Bí tích truyền chức Linh Mục. Nguồn gốc chức tư tế trong Thánh Kinh Cựu Ước
8/4/2012 1:14:51 PM
Trước hết là nguồn gốc chức tư tế trong Thánh Kinh Cựu Ước. Việc thành lập chức tư tế chiếm một chỗ đáng kể trong các tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước. Sự kiện này không gây ngạc nhiên, bởi vì vị tư tế có nhiệm vụ làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Sự kiện Israel là dân của Thiên Chúa khiến cho các tương quan của Israel với Thiên Chúa có một tầm quan trọng đặc biệt.
Trong Thánh Kinh vị tư tế không xuất hiện ngay lập tức. Để tôn thờ Thiên Chúa tổ phụ Abraham đã không tìm đến một tư tế, nhưng chính ông đã thực thi các nhiệm vụ phụng tự cho gia đình mình. Chẳng hạn sách Sáng Thế chương 12 câu 7 viết: ”Đức Chúa hiện ra với ông Abraham và phán: ”Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi”. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với ông” (St 12,7). Chương 13 ghi lại rằng ông Abraham di chuyển lều và đến ở cụm sồi Mamrê, tại Khêbron. Tại đây, ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa” (St 13,18). Chương 22 kể lại chuyện tổ phụ Abraham dựng bàn thờ trên núi Môrigia để sát tế con một là Igiaác, như Thiên Chúa đòi hỏi để thử lòng ông (St 22,9). Sau đó ông Abraham sát tế con cừu đực làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa thay cho con mình (St 22,13).
Sau này Igiaác và Giacóp cũng dựng bàn thờ và kêu cầu danh Đức Chúa (St 26,25). Chương 28 sách Sáng Thế kể lại giấc mộng của Giacóp và cho biết sáng dậy Giacóp lấy hòn đá gối đầu dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ và gọi nơi đó là Beltel, tức là nhà của Thiên Chúa (St 28,18-19), vì tại nơi đây ông đã trông thấy một chiếc thang bắc lên trời, trên đó có các thiên thần đi lên đi xuống. Sau khi ký kết thỏa hiệp với bố vợ là Laban, Giacóp dâng lễ tế trên núi, và mời anh em họ hàng đến dùng bữa (St 31,54).
Các tư tế đầu tiên được nhắc tới trong Thánh Kinh Cựu Ước không phải là người Do thái, mà là các người ngoại quốc. Chẳng hạn như ông Melkixêđê vua thành Salem, tư tế của Đấng Tối Cao, khi thấy Abraham đánh trận chiến thắng trở về thì mang bánh rượu ra. Tư tế Melkixêđê chúc phúc cho ông Abraham, còn ông Abraham thì biếu vua tư tế Melkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm (St 14,18-20).
Trong chương 41 và 47 sách Sáng Thế có nhắc tới các tư tế Ai Cập. Sau khi Pharaô đặt Giuse làm quan Tể Tướng, ông đổi tên cho Giuse và gả con gái ông Putifar, tư tế thành On, cho ông Giuse (St 41,45). Chương 47 tả lại cảnh tể tướng Giuse thực thi chính sách điền địa. Ông Giuse đã mua cho Pharaô tất cả các đất đai của Ai Cập, chỉ có đất của các tư tế là ông không mua, vì các tư tế được trợ cấp nhất định của Pharaô. Do đó họ có thể sống mà không phải bán đất đai của họ vì nạn đói (St 47, 22).
Sách Xuất hành chương 2 kể lại cảnh ông Môshê trốn Pharaô Ai Cập và chạy sang vùng đất Madian. Ở đó ông lấy Sipora con gái thầy tư tế Giêtrô (Xh 2,16-22).
Đối với dân Israel người ta chỉ đề cập tới các tư tế, khi Israel trở thành một dân tộc. Thật thế, chức tư tế là một trường hợp chuyên biệt xã hội. Các tư tế làm việc phụng tự của Thiên Chúa nhân danh dân chúng.
Trong lịch sử Israel các nhiệm vụ phụng tự được tín thác cho các Lêvi. Tuy nhiên các văn bản cổ xưa nhất liên quan các Lêvi không nhắc đến chức tư tế. Chương 34 sách Sáng Thế kể lại sự kiện Simeon và Lêvi anh của Đina vào thành Sikhem giết hết đàn ông con trai để trả thù cho em gái là Đina đã bị Sikhem con ông Khamor hãm hiếp (ST 34,25-31). Trong chương 49 sách Sáng Thế, lời chúc phúc của tổ phụ Giacóp cũng nhắc tới Simeon và Lêvi và báo trước cho họ biết số phận của họ như sau: ”Simeon và Lêvi là hai anh em; chúng đã dùng gươm mà bạo động. Tôi sẽ không đồng lòng với phe nhóm chúng, không nhất trí với bè lũ chúng, vì trong cơn giận, chúng đã cắt gân bò mộng. Đáng nguyền rủa thay cơn giận dữ của chúng, vì nó vũ phu, đáng nguyền rủa thay cơn lôi đình của chúng, vì nó tàn bạo. Tôi sẽ phân tán chúng trong nhà Giacóp, sẽ làm chúng tản mác trong dân Israel” (St 49,5-7).
Tuy nhiên, trong sách Xuất Hành chương 33 lời chúc lành ông Môshê đọc trên chi tộc Lêvi ban cho chi tộc này các nhiệm vụ tư tế khác nhau. Và ông Môshê cũng là dòng dõi chi tộc Lêvi. Chương 33 sách Đệ Nhị Luật kể rằng trước khi qua đời, ông Môshê chúc phúc cho con cái Israel và nói về chi tộc Lêvi như sau: ”Thẻ xăm tumim và urim của Ngài thuộc về kẻ hiếu trung với Ngài, mà Ngài đã thử thách tại Maxa và đã cùng tranh tụng bên dòng nước Mêriba; nó là người đã nói về cha mẹ nó: Tôi không nhìn thấy họ, anh em nó, nó không nhận, con cái nó, nó không biết. Chi tộc Lêvi đã tuân thủ lời Ngài và đã giữ giao ước của Ngài. Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Israel. Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài. Lạy Đức Chúa, xin chúc phúc cho lòng dũng cảm của nó, xin Ngài khứng nhận việc tay nó làm; xin đập gãy lưng thù địch nó, và ước gì những kẻ ghét nó không còn chỗi dậy đươc!” (Đnl 33,8-11).
Chương 17 sách các Thủ Lãnh chứng minh cho thấy dân Israel thừa nhận cho các Lêvi một nhiệm vụ chuyên môn nào đó, khi kể lại câu chuyện sau đây: Có một thanh niên, người Belem Giuđa, thuộc chi tộc Giuđa. Anh là một thầy Lêvi ở đó như khách trú. Người ấy đi khỏi thành Belem Giuđa để tìm chỗ cư trú. Trên đường đi, anh vào vùng núi Efraim đến nhà ông Mikha. Ông Mikha nói với anh: ”Anh từ đâu tới?” Anh nói với ông: ”Tôi là một người Lêvi thuộc Belem Giuđa; tôi đi tìm chỗ cư trú. Ông Mikha nói với anh: ”Xin ở lại đây với tôi, để làm sư phụ và tư tế cho tôi. Phần tôi, mỗi năm tôi sẽ cung cấp cho anh mười thỏi bạc, áo mặc và lương thực cần dùng. Thầy Lêvi đồng ý ở lại với ông; người trẻ tuổi ấy được ông coi như một trong các con ông. Ông Mikha phong cho thầy Lêvi làm tư tế; người trẻ tuổi ấy trở thành tư tế của ông và ở trong nhà ông Mikha. Ông Mikha nói: ”Bây giờ tôi biết Đức Chúa sẽ phù hộ tôi vì tôi đã có một thầy Lêvi làm tư tế” (Tl 17,7-13).
Bộ Ngũ Thư đưa ra nhiều giải thích liên quan tới các đặc ân của các Lêvi. Chương 2 sách Xuất hành cho biết ông Môshê là con của một cặp vợ chồng thuộc chi tộc Lêvi. Vì thời đó dân Israel là nô lệ của Pharaô Ai Cập và Pharaô ra lệnh giết hết các trẻ trai Ai Cập, nên khi sinh con bà mẹ giấu nó trong ba tháng. Khi không thể giấu lâu hơn đựơc nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rỗi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nil. Chị đứa bé đứng đàng xa rìmh xem cái gì sẽ xảy ra cho em nó. Lúc đó công chúa Ai Cập xuống tắm dưới sông. Thấy chiếc thúng ở giữa đám sậy thì sai con hầu đi lấy. Mở thúng ra, nàng thấy đứa trẻ đang khóc. Nàng động lòng thương và nói: Thằng này là một trong những đứa trẻ Híp ri. Chị đứa bé thưa với công chúa của Pharaô: ”Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Híp ri, để nuôi đứa bé cho bà không?”. Công chúa trả lời: ”Cứ đi đi”. Cô bé liền đi gọi mẹ đứa bé. Công chúa bảo bà ấy: ”Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị”. Người đàn bà mang ngay đứa bè về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pharaô. Nàng coi nó như con và đặt tên là Môshê: nàng nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước” (Xh 2,1-10).
Sau này ông Môshê được Giavê Thiên Chúa chọn làm thủ lãnh giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Trong sa mạc Sinai Giavê Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Israel: Người sẽ là Thiên Chúa duy nhất của Israel và Israel sẽ là dân riêng của Người. Và Thiên Chúa ban cho họ Mười Lời tức Mười Điều Răn hướng dẫn cuộc sống của họ.
Chính trong sa mạc Sinai Israel ý thức mình là dân riêng của Thiên Chúa và là dân tộc được tuyển chọn. Cũng chính trong sa mạc Giavê Thiên Chúa truyền cho ông Môshê tổ chức cuộc sống phụng tự.
Chương 28 sách Xuất Hành ghi lại lệnh Giavê Thiên Chúa truyền cho ông Môshê như sau: ”Phần ngươi, hãy tách rời Aharon và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Israel, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta… Ngươi sẽ may cho Aharon, anh ngươi, những lễ phục để ông được vẻ uy nghi rực rỡ. Chính ngươi sẽ bảo tất cả những thợ giỏi, đã được Ta ban tràn đầy tài năng khôn khéo, may áo tế cho Aharon, để nó được thánh hiến mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta. Đây là các phẩm phục họ sẽ may: túi đeo trước ngực, áo êphốt, áo khoác, áo dài thêu, mũ tế và đai lưng. Họ sẽ may lễ phục cho Aharon, anh ngươi, và cho con cái ông, để ông thi hành chức tư tế phục vụ Ta… ”. Cho tới cuối chương là các chỉ dẫn chi tiết liên quan tới phẩm phục tư tế của ông Aharon và các con trai ông cũng thuộc hàng tư tế.
(Thần học kinh thánh bài 1108)
Linh Tiến Khải
Lượt xem 262 Lần