chiêm tinh bằng việc nhận ra ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa và việc quảng đại giúp đỡ những người đau khổ.
Sáng Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh, lúc 10h, Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ trọng thể tại đền thờ thánh Phêrô cùng với nhiều hồng ý, giám mục và các tín hữu tham dự.
Trong bài giảng lễ, bắt đầu từ việc giải nghĩa từ “hiển linh” – Chúa tỏ mình ra, Đức Thánh Cha nhắc đến Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi dân tộc, ba nhà Đạo sĩ là những người đại diện. Ngài tỏ thực tại tuyệt đẹp của Thiên Chúa, đến với tất cả mọi nước, mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được Ngài đón nhận và yêu mến. Biểu tượng cho điều này là ánh sáng, vươn đến và chiếu soi tất cả.
Hôm nay, nếu Thiên Chúa chúng ta tỏ mình ra cho tất cả mọi người, thì ngài cũng sẽ tiếp tục làm ngạc nhiên về cách Ngài tỏ mình ra. Tin Mừng kể về những xôn xao trong cung điện vua Hêrôđê, trong khi Chúa Giê-su lại tỏ mình ra như một vị vua: “Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,2), Ba vị Đạo sĩ hỏi. Họ sẽ tìm thấy Ngài, nhưng không phải là nơi họ đã nghĩ: không phải trong điện ngà Giêrusalem, nhưng trong ngôi nhà đơn sơ ở Bêlem. Có một sự nghịch lý trong lễ Giáng Sinh khi Tin Mừng nói về kiểm tra dân số trên khắp cả thiên hạ thời hoàng đế Augustô và tổng trấn Quirinio (x. Lc 2,2). Nhưng không một nhà cầm quyền nào để ý rằng Đức Vua của lịch sử đã sinh ra trong thời của họ. Và rồi, khi Chúa Giêsu được 30 tuổi, Ngài lại tỏ mình công khai, Gioan Tẩy Giả đã đi trước, Tin Mừng đã giới thiệu Ngài một lần nữa trọng thể, và liệt kê tất cả mọi “cấp bậc” quyền lực cả đời lẫn đạo: Tiberio Cesare, Phongxio Pilato, Hêrôđê, Philippo, Lisania, thượng tế Anna và Caipha. Và ngài kết luận: “Lời Thiên Chúa phán với Gioan trong hoang địa” (Lc 3,2). Như thế, Lời Chúa không đến với bất cứ cấp bậc nào, nhưng đến với một người ẩn mình trong sa mạc. Quả là ngạc nhiên: Thiên Chúa không lên sân khấu của thế giới này để tỏ mình ra.
Khi nghe danh sách những người nổi tiếng, người ta có thể dễ dàng có khuynh hướng “quay ánh đèn” về phía họ. Chúng ta có thể nghĩ rằng: Có lẽ sẽ hay hơn nếu ngôi sao của Đức Giê-su hiện ra ở Roma trên ngọn đồi Palatino, nơi hoàng đế Augusto đã ngự triều cai quản thế giới; khi ấy toàn đế quốc lập tức trở thành Kitô giáo. Hay nếu ngôi sao chiếu trên cung điện vua Hêrôđê, thì ông ấy có thể làm điều tốt chứ không làm điều xấu. Nhưng ánh sáng của Thiên Chúa lại không đến với ai toả sáng bằng ánh sáng của riêng họ. Thiên Chúa đề nghị nhưng không áp đặt; chiếu sáng nhưng không làm chói mắt. Chúng ta luôn có một cám dỗ lớn là đem so sánh ánh sáng của Thiên Chúa với ánh sáng của thế gian. Đã bao lần chúng ta chạy theo quyến rũ lấp lánh của quyền lực và của sân khấu, lại thấy rằng mình phục vụ tốt cho Tin Mừng. Nhưng như thế chúng ta đã hướng ánh sáng vào nhầm chỗ, vì Thiên Chúa không ở đó. Ánh sáng của Ngài nhẹ nhàng chiếu giải tình yêu khiêm nhường. Rồi bao nhiêu lần chúng ta, như là Giáo Hội, đã toả sáng bằng chính ánh sáng của mình! Nhưng chúng ta không phải là mặt trời của nhân loại. Chúng ta là mặt trăng phản chiếu ánh sáng thật là Thiên Chúa. Giáo Hội là ánh trăng mầu nhiệm và Thiên Chúa là ánh sáng của trần gian (x. Ga 9,5). Chính Ngài chứ không phải chúng ta.
Ánh sáng của Thiên Chúa đến với ai biết đón nhận. Tiên tri Isaia trong bài đọc một (x. Is 60,2) đã nhắc nhở chúng ta rằng ánh sáng của Thiên Chúa không ngăn chặn bóng tối và mây mù phủ lấp mặt đất, nhưng chiếu toả trên ai sẵn sàng đón nhận. Do đó, tiên tri lặp lại lời mời dành cho mỗi người: “Đứng lên, bừng sáng lên” (60,1). Hãy đứng dậy, nghĩa là thoát ra khỏi chỗ hiện tại của mình và sẵn sàng bước đi. Nếu không, sẽ vẫn giậm chân tại chỗ như các kinh sư tư vấn cho vua Hêrôđê, về điều họ đã biết, là Đấng Mêsia sinh ra ở đâu, nhưng không một bước di chuyển. Và rồi mỗi ngày, chúng ta cần mặc lấy Thiên Chúa là ánh sáng, cho đến khi Đức Giêsu trở thành trang phục hằng ngày của chúng ta. Nhưng để mặc lấy trang phục của Thiên Chúa, vốn đơn giản như ánh sáng, thì trước tiên cần cởi bỏ những trang phục hào hoa. Nếu không thì cũng giống vua Hêrôđê, dù thấy ánh sáng của Thiên Chúa nhưng vẫn thích ánh sáng trần thế của thành công và danh vọng. Ngược lại, như Ba vị Đạo sĩ, nhận ra lời tiên tri, họ đứng dậy để mặc lấy ánh sáng. Chỉ có họ nhìn thấy ngôi sao trên bầu trời: các kinh sư không nhìn thấy, Vua Hêrôđê không nhìn thấy và cũng chẳng có ai ở Giêrusalem nhìn thấy. Để tìm kiếm Đức Giêsu, phải đi theo một hành trình khác, con đường của Ngài, con đường yêu thương khiêm nhường. Và phải kiên trì theo con đường đó. Thật vậy, Tin Mừng hôm nay kết luận rằng Ba nhà Đạo sĩ, sau khi gặp Đức Giêsu, đã “đi con đường khác mà về xứ mình” (Mt 2,12). Một con đường khác với con đường của Hêrôđê. Một con đường khác để vào thế giới, giống như con đường của bao nhiêu người trong cảnh Giáng Sinh đã ở với Đức Giêsu: Đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng. Cũng giống như các vị Đạo sĩ, họ rời bỏ nơi cư ngụ của mình, để trở thành những kẻ hành hương trên con đường của Thiên Chúa. Bởi vì chỉ có ai dám bỏ đi sự dính bén với thế gian này để bước đi thì mới có thể tìm thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Điều này đúng cả với chúng ta. Nếu chỉ biết nơi Chúa Giêsu sinh ra mà không đến nơi thì chưa đủ, giống các kinh sư thôi. Nếu chỉ biết Đức Giêsu mới sinh là ai mà không gặp Ngài thì không đủ. Khi nào nơi của ngài trở thành nơi của chúng ta, thời của ngài trở thành thời của chúng ta, con người của Ngài trở thành sự sống của chúng ta, thì khi ấy lời tiên tri ứng nghiệm nơi chúng ta. Và như thế, Giêsu sinh ra trong chúng ta và trở thành “Thiên Chúa hằng sống vì tôi”. Hôm nay, chúng ta được mời gọi theo gương các vị Đạo sĩ. Họ không bàn cãi, nhưng bước đi; họ không đứng lại nhìn, nhưng bước vào nhà của Giêsu; không đặt mình làm trung tâm, nhưng bái lạy Giêsu, vì Ngài mới là trung tâm; họ không cứng nhắc với kế hoạch của họ, nhưng sẵn sàng chọn đường khác để về. Bằng cử chỉ, họ diễn tả mối tương quan mật thiết với Chúa, một sự mở ra trọn vẹn với Ngài, một liên hệ toàn bộ với Ngài. Họ dùng ngôn ngữ tình yêu để liên hệ với Ngài, cùng một ngôn ngữ mà Giêsu con trẻ đã nói. Thật vậy, các vị Đạo sĩ đến với Chúa không phải để nhận, nhưng để cho. Chúng ta tự hỏi: Chúng ta đã mang đến cho Chúa Giêsu món quà nào trong ngày lễ Giáng Sinh của Ngài, hay chúng ta chỉ trao đổi quà cho nhau giữa chúng ta?
Nếu chúng ta đã đến với Chúa bằng tay không, thì hôm nay chúng ta có thể bù lại được. Có thể thấy Tin Mừng kể một danh sách ngắn những món quà: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàngnói lên điều giá trị nhất, để nhắc nhớ rằng vị Đạo sĩ đã đặt Thiên Chúa ở vị trí trên hết, để tôn thờ. Nhưng để làm được điều đó thì phải rút mình khỏi vị trí cao nhất đó và thấy mình cần được giúp đỡ, mình không tự đủ được. Rồi đến nhũ hương, biểu tượng của sự tương quan với Thiên Chúa, việc cầu nguyện, như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan (x. Tv 141,2). Nhưng, giống như hương trầm, để toả hương thì phải chịu đốt cháy; vì thế, việc cầu nguyện cũng “đốt cháy” chút thời gian, dành giờ cho Thiên Chúa. Cầu nguyện thật sự thì không phải chỉ bằng lời. Và rồi, mộc dược, được dùng cùng với tình yêu để liệm xác Đức Giêsu tháo xuống từ Thánh Giá (x. Ga 19,39). Chúa vui khi chúng ta chăm sóc những thân thể chịu nhiều đau khổ, những thân xác yếu đuối, những ai bị lùi lại đàng sau, những ai chỉ có thể nhận mà không thể đổi lại gì về vật chất. Thật quý trong mắt Thiên Chúa khi tỏ lòng thương xót đối với những người không có gì để đền đáp – một sự miễn phí, nhưng không! Sự miễn phí, nhưng không thật quý trong mắt Thiên Chúa. Trong thời gian gần kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta đừng để mất cơ hội làm một món quà đẹp cho Vị Vua của chúng ta, Ngài đến không trên sân khấu xa hoa của thế giới, nhưng trong sự nghèo mà sáng của Bêlem. Nếu chúng ta làm điều đó, thì ánh sáng của Ngài sẽ chiếu toả trên chúng ta.
Văn Yên, SJ
Nguồn: Vatican News
Lượt xem 154 Lần