Sau khi về đến nhà tôi nhanh chóng bỏ hành lý, chào hỏi bà và mẹ cách qua loa rồi vội vàng lấy một món đồ và lập tức lao ra ngoài cổng. Bà gọi theo: “Đăng! Lại đi đâu đấy, đi xa mấy tháng mà về chưa hỏi thăm bà đã vội đi đâu?”. Tôi chưa kịp trả lời bà thì đã nghe thấy giọng của mẹ: “Bà không biết cháu nội của bà đi đâu à? Nó lại sang nhà con Vy đấy! nó quên bà với mẹ nó rồi, lúc nào cũng Vy! Vy! thôi!”.
Tôi muốn Vy bất ngờ nên không báo cho em là tôi được công ty cho về sớm một tuần. Khi đến cổng nhà em, tôi thấy một không gian tĩnh lặng của cả xóm làng hơi khác mọi ngày thì phải; tôi ngó vào nhà thấy có ánh nến trên bàn thờ, bỗng một giọng nói vang lên phá vỡ sự tĩnh lặng ấy: “Chúa ở cùng anh chị em”, và từ trong nhà cũng như cả xóm đồng thanh: “Và ở cùng cha”. Vậy là Vy và mọi người đang dự lễ trực tuyến, tôi không thể vào lúc này, vì với Vy thánh lễ quan trọng hơn cả những cuộc hẹn với tôi.
Tôi buồn bã trở về nhà thì bà với bố mẹ cũng đang dự lễ ngoài phòng khách, nên đành ngồi ngoài sân ngắm mấy cây lan đang ra hoa ở góc vườn mà hồi tôi chưa đi nó còn bé xíu. Nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng của cô gái đang đọc bài đọc I, âm thanh ấy khiến tôi lại miên man nghĩ đến Vy, bởi trong ca đoàn giáo xứ em cũng có giọng thật ấm áp và trong trẻo như tâm hồn của em vậy.
Bật chợt tôi giật mình như thể có người đang nói trực tiếp vào tai tôi: “Ta sẽ ở với ngươi!”. Không! đó là lời Đức Chúa nói với ông Ghit-ôn trong bài đọc I, không phải với tôi. Nhưng tôi cũng thấy lạ, lúc nãy ở cổng nhà Vy thì nghe thấy: “Chúa ở cùng anh chị em”, về đến nhà thì “Ta sẽ ở với ngươi”, đó cũng lại là lời em nói với tôi trước khi tôi nhận nhiệm vụ giám sát công trình thủy điện bên Lào, em nói: “Em luôn cầu nguyện để Chúa ở với anh!” – Nhưng tôi lại nhìn em và trả lời: “Anh không cần Chúa, anh cần em luôn ở với anh thôi”, tôi cũng chỉ nói đùa vậy thôi nhưng Vy có vẻ không bằng lòng. Bởi Vy không thích đùa như thế, tôi biết với em Thiên Chúa là trên hết sau đó mới đến tôi; em lúc nào cùng thích nói chuyện về Chúa, về Mẹ, những câu chuyện về lòng sùng kính Thánh Thể, đã có lúc tôi nói với cha xứ: “Cha ơi! hình như con yêu nhằm bà sơ hay sao ấy cha?”. “Vậy anh bỏ nó đi mà yêu đứa khác, để cha giới thiệu nó vào nhà dòng Mến Thánh Giá” – cha đáp. Tôi vội vàng thưa: “Ấy ấy, con yêu Vy cũng vì em hiền như ma-sơ mà cha, cô ấy mà đi tu chắc con chết mất cha ạ”.
Quả thật tôi bị hấp dẫn bởi sự dịu dàng ngoan hiền của em, cùng với khuôn mặt rạng ngời niềm vui, nụ cười cuốn hút và lòng hăng say nhiệt tình trong các công việc của giới trẻ trong giáo xứ. Giờ thì tôi biết tại sao Vy có những điều đó, bởi “Chúa luôn ở cùng” với em; thì ra là vậy, vẻ đẹp của em đến từ Thiên Chúa. Giờ thì tôi chẳng còn phải hỏi Vy “sao em chịu khó đi lễ thế?”. Bởi tôi đã biết câu trả lời đó là để được Chúa ở cùng.
Tối hôm đó, trước hang đá Đức Mẹ, em nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng, Vy bảo: “Đêm nay có mưa to không anh Đăng? Chưa bao giờ em thấy anh nói về Chúa với em mà sao hôm nay anh lại còn nhắc đến Cựu ước, đến ông Ghít-ôn”. Tôi chưa biết trả lời thế nào thì em giơ tay rờ lên trán tôi, rồi nói: “Anh có sốt đâu nhỉ? Lạ quá! Hay là cái nắng cái gió bên Lào làm cho bạn trai của em thay đổi rồi!”.
Tôi nắm lấy tay Vy và kể cho em những suy nghĩ vẩn vơ cứ đeo đẳng tôi từ chiều, rồi em kể tôi nghe chuyện của vị thủ lãnh nhát gan này. Vy kể chuyện thật hấp dẫn, tôi như một đứa trẻ cứ muốn “nhõng nhẽo” cô giáo đòi được nghe nữa. Thì ra Chúa ở với ta không có nghĩa là Ngài sẽ cất đi mọi sóng gió, bão tố trong đời bởi Chúa đã chẳng cất khỏi Ghít-ôn quân Madian nhưng Chúa ở với ông để ông can đảm tiến lên và chiến đấu, phải đương đầu với sợ hãi, nhưng chiến thắng sẽ thuộc về những ai tin tưởng rằng Chúa ở với mình, bởi chính Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho những kẻ tin tưởng nơi Ngài.
Bỗng dưng tôi thấy bàn tay Vy siết chặt hơn, em quay sang tôi và nói: “Chúng mình cùng đọc kinh với Đức Mẹ, anh nhé! Để mọi người nhất là những ai đang gặp khủng hoảng trong cơn đại dịch này được cảm nhận Chúa vẫn đang và mãi ở cùng họ, ước mong con người biết hối cải nắm lấy tay Chúa để vượt qua cơn đại dịch”.
Sau đó, tôi đưa Vy về nhà mà hai đứa chẳng nói với nhau câu nào, tôi cứ miên man nghĩ về câu chuyện của Ghít-ôn; còn em tôi đoán em đang nghĩ về Sài Gòn. Khi đến cổng nhà Vy, tôi tạm biệt em bằng câu nói mà tôi chưa bao giờ thốt ra: “Chúc em ngủ ngon! Xin Chúa ở cùng với em”. Một lần nữa tôi lại thấy sự dễ thương trên khuôn mặt đang hết sức ngạc nhiên của em. Bỗng em có vẻ ngập ngừng như muốn nói thêm gì đó, nên tôi đùa: “Sao! em chưa muốn anh về hả, hay là mình đi vòng nữa quanh nhà thờ nhé!”.
Em cười và nói: “Không! em muốn anh sáng mai đi lễ với em được không?”.
“Anh sẽ đi bất cứ đâu miễn là có em đi cùng” – tôi cười khoái chí, nhưng em lại có vẻ nghiêm túc nên tôi tiếp: “mà đang giãn cách xã hội, làm gì có lễ đâu em”
Vy nói nhỏ: “Có chứ anh, em vẫn thấy lúc 5h00 có mấy cụ với các bà cố đọc kinh sáng; sau đó, mọi người về hết thì cha xứ bắt đầu dâng lễ, chỉ có cha phó, thầy phó tế thôi, à mà có thêm hai thầy quê hương mới về nữa” – cố lấy hết khả năng thuyết phục, em nói tiếp: “Em định vào nhưng em lại là con gái, mà cũng sợ cha nhưng nếu có thêm anh, thì cha sẽ đồng ý đấy”.
Mặc dù tôi cũng không phải là đứa chịu khó đi lễ, nhưng nếu Vy muốn tôi sẽ đưa em đi, và tôi cũng muốn được thực sự cảm nhận lời của cha lúc mở đầu Thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em”.
Sáng sớm hôm sau, khi hai đứa bước vào gần gian cung thánh, thì cha xứ gọi: “Đăng mới về hả con! Hai đứa đi đâu mà sớm thế này?”, lại được ông thầy quê hương thêm vào: “Từ ngày quấn lấy Vy, Đăng chịu khó đi lễ hơn thì phải?”.
“Dạ! Chúng con tới đây dự lễ, cha cho chúng con tham dự thánh lễ nhé, con nhớ Chúa quá! à không, Vy nhớ Chúa, nên con đi cùng Vy thôi”– tôi vừa gãi đầu vừa trả lời cha.
Cha phó nhìn cha xứ nói: “Vậy xin cha xứ cho Đăng giúp lễ, còn Vy đọc sách và hát mấy bài để thánh lễ thêm sốt sắng hơn”.
Lần đầu tiên tôi được gần bàn thờ đến vậy, từ cha xứ và mọi người đều vây quanh bàn thờ, tôi thấy hạnh phúc quá, cảm xúc đó chẳng biết từ đâu đến; Chúa gần tôi khiến tôi có cảm giác Ngài còn gần hơn cả Vy lúc này. Tôi đã hiểu và giờ đây tôi còn được cảm nhận lời Chúa “Ta ở với ngươi”. Có một sức mạnh vô hình nào đó đang bao trùm lấy tôi, khiến tôi cảm thấy can đảm trong mọi việc nhất là việc quyết định thay đổi lối sống đạo của mình. Mẹ tôi cứ nghĩ yêu Vy tôi sẽ thay đổi ấy vậy mà yêu nhau đã bốn năm tôi chẳng đổi thay mấy.
Tối hôm ấy, khi hai đứa đang đi dạo ở vườn hoa kính các Đấng thánh tử đạo trong khuôn viên nhà xứ, bất chợt tôi dừng lại dưới chân tượng thánh Phêrô Lê Tùy rồi hỏi vu vơ: “Vy à, làm sao để mọi người đều có thể cảm nhận được Chúa luôn ở với mình em nhỉ?”.
Vy đáp: “Còn anh, anh đã bắt đầu cảm nhận Chúa ở với anh lúc nào?”
Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi trả lời: “Đó là lúc anh cứ suy đi nghĩ lại về câu Lời Chúa: Ta ở với ngươi, chắc là vậy em à”.
“Đúng thế đấy anh! khi chúng ta giữ Lời Chúa và suy gẫm trong lòng là lúc chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa đang ở với mình đấy”– Vy cười và trả lời tôi.
“Vậy thì chúng ta phải giữ lấy một câu hay một đoạn Tin Mừng mà nhẩm đi nhắc lại suốt một ngày, ý của em là vậy phải không Vy?” – tôi đáp một cách mau mắn và nhận được cái gật đầu cùng nụ cười của em.
Nhưng một băn khoăn khác lại hiện lên trong tâm trí tôi, không biết có phải chính Chúa đã gieo vào lòng tôi để tôi đi tìm câu trả lời cho chính mình không nữa. Cũng tối hôm đó, tôi nhắn tin cho Vy: “Em à! chiều nay rảo quanh làng anh thấy rất nhiều gia đình dự lễ trực tuyến đấy, tuyệt thật! nhưng mà đi lễ trực tuyến thì không được rước lễ, điều đó buồn quá phải không em?”. Vy nhắn lại: “sáng mai anh ra nhà thờ cắm hoa và dọn cung thánh với em nhé, em sẽ cho anh biết”.
Sáng hôm sau khi dự lễ xong, Vy muốn tôi ở lại dọn luôn, nên đã chuẩn bị hết dụng cụ. Tôi vừa quét vừa nhắc em câu hỏi tối qua. Vy chỉ lên cung thánh và nói: “Anh có nhớ cung thánh nhà thờ cũ của giáo xứ mình chứ? Có gì khác với cung thánh mới không anh? Tôi quan sát hồi lâu rồi trả lời: “Hình như là có một cuốn sách Kinh Thánh để ở góc bên trái và bên phải là nhà chầu thì phải”.
Vy cho tôi một like rồi tiếp: “Anh nói đúng đấy, nhưng tại sao anh biết không? bởi sau công đồng Vaticano II thì Giáo Hội muốn các giáo hữu tôn kính Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể, nên nhiều nhà thờ thiết kế như vậy đấy”.
Vy tiếp tục: “Em biết anh đang nghĩ gì đấy nhé! Chàng kĩ sư ạ! Em đã nói hết đâu! vì Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể, nên việc chúng ta lãnh nhận Lời cũng chính là đã lãnh nhận chính Chúa Ki-tô rồi! thế nên nếu trong mùa dịch này, chúng ta không được rước Mình Thánh Chúa thì đã có lương thực là Lời mà ta vẫn nghe trong phần phụng vụ Lời Chúa đấy anh”.
Thấy tôi còn có vẻ ngơ ngác, Vy nói tiếp: “Thế chẳng phải chính Lời ‘Ta ở với ngươi’ đã làm sống lại đức tin của anh sao?”
Tôi thấy lòng mình bừng sáng như thể hai môn đệ trên đường Emmaus năm xưa vậy, tôi nói: “Vy ơi! đúng là bấy lâu nay ta vẫn coi thường Lời Chúa chẳng để ý nghe, cha giảng thì ngủ gật; thì đây là lúc mọi người phải làm sống lại lòng yêu mến với Lời Chúa nhất là Tin Mừng trong thánh lễ”.
Không để cho Vy kịp lên tiếng, tôi nói luôn: “Anh sẽ về nói với bà và bố mẹ anh điều này, từ trước đến giờ mọi người cứ ca thán là lễ trực tuyến không được rước lễ! vậy là mọi người đã bỏ lỡ một lương thực quý giá như Mình Thánh Chúa vậy đó là Lời Chúa, Lời Hằng Sống”.
Thời gian sau đó, tôi và Vy vẫn âm thầm “lén lút” dự lễ sáng, cùng nhau đọc kinh cầu nguyện dưới hang đá Đức Mẹ mỗi tối; còn tôi giờ đã yêu mến thánh lễ, yêu mến Lời, tôi say sưa nghe những bài giảng của Đức Tổng Thiên hay Đức Tổng Năng mà Vy vẫn chia sẻ cho tôi trên zalo.
Tôi đã quyết định đi in một bức hình với dòng chữ “Ta ở với ngươi” và để trước bàn làm việc để nhắc về sự hiện diện của Chúa bên tôi, chính Ngài ban sức mạnh để tôi thay đổi đời sống, cùng chiến thắng mọi sự, kể cả sự sợ hãi trong cơn dịch bệnh này. Tôi ước mong mọi người sẽ tìm thấy sự sống cùng sức mạnh nơi Lời Chúa trong thời gian chỉ được tham dự thánh lễ trực tuyến. Có Chúa ở cùng, ta sẽ có sức mạnh và can đảm chiến thắng dịch bệnh cũng như những khó khăn thử thách khác còn lớn hơn trong cuộc sống này vì “trong mọi thử thách ấy, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. (Rm 8,37).
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/chua-luon-ben-ta-truyen-ngan/
Lượt xem 218 Lần