Cách đánh số các thánh vịnh

Cách đánh số các thánh vịnh


4/12/2013 5:41:37 PM

Tại sao các thánh vịnh có cách đánh số khác nhau trong các bản văn?

psalms-scripture-with-honey-suckle-flowers-linda-phelps.jpg


Đối với người xưa, thánh vịnh không được gọi bằng các con số (ví dụ Thánh vịnh 22 hay Thánh vịnh 131), mà bằng những từ đầu tiên như các sách khác trong Sách Thánh. Tuy nhiên, cách đánh số các thánh vịnh cũng đã có từ lâu và không đồng nhất giữa các bản văn Do Thái, bản Bảy Mươi (LXX) bằng tiếng Hy lạp
[1] và bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh[2]. Cách đánh số của bản LXX thường được dùng trong phụng vụ và cách đánh số trong bản văn Do Thái thường được chấp nhận trong các cuốn Kinh Thánh. Dưới đây là bảng liệt kê:

Bản tiếng Do TháiBản Hy Lạp / Latinh
Tv 1 đến Tv 8Tv 1 đến Tv 8
Tv 9–10Tv 9
Tv 11 đến 113Tv 10 đến 112
Tv 114–115Tv 113
Tv 116Tv 114–115
Tv 117 à 146Tv 116 à 145
Tv 147Tv 146–147
Tv 148 đến 150Tv 148 đến 150

Ta thấy rằng các thánh vịnh đầu và cuối phù hợp với nhau, chỉ khác nhau nơi các thánh vịnh ở giữa. Khác biệt đầu tiên là bản Hy Lạp khi thì phân làm đôi một thánh vịnh trong bản Do Thái, khi thì nhập hai thánh vịnh trong bản Do Thái lại làm một. Như thế, bản LXX tiếng Hy Lạp đã gộp lại làm một các thánh vịnh 9/10 và 114/115 nhưng lại phân ra làm hai các thánh vịnh 116 và 147 (trong khi đó cả bản Do Thái lẫn Hy Lạp đều không biết rằng các thánh vịnh 42/43 chỉ là một kinh nguyện duy nhất vì có cùng chung một điệp khúc là “Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi” – Tv 42(41),6.12 và Tv 43(42),5).

Ta cũng có thể nhận thấy sự đồng nhất về văn chương giữa một vài thánh vịnh, ví dụ các thánh vịnh 19; 27 và 88.

Các thánh vịnh lập lại cũng tiết lộ nhiều điều: ví dụ Tv 53 (52) lập lại toàn bộ Tv 14 (13) trừ câu 6bc; Tv 69 (70) lập lại Tv 39 (40),14-18; Tv 108 (107) lấy lại Tv 57 (56),8-12 và Tv 60 (59),7-14[3]. Như thế, việc phân chia các thánh vịnh không có một quy định chặt chẽ nào cả. Vậy thì cách phân chia nào có lý hơn?

Bản LXX Hy Lạp có lý khi gộp các thánh vịnh 9 và 10 trong bản Do Thái thành một thánh vịnh duy nhất vì thực ra đây chỉ là một thánh vịnh theo mẫu tự: mỗi một câu được bắt đầu bằng một mẫu tự Do Thái xếp theo thứ tự (dù có một vài khoảng trống vì chỉ có 17 trên 22 mẫu tự). Đây là Thánh vịnh 9 trong bản Hy Lạp. Vì lý do này nên có sự khác biệt trong cách đánh số giữa các bản văn cho đến Tv 114-115 trong bản Do Thái (Tv 113 trong bản Hy Lạp). Không biết vì lý do nào, bản Hy Lạp đã gộp các thánh vịnh 114 và 115 thành một thánh vịnh duy nhất. Thánh vịnh 116 lại bắt đầu cho một cách đánh số khác biệt mới nữa cho đến khi bản LXX Hy Lạp phân thánh vịnh 147 ra làm hai. Do đó, ba thánh vịnh cuối cùng đều có cách đánh số giống nhau trong các bản văn (từ Tv 148 cho đến Tv 150) và tổng số vẫn là 150 thánh vịnh.

Vậy thì phải lưu ý đến sách nào mình sử dụng. Nếu đó là bản dịch Kinh Thánh rất phổ biến (như Bible de Jérusalem, TOB, Osty, Bayard, etc.) hay một tác phẩm chú giải, thì cách đánh số theo bản văn Do Thái được sử dụng. Nếu đó là sách dùng trong phụng vụ Công giáo (Sách Bài Đọc, Thần Vụ, etc.) thì người ta dùng cách đánh số theo bản Hy Lạp và Latinh.



[1] Bản Bảy Mươi (LXX) là bản dịch đầu tiên Sách Thánh tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp.
[2] Bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh của Thánh Giêrônimô.
[3] Theo cách đánh số thánh vịnh trong “Kinh Thánh trọn bộ,  Cựu Ước và Tân Ước”, Tòa TGM Sàigòn, NXB TP, 1998.

Hervé Tremblay, OP

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Lượt xem 340 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *