A-đam, E-và và sự tiến hóa

A-đam, E-và và sự tiến hóa


7/31/2012 9:02:05 PM

Sự tranh cãi xung quanh vấn đề tiến hóa đã đụng đến những niềm tin căn bản nhất về con người chúng ta và thế giới.

creation-adam.jpg

Những học thuyết tiến hóa đã được dùng để giải đáp những vấn nạn liên quan đến nguồn gốc của vũ trụ, sự sống và con người. Những thuyết này chủ yếu dựa vào thuyết tiến hóa của vụ trụ, thuyết tiến hóa về sự sống, thuyết tiến hóa về con người. Ý kiến của một người về một trong những lãnh vực đó  không bắt buộc người ta phải tin thế nào về những lãnh vực kia.

 

Người ta thường có 3 lập trường căn bản về nguồn gốc của vũ trụ, sự sống và con người: (1) Việc tạo dựng trực tiếp từng lọai hoặc tức thời. (2) Việc tạo dựng tiệm tiến hoặc sự tiến hóa do Thiên Chúa, (3) Và sự tiến hóa vô thần. Quan điểm đầu tiên cho rằng một vật có sẵn đã không phát triển nhưng được tạo thành tức thời và trực tiếp bởi Thiên Chúa. Lập trường thứ  hai cho rằng một vật có sẵn phải phát triển từ một hình thức hoặc trạng thái có trước, nhưng tiến trình này chịu sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Lập trường thứ ba cho rằng một vật phát triển là do lực ngẫu nhiên mà thôi.

 

Khi bàn về vấn đề vũ trụ, sự sống và con người xuất hiện thế nào thì đồng thời người ta cũng tìm hiểu xem vấn đề liên hệ là những thứ đó xuất hiện khi nào. Những người quy gán nguồn gốc của ba điều vừa nêu (vũ trụ, sự  sống, con người) cho một sự tạo thành  trực tiếp từng lọai thường cho rằng, chúng xuất hiện đồng thời, có lẽ khoảng 6000-10 000 năm trước. Những người quy gán ba điều kể trên cho sự tiến hóa có tính cách vô thần (không có sự tác động của thần thánh) thì ba điều kể trên có thời gian xuất hiện xa hơn. Họ thường cho rằng vũ trụ có khoảng từ 10 đến 20 tỉ năm, sự sống đã có trên mặt đất khỏang bốn tỉ năm và con người hiện đại (nhánh homo sapiens) có khoảng 30000 năm trước đây. Những người tin vào những hình thức khác nhau của sự tạo thành do phát triển cũng dùng lập trường về thời gian tạo dựng của một hoặc cả hai nhóm kia.

 

Lập trường Công Giáo

 

Lập trường công giáo tin hay không tin sự tiến hóa? Câu hỏi có lẽ sẽ không bao giờ có một câu trả lời chung cuộc nhưng có những yếu tố nhất định mà đức tin Công Giáo có thể chấp nhận được.

 

Bàn đến vấn sự tiến hóa của vũ trụ, Giáo hội đã định tín với quyền vô ngộ rằng vũ trụ được tạo dựng đặc biệt từ hư không. Công Đồng Vatican I đã định tín long trọng rằng mọi người phải “tuyên xưng thế giới và toàn thể mọi vật trong đó, đã được Thiên Chúa tạo thành từ hư không (Các khỏan định tín về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của mọi sự, khỏan 5)

 

Giáo hội không có một lập trường chính thức về liệu các vì sao, tinh vân và các hành tinh mà chúng ta thấy ngày nay được tạo thành vào một thời điểm nào đó hay chúng hình thành qua thời gian (ví dụ, sau vụ đại nổ tinh vân [Big Bang] mà những nhà khoa học về vũ trụ đang bàn luận). Tuy nhiên, Giáo  Hội luôn xác tín rằng, nếu các vì sao và hành tinh hình thành theo thời gian, điều này rốt cuộc phải được quy cho Thiên Chúa và kế hoạch của Người, vì Kinh Thánh có chép rằng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi thở Chúa tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33, 6)

 

Liên quan tới vấn đề tiến hóa của sự sống, Giáo Hội không có lập trường chính thức về liệu những hình thái sự sống khác nhau phát triển trong một tiến trình thời gian. Tuy nhiên, nếu nói rằng các hình thái sự sống phát triển, chúng cũng phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn cuả Thiên Chúa, và sự hình thành cuối cùng của chúng phải được quy về cho Thiên Chúa.

 

Liên quan tới sự tiến hóa của con người, Giáo Hội có một giáo huấn rõ ràng hơn. Giáo huấn này thừa nhận khả thể rằng thân thể con người phát triển từ những hình thái sự sống trước đó, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nhưng giáo huấn này luôn kiên định về sự tạo thành đặc biệt của linh hồn. Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tuyên bố rằng “huấn quyền của Giáo Hội không cấm đoán những nghiên cứu và thảo luận về học thuyết tiến hóa, khi các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của cơ thể con người như là xuất phát từ một sinh vật đã có trước, miễn sao các nghiên cứu và thảo luận đó phù hợp với hiện trạng của nền khoa học nhân loại và với thần học thánh – đức  tin Công giáo buộc chúng ta phải tin rằng linh hồn được Thiên Chúa tạo dựng trực tíếp” (Pi-ô XII, Humani Generis 36). Vì thế, cho dù cơ thể con người có được tạo thành trực tiếp hay do phát triển, chúng ta cũng buộc phải tin rằng linh hồn con người được tạo dựng một cách đặc biệt; nó không tiến hóa, và cũng không do thừa hưởng từ cha mẹ như thân thể của chúng ta.

 

 

Mặc dù Giáo hội cho phép tin vào việc tạo dựng trực tiếp từng lọai hoặc việc tạo dựng do phát triển nhưng Giáo Hội không khi nào cho phép tin vào thuyết tiến hóa vô thần (atheistic evolution)

 

Vấn đề thời gian

 

Vấn đề khi nào vũ trụ, thế giới và con người xuất hiện thì ít có định tín. Giáo hội đã định tín rằng vũ trụ có số tuổi giới hạn- nghĩa là không hiện hữu từ đời đời- nhưng Giáo hội không xác định rằng có hay không việc vũ trụ đã được tạo thành chỉ từ một vài ngàn năm trước hay phải chăng vũ trụ đã được tạo thành nhiều tỉ năm về trước.

 

Người Công Giáo nên cân nhắc những chứng cứ về tuổi của vũ trụ này bằng cách dựa vào những bằng chứng của khoa học và của Kinh Thánh. “Mặc dầu đức tin vượt trên lý trí, nhưng không hề có sự trái ngược giữa đức tin và lý trí. Vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng mạc khải những mầu nhiệm và trao ban niềm tin và cũng chính Đấng ấy ban cho trí tuệ con người ánh sáng của lý trí. Thiên Chúa không thể từ chối chính mình và chân lý không thể mâu thuẫn chân lý” (GLHTCG s. 159).

 

Sự đóng góp của các nhà khoa học vật lý trong việc trả lời những câu hỏi này, đã được nhấn mạnh trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, trong đó nhận rằng “Câu hỏi về nguồn gốc của thế giới và con người đã trở nên đối tượng của nhiều nghiên cứu khoa học và đã làm cho hiểu biết của chúng ta về tuổi và những khía cạnh của vũ trụ, sự phát triển của các loại sự sống và sự xuất hiện của con người. Những khám phá này mời gọi chúng ta mỗi ngày mỗi cảm phục sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa, giục giã chúng ta phải cảm tạ Ngài vì những công trình của Ngài cũng như những sự hiểu biết và khôn ngoan mà Ngài ban cho các học giả cũng như những nhà nghiên cứu (GLHTCG s. 283).

 

Bài viết này không nhằm việc xem xét những bằng chứng khoa học, nhưng sẽ trình bày một vài điểm liên quan tới diễn giải Sáng Thế và sáu ngày tạo dựng. Trong khi có nhiều cách giải thích về sáu ngày này, nhưng căn bản có thể chia thành hai cách thức đọc trình thuật- cách đọc theo tiến trình thời gian và cách đọc theo chủ đề.

 

Đọc theo thứ tự thời gian

 

Nếu đọc theo thứ tự thời gian, sáu ngày tạo dựng thường được hiểu rằng, sáu ngày nối tiếp nhau một cách chặt chẽ. Và một ngày ở đây cũng thường được hiểu là 24 giờ theo tiêu chuẩn đời nay.

 

Một số người không đồng ý với tư tưởng cho rằng những ngày đó là những ngày theo tiêu chuẩn đời nay vì danh từ Do Thái được dùng trong đoạn văn nói về ngày là (yom) thỉnh thoảng lại có nghĩa là một khoảng thời gian dài hơn 24 giờ (như trong St 2,4). Tuy nhiên, có vẻ như Sáng Thế chương I trình bày những ngày tạo dựng như là những ngày theo tiêu chuẩn đời nay. Vào cuối mỗi ngày, ta sẽ thấy lặp lại một công thức như, “sau một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ nhất” (St 1, 5). Buổi chiều và buổi sáng là những thời điểm giữa ngày và đêm (đây là ý nghĩa của những thuật ngữ Do Thái), nhưng những khoảng thời gian dài hơn 24 giờ thì không do ngày và đêm tạo thành. Sách Sáng Thế đang trình bày những ngày tạo dựng cho chúng ta như những ngày có 24 giờ, tức ngày theo mặt trời. Nếu chúng ta không muốn hiểu những ngày tạo dựng như những ngày có 24 giờ, đó là bởi vì Chương 1 sách Sáng Thế không có ý làm một trình thuật theo thứ tự thời gian theo nghĩa đen.

 

Đó là một khả thể. Đức Giáo Hòang Pi-ô XII đã cảnh báo chúng ta, “nghĩa đen của một đọan văn không luôn luôn rõ ràng trong những diễn từ và những bản văn của các tác giả thời cổ đại ở vùng Cận Đông, không giống như cách nói và viết của các tác giả trong thời đại chúng ta. Vì những điều họ muốn diễn tả không bị quy định bởi những quy luật văn phạm và triết học hay bối cảnh mà thôi; nhà chú giải đặt mình trở lại trong não trạng của những thế kỷ xa xưa đó của vùng Cận Đông, với sự giúp đỡ của các ngành lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học và những ngành khoa học khác, đã xác định một cách chính xác đâu là kiểu mẫu của các bản văn thời cổ, nghĩa là những cách thức mà các tác giả thời cổ đã có thể dùng hoặc thực sự đã dùng. Đối với những dân tộc cổ vùng Cận Đông, khi diễn tả tư tưởng, họ không dùng những hình thức hay thể loại diễn đạt như chúng ta dùng ngày nay; nhưng họ dùng những cách thức mà những người thời đó, nước đó sử dụng. Những cách thức văn chương đó đích thực là như thế nào thì không thể xác định trước nhưng phải nghiên cứu cẩn thận những thể loại văn chương cổ của các nước Cận Đông”

 

Đọc theo chủ đề

 

Điều này cho chúng ta thấy rằng Chương I sách Sáng Thế không được viết theo trật tự thời gian nhưng theo một chủ đề. Những người ủng hộ quan điểm này chỉ ra rằng, trong văn chương cổ, phương pháp sắp xếp các dữ kiện lịch sử theo từng chủ đề theo thứ tự thì phổ biến hơn là cách thức sắp xếp theo trật tự thời gian.

 

Những lý lẽ ủng hộ phương pháp sắp xếp các dữ kiện lịch sử theo chủ đề chỉ ra rằng, vào thời gian thế giới được tạo thành, có hai vấn đề. Thứ nhất, thế giới “không có hình dạng và trống rỗng (St 1,2). Trong ba ngày đầu của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã giải quyết vấn đề ‘không có hình dạng’ bằng cách tạo ra những yếu tố khác nhau của môi trường.

 

Trong ngày thứ nhất, Người tách ngày khỏi đêm; ngày thứ hai Người tách nước bên dưới (đại dương) khỏi nước bên trên (mây) bằng cách đặt bầu trời ở giữa; và ngày thứ ba Người tách rời những khối nước ở dưới bằng cách tạo nên đất liền. Do đó, thế giới đã được thành hình.

 

Nhưng thế giới vẫn trống rỗng. Vì thế, trong ba ngày tiếp theo, Thiên Chúa giải quyết vấn đề “trống rỗng” bằng cách tạo ra các sinh vật cho ba vùng không gian Người đã tạo ra trong ba ngày trước đó. Do đó, sau khi Người đã tự mình giải quyết những vấn đề “không hình dạng và trống rỗng”, công việc của Người hoàn tất và ngày thứ bảy, Người nghỉ  ngơi.

 

Lịch sử đích thực.

 

Luận cứ là tất cả những điều nêu trên là lịch sử “đích thực” chỉ có điều là nó được sắp xếp theo chủ đề hơn là sắp xếp theo thứ tự thời gian, và theo luận chứng này các độc giả ngày xưa của sách Sáng Thế hẳn cũng đã hiểu như thế.

 

Thậm chí nếu Chương I Sách Sáng Thế tường thuật công trình của Chúa theo cách thức chủ đề, thì vẫn là tường thuật công trình của Chúa- những sự việc Chúa thật sự đã làm.

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích rằng “Kinh Thánh trình bày công trình của Đấng Tạo Hóa như một biểu tượng, dưới dạng một chuỗi sáu ngày làm việc liên tục của Thiên Chúa và kết thúc bằng sự nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy (GLHTCG s. 337), nhưng không có gì hiện hữu mà không do Thiên Chúa tạo dựng. Vũ trụ bắt đầu khi Lời Thiên Chúa tạo nó ra từ hư không. Tất cả mọi sự đang hiện hữu, toàn bộ thiên nhiên, toàn bộ lịch sử loài người đều bắt nguồn từ biến cố tiên khởi đó: đây là khởi điểm hình thành thế giới và bắt đầu thời gian. (GLHTCG s. 338).

 

Chúng ta không thể bỏ đi những sự kiện trong Chương I sách Sáng Thế như thể đó chỉ là thần thoại. Chúng là những trình thuật của lịch sử thật cho dù chúng được kể theo cách thức của một lối văn lịch sử mà người Tây Phương không quen dùng.

A-đam và E-và: Những con người thực

 

 Adam-Eva.jpg

Chúng ta cũng không được phép lọai bỏ câu chuyện về A-đam và E-và sự sa ngã (St 2-3) như thể đó là một chuyện giả tưởng. Vấn đề thường hay được đặt ra trong bối cảnh này là liệu rằng loài người sinh ra từ nguồn gốc hai người này (thuyết độc tổ- tức một nguồn gốc tổ tiên) hay con người có nhiều tổ tiên (thuyết đa tổ).

 

Trong vấn đề này, Đức Giáo hoàng Pi-ô XII đã cho biết; “khi có một ý kiến phỏng đoán về nguồn gốc đa tổ của loài người, con cái của Giáo Hội không thể nào chấp nhận”. Vì tín hữu không thể chấp nhận ý kiến cho rằng sau A-đam, trên trái đất có những con người thật sự mà lại không xuất phát từ dòng dõi sinh ra từ A-đam, như cha mẹ đầu tiên của loài người; cũng không thể chấp nhận ý kiến cho rằng A-đam đại diện cho những cha mẹ đầu tiên của loài người. Những ý  kiến như thế sẽ không thể đứng vững với chân lý mạc khải và giáo huấn của Giáo hội liên quan đến tội nguyên xuất phá từ một tội do một người là A-đam đã phạm và qua việc sinh sản truyền sang cho mọi người và ở trong mọi người” (Humani Generis 37)

 

Câu chuyện tạo dựng và sa ngã của con người vẫn là một câu chuyện thực cho dù nó được viết không hoàn toàn theo những cách thức của văn chương hiện đại. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho rằng “Vấn đề sa ngã trong Sáng Thế Chương III dùng ngôn ngữ biểu tượng, nhưng xác định rằng đây là một biến cố nguồn cội, một biến cố diễn ra ngay buổi đầu của lịch sử con người. Mạc khải cho chúng ta biết rằng toàn bộ lịch sử con người đều mang dấu tích nguyên tội mà nguyên tổ đã cố tình phạm” (GLHTCG s. 390).

 

Khoa học và tôn giáo

 

Giáo hội Công Giáo luôn dạy rằng “không có sự mâu thuẫn thực sự giữa các thần học gia và các nhà khoa học nếu mỗi bên biết chấp nhận giới hạn của mình…. Dầu vậy, nếu có bất đồng xảy ra thì ta nên nhớ rằng các tác giả Sách Thánh, hay đúng hơn “Thánh Linh nói trong họ, không bao giờ muốn dạy người ta về những chân lý không giúp đưa người ta đến ơn cứu độ (chẳng hạn như cấu trúc nội tại của các vật hữu hình). Vì lý do này mà nhiều lúc thay vì đưa ra một cách trình bày khoa học về tự nhiên, các vị ấy đã mô tả và trình bày các vấn đề dưới hình thức của ngôn ngữ hình ảnh hay những công thức ngôn ngữ phổ biến mà thời đại ấy đòi hỏi và quả thật, con người ngày nay, thậm chí ngay cả những người trí thức cũng đòi hỏi những cách thức như thế. (Lê-ô XIII, Providentissimus Deus 18)

 

Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rõ, “việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành kiến thức, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, không bao giờ có thể trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù không ý thức, họ vẫn như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng”.(GLHTCG s. 59). Giáo Hội Công Giáo không bao giờ sợ khoa học hay những khám phá của khoa học.

 

Công Tùng chuyển dịch từ  catholic.com
(dongten 31.07.2012)

Lượt xem 212 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *