Các tư tế và luật trong sạch ô uế theo nghi thức

Các tư tế và luật trong sạch ô uế theo nghi thức


10/28/2012 2:19:46 PM

Như chúng ta đã biết nội dung 7 chương đầu sách Lêvi cho thấy sinh hoạt chính của các tư tế là việc tế tự. Tham dự vào việc tế tự đòi hỏi sự trong sạch theo nghi thức, như được dịnh nghĩa trong Lề Luật. Trước hết các tư tế phải tránh mọi tiếp xúc khiến cho họ trở thành ô uế.

HighPriest.jpg 

Có các luật đặc biệt liên quan tới hôn nhân của họ. Hàng tư tế cũng phải vẹn tuyền trên thân xác, vì các khuyết điểm và các tàn tật vật lý khiến cho họ không thích hợp cho việc phụng tự. Trong sách Lêvi chương 20 Thiên Chúa lập đi lập lại lời kêu mời dân Israel phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Giavê Thiên Chúa là Đấng Thánh: ”Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Giavê Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26). Sự thánh thiện đặc biệt ấy của dân Israel lại càng cô đọng hơn nơi các tư tế, vì vậy các tư tế cần có các lề luật riêng.

Chương 21 sách Lêvi đề cập tới sự thánh thiện của hàng tư tế. Nó gồm các luật liên quan tới các tư tế (cc.1-9), và vị thượng tế (cc.10-15) trong trường hợp tang chế hay hôn nhân, và vài ngăn trở đối với chức tư tế (cc. 15-23).

Liên quan tới các tư tế văn bản viết:
Giavê phán với ông Môshê: ”Hãy nói với các tư tế, con của Aharon và bảo chúng: Một tư tế không được làm cho mình ra ô uế vì một người chết trong dòng họ nó, ngoại trừ vì một người gần nhất, một người ruột thịt: mẹ, cha, con trai, con gái, anh em nó. Một người chị em còn trinh vẫn là người gần nhất với nó, vì chưa thuộc về một người đàn ông, thì nó có thể làm cho mình ra ô uế vì người ấy. Vì là người đứng đầu trong dòng họ mình, nó không được làm cho mình ra ô uế mà trở nên phàm tục”.

Luật cấm tham dự vào lễ nghi phụng tự trong tình trạng ô uế vì tiếp xúc với một người chết cũng có nơi nhiều dân tộc xa xưa. Trong dân Israel nó cũng phản ánh cuộc chiến của trường phái Giavít chống lại tục tôn thờ người chết, thịnh hành trong các nền văn hóa nông nghiệp canaan.

Văn bản viết tiếp: ”Các tư tế không được cạo đầu và cắt riềm râu, không đựơc rạch mình. Chúng sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa của chúng và không được xúc phạm đến danh Thiên Chúa của chúng, vì chúng là những người tiến dâng lên Giavê các lễ hỏa tế, là thức ăn dành cho Thiên Chúa của chúng; chúng phải sống thánh thiện”. Cạo đầu, cắt riềm râu và rạch mình là các thói tục tang chế của nhiều dân tộc không do thái. Các tư tế không được làm theo.

Văn bản viết thêm: ”Chúng không được lấy một gái điếm hay một người đàn bà bị làm nhục, chúng không được lấy một người đàn bà bị chồng bỏ, vì tư tế được thánh hiến cho Thiên Chúa của mình.
Ngươi phải coi nó là thánh, vì nó là người tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của ngươi: đối với ngươi, nó sẽ là thánh, vì Ta là Đấng Thánh, Ta, Giavê, Đấng thánh hóa các ngươi.
Nếu con gái của một tư tế làm nhục chính mình mà đi làm điếm, thì nó làm nhục chính cha nó; nò phải bị bỏ vào lửa mà thiêu”.

Liên quan tới vị thượng tế chương 21 sách Lêvi viết:
”Tư tế lớn nhất trong hàng anh em nó, người đã được đổ dầu tấn phong lên đầu và được trao quyền khi mặc phẩm phục, thì không được xõa tóc và xé áo, không được đến gần người chết nào và làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình. Nó không được ra khỏi thánh điện và không được xúc phạm đến thánh điện của Thiên Chúa nó, vì nó đã được dầu tấn phong của Thiên Chúa nó ghi dấu trên mình, Ta là Giavê.
Nó sẽ cưới một người nữ còn trinh. Đàn bà góa hay bị chồng bỏ, người bị

làm nhục hay làm điếm, những người đó nó không được lấy, mà chỉ được lấy một trinh nữ trong gia tộc mình làm vợ; như vậy nó sẽ không làm nhục dòng dõi nó trong gia tộc nó, vì Ta là Giavê Đấng thánh hóa nó”.

Việc được thánh hóa cho Thiên Chúa khiến cho tư tế trở thành người thánh và phải có cuộc sống thánh thiện. Vì thế vợ của tư tế phải là một trinh nữ, vẹn tuyền trong thân xác cũng như trong tâm hồn. Tước hiệu ”thượng tế” hay ”tư tế trưởng” xem ra chỉ có vào thời hậu lưu đầy.

Phần cuối của chương 21 sách Lêvi đề cập tới những trường hợp không được làm tư tế. Văn bản viết: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Hãy nói với Aharon: Qua các thế hệ, người đàn ông nào trong dòng dõi ngươi có tật, thì không được lại gần để tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của nó. Thật vậy, bất cứ người nào có tật, không được lại gần: người đui mù, què quặt, dị tướng, dị hình, người bị gãy chân gãy tay, gù, còi, bị đốm ở mắt, ghẻ, hắc lào hay bị giập tinh hoàn. Bất cứ người đàn ông nào trong dòng dõi tư tế Aharon có tật, thì không được đến gần để tiến dâng các lễ hỏa tế lên Giavê; nó có tật, nó không được đến gần để tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của nó.

Thức ăn dành cho Thiên Chúa của nó, những của rất thánh và những của thánh nó được ăn, nhưng nó không được tới chỗ màn trướng, không được đến gần bàn thờ, vì nó có tật; như vậy nó sẽ không xúc phạm đến các nơi thánh của Ta, vì Ta là Giavê, Đấng thánh hóa những nơi ấy”.

Màn trướng ở đây là bức màn ngăn cách nơi Thánh với Nơi Cực Thánh có Hòm Bia Giao Ước. ”Các Nơi Thánh” có lẽ ám chỉ sự hiện diện của nhiều nơi thờ tự trong Israel. Trước khi có sự hiệp nhất của việc phụng tự tại Giêrusalem, đã có nhiều nơi thờ tự nổi tiếng như Betel, Sichem và Silo. Sau thời lưu đầy cũng có các nơi thờ tự ít nhiều ly giáo, như tại Elephantina và Eliopolis bên Ai Cập, và trong vùng Samaria trên núi Garizim.

Tóm lại, chương 21 sách Lêvi cho thấy tương quan đặc biệt của tư tế với Thiên Chúa, vì vậy tư tế phải chiếm hữu trọn vẹn sức mạnh sinh động; mọi khuyết điểm trong một nghĩa nào đó đều đối nghịch với Thiên Chúa của sự sống.

Vì là người có trách nhiệm bảo đảm cho diễn tiến hoàn hảo của việc phụng tự nên tư tế cũng phải kiểm soát sự trong sạch theo lễ nghi của những người tham dự. Sự hiện diện của một người ô uế trong cộng đoàn gây hại cho sự toàn vẹn của việc phụng tự (Lv 15,31). Sự ô uế kinh khủng nhất là bệnh phong cùi. Vì thế tư tế cũng có nhiệm vụ xác nhận xem một người có bị phong cùi hay không và tuyên bố họ trong sạch hay ô uế. Hai chương 13-14 sách Lêvi đưa ra các chỉ thị rất chi tiết liên quan tới căn bệnh này. Liên quan tới các trường hợp ô uế khác tư tế phải chuẩn bị nước thanh tẩy theo các lễ nghi như ghi trong chương 10 sách Dân Số.

Chương 13 sách Lêvi đề cập đến các bệnh nhọt, lác, đốm mà tư tế phải khám, quan sát và tuyên bố là trong sạch hay ô uế và tuyên bố là bệnh phong cùi. Văn bản cũng đề cập tới bệnh phong cùi kinh niên, ung, phỏng, chốc, lang ben, sói đầu và quy chế cho người phong cùi và phong hủi ở quần áo. Chương 14 trình bày việc thanh tẩy người phong hủi và phong hủi nơi nhà cửa.

Các trường hợp trình bày trong chương 13 được gọi chung với từ ”phong hủi”, ám chỉ các bệnh ngoài da và các vết trên quần áo và nhà cửa. Các tư tế có nhiện vụ khám xét, phân định và tuyên bố người mắc bệnh là thanh sạch hay ô uế, tức mắc bệnh phong hủi. Trong vùng Lưỡng Hà xưa kia các loại bệnh như bệnh phong hủi bị coi như biểu lộ sức mạnh của qủy dữ, vì thế người ta dùng các phương tiện phù phép để trị. Ở đây tác giả chỉ kể ra các triệu chứng và tư tế có nhiệm vụ khám nghiệm và thanh tẩy, mà không bước vào trong phương pháp trị liệu. Tác gỉa cũng không nói gì tới nugồn gốc của bệnh, mà ở nơi khác được gán cho Thiên Chúa. Chẳng hạn sách các Vua II chương 15 kể rằng Azaria, con Amazia trở thành vua Giuda, lên ngôi khi mười sáu tuổi và trị vì hai mươi năm ở Giêrusalem. Tuy nhà vua làm điều ngay chính trước mắt Giavê, nhưng nhà vua đã không phá hủy các tế đàn trên nơi cao, và dân chúng vẫn tế lễ và đốt hương tôn thờ các thần ngoại trên đó, nên Giavê đánh phạt vua; vua mắc bệnh phong hủi cho đến ngày qua đời và sống cô lập trong một căn nhà. Trong khi hoàng tử Giotham, con vua làm đại nội thị thần và cai trị dân chúng (2 V 15,5).

Sự hiện diện của tư tế và việc tuyên bố người bệnh ”thanh sạch” hay ”ô uế” gắn liền bệnh tật với lãnh vực thánh thiêng. Nhưng văn bản muốn có giọng điệu lạnh lùng và quan sát khách quan ”khoa học”, tách rời khỏi mọi quan niệm qủy thần hay phù phép. Ở đây người ta ghi nhận khuynh hướng hệ thống hóa một truyền thống thực nghiệm nào đó, có lẽ đã nảy sinh trong các trung tâm thờ tự. Văn bản cho thấy sự cẩn thận trong việc xác định các triệu chứng, sự đề phòng trong việc cô lập người bệnh, và sự thận trọng của tư tế khi đưa ra phán quyết.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1120)


Linh Tiến Khải

Lượt xem 82 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *