Phụ nữ trong các dụ ngôn: thoáng nhìn về các phụ nữ trong Tân Ước
1/4/2020 3:51:27 PM
|
Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng hầu hết những ngôn ngữ có biến tố, trong đó có tiếng Hy Lạp cổ, thường sử dụng những danh từ và tính từ số nhiều giống đực không những để chỉ một nhóm toàn đàn ông nhưng còn một nhóm hỗn hợp gồm cả ông lẫn bà. Như vậy có một vài đoạn văn thật khó mà biết được trong đó nói đến nhóm đàn ông hay nhóm hỗn hợp cả bà lẫn ông. Chẳng hạn trong dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16). Vì những người lên tiếng đều là đàn ông nên chúng ta cứ cho rằng tất cả là các ông. Nhưng việc thu hoạch nho và quả ôliu là một công việc gia đình. Có thể đây là một nhóm hỗn hợp các đơn vị gia đình, gồm đàn ông, đàn bà và con cái được mướn để thu hoạch vụ mùa.
Một ví dụ khác là câu chuyện những khách được mời dự tiệc cưới (Mt 22,1-14; Lc 14,15-24). Miền quê Galilê vào thế kỷ thứ nhất không phải thuộc nền văn hóa phụ quyền đến nỗi phụ nữ không được tham dự các bữa ăn vào những dịp quan trọng. Chúng ta tưởng tượng những vị khách như thế nào, những người được mời và không được mời, tất cả đều phụ thuộc vào những giả định của chính chúng ta.
Tự bản chất, các dụ ngôn lấy chất liệu từ đời sống thường nhật nhưng tùy biến nhẹ để nó vang vọng lại theo chiều hướng khác với một ý nghĩa mới. Trong các dụ ngôn, phụ nữ cũng như đàn ông, họ làm những điều mà họ thường làm ở mọi thời đại: trong trường hợp này, các phụ nữ chuẩn bị bữa ăn, tham dự tiệc cưới, sinh con, quán xuyến tài chính gia đình. Trước khi làm bánh, hạt lúa mì phải được giã thành bột bằng tay với cối và chày, một công việc của phụ nữ. Như vậy, hai phụ nữ cùng giã bột với nhau để làm ra bánh ăn hằng ngày. Nhưng như một minh họa cánh chung, một người ở lại sau khi người khác được đem đi đột ngột vào thời cánh chung (Mt 24,41; Lc 17,35). Người còn lại có biết điều gì đã xảy ra không? Bà khóc lóc vì mất một người bạn hay vui mừng vì căn tính mới của người bạn ấy?
Phụ nữ làm bánh bằng cách rắc men vào khối bột nhão, điều mà các phụ nữ trong các xã hội vùng Địa trung hải đã làm hằng ngày. Nhưng thay vì trộn, bà giấu (ἐνέκρυψεν) nó vào một khối bột rất lớn – ba thúng, tương đương 25 ký. Sự kỳ lạ của lượng men nhỏ giấu vào trong khối bột rất lớn đã trở nên công việc được giấu kín cách mầu nhiệm của Nước Trời (Mt 13,33; Lc 13,21). Có thể nào người phụ nữ làm bánh là hình ảnh của Thiên Chúa truyền vào điều bình thường một sự sống mới?
Bây giờ là những người tiệc tùng. Một anh chăn chiên lại bỏ chín mươi chín con để tìm con chiên lạc và vui mừng với các cậu bạn bè và hàng xóm vì con chiên lạc đã được tìm thấy (Lc 15,3-6). Cũng vậy, một chị phụ nữ đánh rơi đồng bạc đã khóc lóc và tìm kiếm cho đến khi tìm được, rồi mở tiệc vui cùng với các bà và hàng xóm vì đồng bạc mất đi đã được tìm thấy (15,8-10); cuối cùng, người cha vui mừng khi người con lạc đã trở về, ông tổ chức tiệc mừng trong sự càu nhàu của người con cả (15,11-32). Trong khi Matthêô chỉ cho chúng ta dụ ngôn người chăn chiên đi tìm con chiên lạc (Mt 18,12-13) thì Luca đã tạo nên sự cân bằng giới tính khi thêm vào câu chuyện người phụ nữ với đồng bạc đánh rơi. Dụ ngôn người phụ nữ với đồng bạc lạc mất là yếu tố trung tâm của bộ ba dụ ngôn về sự lạc mất và tìm thấy.
Trong hoạch định của Luca, sự cân bằng giới tính là điều quan trọng giữa người chăn chiên nam giới và người nội trợ nữ giới. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng không chỉ nam giới mới là người chăn chiên. Dụ ngôn người chăn chiên được giải thích cứng nhắc như vậy bởi vì Đức Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên trong Gioan 10 nên thật khó cho chúng ta khi nhớ lại rằng nữ giới, thậm chí là các cô gái trẻ, cũng là người chăn chiên, chẳng hạn như cô Rakhen (Stk 29,5-9) hay các cô con gái của ông Rơuel (Xh 2,16). Trong khi người chăn chiên này là nam giới như ý định thì các bản văn khác cho chúng ta thấy rằng người chăn chiên có thể thuộc cả hai giới tính.
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu dùng câu chuyện người phụ nữ không bỏ cuộc để minh họa cho sự cần thiết của tính kiên trì khi cầu nguyện (Lc 18,1-8). Người góa phụ tìm kiếm công lý chống lại ai đó đã hãm hại bà, và bà đã không để cho ngài thẩm phán được nghỉ ngơi cho đến khi ông cho bà điều bà yêu cầu. Thế nhưng, “công bình” (justice) có lẽ là một từ dịch sai của từ ekdikeō. Có lẽ đúng hơn đó là sự báo thù (vengeance) mà bà muốn chống lại đối thủ của bà: bà muốn được chứng minh là đúng và nhận được đền bù mà bà đáng hưởng. Đây là câu chuyện kỳ quặc không thích hợp để làm ẩn dụ, dù rằng phần giới thiệu (c. 1) đề nghị người góa phụ là mẫu gương cầu nguyện và là một ai đó cầu xin với một nhân vật đầy quyền lực, hiểu rằng đó là Thiên Chúa. Nhưng ông thẩm phán này thì không gương mẫu chút nào! Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta – khó mà làm một người vị vọng. Dù cho có nhiều huấn thị trong Kinh Thánh nói rằng phải đối xử công bình với các quả phụ (chẳng hạn Xh 22,22-24 và Đnl 10,18) thì ông này bất cần biết đến bà, mong bà bỏ cuộc và đi cho khuất mắt. Chính ông thẩm phán đã sống cách bất công khi không thèm xét xử. Nhưng ai cũng có giới hạn của mình và bà góa này đã biết cách đẩy ông ra khỏi giới hạn của mình. Dù ông chẳng tốt đẹp gì nhưng ông sẽ làm như bà muốn chỉ vì để thoát được bà. Ông không kính sợ Thiên Chúa cũng không kính nể người ta nhưng ông sợ những tổn hại mà bà góa dám nói dám làm này có thể gây ra cho ông. Phần lớn các bản dịch câu 5 đều nói rằng bà sẽ làm ông mệt mỏi, nhức đầu nhức óc. Nhưng từ hypopiazein được dùng ở đây có thể mang ý nghĩa gây phiền hà thậm chí còn có một nghĩa rộng mạnh hơn: một sự tấn công thể lý, đánh vào mặt. Có lẽ ông sợ rằng bà quá thất vọng nên tấn công ông, tát ông giữa công chúng, ông sẽ xấu hổ và trông lố bịch vì xô xát với đàn bà. Thật là một câu chuyện khá bất thường để nêu gương cầu nguyện!
Dụ ngôn các cô gái trẻ dự tiệc cưới thì khá mù mờ xét về khía cạnh phản ánh các thực hành nghi thức lễ cưới lúc bấy giờ, nhưng có một việc rõ ràng: năm cô đã không chuẩn bị. Giống như tất cả những người không nhìn xa trông rộng, họ bị bỏ lại đàng sau và đánh mất cơ hội vì thiếu chuẩn bị. Sự thiếu chuẩn bị của họ mang chiều kích viễn cảnh cánh chung – hãy sẵn sàng khi chú rể đến! Nhưng các dụ ngôn có thể được tiếp cận từ nhiều phía và nó cũng đáng để tra vấn về một bối cảnh rộng lớn hơn cũng như vấn đề các cô mang đủ dầu nhưng sao không chia sẻ với nhau một ít mà vẫn đến được nơi mà họ muốn đến. Các cô không quảng đại, sợ rằng hết dầu và như vậy là chỉ lo cho mình. Thay vì tách nhóm này khỏi nhóm kia, tinh thần cộng tác có lẽ đã làm cho họ có thể cùng vào tham dự tiệc. Đây là dụ ngôn về sự chuẩn bị cánh chung, hay về sự thiếu lòng quảng đại, hay cả hai? (Mt 25,1-13).
Tin Mừng Gioan không có những câu chuyện dụ ngôn mở rộng, nhưng phong phú về hình ảnh và ẩn dụ: nước, bánh hằng sống, mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên, cây nho và cành. Một ám chỉ ngắn ngủi về kinh nghiệm sinh con của phụ nữ. Người đàn bà sắp sinh thấy lo âu, biết rằng có nhiều gian nan chờ đợi mình phía trước. Nhưng một khi qua cơn gian nan, sự buồn sầu biến thành niềm vui vì một sự sống mới được sinh ra trong thế gian (Ga 16,21). Điều bình thường, cái thường nhật, song biến cố đe dọa mạng sống là sinh con đã trở thành bình minh cho sự sống mới và viễn tượng mới, một khởi đầu.
Đến lúc này chúng ta đã có những người xay bột và làm bánh, người giữ đồng tiền, các cô chưa chồng ở đám cưới, bà quả phụ kiên quyết, và người phụ nữ sắp sinh con. Khi chúng ta xét đến những nhân vật nữ giới không phải là diễn viên trực tiếp trong các dụ ngôn, chúng ta bắt gặp gương mặt xấu xí của chế độ nô lệ trong thế giới Rôma. Dụ ngôn người nô lệ không tha thứ (Mt 18,23-35) là một thảm kịch. Vì món nợ tăng dần và không trả được, người nô lệ được chủ giao tài sản cho và đã quản lý tồi khiến anh thấy mình đối diện với việc phải bán không những chính mình mà còn cả vợ con cũng như hết tài sản để trả nợ (c. 25). Cả gia đình anh phải đối diện với sự ly hương và bất ổn về định mệnh của mình. Người phụ nữ nô lệ vô danh là nạn nhân vô tội của lỗi lầm nơi chồng mình. Bà hẳn đã vui mừng với anh vì lòng thương xót của ông chủ và van xin anh hãy làm như thế đối với con nợ của mình. Tuy nhiên bà rơi vào tuyệt vọng cùng với con cái mình khi câu chuyện chấm dứt với việc chồng bà bị bỏ tù và hành hạ.
Câu chuyện người Pharisiêu thử thách Đức Giêsu giải thích luật được gọi là Levirate (Mt 22,23-28; Mc 12,18-23; Lc 20,27-33; Đnl 25,5-6) nói về người đàn bà làm vợ bảy anh em liên tiếp nhau. Trong trường hợp từ người thứ hai cho đến người thứ bảy, hôn nhân có ý sản sinh hậu duệ cho dòng dõi người chồng thứ nhất. Ở đây người đàn bà đứng giữa bổn phận gia đình và loạt đàn ông gây bối rối mà bà được cho là phải liên hệ. Có ai đã từng hỏi bà rằng bà muốn gì trong vấn đề này không? Theo Đệ Nhị Luật, chính người phụ nữ chủ động đối với cuộc hôn nhân kế tiếp nếu người anh em không muốn (Đnl 25,7-10). Hẳn nhiên, dụ ngôn là mánh khóe của các đối thủ Đức Giêsu, những người Sađucêô không tin vào sự phục sinh sau cái chết, để xem rằng họ có làm cho ngài im lặng bớt đi được không. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã xoay toàn bộ cuộc gặp gỡ thành giáo huấn về sự siêu việt của đời sống phục sinh khác xa với cơ chế của con người, và người đàn bà không còn phải đối diện với thế lưỡng nan ấy nữa.
Cũng có những sự vắng mặt kỳ lạ của các phụ nữ trong những dụ ngôn quen thuộc. Trong Luca 11,5-8, một chủ nhà kia có anh bạn hàng xóm có khách đến thăm bất ngờ mà không có đủ lương thực dự trữ. Anh đến gõ cửa nhà bên để xem có mượn được ít bánh không. Người được hỏi xin lúc đầu đã từ chối vì cửa đã khóa, ông và con cái cùng giường đang ngủ. Tuy nhiên, vì sự khẩn khoản của người hàng xóm đứng trước cửa nhà, ông đã chỗi dậy, và giống như ông thẩm phán bất lương, đã cho người hàng xóm điều ông ấy cần chỉ vì để mong thoát được ông ấy. Nhưng bà vợ của ông đâu, ai là người quyết định cho đi lương thực ở trong nhà? Liệu bà ấy có phải là người phản đối việc giúp đỡ hàng xóm lúc cần thiết? Liệu đây có phải là lý do mà bà không được đề cập đến trong dụ ngôn này không?
Một phụ nữ khác bị bỏ sót cách kỳ lạ là trong dụ ngôn đứa con lạc mất, hay hai người con, hay người cha đầy lòng thương xót (Mt 15,11-32), câu chuyện thứ ba trong bộ ba dụ ngôn của Luca về sự lạc mất và tìm thấy. Chính câu chuyện dường như là sự mở rộng của Luca về một dụ ngôn đơn giản hơn của Matthêô nói về người cha có hai con trai đáp ứng cách khác nhau, đứa nói “vâng” và rồi lại không làm điều được sai bảo, đứa nói “không” nhưng rồi lại làm (Mt 21,28). Khi đọc câu chuyện, ta tự hỏi rằng người mẹ đóng vai trò gì khi cho phép cậu trẻ ra đi sống tự lập cách thiếu khôn ngoan như thế cũng như dỗ dành người anh bớt “đành hanh” hơn để một lần nữa chia sẻ cảm xúc của cha mẹ mình. Trong bức họa nổi tiếng của Rembrandt, người em quỳ gối nơi chân cha, cầu xin được cha đón nhận lại, có một cái bóng mờ không xác định được xuất hiện ở hậu cảnh mà nhiều người cho rằng đó là người mẹ bị bỏ quên.
Ta tiếp tục tra vấn về các phụ nữ bị bỏ sót: họ nằm trong số những khách mời và thậm chí là những người qua đường được mời dự đại tiệc (Mt 22,1-10), hay những người nghèo, tàn tật, đui mù, què quặt (Lc 14,16-24)? Chắc chắn họ ở trong đám đông thuộc mọi dân tộc được xét xử vào ngày cuối cùng về việc họ đối xử ra sao với tha nhân: cho kẻ đói ăn, tiếp đón khách lạ, mặc quần áo cho người trần truồng, thăm viếng bệnh nhân và tù nhân – và phụ nữ cũng nằm trong số những người đói khát, vô gia cư, trần truồng, đau bệnh và bị tù đày, những người tiếp nhận lòng thương xót của các phụ nữ.
Đôi khi ta đã loại các phụ nữ ra khỏi sự hiện diện đầy đủ hơn của họ trong các dụ ngôn của Đức Giêsu chỉ vì sự tưởng tượng của riêng mình.
Carolyn Osiek, RSCJ
Osservatore Romano, 9/16 August 2019, tr. 12-13
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
(gpquinhon.org 02.01.2020)
Lượt xem 189 Lần