Điều gì giúp một cuộc hôn nhân thành công?
1/13/2020 10:33:57 AM
Vậy thế nào là một cuộc hôn nhân thành công? Và những yếu tố nào giúp cuộc hôn nhân đó thành công?
* NHƯ THẾ NÀO LÀ CUỘC HÔN NHÂN THÀNH CÔNG?
Một cuộc hôn nhân thành công không có nghĩa là chỉ đan kết toàn là hoa hồng, niềm vui sướng và sự dịu ngọt. Quả đúng như một danh nhân đã nói, “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời” (David Sarnoff). Thực vậy, một cuộc hôn nhân thành công là một cuộc hôn nhân trong đó vừa có nước mắt, vừa có nụ cười. Nước mắt không do sự đau đớn thất vọng mà là do những chuỗi ngày đồng cam cộng khổ để xây dựng mái ấm gia đình. Như người ta thường nói, “Đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có ngày hôm nay!”. Nụ cười là bởi vì đôi bạn cảm thấy mãn nguyện vì đã không phụ lòng nhau, đã trung thành với lời thề hứa cam kết ban đầu. Người Nhật thường nói: “Vợ chồng giống như tay và mắt: khi tay đau thì mắt khóc; còn khi mắt khóc, tay lau đi những giọt lệ”.
Nói cách cụ thể, đó là một cuộc hôn nhân trong đó hai bạn nam nữ kết hôn với nhau trên nền tảng một tình yêu tự do song phương, chân thành, trong sáng và có mục đích rõ ràng. Họ luôn hướng về nhau, mong muốn gần nhau để chia vui sẻ buồn, luôn làm mọi cách để bạn đời mình được hạnh phúc, sung sướng. Họ luôn đối xử với nhau một cách tế nhị, hòa đồng và cảm thông. Họ luôn cảm thấy trống vắng, buồn hiu khi phải xa nhau. Họ luôn nương tựa vào nhau để giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện, luôn dìu dắt nhau vượt qua mọi sóng gió cuộc đời vv. Nói tóm lại, họ cần có nhau để yêu và để sống. Nếu không có những điều ấy, coi như cuộc hôn nhân thất bại và tình yêu sẽ chết dần, chết mòn.
Sau đây chúng ta thử đưa ra một vài yếu tố giúp cho cuộc hôn nhân được thành công theo ước nguyện.
* NHỮNG YẾU TỐ GIÚP HÔN NHÂN THÀNH CÔNG
Chúng ta biết rằng hôn nhân là một công trình đặc biệt mà đôi bạn nam nữ tình nguyện chung vai sát cánh xây dựng. Và công trình này có thành công hay không và có đem lại hạnh phúc lâu dài cho họ hay không là tùy thuộc nhiều yếu tố. Dưới đây xin tạm liệt kê 8 yếu tố cần có để giúp một cuộc hôn nhân thành công.
1- Đôi bạn là người biết chọn lựa đúng người bạn đời của mình
Các nghiên cứu về hôn nhân cho thấy, yếu tố quan trọng nhất để có hôn nhân hạnh phúc là khâu lựa chọn đối tượng kết hôn. Nếu bạn lựa chọn nghiêm túc và sáng suốt người bạn đời của mình thì cuộc hôn nhân sẽ có hi vọng thành công. Còn nếu lựa chọn sai thì mầm mống thất bại đã có ngay từ đầu. Nhiều khi toàn bộ phần đời còn lại chỉ để sửa chữa sai lầm đó. [1]
Người ta đã liệt kê một số lý do không chính đáng khi quyết định cuộc hôn nhân. Chẳng hạn: Kết hôn do sức ép của cha mẹ, quyết định kết hôn trong tâm lý bị tổn thương, kết hôn như một giải pháp tình thế, kết hôn vì cả nể thương hại, kết hôn theo cảm tính, cuộc hôn nhân đến chớp nhoáng, kết hôn với người không yêu mình vv. Chúng ta thử bàn đến hai lý do phổ biến, như sau:
– Kết hôn theo cảm tính: Có những bạn gái mạo hiểm quyết định gắn bó suốt đời với một chàng trai chỉ qua những gì mà mình cảm nhận ở bên ngoài. Có bạn coi trọng nghề nghiệp, bằng cấp, khả năng kinh tế, hoàn cảnh gia đình. Có bạn lại chết mê chết mệt vì hình thức to cao, đẹp trai, ăn mặc hợp mốt. Có bạn phải lòng vì phong cách hào hoa, nói năng hoạt bát, hài hước dí dỏm, biết chiều chuộng mình vv. Nói chung tất cả những điều đó không phải là không quan trọng nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ.
Có người lấy chồng chỉ vì nghĩ anh ta đẹp trai thì con cái sẽ được thừa hưởng cái “gene đẹp trai” của bố. Vậy hóa ra bạn kết hôn chỉ với mục đích là để sinh ra những đứa con xinh đẹp, chứ không phải vì hạnh phúc của bạn? Nếu đó là mục tiêu thì bạn cứ theo đuổi nhưng đừng kêu ca nếu sau này người đàn ông đẹp trai của bạn cũng là “miếng mồi ngon” của các cô gái khác.
– Kết hôn với người không yêu mình: Nghĩa là chỉ có bạn yêu người ta nhưng họ nói thẳng ra là họ không hề yêu bạn và càng không muốn kết hôn với bạn. Thế nhưng do bạn quá yêu nên tìm mọi cách đưa bằng được người đó vào bẫy hôn nhân. Cũng có trường hợp họ không nói thẳng tuột ra nhưng cách đối xử hờ hững, nhạt nhẽo khiến bạn có thể nhận ra là họ không yêu mình.
Đôi khi họ đồng ý kết hôn với bạn, nhưng không phải vì tình yêu, mà vì những động cơ vụ lợi khác. Dĩ nhiên bạn tưởng như thế là mình sẽ có hạnh phúc nhưng thật ra, bạn đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng vì khi hôn nhân không được xây dựng trên nền móng tình yêu giữa hai người sẽ làm cho bạn suốt đời đau khổ do mình dâng hiến cho họ tình yêu chân thành, còn họ chỉ trả lại cho ta toàn “hàng rởm”. Đó là chưa kể đến một ngày họ đi tìm người khác. Bởi vì khi tình yêu đã không có trong hôn nhân, nó rất có thể sẽ có ngoài hôn nhân.
Như vậy việc chọn lựa bạn đời tương thích với mình được coi là tiền đề cho một cuộc hôn nhân thành công hay thất bại. Việc tìm hiểu để có quyết định chọn lựa đúng đắn người bạn đời là điều rất quan trọng cho đời sống hôn nhân sau này. Bởi “Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau” (H. de Balzac).
2- Đôi bạn nhận thức đúng về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân
Khi kết hôn với nhau, đôi bạn không chỉ yêu nhau là đủ. Họ còn phải hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là gì. Mục đích được coi là ánh sáng chỉ dẫn và kim chỉ nam giúp cho cuộc hôn nhân đi đúng hướng và tồn tại lâu dài. Văn hào Pháp Antoine de St Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là ngồi đó nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”.
Giáo lý Công giáo dạy rằng: “Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, (đến) việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”. Vậy, đối với đôi bạn Ki-tô hữu, hôn nhân có hai mục đích rõ ràng. Đó là trọn đời yêu thương nhau, và trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái. [2]
Về mục đích trọn đời yêu thương nhau: Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Câu Kinh Thánh “Adam không tìm được sự trợ giúp tương hợp” diễn tả “cái thiếu, cái cần” của Adam. Dù Adam có tất cả vạn vật chung quanh, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có “cái gì” để lấp đầy sự trống vắng đó. “Cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa đã ban cho Adam, đó là Evà. Khi Evà được đưa tới, Adam thốt lên sung sướng: “Này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ và cả hai sẽ nên một xương một thịt” (St 2, 23). Lời nói ấy biểu lộ sự hài lòng của Adam. Adam đã tìm được sự “trợ giúp tương hợp”, Adam đã cảm thấy đầy đủ. Như thế hai người nam nữ đến với nhau, là để lấp đầy cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, để tương trợ trong tình yêu.
Về mục đích sinh sản và giáo dục con cái: Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản. Nền tảng việc sinh sản là yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.
Vậy có thể khẳng định, một cuộc hôn nhân thoát được khủng hoảng đổ vỡ chính là nhờ đôi bạn đã kiên tâm theo đuổi mục đích như đã nêu trên.
3- Đôi bạn biết chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung trong gia đình
Nhiều bạn trẻ sau một thời gian ngắn kết hôn tỏ ra khá thất vọng vì vợ hay chồng không biết chia sẻ trách nhiệm chung gia đình. Người ta lấy lý do bận công việc làm ăn, bận giao tiếp ngoài xã hội nên không còn sức lực, thời gian lo việc nhà nữa. Thông thường thì người vợ phải gánh hết những nhiệm vụ trong gia đình, với danh nghĩa là “nội tướng”. Điều đó xét ra thiệt thòi cho nữ giới.
Ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó không có nghĩa là trong gia đình có một sự phân công một cách cứng ngắc, cố định, mà đây chỉ hiểu là ai cũng có nhiệm vụ xây dựng, gánh vác việc chung trong gia đình, theo kiểu “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”. Vợ chồng vì thế hãy tạo điều kiện để có thể làm việc với nhau để chu toàn trách nhiệm chung.
Có người đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Sự thành công của hôn nhân không do tài năng của một người mà chính là do sự đồng tâm hiệp ý của cả hai người.
4- Đôi bạn dành cho nhau sự kính trọng và yêu thương đặc biệt
Người ta thường nói: “Tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng phải luôn kính trọng nhau như người khách. Điều này xem ra có vẻ khó thực hiện. Vì trên thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, người ta trở nên nhàm chán nhau, dẫn đến tình trạng coi thường nhau. Tình yêu phai nhạt theo thời gian cộng với những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống chung sẽ trở thành nguyên nhân gây “bùng nổ chiến tranh” giữa hai vợ chồng.
Do đó, để giữ mãi tình yêu nồng ấm đối với nhau như thủa ban đầu, hai bạn không ngừng nuôi dưỡng tình yêu bằng sự lắng nghe, kính trọng và hòa thuận nhau. Thực vậy, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton).
Các chuyên gia về hôn nhân gia đình khuyên rằng đôi bạn phải luôn luôn tôn trọng và dành sự ngưỡng mộ cho nhau. Cuộc hôn nhân hạnh phúc khi hai bên luôn đối xử tử tế với nhau, chăm sóc nhau tận tình, tự nguyện làm những điều tốt đẹp cho nhau, luôn cố gắng tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của người bạn đời. Cả hai cũng luôn biết dành cho nhau những lời cảm ơn. Người thành công trong hôn nhân là những người tự động làm những điều đó mỗi ngày mà không bao giờ phải lăn tăn. Bạn có tìm thấy những cư xử đẹp ở người bạn ấy? Người ấy có luôn luôn tôn trọng bạn?
Những đôi hôn nhân sống hài hòa, biết yêu thương quý mến nhau sẽ luôn là những đôi tránh được những nguy cơ đổ vỡ và ly tán mặc dù cuộc sống của họ đầy những khó khăn, thử thách.
5- Đôi bạn biết nhượng bộ nhau với lòng bao dung và cảm thông
Ngày nay, người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ” trong đời sống vợ chồng và xem đó như là một yếu tố quan trọng giúp cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc. Trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự “bỏ mình” vì bạn đời. Chuyện kể có một đôi vợ chồng già đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu đầy đàn. Trong ngày lễ kỷ niệm năm mươi năm thành hôn, con cháu tụ họp chúc thọ và chúc mừng hai cụ. Dịp vui này, các con cháu đồng thanh hỏi thăm bí quyết nào hai ông bà giữ được hạnh phúc bền vững cho đến ngày nay? Các cụ trả lời ngay, không có bí quyết nào bí mật cả, mà đơn giản đó chỉ là sự nhượng bộ nhau.
Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Một danh nhân đã nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên…
Tóm lại, để có được sự hòa thuận lâu dài trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên dõi theo và thực hành lời khuyên thiết thực sau đây của thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (Cl 3,12-14)./.
6- Đôi bạn luôn tôn trọng và chấp nhận vai trò của nhau
Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy…”.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái mặc nhiên được xác lập, và từ đó hình thành sự phân công phân nhiệm của từng người. Chẳng hạn, thông thường người vợ sẽ lo việc chăm sóc con cái, đảm nhận việc nhà (nội tướng), trong khi người chồng làm việc ngoài xã hội (ngoại tướng), kiếm tiền nuôi gia đình, đồng thời giữ vai trò “thủ trưởng” của đơn vị tiểu-gia-đình mình. Như ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Sự phân công là như vậy. Nhưng trên thực tế, hiện nay, do điều kiện kinh tế và hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhiệm vụ “chuyên trách” truyền thống của vợ chồng có thể không như xưa. Trong khi người vợ tần tảo ngoài xã hội thì có thể ông chồng phải ẩn mình trong bốn bức tường ngôi nhà mình. Việc kiếm tiền sẽ do phụ nữ, còn việc nội tướng sẽ do đàn ông. Tuy nhiên, dù tình hình có thay đổi thế nào đi nữa, thì chồng vẫn là chồng, vợ vẫn là vợ. Và mỗi người phấn đấu làm tốt công việc của mình. Người ta thường nói: “Kẻ xay lúa, người bồng em” là vậy.
Dù ai làm gì và làm cách nào thì vợ chồng như đũa có đôi. Họ đồng thuận trong chí hướng và hành động để đạt mục tiêu kiến tạo gia đình hạnh phúc, ấm no. Trong khi mỗi người chu toàn trách vụ của riêng mình thì cả hai cũng đều cố gắng tôn trọng vai trò, chức năng của bạn mình. Đã xa rồi cái thời phu xướng phụ tùy (chồng làm gì vợ cũng làm theo) hay lệnh ông không bằng cồng bà (đàn ông sợ vợ). Khi hai người tôn trọng vai trò của nhau, mối quan hệ vợ chồng luôn được duy trì một cách hài hòa và đồng thuận. Không còn kẻ trên người dưới. Không còn kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa! Xin được nhắc lại câu này, “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing).
7- Đôi bạn biết cách duy trì sự hòa hợp trong đời sống tình dục
Vấn đề tình dục trong đời sống vợ chồng luôn là một “ẩn số” của từng cặp vợ chồng. Dù là trẻ hay già, dù là nam hay nữ, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là bình dân hay trí thức, ai ai cũng phải trải qua những khủng hoảng lớn nhỏ trong đời sống tình dục vợ chồng. Theo các nhà nghiên cứu về tâm sinh lý vợ chồng thì nếu hai vợ chồng duy trì được sự hòa hợp thường xuyên trong đời sống tình dục thì họ sẽ hạnh phúc và đó sẽ là yếu tố thuận lợi góp phần cho sự thành công của hôn nhân. Ngược lại, những trục trặc liên quan vấn đề tình dục cứ tái diễn đều đều thì đó sẽ có thể là nguyên nhân chính gây mâu thuẫn, đổ vỡ trong hôn nhân.
Chúng ta biết rằng, tình yêu và nhu cầu tình dục gắn liền nhau. Tình yêu giúp cho tình dục mặn nồng, và tình dục giúp cho tình yêu thăng hoa, tươi mới. Bất kỳ sự mất-hòa-hợp nào cũng phải trả giá, vì khi “vợ chồng không cùng nhịp và khi’chuyện ấy’ không hoà hợp sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt”. Sự không hòa hợp trong đời sống tình dục vợ chồng có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
Sự nhàm chán đơn điệu kéo dài liên tục qua nhiều năm tháng khiến vợ chồng cảm thấy “nhạt nhẽo” chuyện chăn gối. Lúc đó, người ta thường tìm đến “nhân vật thứ ba” như để bù đắp và thỏa mãn những nhu cầu tình cảm, tình dục. Đó là trường hợp “Ông ăn chả”, “Bà ăn nem” hay “Chán cơm thèm phở”… Nói nôm na đó là tình trạng ngoại tình. Một thống kê cho biết, có khoảng 60% đàn ông và khoảng 40% phụ nữ ngoại tình ít nhất 1 lần. Ngoại tình thầm kín, ngoại tình công khai, ngoại tình ngắn hạn, ngoại tình dài hạn vv…
Sự mất hòa điệu trong sinh hoạt vợ chồng có thể xảy ra khi hai người không đáp ứng nhu cầu sinh lý của nhau. Đa số phụ nữ cảm thấy thiệt thòi trong vấn đề này. Trong gia đình họ là những người dành nhiều thời gian, công sức cho chồng con, cộng với những lo lắng về công ăn việc làm, về tiền bạc, về cuộc sống khiến cho họ mất đi nhiều hứng thú trong chuyện chăn gối. Từ đó, mối quan hệ vợ chồng cũng trở nên lạnh nhạt, vô ý nghĩa.
Thực vậy, “Suy giảm ham muốn tình dục là một trong những vấn đề hay gặp ở phụ nữ. Cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc con cái, những căng thẳng, bệnh tật, tuổi tác… là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ không mặn mà với ‘chuyện yêu’. Đối với những cặp vợ chồng có cuộc sống tình dục không hòa hợp, đa phần đều do phía nam giới không hiểu và không nắm vững tâm lý tình dục của vợ. Theo các nghiên cứu về tình dục, khoảng 70% cặp vợ chồng thỉnh thoảng gặp một vài trục trặc. Hầu hết phụ nữ không cảm thấy hứng thú tình dục ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống…”./. [3]
8- Đôi bạn có kinh tế vững vàng, ổn định nhờ siêng năng lao động
Vấn đề thu nhập của vợ chồng và tình trạng kinh tế của gia đình cũng góp phần gìn giữ gia đình hạnh phúc và giúp đôi bạn thăng tiến cuộc hôn nhân theo chiều hướng tích cực.
Trong bài “Bí mật của cuộc hôn nhân thành công”, hai chuyên gia về tình yêu hôn nhân người Mỹ, tiến sĩ Charles và Elizabeth Schmitz, đã đúc kết được mười hai điều kiện cần để một cuộc hôn nhân thành công, trong đó có vấn đề thu nhập ổn định. Họ khẳng định: “Những cặp vợ chồng Mỹ có tổng thu nhập trên 50.000 USD một năm giảm đáng kể nguy cơ ly dị so với những cặp thu nhập dưới 25.000 USD mỗi năm. Điều đó có nghĩa rằng những cặp có công việc ổn định với thu nhập ổn định sẽ đảm bảo có một cuộc hôn nhân thành công hơn. Do đó, trước khi cưới, bạn nên cân nhắc liệu hai vợ chồng bạn có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của mình không? Liệu bạn có thể độc lập về tài chính và không phụ thuộc vào người bạn đời của mình không?”./. [4]
Aug. Trần Cao Khải
_______________
[1] baomoi.com
[2] tinvuixuanloc.vn
[3] angela.com.vn
[4] vnexpress.net
Lượt xem 121 Lần