Các giai đoạn trưởng thành trong Hôn nhân
8/24/2014 5:29:57 PM
Tiến trình trải qua các giai đoạn này được cho là theo chu kỳ. Điều này có nghĩa là các cặp vợ chồng có thể trải qua các giai đoạn nhiều lần trong đời sống của họ, mỗi lần như vậy họ càng hiểu biết thêm về những điều liên quan đã từng xảy ra trước đây. Đôi khi, các giai đoạn này có thể được cảm nhận như một cuộc canh tân hôn nhân. Các cặp vợ chồng trải qua các giai đoạn ở các mức độ khác nhau. Nếu không hoàn thành các công việc của một giai đoạn có thể làm hạn chế việc trưởng thành và chuyển sang các giai đoạn sau.
Giai đoạn Một – Lãng mạn, Say mê, Rộng mở và Hứa hẹn
Khởi đầu của mối tương quan vợ chồng thường thì dễ dàng trao đổi với nhau lâu dài. Dường như họ biết nhu cầu và mong muốn của nhau qua trực giác và đi theo đường hướng làm hài lòng và gây ngạc nhiên cho nhau. Các cặp vợ chồng bắt đầu phát triển ý thức rõ ràng về “chúng ta”. Những khác biệt cá nhân được giảm thiểu, nếu được nhận ra, vợ chồng chấp nhận ngay. Có rất nhiều niềm vui, sôi nổi, hạnh phúc và hy vọng. Vợ chồng thể hiện và gợi ra những gì tốt nhất nơi bản thân họ. Cuộc sống dường như rộng mở và đầy hứa hẹn. Đó là thời gian chia sẻ những ước mơ và lãng mạn. Ở giai đoạn này lời cầu nguyện của các cặp vợ chồng thường đầy lời tạ ơn và khen ngợi. Họ cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi và luôn đáp lời. Đây là một thời gian được ghi nhớ và trân trọng.
Giai đoạn hai – Lắng xuống và Nhận thức rõ
Đầy sinh lực và cảm xúc mãnh liệt của giai đoạn một chắc chắn nhường đường cho những điều tầm thường và thói quen hằng ngày. Lý tưởng nhất, trong giai đoạn hai các cặp vợ chồng cần học cách đào sâu kỹ năng giao tiếp. Họ làm việc để hiểu và thể hiện những mong muốn, nhu cầu, và cảm xúc của họ. Họ nhận biết sự trung thực dễ làm tổn thương và lắng nghe nhau cách tích cực. Họ nhận thức được những khác biệt mà trước đây không thấy và vạch ra những kế hoạch để giải quyết chúng. Các cặp vợ chồng tìm hiểu về cho và nhận, thương lượng và thích nghi. Trong lời cầu nguyện, họ tìm cách làm rõ những gì đang xảy ra bên trong bản thân mình cũng như bên trong con tim và tâm trí người bạn đời. Đối với một số cặp vợ chồng, Thiên Chúa dường như không gần gũi trong khi cặp khác trải nghiệm ngài mãnh liệt hơn.
Giai đoạn ba – Nổi loạn và Những tranh chấp quyền lực
Các cặp vợ chồng không thể luôn sống theo nguyện vọng của nhau. Họ sẽ thất vọng và vô tình làm tổn thương nhau. Giờ đây họ trở nên mạnh mẽ để nhận thức được sự khác biệt của nhau và có thể sử dụng những chiến lược kiểm soát để mang lại sự cân bằng như mong muốn. Những tranh chấp quyền lực rất phổ biến. Đổ lỗi, phán xét, chỉ trích và cố thủ là những hậu quả có khả năng xảy ra. Sợ hãi và lo lắng xen vào mối tương quan vợ chồng. Suy nghĩ của các cặp vợ chồng có thể thu hẹp vào một trong hai thái cực, đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu.
Lý tưởng nhất, các cặp vợ chồng cần tìm hiểu về sự tha thứ và thích nghi trong giai đoạn này. Họ học cách giải quyết mang tính xây dựng với sự tức giận và tổn thương. Có một cộng đoàn nâng đỡ là điều hết sức quan trọng trong giai đoạn này.
Đây cũng là thời điểm cá tính và sự độc lập thể hiện ra bề mặt. Trong khi mối tương quan ban đầu nhấn mạnh ý thức rõ ràng về chúng ta, giờ đây các cặp vợ chồng cần phải tìm cách để tôn trọng quyền tự chủ và tính chất riêng biệt. Họ học cách để trở thành một cá nhân trong mối tương quan dấn thân. Trong cầu nguyện, các cặp vợ chồng thường cầu xin và than thở tự phát. Thiên Chúa dường như xa vời và không đáp lời và/hoặc không hiện diện.
Giai đoạn Bốn – Khám phá, hòa giải, và Bắt đầu lại
Các cặp vợ chồng có thể vượt qua các giai đoạn trước thông qua trao đổi sâu sắc, trung thực và tin tưởng. Lý tưởng nhất, họ cần phát hiện và tạo ra một cảm nhận mới về sự kết nối. Họ tìm hiểu thêm về những điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Họ học cách xác định và nói về nỗi sợ hãi của họ thay vì bộc lộ chúng ra. Họ khước từ đánh giá hoặc đổ lỗi cho nhau; họ biến những than phiền thành các yêu cầu thay đổi. Họ chuyển những xung đột thắng/thua sang cùng thắng.
Vợ chồng gặp nhau trong một ánh sáng mới, như là quà tặng và thiếu sót, cũng như bản thân họ quà tặng và thiếu sót. Đồng cảm và lòng thương gia tăng. Họ học cách cảm kích và tôn trọng nhau trong cách thức mới; họ học cách trao ban cho nhau. Họ tìm thấy sự cân bằng mới của tính chất riêng biệt và sự liên kết với nhau, sự độc lập và thân mật. Suy nghĩ của họ trở nên mở rộng và toàn diện hơn. Một hy vọng và sinh lực mới trở lại trong mối tương quan. Trong cầu nguyện, họ tập trung vào lòng biết ơn và tạ ơn, các cặp vợ chồng thường hướng đến một mối tương quan chân thực và trưởng thành hơn đối với Thiên Chúa.
Những thách đố và các giai đoạn bổ sung
Nhiều cặp vợ chồng sẽ gặp phải các giai đoạn chu kỳ cuộc sống bổ sung, mỗi giai đoạn là những hồng phúc và thách đố cho riêng của họ. Cũng giống như hôn nhân, xây dựng một gia đình sẽ gợi ra những điều tốt nhất và tồi tệ nhất, những quà tặng và những hạn chế của các bậc cha mẹ. Đây là cơ hội để tìm hiểu về sự hợp tác và trở thành một đội, về cách giải quyết những khác biệt và xung đột, và khoảng thời gian để dừng lại và lựa chọn. Nuôi dạy con cái là một hành trình tâm linh, không chỉ liên quan đến sự phát triển của con cái, mà còn là sự phát triển của các bậc cha mẹ. Cũng giống như hôn nhân, nó sẽ có nhiều cơ hội để đầu hàng và chết cho mình, để cho đi và đau buồn.
Những thách đố khác của vòng đời bao gồm bệnh tật, thất nghiệp, khủng hoảng tài chính, nghỉ hưu, và cái chết của người bạn đời. Nhiều cặp vợ chồng phải chăm sóc những người đi trước đồng thời với việc chăm sóc con cái.
Kết luận
Trưởng thành trong suốt cuộc hành trình hôn nhân đòi hỏi sự cởi mở và linh hoạt. Đối với những người có đức tin, điều đó cũng có nghĩa là chú ý đế hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần. Văn hóa hiện đại muốn những câu trả lời và chắc chắn; đức tin đòi hỏi phải có sự tin tưởng và phó dâng. Lời mời gọi đối với cuộc hành trình hôn nhân, và các nguồn lực để thực hiện cuộc hành trình này đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ để bước những bước kế tiếp, ngay khi chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ con đường và nơi mà nó sẽ kết thúc.
Bài viết của Tiến sĩ Paul R. Giblin, Phó Giáo sư Mục vụ Tư vấn và Nghiên cứu Mục vụ tại Đại học Loyola, Chicago và là Nhà trị liệu về Hôn nhân và Gia đình.
(Tạ Ân Phúc dịch, WGP.Nha Trang)
Lượt xem 120 Lần