Chức linh mục thừa tác

Chức linh mục thừa tác


1/25/2013 7:11:57 AM

Lần trước chúng ta đã tìm hiểu chức tư tế chung của mọi kitô hữu. Nó bắt nguồn từ chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô là ”Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời… ” (Dt 7,21-25).

Chính nhờ Đức Kitô Thượng Tế mà kitô hữu được thuộc hàng tư tế thánh, như tác giả Diễn từ về chức linh mục của Đức Giêsu khẳng định trong chương 1 và chương 5 (Kh 1,5-6; Kh 5,10).

Tuy nhiên, bên cạnh chức tư tế chung mà mọi kitô hữu đều chia sẻ, còn có chức tư tế thừa tác, hay đúng hơn chúc linh mục thừa tác, được Chúa Kitô giao cho các Tông Đồ và những người kế vị tức các Giám Mục, cũng như các cộng sự viên của các vị là các linh mục. Chúa Giêsu đã không bao giờ tự giới thiệu như là tư tế, mà chỉ xưng mình là ”mục tử nhân lành” (Ga 10.11-18). Và đã đặt giao cho thánh Phêrô và các Tông Đồ nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên Ngài là Giáo Hội (Ga 21,15-25), lo lắng cho cuộc sống linh hồn của họ.

Chức linh mục thừa tác ấy Chúa Giêsu Kitô đã tập dượt cho các vị khi sai các vị đi rao giảng Tin Mừng, xua trừ qủy dữ, chữa lành bệnh tật (Mc 6,7-12: Mt 10,5-15; Lc 9,1-6). Nhưng đặc biệt trong ngày thứ năm tuần thánh, khi Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể, Người cũng thành lập chức linh mục tư tế. Các Phúc Âm kể rằng: ”Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: ”Các con cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cấm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ”Tất cả các con hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28; Mc 14,22-25). Thánh sử Luca ghi thêm: ”Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, đổ ra vì các con” (Lc 22,19-20).

Trong chương 11 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô đã ghi lại trình thuật thành lập bí tích Thánh Thể và nhấn mạnh truyền thống lưu hành trong Giáo Hội thời khai sinh: ”Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ”Các con cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con”. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, đổ ra để lập Giao ước mới: mỗi khi uống, các con hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25).

Qua chức tư tế thừa tác, Chúa Giêsu Kitô ban cho các linh mục quyền cử hành bí tích Thánh Thể để cung cấp lương thực thiêng liêng dưỡng nuôi tín hữu.

Chúa Giêsu cũng ban cho Tông Đồ Phêrô quyền tha thứ hay cầm buộc khi nói: ”Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời: dưới đất con cầm buộc điều gì, thì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). Quyền tha tội ấy Chúa Giêsu cũng đã ban cho các môn đệ khi nói: ”Thầy bảo thật các con, dưới đất các con cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất các con tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18). Thánh Gioan thì cho biết Chúa Kitô phục sinh đã ban quyền tha tội cho đoàn Tông Đồ khi hiện ra và nói với các ông: ”Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Nói xong Người thổi hơi vào các ông rồi bảo: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-22).

Thế rồi ngay khi Chúa Giêsu còn rao giảng Tin Mừng, chính Người đã bam phép rửa tội và sai các môn đệ làm phép rửa tội cho những ai tin. Trong chương 4 thánh Gioan ghi lại như sau: ”Nhóm Pharisêu nghe tin Đức Giêsu thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gioan. Thực ra không phải chính Đức Giêsu làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người” (Ga 4,1-2). Trước khi về Trời Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi và làm cho muôn đân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tân thế” (Mt 28,18-20).

Sách Công Vụ chương 2 cũng cho biết ngay sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Tông Đồ Phêrô cùng đứng với Mười Một Tông Đồ, và đã rao giảng cho dân chúng thành Giêrusalem và nói: ”Chính Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô. Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông Phêrô đáp: ”Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần… Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được ơn cứu độ”. Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,36-38.40-41). Chương 3 ghi lại bài giảng của thánh Phêrô và ghi lại lời người khích lệ dân chúng: ”Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,19).

Trong chương 10 sách Công Vụ thuật lại việc Tông Đồ Phêrô được mời tới giảng về Đức Giêsu Kitô tại nhà quan bách quản Cornelio ở Cesarea. ”Khi ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phêrô nói rằng: ”Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 10,44-48).

Trong chương 5 thư thánh Giacôbê còn cho chúng ta biết thêm về bí tích xức dầu bệnh nhân và bí tích giải tội như sau: ”Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,14-16).

Cùng với việc lắng nghe Lời Chúa, việc cử hành Thánh Thể trở thành sinh hoạt nòng cốt của các kitô hữu. Các Tông Đồ và các người kế vị là các linh mục được Chúa Giêsu Kitô trao phó cho nhiệm vụ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và cử hành bí tích Thánh Thể để dưỡng nuôi các kitô hữu, chi thể thân mình mầu nhiệm Người. Đó là điều thánh Phaolô khẳng định với tín hữu Côrintô trong chương 3 thư thứ II gửi cho họ. Chính Thiên Chúa khiến cho các vị trở thành các thừa tác có các khả năng cần thiết để thi hành chức vụ ấy: ”Nhờ Đức Kitô chúng tôi dám tin tưởng như vậy. Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí” (2 Cr 3,4-6).

Trong các nhiệm vụ của chức thừa tác ấy, có nhiệm vụ hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong chương 5 cùng thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: ”Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Thật vậy trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Vì thế chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,17-21).

Nhân danh Chúa Kitô là ”Thượng Tế đáng tin cậy” (Dt 3,1-6) các người lãnh đạo cộng đoàn ”đã rao truyền lời Chúa với uy tín” (Dt 13,7). Nhân danh Chúa Kitô là ”Thượng Tế nhân từ và trung tín” (Dt 2,17; 4,15) các vị ”chăm sóc linh hồn tín hữu như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13,17). Như thế, các người lãnh đạo cộng đoàn là những người được liên kết chặt chẽ với chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô và là những người đã được các kỳ mục đặt tay (1 Tm 4,14).

Nhưng như đã nói trong Tân Ước họ đã không nhận được tước hiệu của các tư tế, mà chỉ là các mục tử, theo gương Chúa Giệsu Kitô là Mục Tử Nhân Lành. Đây là điều dễ hiểu, vì các tước hiệu của các vị lãnh đạo Giáo Hội thời khai sinh đã được chọn trong giai đoạn giáo thuyết về chức tư tế của Chúa Kitô chưa được biên soạn, và vì các nhiệm vụ của các vị rất khác với các nhiệm vụ của các tư tế của Đền Thờ do thái hay ngoại giáo. Nhưng sau đó, khi việc soạn thảo kittô học tư tế đã được làm, thì việc hiểu biết chức tư tế thừa tác trở thành cần thiết, và chức tư tế thừa tác trở thành điều tự nhiên. Tuy nhiên, trong các thư của thánh Phaolô chúng ta chỉ nghe nói tới các kỳ mục (1Tm 5,17-22), các giám quản (1 Tm 3,1-7) và trợ tá (1 Tm 3,8-13) và các điều kiện để có thể được lựa chọn vào các chức vụ này.

Trong Tân Ước chỉ có hai văn bản đề cập tới chức tư tế. Thứ nhất là văn bản chương 9,13-14 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô nói tới ”người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cững được chia phần của bàn thờ” (1 Cr 9,13-14). Qua đó thánh Phaolô diễn tả tương quan giống nhau giữa các tư tế cũ và các thừa tác của Tin Mừng. Thứ hai là văn bản chương 15 thư gửi tín hữu Roma: ”Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 15,15-16). Thánh Phaolô định nghĩa ơn gọi của mình, nhưng không dùng từ ”hiereus tư tế”, vì nó có nguy cơ gây hiểu lầm. Trái lại người dùng kiểu nói quanh để miêu tả chức thừa tác của người như một nhiệm vụ tư tế thuộc loại hoàn toàn mới mẻ ”là thừa tác phụng tự của Chúa Giêsu Kitô” và ”làm việc thánh thiện rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Như thế thừa tác tông đồ là một thừa tác tư tế và phục vụ chức tư tế của Chúa Kitô và phục vụ chức tư tế chung của tín hữu.

Kết luận, tương quan thân tình với Thiên Chúa, mà chức tư tế cũ đã thử thiết lập một cách vất vả qua các thú vật bị sát tế, có được tràn đầy trong Giáo Hội, nhờ hy tế cá nhân của Chúa Kitô. Hy tế ấy thông ban cho tất cả mọi tín hữu một năng động mạnh mẽ, giúp họ có thái độ ngoan ngoãn con thảo đối với Thiên Chúa và sống tình liên đới huynh đệ với các người khác.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1133)

Linh Tiến Khải

Lượt xem 167 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *