Sám hối xưng thú tội lỗi là tái giao hòa và hiệp thông với Thiên Chúa

Sám hối xưng thú tội lỗi là tái giao hòa và hiệp thông với Thiên Chúa


10/4/2013 7:02:01 AM

Như chúng ta đã thấy, khi phạm tội con người bẻ gẫy các tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thiên nhiên vạn vật. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người và đã hứa ban Đấng Cứu Tinh. Khi phán xử Thiên Chúa phán với con rắn: ”Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

Tuy con người và vợ bị trục xuất khỏi vườn Eđen, nhưng nỗi nhớ nhung cuộc sống hài hòa hạnh phúc trước khi phạm tội vẫn luôn ở trong trái tim con người. Và bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mang trong chính hơi thở của Thiên Chúa, nên lời kêu mời và ơn gọi của con người vẫn không phai nhòa. Đó là lý do giải thích tại sao trong trái tim con người luôn có các khát vọng không thể tiêu diệt được: khát vọng chân lý, công bằng, tinh thần trách nhiệm, sự hòa hợp và hòa bình. Chúng là những khát vọng không bao giờ có thể dập tắt được, và luôn tái sinh trong con tim và cuộc sống con người. Các khát vọng ấy, ngày nay đặc biệt sâu xa, gợi ý cho thấy rằng cả con người tân tiến ngày nay nữa cũng tìm kiếm một cách lẫn lộn để vượt thắng chính mình, trở thành quảng đại hơn, xây dựng một thế giới vững chắc và lâu bền hơn. Nó đi tìm một loại siêu việt nào đó: một cái gì khác, một lý do hiện hữu, một cái gì hơn nữa. Nó đi tìm nguồn gốc và vận mệnh của mình, nó đi tìm Thiên Chúa Cha của nó. Nhưng cuộc tìm kiếm ấy chỉ có thể đạt mục đích trong Chúa Kitô, mà Thiên Chúa Cha đã thiết định như nơi chốn, như bí tích của sự hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa.

Sự hiệp thông được thiết lập bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Thiên Chúa đã ra khỏi mầu nhiệm của mình và hướng tới loài người. Ngài đã vén mở cuộc sống cá nhân của Ngài và thông truyền cho loài người dự án của một giao ước vĩnh cửu chưa từng thấy để cho con người được hiệp thông sự sống với Ngài. Lời Ngài ban đầu xa xôi, lẫn lộn, cách quãng được trao ban nơi Đức Giêsu Kitô một cách hoàn toàn và vang lên như sứ điệp của một tin vui. Và lời đó đòi hỏi một câu trả lời từ phía người nghe, để có sự hiệp thông giữa họ và Thiên Chúa. Cấu trúc đối thoại từ nay trở đi sẽ là sư phạm được Thiên Chúa dùng để bước vào tiếp xúc với nhân loại. Đây là tương quan liên bản vị bao gồm từ phía Thiên Chúa sự mạc khải và từ phia con người niềm tin tôn giáo. Trong cuộc đối thoại này Thiên Chúa là vị đưa ra sáng kiến, với các sức mạnh tự nhiên con người không thể có các tương quan cá nhân lập tức với Thiên Chúa, con người chỉ có thể đến với Thiên Chúa qua và trong thụ tạo như là nền tảng tuyệt đối cuộc sống của thụ tạo. Nói một cách nhân loại, chúng ta không thể đạt tới Thiên Chúa như là bản vị trong chính Người và cho chính Người. Bởi vì sự hiệp thông với Thiên Chúa chỉ có thể qua và trong một tiếp xúc nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đức Kitô là sự biểu lộ và việc hiện thực tình yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chính nơi Người mà Thiên Chúa vô hình nói với loài người trong tình yêu của Người, và cũng nơi Người mà loài người trả lời cho tình yêu được cống hiến cho họ. Người biết rộng mở con tim cho lòng nhân từ tuyệt đối của Chúa Giêsu trong thái độ phó thác, tiếp nhận các đòi hỏi không giới hạn, sẽ gặp gỡ tình yêu thương của Thiên Chúa và sẽ được tràn đầy ơn thánh. Ơn thánh ấy một đàng là sự tha thứ và hòa giải, đàng khác là sự thánh hóa, sự thần thánh hóa và hiệp thông với chính Thiên Chúa.

Trong Chúa Kitô đã xảy ra trong lịch sử sự tan chảy hòa hợp giữa cử chỉ duy nhất và vĩnh cửu sự hiến dâng tình yêu của Thiên Chúa và lời đáp trả vĩnh viễn tình yêu ấy từ phía nhân loại trong Đức Kitô Thủ Lãnh của mình. Giao ước hòa giải đó đã được thông truyền cho toàn nhân loại trong biến cố chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, nhưng nó sẽ chỉ được phê chuẩn từng bước trong lịch sử nhân loại, bởi từng người trong các thành phần của gia đình nhân loại. Và chính Giáo Hội tiếp tục bảo đảm trong các thế kỷ việc thời sự hóa giao ước đó cho tới khi Chúa trở lại.

Điểm thứ ba là việc hiện thực sự hiệp thông ấy trong Giáo Hội. Cũng như trong qúa khứ và trong tương lai, con người ngày nay còn có khả thể gặp gỡ Chúa Kitô là sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa, nhờ Giáo Hội thân mình mầu nhiệm của Chúa, được làm cho hiện diện và có thể đụng chạm tới bởi lời rao giảng Tin Mừng và cuộc sống bí tích của Giáo Hội.

Lời giảng dạy của Giáo Hội cống hiến cho chúng ta việc tới với lời của Chúa Kitô, tiếp tục vén mở và hiện thực chương trình của Thiên Chúa giữa loài người. Việc trả lời của con người cho lời loan báo Chúa Kitô, được Giáo Hội làm vang lên, là một hành động yêu thương, một tiếng ”có” cho phép Chúa Kitô thời sự hóa tiếng ”có” vĩ đại, mà nhân danh nhân loại Người đã nói lên với Thiên Chúa Cha của giao ước, của sự hòa giải. Và câu trả lời này dẫn đưa con người vào trong các bí tích của Giáo Hội, bởi vì ơn cứu rỗi được loan báo trong mạc khải, được chấp nhận trong lòng tin, phải mở ra trong cuộc gặp gỡ bí tích, có thể được trong Giáo Hội, qua Giáo Hội và với Giáo Hội. Toàn cuộc sống của Giáo Hội là bí tích, bởi vì nó cho phép gặp gỡ Chúa, và bẩy bí tích là các điểm tột đỉnh của cuộc gặp gỡ ấy: chúng đặt để con người trong tương quan với chính Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ của họ, cũng chính là Đấng đã khổ đau trong lịch sử dưới thời quan Pontio Pilato và đã sống lại. Các cuộc gặp gỡ bí tích là các lúc đặc ân của sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa. Chúng ghi dấu một giai đoạn trong con đường thần thánh hóa bản vị con người, và trên lộ trình của Giáo Hội lữ hành hướng về việc thành toàn Nước Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ của Kitô hữu với thân mình mầu nhiệm, được làm cho hiện diện bởi cuộc sống bí tích của Giáo Hội, như thế là một việc tái lập tình trạng hiệp thông ơn thánh tiên khởi, và là một diễn tả trước chiến thắng cánh chung trên tội lỗi và cái chết, đã được khai mào bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nhưng nó đích thực trong mức độ, trong đó nó biến đổi cuộc sống chúng ta.

Ơn cứu rỗi đã được loan báo, chấp nhận trong đức tin và mở ra trong các bí tích phải được biểu lộ ra nơi chúng ta làm sao để cuộc sống chúng ta trở thành một dấu chỉ tin mừng đối với thế giới: Thiên Chúa hòa giải nơi chúng ta và sống ở đây trong lúc này trong chúng ta. Đến lượt mình chúng ta trở thành sự biểu lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, là các nhân chứng của Người giữa loài người, để thế giới trông thấy nơi chúng ta các sứ giả hòa bình, công lý, và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được tất cả từ Giáo Hội, và qua Giáo Hội nói cho cùng là từ Thiên Chúa; nhưng là những người mang trong mình ơn thánh đã nhận được, chúng ta thực sự trở thành không gian lịch sử của ơn thánh đó, và như thế chúng ta nới rộng ảnh hưởng của Giáo Hội là sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ.

Điểm thứ tư. Sám hối hòa giải là bí tích của việc tái thời sự hóa sự hiệp thông. Tiếng ”có” của chúng ta với Chúa Kitô chúng ta nói trong bí tích Rửa Tội, và chúng xác nhận mọi ngày của cuộc sống trong khung cảnh của cộng đoàn giáo hội. Và đây là một tiếng ”có” tích cực” trong mức độ, trong đó chúng ta tố cáo tội lỗi và luôn ngày càng xa lánh nó. Toàn cuộc sống của Giáo Hội giúp chúng ta cụ thể hóa và đi vào chi tiết sự gắn bó của chúng ta đối với Chúa Kitô trong cuộc sống thường ngày: Giáo Hội cùng sám hối với chúng ta, bởi vì Giáo Hội là thánh trong Thủ Lãnh của mình, mà Giáo Hội loan báo, và phân phát, nhưng Giáo Hội cũng tội lỗi trong các chi thể của mình. Toàn cuộc sống kitô là một cuộc thanh tẩy, và chúng ta là thành phần của phong trào hoán cải ấy, và thời điểm mạnh mẽ và đặc ân của nó được ghi dấu bằng việc gặp gỡ bí tích với Chúa Kitô. Trong bí tích sám hối ơn tha thứ được Thiên Chúa Cha ban cho trong Chúa Kitô được hiện tại hóa cho chúng ta. Bi tích này là một cử chỉ hoán cải và hòa giải của tín hữu kitô với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Trong viễn tượng này bí tích sám hối không phải là việc tẩy rửa đơn sơ, tầm thường các tội lỗi tín hữu đã phạm với một cú chùi đi qua lương tâm để làm cho nó được sạch sẽ, nhưng là phần toàn vẹn lịch sử của mỗi kitô hữu và lịch sử của Giáo Hội như là lịch sử ơn thánh, bao gồm việc xây dựng như là ơn và như dấn thân của bản vị đích thật của tín hữu kitô, được lồng vào một cách hữu hiệu và có trách

nhiệm trong việc xây dựng Giáo Hội và lịch sử thế giới. Như thế chúng ta có thể ghi nhận tất cả chiều kích lịch sử – hiện sinh của việc hoán cải thường ngày, bắt đầu từ bí tích Rửa Tội đươc Giáo Hội dẫn đi quy chiếu về bí tích sám hối, con đường của sự hoán cải, đã được bắt đầu, trợ giúp hướng dẫn và đưa tới chỗ thành toàn trong Giáo Hội, với Giáo Hội và qua Giáo Hội.

Điểm thứ năm cuộc sống kitô là một cuộc sống sám hối liên tục. Giáo Hội tiếp nối sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên trần gian này. Vì thế Giáo Hội không thể theo con đường nào khác hơn là con đường chính Chúa Kitô đã vạch ra, tức là tiếp nối sự vượt qua của Chúa Kitô. Như là dân của Thiên Chúa, khi tham dự vào các khổ đau của Chúa Kitô, chu toàn các công tác thương xót và bác ái, hoán cải mỗi ngày để sống theo Tin Mừng của Chúa Kitô hơn, Giáo hội trở thành dấu chỉ của sự hoán cải trở về với Thiên Chúa trong thế giới này. Và Giáo Hội diễn tả mầu nhiệm này trong cuộc sống và cử hành nó trong phụng vụ, khi tín hữu tự nhận mình là những kẻ tội lỗi, họ khẩn nài Thiên Chúa tha thứ cho chính mình và cho các anh chị em khác, như thường làm trong các buổi cử hành nghi thức sám hối, trong các buổi công bố lời Chúa, trong những thời gian sám hối đền tội, và trong các buổi cử hành thánh thể. Như là thành phần dân Chúa kitô hữu tham dự vào việc tiếp nối lễ vượt qua của Chúa. Họ được Giáo Hội trợ giúp để thực hiện điều họ đã có được trong bí tích Rửa Tội: đó là việc trở nên đồng hình dạng trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô (Rm 6,3-11; Cl 2,11-15).

Kitô hữu không thể được hưởng vinh quang phục sinh, nếu không khước từ chính mình và đi theo dấu chân của Thầy Chí Thánh, bằng cách vác thập giá mình và tham dự vào các khổ đau để được biến đổi trong cái chết của Người. Tất cả những điều này phải đi sâu vào toàn cuộc sống của người đã được rửa tội trong mọi thời đại và trong mọi kiểu cách. Làm việc sám hối đền tội như thế không phải là cái gì tùy thích, mà là điều nằm trong luân lý của bí tích Rửa Tội của cuộc sống kitô, bởi vì tham dự vào mầu nhiệm phục sinh là một cuộc hoán cải liên tục và ngày càng sâu đậm hơn để trở về với Thiên Chúa. Việc hoán cải chiếm một chỗ nền tảng trong lịch sử cứu độ. Nó dẫn đưa con người tới bí tích Rửa Tội, và rồi thực hiện ý nghĩa của bí tích ấy trong toàn cuộc sống tín hữu. Bí tích giải tội, hay bí tích hòa giải, canh tân sự hữu hiệu cứu độ của bí tích Rửa tội, trong đó tín hữu chết đi cho tội lỗi để có được sự sống của Thiên Chúa. Nó ghi dấu trong các thời điểm mạnh mẽ cố gắng hoán cải liên tục và thường ngày của tín hữu, nâng đỡ họ và đồng hành với họ cho tới khi Nước Thiên Chúa tới, và họ được sống trong sự hiệp thông toàn vẹn với Thiên Chúa.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1170)

 

Linh Tiến Khải

Lượt xem 210 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *