Vì bản thể con người gồm thân xác và tinh thần nên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cũng tác động trên sức khỏe vật lý cũng như sức khỏe tinh thần, như đã viết: ”Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15). Ở đây chúng ta thấy tác giả của thư nhấn mạnh trên chiều kích của đức tin ”Lời cầu nguyện được làm với đức tin”, hầu như để nêu bật rằng tất cả đều nhận lãnh giá trị chiều kích của lòng tin.
Đây không phải là một lễ nghi ảo thuật, cũng không phải là một giàn dựng để tạo ra một ảnh hưởng tâm lý tốt. Việc xức dầu thánh hiệp với lời cầu nguyện có đức tin của toàn cộng đoàn, được diễn tả ra bởi các ”trưởng lão”, tức các linh mục, có quyền năng ”chữa lành” người bệnh do sức mạnh Thiên Chúa ban.
Và sự cứu rỗi đầu tiên hướng tới thân xác như văn bản nói rõ: ”Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy”. Động từ ”nâng dậy” ám chỉ việc người bệnh chỗi dậy khỏi giường, nơi người ấy phải nằm “kámnonta” nghĩa là nằm dài ra vì đau yếu. Việc cứu rỗi thứ hai là giải thoát người bệnh khỏi tội lỗi, nếu người bệnh đã ở trong tình trạng ấy: ”Và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”. Sự giải thoát gồm hai chiều kích như thế do tương quan mà Thánh Kinh thường trông thấy giữa bệnh tật và tội lỗi. Theo quan niệm kinh thánh bệnh tật là hậu qủa của tội lỗi, không phải trong các trường hợp riêng rẽ, nhưng như tình trạng chung của nhân loại. Đó là ý nghĩa điều thánh Phaolô khẳng định trong chương 5 thư gửi tín hữu Roma: ”Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).
Tội lỗi khiến cho linh hồn con người bị hoen ố và bệnh hoạn, vì thế tình trạng tội lỗi này cũng ảnh hưởng trên tinh thần và thân xác con người, khiến cho chúng bị yếu nhược. Đây là kinh nghiệm mà tất cả mọi người đều sống và cảm nghiệm, thường khi trong tình trạng vô thức. Nhưng nó cũng là điều được chứng minh bởi các ngành y khoa, tâm lý và phân tâm ngày nay. Lý do là vì bản thể con người bao gồm ba chiều kích thân xác, tâm lý và tinh thần: soma, psiche và pneuma; nói một cách ngắn gọn là bao gồm xác và hồn, có tương quan mật thiết với nhau, nên ảnh hưởng trên nhau.
Tất cả những gì chúng ta đã nói không có nghĩa là việc xức dầu thánh phải ”luôn luôn” đem lại tất cả các hiệu qủa mà chúng ta đã nhắc tới, bởi vì ý muốn của Thiên Chúa, mà sự sống và cái chết của chúng ta tùy thuộc, cũng có thể sắp xếp một cách khác. Nhưng điều này không lấy mất đi giá trị của lễ nghi xức dầu thánh cho bệnh nhân, bởi vì nó sẽ luôn luôn có hiệu qủa là thanh tẩy linh hồn và thần trí chúng ta khỏi tội lỗi, và khiến cho chúng ta ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta chấp nhận sự đau khổ và chính cái chết như là hiến lễ cao cả của tình yêu dâng lên Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã làm trên thập giá.
Trong cách thế như vậy chúng ta không nhận chịu cái chết, mà là những người chủ động biến cái chết thành một hành động của sự sống, bằng cách tự chuộc mình khỏi các nỗi sợ hãi và khỏi cả sự nổi loạn trước điều xem ra chỉ là một sự thất bại trong kinh nghiệm thân phận làm người của chúng ta.
Như vậy bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là ”một phương thế trợ giúp thân xác và linh hồn của mọi Kitô hữu, mà tình trạng sức khỏe bị hao mòn bởi bệnh tật hay tuổi già. Hai yếu tố xác hồn luôn luôn đi đôi và gắn liền với nhau trong bản chất, phải được chú ý, nếu chúng ta muốn hiểu dấu chỉ và ơn thánh của việc xức dầu bệnh nhân. Thật thế, bệnh tật vật lý khiến cho sự giòn mỏng tinh thần của mọi Kitô hữu trở thành trầm trọng hơn, và nếu không có ơn thánh Chúa, nó có thể dẫn đưa tới chỗ khép kín ích kỷ trong chính mỉnh, hay tới thái độ nổi loạn chống lại sự quan phòng, hoặc tới độ dẫn đưa đến nỗi tuyệt vọng (CEI, Việc rao giảng Tin Mừng và bí tích Xức dầu bệnh nhân, 1974 s. 140).
Văn bản chương 5 thư thánh Giacôbê không nói tới Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, nhưng chỉ đề cập tới lễ nghi xức dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng ta có tất cả các yếu tố tạo thành một bí tích đích thật: các linh mục, các vị thừa tác của Chúa là những người ban bí tích; các bệnh nhân là những người lãnh nhận bí tích; lễ nghi bao gồm các yếu tố vật chất là xức dầu ô liu, và các yếu tố tinh thần là lời cầu nguyện của vị thừa tác và cộng đoàn; và các hiệu qủa nhằm đạt được là ơn lành bệnh trên thân xác và ơn tha tội trong linh hồn cho người bệnh được xức dầu; và yếu tố cần thiết nhất là phải có là đức tin.
Chính vì thế Công Đồng Chung Trento có lý, khi chống lại lập trường của các tín hữu Tin Lành, và thiết định rằng đây là một bí tích đích thực ”do Đức Kitô Chúa chúng ta thành lập” (x. Mc 6,13) và được thánh Giacôbê tông đồ công bố” (Gc 5,14), và nó không chỉ là một lễ nghi nhận được từ truyền thống giáo phụ hay của một sáng chế loài người nào (x. DS 1716).
Ở đây không cần thiết phải bước vào trong việc nghiên cứu tường tận các lý lẽ thần học. Nhưng điều cấp thiết là phải tái khám phá ra ý nghĩa sâu xa của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì nó không chỉ giúp chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa của bệnh tật, khổ đau và cái chết, trong một thời đại mà con người có khuynh hướng tầm thường hóa, hay một cách đơn sơ sinh học hóa các sự kiện gây ra chấn thương tinh thần; nhưng nó cũng còn giúp chúng ta tái khám phá ra sứ mệnh của Chúa Kitô là ”thầy thuốc” của thân xác và linh hồn con người, như các Phúc Âm đã trình bầy.
Nhưng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là bí tích cần được đào sâu và giải thích nhiều hơn nữa để giúp Kitô hữu sống bệnh tật, khổ đau và cả cái chết một cách nghiêm chỉnh và sâu đậm hơn. Chính vì thế thật là ý nghĩa, khi tìm hiểu bệnh tật từ quan điểm nhân chủng học, không chỉ như là tình trạng hư hỏng các cơ cấu và nhiệm vụ của một hay nhiều cơ phận trong thân thể con người; nhưng còn là tình trạng hạn chế, điều kiện hóa thái độ con người sống kinh nghiệm đặc biệt về chính mình và các tương quan với thế giới nữa.
Thật vậy, người bệnh sống một kinh nghiệm về sự tha hóa khỏi chính thân thể của mình. Nó ”làm đau” cho con người, nó không tuân lệnh nữa, và nó khiến cho bệnh nhân cảm thấy trước rằng mình có thể chết. Ngoài ra người bệnh cũng bị tha hóa với chính môi trường sống của mình, vì bị tách rời khỏi các tương quan bình thường trong môi trường gia đình, nghề nghiệp, học đường, sinh hoạt và giải trí vv…. Họ bị tách rời khỏi các người khác, cần đến người khác nhiều hơn trước, không làm gì được để đổi lại các phục vụ ấy của tha nhân, và không thể tránh né các phục vụ ấy đến độ phải nhận ra rằng mình ở trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc người khác. Sau cùng bệnh nhân phải sống kinh nghiệm của sự hạn chế, nghĩa là thấy mình ở trước một bức tường mà không thể ủi sập được, trong một tình trạng khó chịu đau đớn, mà ít nhất trong lúc này đây không thể loại bỏ được. Và như thế người bệnh sờ mó được các hạn hẹp, sự giòn mỏng, bất lực, và tính cách tương đối, ngẫu nhiên của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tiêu cực ấy cũng có các khía cạnh tích cực. Người bệnh bị thách đố có một ý niệm thực tế hơn và sâu xa hơn về chính mình. Sự hạn hẹp của tương lai tương đối quy chiếu họ về tương lai tuyệt đối, và cái bất bình thường của việc sát nhập vào trong thế giới tự tại nhắc nhở họ phải chú ý tới sự cần thiết tìm kiếm một hướng đi mới để tiến tới sự siêu việt, cho phép chống trả lại bệnh tật, trong nghĩa có thể thắng vượt nó và chấp nhận nó, khi không thể thắng vượt được nó. Các hư hoại hay sự tắt lịm của ”các niềm hy vọng” là một sức đẩy rộng mở cho niềm ”hy vọng”.
Trong tình trạng tiến bộ hiện nay của nhân loại, tất cả những điều này có một tầm quan trọng lớn hơn trong qúa khứ. Vì trong các thế kỷ trước một bệnh nặng chỉ kéo dài rất ít thời gian, vì nó mau chóng kết thúc với cái chết; trong khi hiện nay tiến bộ của y khoa đã khiến cho các trường hợp bệnh nặng trở thành thường xuyên và bệnh nhân có thể sống lâu hơn. Do đó họ cũng có nhiều thời gian và cơ may hơn để hướng tới cuộc sống siêu việt, và có thể biến đổi ý nghĩa của bênh tật, khổ đau và cái chết.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1136)
Linh Tiến Khải
Lượt xem 930 Lần