Quan niệm của niềm tin do thái-kitô về bệnh tật, khổ đau và cái chết

Quan niệm của niềm tin do thái-kitô về bệnh tật, khổ đau và cái chết


2/23/2013 7:03:36 AM

Để xác tín hơn về giá trị và các hiệu qủa của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân thật thích hợp, khi tìm hiểu sâu hơn quan niệm của niềm tin do thái-kitô đối với bệnh tật khổ đau và cái chết.

Như đã biết, khi rơi vào trình trạng bệnh tật, khổ đau có thể dẫn đưa tới cái chết, chúng ta gặp khủng hoảng vì cảm nghiệm được một cách thấm thía các hạn hẹp, sự giòn mỏng, yếu đuối bất lực của mình trước tật bệnh và khổ đau. Con người cảm thấy bị tha hóa, bị tách rời khỏi các môi trường sống thường ngày và phải tùy thuộc cậy nhờ sự trợ giúp của người khác. Nhưng chính cuộc khủng hoảng đó của sức khỏe một cách tự phát rộng mở con người cho sự siêu việt, và hướng nó tới các phản ứng rất khác nhau: như cố gắng tìm giải thích các lý do, tin rằng bệnh tật là do qủy thần gây ra nên cần phải chạy tới với ma thuật để được giải thoát, rồi có các cung cách phản ứng mê tín dị đoan, hay các phản ứng tôn giáo… Khi quan niệm bệnh tật như hậu qủa của sự vi phạm các điều luật, vượt qúa các cấm đoán, hay như sự tung hoành của các sức mạnh xấu xa đen tối vv… , người bệnh tìm sự chữa lành như một sự giải thoát khỏi các sức mạnh thù nghịch đó, như việc tái hội nhập các sức mạnh sinh động, như sự can thiệp của các sức mạnh tốt lành. Các tôn giáo khác nhau soạn thảo các tiến trình được quy định thành cơ cấu nhằm giúp người bệnh vơi nhẹ đau đớn. Một tôn giáo càng đạt được độ cao bao nhiêu, thì lại càng tự giải thoát khỏi quan niệm, theo đó các sức mạnh cao siêu có thể bị bắt buộc tạo ra một ảnh hưởng vật lý trên người bệnh, và lại càng chuyển dời sự chờ mong ảnh hưởng siêu nhiên trên thái độ luân lý của bệnh nhân bấy nhiêu như niềm tin, sự kiên nhẫn, sự mạnh mẽ của tâm hồn vv…

Niềm tin do thái-kitô quan niệm bệnh tật như là ”một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa”, nghĩa là như một việc biểu lộ đặc biệt sự hiện diện tích cực và cứu rỗi của Chúa. Thiên Chúa Tạo Hóa là ”Đấng yêu mến sự sống” như tác giả sách Khôn Ngoan khẳng định trong chương 11: ”Qủa thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lậy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26). Thiên Chúa đã tạo dựng nên ”mọi sự đều tốt lành” như tác giả sách Sáng Thế lập lại 7 lần trong chương 1 khi miêu tả việc tạo dựng vũ trụ, muôn loài muôn vật và con người. Như thế Thiên Chúa, Đấng yêu thương sự sống, không muốn sự bất toàn, bệnh tật và khổ đau. Nhưng vì loài người đã bị cám dỗ kiêu căng bất phục tùng và đã phạm tội, nên độc dược của sự dữ lan tràn gây ra bệnh tật trong tâm hồn và trên thân xác con người, mà cái chết khiến cho thân xác con người phải thối rữa và nhất là cái chết của linh hồn là điểm tới biểu tượng cho các hậu qủa thê thảm của tội lỗi.

Khi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu Kitô cứu chữa linh hồn con người và việc chữa lành tật bệnh trên thân xác cho những ai có lòng tin là dấu chỉ ơn cứu rỗi mà Đấng Cứu Thế đem đến cho nhân loại, như ngôn sứ Isaia đã loan báo trong chương 61: Đấng Cứu Thế đã được xức dầu, có Thần Khí ngự trị trên Người và được sai đi ”loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, và công bố năm hồng ân của Chúa… an ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61,1-2).

Bệnh tật khổ đau và cái chết vẫn mang ý nghĩa hậu qủa của tội lỗi và sự dữ trong cuộc sống con người, nhưng lời rao giảng và gương sống của Đức Giêsu Kitô, Đấng Thánh vô tội mà chấp nhận bị ngược đãi, kết án và bị giết chết như kẻ có tội, mà vẫn tiếp tục yêu thương tha thứ, đã trao ban cho bệnh tật, khổ đau và cái chết một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và cách mạng. Giờ đây bệnh tật và khổ đau bao gồm một ơn gọi. Chúng là một thử thách cam go, một nỗ lực giúp người bệnh tấn tới trên con đường công chính hướng về ơn cứu độ. Nó là một tình trạng mới, một dụng cụ để đạt ơn cứu độ theo các nhu cầu mới của lòng tin, qua đó bệnh nhân có cung cách hành xử và các tâm tình tích cực, đặc biệt là lòng kiên nhẫn, tươi vui chứ không buồn sầu, thụ động cam chịu, và không tuyệt đối hóa giá trị của sự khỏe mạnh vật lý, của thân xác, mà sớm muộn gì nó cũng phải từ bỏ với cái chết và sự thối rữa theo luật vật chất tự nhiên.

Trong Phúc Âm thánh Gioan có hai câu chuyện chứng minh cho thấy tật bệnh là dịp để tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa. Đó là biến cố Chúa Giêsu chữa anh mù từ lúc mới sinh như kể trong chương 9 và biến cố Chúa Giêsu cho ông Ladarô bạn Người chết chôn trong mồ bị rữa nát bốn ngày được sống lại, như kể trong chương 11.

Câu chuyện chữa người mù từ lúc mới sinh cho thấy quan niệm cổ điển do thái luôn luôn coi tật bệnh là hậu qủa hay hình phạt của tội lỗi. Chúa Giêsu sửa sai quan niệm ấy, và cho thấy một mục đích khác của tật bênh.

Khi cùng các môn đệ đi ngang qua người mù các môn đệ hỏi: ”Thưa Thầy ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Chúa Giêsu trả lời: ”Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy khi trời còn sáng… ” Chúa Giêsu đã nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn, xức vào mắt anh ta, và bảo anh ta đi rửa ở suối ”Shilôắc”. Anh đã đi, đã rửa, và được sáng mắt (Ga 9,1-41).

Trong trường hợp của ông Ladarô, Chúa Giêsu đã cố ý chờ cho ông chết chôn trong mồ bốn ngày, thịt đã hoàn toàn thối rữa hết rồi. Sau đó Người mới đến Betania để truyền cho ông sống lại. Và Người làm điều này trước mặt đông đảo nhiều chứng nhân, trong đó có các pharisêu, luật sĩ, ký lục, nghĩa là giới lãnh đạo Do thái không muốn tin và chấp nhận Người là Đấng Cứu Thế, và như thế để cho họ một bằng chứng cụ thể Người là Thiên Chúa. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho kẻ chết đã rữa nát rồi sống trở lại nguyên vẹn và lành mạnh.

Quan niệm bệnh tật như là sự thử thách thanh luyện con người đòi buộc các thành phần khác trong cộng đoàn phải dấn thân can thiệp trợ giúp người anh chị em bị bệnh, vừa để giúp giảm bệnh tật và đau đớn cho họ, vừa để thăng tiến ý thức sử dụng tốt bệnh tật và khổ đau. Bệnh tật và khổ đau tự chúng là điều tiêu cực và vô ích, không ai muốn chấp nhập cả. Nhưng trong nhãn quan đức tin kitô chúng là dịp sinh ích lợi cho người bệnh là thành phần của cộng đoàn cũng như cho toàn cộng đoàn. Đây là dịp sống tình yêu thương huynh đệ, liên đới và hiệp nhất trong Giáo Hội, là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Trong xã hội Israel xưa kia việc thăm viếng các bệnh nhân đã được coi như là một bổn phận diễn tả tình yêu và lòng thương xót, không phải chỉ để an ủi khích lệ người đau yếu, mà cũng là để cùng cầu nguyện với họ và cho họ được lành bệnh và được ơn tha thứ tội lỗi nữa. Cộng đoàn kitô thừa hưởng gia tài tinh thần và các thói quen này từ thời các Tông Đồ. Bằng chứng là trong chương 25 thánh sử Mátthêu ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu về ngày phán xét sau hết, trong đó Chúa khẳng định rằng tất cả những gì các kitô hữu làm cho một trong các người bé mọn nhất là làm cho chính Chúa. Trong ngày phán xét ấy Đức Giêsu, Vua các vua, sẽ nói với những người ở bên phải rằng: ”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ”Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ”Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chinh ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,21-46).

Sách Công Vụ chương 28 cũng kể rằng khi thánh Phaolô bị giải về Roma, trên đường bị đắm tầu phải giạt vào đảo Malta. Tại đây quan Publio có ông thân sinh đang ốm liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ, thánh nhân đã vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa ông lành. Thấy thế các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với thánh nhân và được chữa lành (Cv 26,7-9).

Trong bối cảnh bí tích của cuộc sống kitô, sự kiện Giáo Hội can thiệp để trợ giúp tín hữu bị bệnh qua việc ban Bí tích Xức Dầu cầu nguyện chữa lành và tha tội, thật là điều hợp lý và rất đễ hiểu. Nó cho thấy Giáo Hội đồng hành với tín hữu, là các chi thể của mình mầu nhiệm Chúa Kitô, trong suốt cuộc đời họ, từ lúc sinh ra cho tới khi từ giã cõi đời này để trở về Nhà Cha.

 

(Thần Học Kinh Thánh bài 1137)

Linh Tiến Khải

Lượt xem 127 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *