Chức tư tế chung của mọi Kitô hữu

Chức tư tế chung của mọi Kitô hữu


1/11/2013 3:23:46 AM

Sau giai đoạn đi lên trong việc tìm hiểu chức tư tế của Đức Giêsu Kitô, tác giả Diễn từ về chức linh mục trình bầy giai đoạn đi xuống. Mục đích của giai đoạn này trong chức tư tế của Đức Giêsu là cung cấp cho các tín hữu sự thanh tẩy lương tâm, thánh hóa họ, làm cho họ trở nên hoàn thiện và dẫn đưa họ vào trong giao ước mới, đặt để họ trong tương quan thân tình với Thiên Chúa.

Thật thế, cuộc khổ nạn và cái chết hổ nhục của Đức Giêsu trên thập giá đã khiến cho Người đổ ra tới giọt máu cuối cùng để tẩy rửa tội lỗi của nhân loại. Vì thế tác giả Diễn từ về chức Linh Mục của Chúa Kitô mới khẳng định trong chương 9: ”Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Cái chết hiến tế của Chúa Giêsu hủy bỏ mọi thứ hy lễ, hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội trong phụng tự cũ của dân Israel thời Cựu Ước và thiết lập lễ tế mới trong phụng tự mới thời Tân Ước. Vì thế tác giả viết trong chương 10: ”Theo ý đó, chúng ta được thánh hiến nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10). Hy tế ấy của Đức Giêsu quyền năng tới độ khiến cho tín hữu được hoàn thiện. Tác giả viết thêm: ”Qủa thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Đó là Giao Ước Mới Đức Giêsu đã thiết lập và ký kết bằng chính máu của Người, như tác giả khẳng định trong chương 9: ”Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15). Giao Ước Mới ấy được viết và được khắc ghi trong con tim tín hữu khiến cho họ sống tương quan thân tình với Thiên Chúa: ”Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó, Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: ”Hãy học cho biết Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hóa ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ lỗi thời, thì sắp tan biến đi” (Dt 8,10-13).

Như thế, với Giao Ước Mới chúng ta cũng có việc phụng tự mới. Nhờ các hiến tế của Đức Kitô, tình hình tôn giáo của loài người được hoàn toàn biến đổi. Tất cả các tách rời theo lễ nghi cũ hoàn toàn bị hủy bỏ, bởi vì Đức Kitô đã khai mào một con đường mới và sinh động cho phép các tín hữu tới gần Thiên Chúa. Điều mà trong thời xa xưa đã chỉ là đặc ân triệt để của vị thượng tế một năm được vào Cung thánh một lần, thì nay đã trở thành khả thể rộng mở cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại. Từ nay tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến gần Thiên Chúa với ”sự chắc chắn” và dâng lên Người các lễ tế của mình.

Vì vậy tác giả Diễn từ về chức Linh Mục của Chúa Giêsu mới viết trong chương 10: ”Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10,19-22). Vì Đức Giêsu Kitô là vị Thượng Tế ”biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16). Rồi tác giả khuyên các tín hữu: ”Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng thánh danh” (Dt 13,15).

Các lễ tế nói trên sẽ không còn là các lễ nghi tách rời khỏi cuộc sống thường ngày nữa, nhưng theo gương lễ tế của Đức Kitô, chúng là các lễ tế của cuộc sống, của từng giây phút cuộc đời tín hữu. Nghĩa là các tín hữu Kitô được mời gọi sống vâng phục Thiên Chúa với tình con thảo như Đức Kitô: ”Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8); Người là Đấng đã thưa với Thiên Chúa Cha: ”Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7.9).

Nhân danh gương sống của Chúa Giêsu Kitô tác giả Diễn từ về chức Linh Mục của Người nhắn nhủ tín hữu như sau: ”Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10,36). ”Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em những gì đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Dt 13,21).

Tín hữu Kitô dâng lên Thiên Chúa các lễ tế bằng miệng lưỡi là các lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa và lời cầu nguyện, nhưng nhất là bằng các việc lành phúc đức, bằng tình bác ái liên đới. Vì thế tác giả khuyến khích: ”Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,15-16). Trước đó trong chương 10 ông đã nhắn nhủ tín hữu: ”Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,23-24).

Phụng tự mới mẻ là sự biến đổi cuộc sống tín hữu theo tinh thần Kitô nhờ tình bác ái của Thiên Chúa. Nhưng một việc phụng tự như thế sẽ là điều không thể nào thực hiện được, nếu không có cuộc sống kết hiệp với hiến tế của Chúa Kitô. Do đó, việc cử hành Thánh thể chiếm một chỗ quan trong trong cung cách sống đạo của Kitô hữu và trong sinh hoạt của Giáo Hội. Vì bí tích Thánh Thể là phương thế, là dụng cụ giúp Kitô hữu sống sự kết hiệp sâu thẳm ấy với Chúa Giêsu Kitô Thượng Tế và là Chiên Con bị sát tế vì tình yêu. Vì vậy chúng ta hiểu tại sao tác giả lại nhắc nhở tín hữu: ”Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10,24-25). Các buổi hội họp ở đây là các lần tín hữu tụ tập nhau để nghe giảng dậy và cử hành bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội thời khai sinh, cũng còn gọi là lễ nghi Bẻ Bánh, hay Bữa Tiệc Chiều của Chúa. Kiểu sống yêu thương huynh đệ, đồng tâm nhất trí, chăm chỉ nghe các Tông Đồ giảng dậy, chuyên cần cầu nguyện, làm lễ bẻ bánh, dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ, hát ca chúc tụng Thiên Chúa đã được thánh sử Luca miêu tả trong chương 2 sách Công Vụ (Cv 2,42-47).

Khi kết hiệp với Chúa Kitô, Kitô hữu tham dự vào chức tư tế của Người, Nhưng trong Diễn từ về chức Linh Mục của Đức Giêsu Kitô tước hiệu tư tế không được gán cho các tín hữu, mà chỉ được tác giả dành riêng cho Chúa Kitô.

Tuy nhiên, chính vì được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô nên mọi tín hữu, trong một cách thế nào đó, đều sống chức tư tế và cũng là các tư tế của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình. Cha mẹ thi hành chức tư tế chung ấy của tín hữu, khi mỗi sáng thức đậy dâng tình yêu, con cái, công ăn việc làm và ngày sống của họ lên Thiên Chúa như của lễ chúc tụng cảm tạ, và để xin Thiên Chúa chúc lành và tuôn đổ ơn thánh Người trên cuộc sống gia đình. Rồi trong buổi kinh chiều hay kinh tối các bậc cha mẹ trong gia đình cũng lập lại cử chỉ ấy để chúc tụng, tạ ơn, Thiên Chúa vì những gì đã nhận lãnh và tái dâng gia đình lên cho Chúa. Rất tiếc thường khi các Kitô hữu ít ý thức, hay hầu như không hề ý thức được nhiệm vụ tư tế tuyệt diệu này của mình nên không biến ngày sống trở thành hiến tế tình yêu dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong chương 12 thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô cũng miêu tả cuộc sống kết hiệp ấy của Kitô hữu với Thiên Chúa như cách thức xứng hợp thờ phượng Thiên Chúa. Ngài viết như sau: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).

Tiếp tục chương 12 thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô khuyên mọi người sống khiêm nhường, đừng đánh giá mình qúa mức, và phải ý thức rằng mỗi người đều là một cơ phận và có đặc sủng riêng trong thân thể Chúa Kitô là Giáo Hội, và vì thế phải tận dụng nó để phục vụ toàn Giáo Hội. Thánh nhân viết: ”Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì vui vẻ mà làm.

Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.

Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa; vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12,4-18). Khi sống được như vậy là Kitô hữu biến cuộc đời mình trở thành lễ tế ngợi khen chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, và thực thi chức tư tế chung của mình.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1131)

Linh Tiến Khải

Lượt xem 313 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *