BÀI ĐỌC TIN MỪNG NĂM B: THÁNH MARCÔ LÊN TIẾNG

BÀI ĐỌC TIN MỪNG NĂM B: THÁNH MARCÔ LÊN TIẾNG


2/7/2012 9:22:04 PM

Cứ đầu Mùa Vọng là Giáo Hội bắt đầu năm phụng vụ mới. Chúng ta hiện ở năm B và hầu hết bài Tin Mừng trong năm được trích từ Tin Mừng Marcô. Ta sẽ nghe gì khi Thánh Marcô lên tiếng?

Saint-Mark-the-Evangelist-Paolo-Veronese-1555-San-Sebastiano-Venice-Italy.jpg 

Năm phụng vụ mới trong Giáo Hội bắt đầu với Mùa Vọng. Đồng thời, chúng ta bắt đầu nghe một tiếng nói mới trong các bài Tin Mừng Chúa Nhật. Sau một năm đều đặn lắng nghe Thánh Matthêu trong các Chúa Nhật (năm A), giờ đây chúng ta chuyển sang Thánh Marcô. Xem ra đây chỉ là sự thay đổi đơn giản. Nhưng giống như trong cuộc sống, điều thoạt đầu tưởng như đơn giản hóa ra lại không dễ dàng trong thực tế. Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi muốn nói đến vài khó khăn mà những người có trách nhiệm phân bố các chu kỳ bài đọc phải vượt qua và vài giải pháp mà họ sử dụng.

Vấn đề đầu tiên có liên quan đến các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa Nhật. Chúng ta có 4 Tin Mừng theo quy điển. Tin Mừng Thánh Luca dài nhất với 1149 câu Tin Mừng Thánh Marcô ngắn nhất với 662 câu. Mỗi Tin Mừng giới thiệu và kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu theo cách của mình. Chuyện kể của Thánh Luca rất đầy đủ, bao gồm câu chuyện dài về thời thơ ấu và hàng loạt những cuộc hiện ra sau khi phục sinh của Chúa Giêsu. Trái lại, Thánh Marcô không nói gì về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và dường như chỉ đề cập đến một lần hiện ra sau phục sinh. Chu kỳ sách bài đọc kéo dài trong ba năm, vậy thì làm thế nào để có thể kết hợp bốn Tin Mừng vào chu kỳ ba năm? Biện minh ra sao khi chọn bài này bỏ bài kia? Giải quyết thế nào khi các Tin Mừng trùng lặp nhau?

Thứ đến, năm phụng vụ không khớp với diễn tiến của câu chuyện Tin Mừng. Nói chung, các Tin Mừng lần lượt thuật lại thời thơ ấu và sự ra đời của Chúa Giêsu, sứ mệnh tại Galilê, hành trình lên Giêrusalem, sứ vụ cuối cùng và cái chết tại thành phố này. Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng và Giáng Sinh, một thời gian trải dài sáu Chúa Nhật; sau cách quãng sáu tuần là đến Mùa Chay và Phục Sinh, bao gồm lễ Hiện Xuống, chiếm khoảng 13 tuần. Tiếp đến là 29 Chúa Nhật được gọi là “Các Chúa Nhật Thường Niên”. Các trình thuật Tin Mừng phải thích ứng với sơ đồ này. Ta hãy xem Tin Mừng Thánh Marcô làm thế nào.

Mùa Vọng và Giáng Sinh (Mc 13, 33-37; 1, 1-8, 6-11)

Mùa Vọng chuẩn bị cho Lời Thiên Chúa đến trong thế gian vào ngày Giáng Sinh. Cuộc sống người Kitô hữu không chỉ nhìn về quá khứ nhưng nhắm đến tương lai, như Thánh Phaolô lưu ý trong thư gởi các tín hữu Philipphê: “Quên đi chặng đường đã qua và lao mình về phía trước” (Pl 3, 13). Bài đọc đầu tiên của Tin Mừng Marcô đọc vào ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng trích từ bài đại diễn từ của Chúa Giêsu khi kết thúc sứ vụ. Ngài truyền cho các môn đệ: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức” (Mc 13, 33). Đây là những lời nói lên tâm trạng của người Kitô hữu không chỉ cho mùa Vọng mà còn cho trọn cả năm. Những lời này tiếp nối bầu khí của các bài đọc Tin Mừng Thánh Matthêu vừa mới chấm dứt (năm A).

Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, chúng ta nghe những câu mở đầu Tin Mừng Marcô (Mc 1, 1-8). Cũng như Matthêu và Luca, Thánh Marcô cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi nhắc đến câu chuyện ấu thời của Chúa Giêsu. Những câu chuyện này cung cấp thông tin, giúp ta hiểu về Chúa Giêsu. Câu đầu tiên nói lên căn tính của Chúa Giêsu: Ngài là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Marcô, phải đợi đến 8 chương thì mới có một con người (Thánh Phêrô) gọi Chúa Giêsu là “Đức Kitô (Mc 8, 29) và 15 chương để một người khác, một binh lính Roma, gọi Ngài là “Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Và rồi Kinh Thánh được trích dẫn: không chỉ ngôn sứ Isaia (Is 40, 3), nhưng cả sách Xuất Hành (Xh 23, 20) và ngôn sứ Malakhi nữa (Ml 3, 1). Việc Chúa Giêsu đến là sự tiếp nối và hoàn tất công việc của Thiên Chúa trong quá khứ. Bằng lời nói và việc làm, Thánh Gioan Tẩy Giả đã củng cố cho công việc này. Chế độ ăn uống và cách ăn mặc của Thánh Gioan đã đặt ngài vào hàng ngũ các ngôn sứ thời Cựu Ước (2 V 1, 8). Ngài loan báo rằng Chúa Giêsu là Đấng sẽ phải đến, là “Người mạnh mẽ nhất” sẽ vào “nhà một người mạnh” và trói hắn lại (Mc 3, 27). Với những ý tưởng này, chúng ta đã được chuẩn bị cho sứ điệp và các biến cố ngày Lễ Giáng Sinh.

Ta sẽ không nghe Tin Mừng Marcô nữa cho đến ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa sau Lễ Giáng Sinh. Lúc ấy ta sẽ nghe tiếng Thiên Chúa, tác nhân ẩn mặt trong Tin Mừng Thánh Marcô, nói rằng Đức Giêsu là “Con yêu dấu” của mình, một trích dẫn Kinh Thánh âm vang những lời của ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ của Chúa (Is 42, 1) và những lời trong sách Sáng Thế nói về Isaac, con của Abraham (St 22, 2). Nếu muốn cử hành Lễ Giáng Sinh trong ý hướng của Thánh Marcô, ta phải nhận ra sứ điệp của 11 câu đầu tiên này trong Tin Mừng của Ngài. Đây chính là nền tảng của phần còn lại trong Tin Mừng Thánh Marcô.

Các Chúa Nhật Thường Niên trước Mùa Chay [3B-7B] (Mc 1, 14 – 2, 12)


Liên tục năm ngày Chúa Nhật trước Mùa Chay, chúng ta đọc Tin Mừng Thánh Marcô, bắt đầu với việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên và kết thúc bằng việc chữa trị cho người bại liệt sau khi Ngài bị phê bình về sự tha thứ tội lỗi.

Đoạn này thật quan trọng. Trước hết, nó cho chúng ta biết những lời nói công khai đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng này. Lời kêu gọi hoán cải và tin tưởng vào Tin Mừng (Mc 1, 15). Từ giờ trở đi, hãy chú ý xem thử lời kêu gọi này được lắng nghe đến đâu. Thứ đến, chúng ta thấy hành động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu là kêu gọi các môn đệ. Uy quyền của Ngài lớn đến độ những ai được kêu gọi đều lập tức bỏ nhà cửa, gia đình và công việc để đi theo Chúa Giêsu. Điều này nói lên sự triệt để và đòi hỏi của Tin Mừng. Chúa Giêsu sẽ không cô độc nữa trong Tin Mừng này. Thứ ba, chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ như thế nào. Ngài đi làm việc trong các thành phố và hội đường, đến từng nhà và đi vào hoang địa. Ma quỷ tuân phục Ngài; Ngài chữa lành bệnh tật, ngay cả bệnh cùi, và tha thứ tội lỗi. Ngài thi hành sứ vụ cho mọi người, ngay cả nhạc mẫu của Simon. Tuy nhiên, kết thúc “ngày ở Capharnaum”, Chúa Giêsu đi ra cầu nguyện vào lúc hừng đông thì các môn đệ kéo đến làm gián đoạn việc cầu nguyện. Khi Ngài tha thứ tội lỗi thì các kinh sư thông thái đã cáo buộc Ngài tội phạm thượng và đây cũng chính là lời buộc tội Ngài vào phiên xử án cuối cùng (Mc 14, 64). Những cảnh đối nghịch tiếp theo sau đó. Sự xung đột đang dần hình thành. Ai đang hối cải và tin vào Tin Mừng, các độc giả có thể đặt câu hỏi. Nhưng bây giờ ta phải cắt ngang câu chuyện vì Mùa Chay đang bắt đầu.

Mùa Chay và Phục Sinh (Mc 1, 12-15; 9, 2-10; 11, 1-10; 14, 1 – 15, 47)

Việc chọn lựa các bài đọc Mùa Chay dựa nhiều vào truyền thống. Chúa Nhật thứ nhất luôn nói đến Sự Cám Dỗ của Chúa Giêsu và Chúa Nhật thứ hai là Sự Biến Hình. Chúa Nhật Khổ Nạn (Lễ Lá), bắt đầu Tuần Thánh, chúng ta nghe câu chuyện dài về Cuộc Khổ Nạn. Năm nay chúng ta nghe câu chuyện Cám Dỗ, Biến Hình và Khổ Nạn theo Tin Mừng Thánh Marcô.

Câu chuyện Cám Dỗ của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Marcô là trình thuật ngắn nhất trong các Tin Mừng, tiếp nối câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa. Mặc dù ngắn ngủi (và chúng ta có khuynh hướng tô điểm thêm với những chi tiết từ Tin Mừng Matthêu và Luca), nó vẫn âm vang những cơn cám dỗ của dân Israel trong sa mạc (Tv 95, 8), lời tiên tri của ngôn sứ Isaia về sư tử nằm chung với bê (Is 11, 6), về Ađam được các thiên thần nuôi ăn theo như lời thuật lại của truyền thống rabbi cổ xưa. Độc giả được cảnh báo về sự xung đột. Satan sẽ tái xuất trong trình thuật không chỉ hiện nguyên hình của mình mà còn như là kẻ thao túng các giới chức tôn giáo của thời đại và ngay cả dưới vỏ bọc là môn đệ của Chúa (Mc 8, 33). Sự xung đột giữa Chúa Giêsu và Satan sẽ lên đến đỉnh điểm trong câu chuyện khổ nạn khi Satan lại xuất hiện như kẻ chiến thắng. Ta đọc thấy trong thư gởi các tín hữu Do Thái 2, 18: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ”

Marcô đặt trình thuật Biến Hình ngay sau khi Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chết ở Giêrusalem. Viễn cảnh vinh quang nhằm tỏ cho các môn đệ thấy rằng số phận của Ngài cũng sẽ bao gồm cả sự phục sinh và vinh quang trong tương lai. Có lẽ vì đã có biến cố Biến Hình nên Thánh Marcô thấy không cần phải kể thêm các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của mình. Sự Biến Hình tiên báo sự phục sinh và là bổ túc cần thiết cho câu chuyện Cám Dỗ. Cuộc sống người Kitô hữu là một lời hứa vinh quang cũng như cảnh báo về sự xung đột.

Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Marcô là trình thuật ảm đạm nhất trong bốn trình thuật mà chúng ta có. Qua sự chịu đựng thinh lặng của mình, Chúa Giêsu đóng vai người tôi tớ đau khổ của Isaia (Is 52, 13 – 53, 12). Bị các môn đệ xa lánh, các thẩm quyền đạo đời kết án, Ngài đã chết cô đơn với tiếng kêu sầu thảm. Chỉ sau khi chết đi thì lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha ở Giếtsêmani mới được đáp ứng khi màn trong Đền Thờ xé ra và viên bách quan Roma chịu trách nhiệm hành quyết Ngài đã thốt lên rằng Ngài thật là Con Thiên Chúa. Mùa Chay là thời gian thích hợp để đọc trình thuật của Thánh Marcô về cái chết của Chúa Giêsu theo kiểu cầu nguyện. Ngài đã kể lại câu chuyện theo cách này để đem lại niềm hy vọng và khuyến khích các Kitô hữu đau khổ bị bách hại ở Roma cũng như những ai đang đau khổ ở ngay thời đại chúng ta. Sự đau khổ và cái chết của Ngài đã hoàn tất những gì chúng ta biết về sự cám dỗ và biến hình ở đầu Mùa Chay.

Các Chúa Nhật Thường Niên sau Lễ Phục Sinh [11B – 16B; 22B – 33B]


Thời gian sau Lễ Hiện Xuống (được gọi là “Mùa Thường Niên”) tiếp tục bài đọc Tin Mừng Marcô, mặc dù bài đọc các Chúa Nhật thứ 9 và 10 Thường Niên năm nay được thay thế bằng Lễ Chúa Ba Ngôi và Lễ Mình Thánh Chúa. Các bài đọc Tin Mừng Marcô trong thời gian này được phân ra làm hai phần, bởi vì các nhà soạn thảo sách Bài Đọc quyết định rằng trình thuật của Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu nuôi 5000 người sẽ thay thế trình thuật của Thánh Marcô, và cũng bởi vì trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Gioan được nối tiếp bằng bài diễn từ dài của Chúa Giêsu về chủ đề “Bánh Hằng Sống” (Ga 6, 1-69), nên Thánh Marcô sẽ phải tắt tiếng trong 5 Chúa Nhật liên tục. Như thế chúng ta chia thời gian này làm hai phần.

Mùa Thường Niên cho đến Chúa Nhật 16 năm B (Mc 4, 26 – 6, 34)

Các bài đọc Tin Mừng Marcô đứt quãng từ lúc này trở đi, đó là sự lựa chọn dành cho chúng ta. Chúng ta bắt đầu với phần cuối trong loạt diễn từ về dụ ngôn của Chúa Giêsu. Phần trước của loạt diễn từ này đã bị bỏ đi có lẽ vì chúng ta đã nghe đầy đủ bản văn của Thánh Matthêu trong năm vừa qua. Sau khi nói lên thẩm quyền giáo huấn của Chúa Giêsu, Thánh Marcô cho chúng ta thấy một loạt bốn “hành động đầy quyền năng” của Chúa Giêsu: Ngài làm bão tố yên lặng, cứu chữa một người bị cả đoàn quỷ ám, người đàn bà bị bệnh đã 12 năm và cho một bé gái 12 tuổi sống lại. Phép lạ thứ nhất (làm bão tố yên lặng), chúng ta không đọc trong năm nay vì vướng ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan. Phép lạ thứ hai (chữa người quỷ ám), không bao giờ được đọc vào ngày Chúa Nhật từ bất cứ Tin Mừng nào. Sau khi biểu dương quyền năng, thật đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu không làm phép lạ nào ở Nazarét. Thánh Marcô chép: “Ngài đã không thể làm được một phép lạ nào tại đó… Ngài lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 5-6).

Sau đó Chúa Giêsu sai 12 môn đệ cứ từng đôi một ra đi truyền giáo (Mc 3, 14) và khi họ trở về, Ngài mời họ vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi. Đến lúc này, chúng ta tạm biệt Marcô và quay sang Thánh Gioan trong 5 tuần. Marcô không nói gì về những điều mà các môn đệ đã kinh qua. Thay vào đó, ngài kể lại một trong những câu chuyện kịch tính nhất trong Tin Mừng của mình, câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả, nhưng bài này bị bãi bỏ trong loạt bài đọc của chúng ta. Điều này ngầm nhắc nhở rằng chúng ta nên giở lại sách Kinh Thánh để đọc lại toàn bộ các trình thuật của Marcô từ Mc 2, 12 cho đến 6, 55. Tin Mừng Marcô là cả một câu chuyện vĩ đại mà ta không muốn bỏ sót bất kỳ câu chuyện nào.

Mùa Thường Niên sau Chúa Nhật 22B (Mc 7, 1 – 13, 32)

Chúng ta lại nghe Thánh Marcô thuật lại lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tinh sạch và ô uế (Chúa Nhật 22) và Chúa Nhật 23 tiếp theo nói về việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Trình thuật của Marcô về đứa con gái của người phụ nữ Syrô-Phênixê được lược bỏ bởi vì ta đã nghe bài của Thánh Matthêu trong năm vừa qua. Cũng bỏ qua trình thuật về việc hóa bánh ra nhiều lần thứ hai bởi vì năm nay ta cũng nghe quá nhiều về Bánh Hằng Sống trong Tin Mừng Thánh Gioan. Câu chuyện các môn đệ trên thuyền và việc chữa lành người mù ở Bétsaida thấy người qua lại như cây cối đang di chuyển cũng bị lược bỏ. Thay vào đó chúng ta nghe cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu tại Galilê khi Ngài hỏi các môn đệ tin Ngài là ai, và Thánh Phêrô trả lời Ngài là Đức Kitô.

Đến đây, bắt đầu trình thuật của Thánh Marcô về hành trình tiến về Giêrusalem, tuy không trích đọc đầy đủ nhưng cũng kéo dài 7 Chúa Nhật. Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn và nói rằng ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải vác thánh giá. Các môn đệ, đặc biệt là Giacôbê và Gioan, đã hiểu sai và chống đối giáo huấn như thế. Người duy nhất tỏ bày thiện cảm khi theo Chúa Giêsu là người mù Bartimê. Ba lần anh xin Chúa Giêsu cho mình được sáng mắt và kiên trì cầu khẩn, lời xin của anh được đáp ứng và anh đi theo Chúa Giêsu trên đường đến Giêrusalem cho đến khi Ngài chịu chết. Giáo huấn về ly dị và mối nguy của sự giàu có nằm trong phân đoạn này. Câu chuyện lạ thường về sự thất bại của các môn đệ khi cứu chữa một đứa bé bị quỷ ám mắc bệnh động kinh cũng được lược bỏ (Mc 9, 14-29).

Phần thứ ba của Tin Mừng Marcô cho ta biết những gì xảy ra khi Chúa Giêsu đến Giêrusalem. Trình thuật của Thánh Marcô về cuộc khổ nạn đã được đọc đầy đủ vào Chúa Nhật Khổ Nạn, tuy nhiên ta cảm thấy bất bình vì các bài đọc nói quá ít về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Có lẽ vì đã hết chỗ: chỉ còn lại ba Chúa Nhật. Chúa Nhật 31 và 32 nói về câu hỏi của các kinh sư về giới răn trọng nhất và về bà góa phụ nghèo bỏ hết cả gia sản mình có vào quỹ đền thờ. Các trình thuật về cây vả bị nguyền rủa, làm sạch đền thờ và các tranh luận gay gắt của Chúa Giêsu với giới thẩm quyền cũng được lược bỏ. Bài đọc Tin Mừng Thánh Marcô cuối cùng trích từ bài diễn từ dài của Chúa Giêsu về thời sau hết. Chúng ta sẽ nghe nhiều về thời gian cuối cùng này trong các bài đọc năm sau (năm C) trích từ Tin Mừng Thánh Luca. Nhưng khi quay lại nơi ta bắt đầu chu kỳ năm nay, tức Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm B (Mc 13, 33-37), ta gặp thấy đoạn tiếp theo của bài đọc cuối cùng trích Tin Mừng Marcô được đọc trong Chúa Nhật 33 năm B (Mc 13, 24-32).

Kết luận


Điều này đã khẳng định một chân lý quan trọng về Tin Mừng Marcô: Tin Mừng này không bao giờ thật sự chấm dứt. Câu đầu tiên trong Tin Mừng này nói rằng: “Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô”. Câu chuyện Tin Mừng vẫn còn tiếp tục cho đến cuối thời gian. Tin Mừng có lẽ đã kết thúc với sự sợ hãi của các phụ nữ khi được sai đi rằng: “hãy đi và báo cho các môn đệ của Ngài cùng ông Phêrô rằng Ngài sẽ đến Galilê trước các ông” (Mc 16, 7). Các bà đã lẫn trốn vì sợ hãi. Thế nhưng họ phải vượt qua sợ hãi và sự sợ hãi có thể là khởi đầu cho đức tin như là sự sợ hãi của các môn đệ trên thuyền ở Biển Hồ (Mc 4, 40). Chúng ta cũng được mời gọi đi đến Galilê, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ và cũng là nơi sứ vụ được nối tiếp sau khi Chúa Phục Sinh gặp gỡ Phêrô sau ngày sống lại.

Như vậy, đây là thời gian để chúng ta đọc lại bản văn này và hãy chú ý rằng ta sẽ thường gặp thấy những từ ngữ nói về sự chỗi dậy và phục sinh, từ lúc Chúa Giêsu cầm tay “đỡ dậy” bà nhạc mẫu của ông Simon cho đến thông điệp “Ngài đã chỗi dậy” của người thanh niên nói với các phụ nữ ở chương cuối cùng (Mc 1, 31; 16, 6). Tin Mừng Marcô không chỉ cảnh báo về cái giá của việc làm môn đệ Chúa mà còn là lời hứa tưởng thưởng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35). Chúng ta học biết nhiều từ Tin Mừng Marcô được đọc trong năm nay và vẫn sẽ còn biết nhiều điều hơn nữa khi Tin Mừng sẽ quay lại trong các bài đọc Chúa Nhật trong ba năm tới.

Lm. Peter Edmonds SJ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Lượt xem 235 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *