[Kỳ 2] Cuộc đấu tranh Ba Làng 1954

📝 “Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954”
[Kỳ 2] Ngày đại hội của giáo xứ Ba Làng

Trước ngày hội nghị, giáo dân xứ được loan tin muộn về một cuộc hội nghị sẽ tổ chức thanh minh cho cha xứ đã bị cán bộ vu cáo là ngài đã dụ dỗ con chiên di cư vào Nam. Mọi giáo dân nhiệt liệt đã hưởng ứng ngày đại hội thanh minh cho cha xứ nên đã bỏ mọi công việc để tham gia ngày trọng đại này.

Thánh lễ Chủ Nhật hôm đó đông giáo dân như đại lễ Giáng Sinh. Nhà thờ Đức Bà rộng lớn như thế mà không còn một chỗ trống. Giáo dân đã phải quỳ chật trên chiếu (thời 1954, nhà thờ chưa được trang bị ghế ngồi). Số người đứng ngoài thánh đường đông không kém gì bên trong nhà thờ. Sau thánh lễ, ông chánh trương Mai đức Quyền đại diện cho hội đồng mục vụ kêu gọi giáo dân:

– Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Sau thánh lễ này, kính mời quý vị chức sắc, đại diện các đoàn thể và tất cả các giáo dân bớt chút thời giờ đến sân vận động tham gia cuộc hội nghị để thanh minh cho cha xứ đã bị cán bộ vu cáo là ngài đã dụ dỗ con chiên di cư vào Nam.

Tất cả giáo dân đáp lới mời của ông chánh trương hội đồng giáo xứ. Rừng người trong, ngoài nhà thờ kéo nhau ra sân vận động trường tư thục Ba Làng bên cạnh nhà thờ (trường tiểu học Hải Thanh B bây giờ), nơi đã đặt sẵn chiếc bàn dài và ba chiếc ghế dành cho chủ tọa, thư ký và trật tự.

Đoàn người từ nhà thờ kéo sang sân vận động đứng chi chít vây thành nhiều vòng rộng lớn chung quanh chiếc bàn chủ tọa. Số lượng người đến tham dự trên sự mong muốn của ban tổ chức. Nơi đây là sân vận động của trường tư thục Ba Làng nên không gây trở ngại gì cho lượng người quá đông đảo đến tham dự đại hội ngày hôm đó.

Ông Mai Đức Quyền, chánh trương giáo xứ tuyên bố lý do khai mạc đại hội để thanh minh cho cha xứ.

Ông nói:
– Kính thưa qúy ông bà, anh chị em. Nhà cầm quyền đã vu cáo cho cha xứ của chúng ta dụ dỗ con chiên di cư vào Nam, vì thế hội đồng giáo xứ tổ chức cuộc hội nghị quan trọng hôm nay là để thanh minh cho ngài. Trước hết tôi hân hoan chào mừng quý ông bà và anh chị em đã tích cực tham dự ngày đại hội quan trọng hôm nay. Tôi ước mong đại hội này đạt được kết quả mỹ mãn. Trước khi bắt đầu cuộc hội nghị, tôi yêu cầu quý ông bà, anh chị em bầu cho một chủ tọa điều khiển cuộc đại hội hôm nay.

Một gương mặt trong ngày họp kín lanh lẹ giơ tay xin ý kiến:
– Thưa hội nghị, để điều khiển tốt và thành công trong hội nghị hôm nay, tôi xin đề cử anh Nguyễn Công Lý làm chủ tọa hôm nay.

Rừng cánh tay đưa lên:
– Đồng ý. Đồng ý,…

Bầu xong chủ tọa, ông chánh trương đề nghị tiếp:
– Xin quý ông bà bầu một thư ký hội nghị.
Một giáo dân đề nghị anh Trần Thái Giáp làm thư ký hội nghị hôm nay. Tất cả hội đều hô:
– Đồng ý

Ông chánh trương lại đề nghị tiếp:
– Xin hội nghị bầu thêm một trật tự xã hội nữa.
Cũng lại khuôn mặt quen thuộc trong ngày hội kín:
– Tôi đề cử anh Nguyễn Công Sửa làm trật tự buổi hội nghị hôm nay.
Tất cả hội nghị đồng giơ tay:
– Đồng ý

Ông chánh trương mời ba người mới được bầu lần lượt lên bàn ghế dành riêng cho chủ tọa, thư ký, trật tự. Anh chủ tọa phiên họp Nguyễn Công Lý nói:

– Kính thưa hội đồng mục vụ. Kính thưa các chức sắc đại diện các đoàn thể và tất cả qúy ông bà anh chị em. Tôi rất hân hạnh được hội nghị chọn làm chủ tọa hôm nay. Kính thưa ông bà và anh chị em, cuộc hội nghị đông đảo chưa từng có từ trước tới nay và cũng là cuộc họp có tầm vóc quan trọng với mục đích để thanh minh cho cha xứ. Tôi tin rằng cuộc hội nghị hôm nay sẽ có nhiều ý kiến quan trọng. Vậy muốn bảo vệ trật tự cho cuộc hội nghị hôm nay đạt kết quả mỹ mãn, xin đồng bào giữ trật tự theo sự hướng dẫn của anh giữ trật tự. Anh sẽ lần lượt cho phép từng người phát biểu ý kiến tránh được những tranh giành mất trật tự trong hội nghị. Rồi anh tiếp:

– Kính thưa hội nghị. Vấn đề di cư được hiệp định Geneve quy định rõ ràng “không ai có quyền cưỡng ép phải di cư, cũng không ai hoặc chính quyền bên nào được quyền ngăn cản phải ở lại”. Nhưng cán bộ và chính quyền đã vu cáo cha Nguyễn Dương Hiển đã cưỡng ép, dụ dỗ giáo dân di cư vào Nam theo ông Ngô đình Diệm. Vậy muốn chứng minh lời vu cáo đó, tôi xin phép hỏi : Ai là người đã bị cha xứ dụ đỗ hoặc cưỡng ép di cư, xin giơ tay phát biểu ý kiến?

Hàng ngàn cặp mắt đảo nhìn nhiều vòng chung quanh. Tuy số người đến thêm sau thánh lễ đã quá nhiều, nhưng không một ai giơ tay xin có ý kiến. Nhiều giáo dân tức giận và thì thào bàn tán việc vu cáo gian xảo của cộng sản hòng “Đánh thằng sáng cho thằng quáng sợ” như nhiều lần chính quyền đã thực hiện để trấn áp người dân trước đây. Chờ năm phút, anh chủ tọa hỏi thêm lần nữa:

– Những ai đã từng bị cha xứ cưỡng ép dụ dỗ, xin cứ mạnh dạn phát biểu ý kiến nêu rõ lý do và ngày giờ.

Anh nói lớn tiếng để mấy công an giả dạng đi vòng vòng ngoài xa có thể nghe được. Hàng ngàn cặp mắt nảy lửa căm hờn lại đảo nhìn chung quanh vòng hội nghị thêm lần nữa. Không khí hội nghị im lặng, cái im lặng ngột ngạt mang nhiều căm hờn và uất hận bởi các mánh khóe gian dối đã bao lần vu khống áp đặt lên người dân vô tội trước đây.

Chờ một lúc lâu vẫn không thấy một ai có ý kiến tố cáo gì, tinh thần hội mỗi lúc một thêm căng thẳng và căm phẫn trước những lời vu cáo trắng trợn và gian manh.
Cụ nguyễn văn Mưu, một giáo dân xin ý kiến:

– Thưa hội nghị, với con số tham dự hội nghị quá đông đủ thế này mà không có người xác nhận cha xứ dụ dỗ ép buộc đi Nam thì có nghĩa là không có thực. Không có sự thực tức là cán bộ đã vu cáo cho cha xứ như trước đây đã vu cáo cho cha Mai Bá Nhạc rồi bắt ngài đem đi mất tích cho tới nay không hề trở lại.

Khi nhắc lại vụ bắt cha Mai Bá Nhạc là đã đốt lại lò lửa hờn căm của mỗi nguời giáo dân trong giáo xứ đang ngấm ngầm thiêu đốt mấy năm qua. Quả bom nổ chậm nay được châm ngòi! Giáo dân không cầm được cơn uất hận đã cất tiếng hô:

– Đả đảo! Đả đảo bọn gian dối
Anh Mai Đức Thi phát biểu:
– Thưa hội nghị, với con số đông đảo người thế này mà không một ai xác nhận cha xứ dụ dỗ con chiên di cư thì đây chỉ là một lối đánh phủ đầu của chính quyền hay thực hiện trước đây hòng trấn áp ngăn cản mỗi khi có biến cố bất lợi nào đó đến với chính quyền. Theo tôi, chúng ta không nên mất nhiều thì giờ vào việc vu cáo này. Tôi xin đề nghị anh chủ tọa và hội nghị nên tìm hiểu nội dung bản hiệp định Geneve để tất cả giáo dân ai nấy đều biết rõ các điều khoản của bản hiệp định, đồng thời cũng nhờ đó hội nghị sẽ biết được tại sao chính quyền lại vu khống cho cha xứ dụ dỗ con chiên di cư vào Nam.

Tất cả mọi người trong hội nghị tán thành ý kiến vừa nêu. Lời phát biểu như nhắc nhớ anh chủ tọa là giờ đây có thể lái cuộc hội nghị từ việc thanh minh cho cha xứ sang việc phổ biến tài liệu bản hiệp định Geneve như dự định, cho giáo dân biết để cổ vũ tinh thần gây sự đoàn kết chặt chẽ trong hội nghị để bắt đầu cho cuộc đấu tranh . Anh chủ tọa hỏi thêm lần thứ ba, anh không hỏi người bị cha xứ cưỡng ép mà anh hỏi:

– Ai là người không bị cha xứ dụ dỗ?
Anh nhắc lại:
– Ai là người không bị cha xứ cưỡng ép di cư vào Nam xin giơ tay lên?

Rừng cánh tay giơ lên thật cao để chứng minh cha xứ không hề dụ dỗ cưỡng ép giáp dân di cư vào Nam như lời vu cáo của chính quyền. Anh Nguyễn trường Thọ là người nhận trách nhiệm phát biểu các tiết mục “chuyển quân và di cư”. Anh đã học thuộc lòng các tiết mục trong bản hiệp định được giao phó nên rất thông suốt, anh nói mạch lạc như các thuyết trình viên:

– Kính thưa hội nghị. Chúng ta không thấy ai là người đã bị cha xứ dụ dỗ di cư vào Nam. Theo đề nghị của hội nghị, tôi xin trích đoạn nguyên văn bản hiệp định Geneve được hai chính quyền miền Nam-Bắc ký kết ngày 20-7-1954 như sau: “Trong hiệp định chia đôi đất nước Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc quyền cai trị của chính phủ Hồ chí Minh, từ vĩ tuyến 17 trở vô thuộc quyền kiểm soát của chính phủ quốc gia. Vì hai miền thuộc quyền cai trị của hai chế độ khác nhau, miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, miền Nam theo chế độ tự do nên bản hiệp định đình chiến có những điều khoản:

Điều ‘14’ ở đoạn ‘B’ của hiệp định Geneve quy định như sau:

“Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy.”

Hội nghị vỗ tay hoan hô reo mừng như không muốn dứt vì đây là những người mất hết tự do, đã bị giam lâu ngày trong nhà tù khổng lồ, nay cánh cửa tự do sẽ được mở ra để thoát khỏi gông cùm của chế độ thì an ninh trật tự làm sao vãn hồi trật tự mau chóng được. Anh Nguyễn trường Thọ đọc tiếp:

– Bản tài liệu còn nhấn mạnh nơi lời tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 ở đoạn 8 là:
“Phải triệt để thi hành những điều khoản trong hiệp định đình chỉ chiến sự nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và tài sản của mọi người, và nhất là “Phải Để Cho Tất Cả Mọi Người Ở Việt Nam Được Lựa Chọn Vùng Mình Muốn Sống”.

Như Vậy hai nhà đương cục có nhiệm vụ phổ biến và thông báo cho toàn dân biết đầy đủ chi tiết bản hiệp định Geneve, và phải thi hành nghiêm chỉnh đúng đắn các điều khoản trong hiệp định, không một ai hoặc chính quyền nào được phép ngăn cản các điều khoản đã quy định.

Lại một lần nữa hội nghị đứng lên reo mừng vỗ tay:
– Hoan hô hội nghị Geneve! Hoan hô hội nghị Geneve!
Tiếng hoan hô kéo dài như bất tận. Tinh thần hội nghị lên cao như diều gặp gió. Anh cho biết thêm:
– Hiệp định Geneve đã thành lập Ủy Ban Giám Sát để theo dõi việc thi hành hiệp đình đình chiến gồm ba (3) vị đại diện của ba quốc gia:

– Chủ tịch Ủy Ban Giám Sát là người Ấn Độ (là quốc gia trung lập).
– Một ủy viên trong Ban Giám Sát là người Canada (thuộc phe tự do).
– Một ủy viên nữa trong Ủy Ban Giám Sát là người nước Ba Lan (thuộc phe cộng sản).

Một ý kiến khác tiếp theo:
– Kính thưa hội nghị. Chiếu theo những điều khoản trên, chúng ta có quyền đòi hỏi di cư hợp pháp. Nhà cầm quyền đã không hề thông báo cho người dân biết các tiết mục này thì chúng ta cũng không thể chờ đợi nơi chính quyền thi hành các điều khoản di cư mà phải phát động cuộc đấu tranh đại quy mô để đòi hỏi chính quyền thi hành hiệp định Geneve. Cuộc đấu tranh là yếu tố cần thiết để gây tiếng vang trong dư luận quốc tế để Ủy Ban Kiểm Soát biết chính quyền tại đây không thi hành hiệp định, khiến người dân phải đứng lên đấu tranh. Chúng ta không quên rằng, thời gian chuyển quân và di cư chỉ vỏn vẹn trong vòng 300 ngày kể cả ngày bản hiệp định Geneve có hiệu lực nên mọi đòi hỏi và đấu tranh của chúng ta phải thực hiện cấp tốc càng sớm càng tốt. Một bạn trong ban tổ chức góp ý:

– Kính thưa hội nghị, vì biết thời gian thực hiện tiết mục di cư chỉ vỏn vẹn có 300 ngày nên chúng ta vội vàng đem đơn ra Hà Nội trao tận tay Ủy Ban, yêu cầu Ủy Ban sớm về Ba Làng can thiệp cho đồng bào được di cư vào Nam mà không bị chính quyền bắt bớ, đàn áp, giam cầm, tù tội. Ủy Ban đã tiếp nhận đầy đủ số đơn và đáp ứng lời yêu cầu của chúng ta; Ủy Ban hứa sẽ sớm về Ba Làng để can thiệp cho đồng bào di cư một ngày rất gần đây.

Lời Ủy Ban hứa sớm về Ba Làng để can thiệp như luồng sinh khí thổi vào cuộc hội. Lại một lần nữa mọi người lên tinh thần sung sướng vui mừng đứng lên nhảy múa vỗ tay:

– Hoan hô hội nghị Geneve! Hoan hô Ủy Ban kiểm soát đình chiến! Hoan hô…! Hoan hô…! Hoan hô…!

Cuộc hội nghị được luân phiên phát biểu ý kiến hăng say sôi nổi xây dựng nhưng rất cương quyết và can đảm, ai nấy đều muốn nói lên để cổ võ tinh thần đoàn kết để chuẩn bị một sức mạnh cho cuộc đấu tranh sắp tới với lời kêu gọi cổ động tất cả hãy đoàn kết đấu tranh đòi di cư. Ông quản Đóa phát biểu ý kiến:

– Kính thưa hội nghị, ánh sáng tự do đang đến với chúng ta bên kia vĩ tuyến 17, nhưng để đi tới đó chúng ta phải hy sinh gian khổ, phải nhất trí đoàn kết trăm người như một, nhất định sẽ thành công, và nếu chúng ta nhờ được Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế đến can thiệp thì chắc chắn cuộc đấu tranh sẽ toàn thắng!

Ông nói thêm:
– Thưa hội nghị, tuy chúng ta không có quân đội, không có súng đạn, nhưng chúng ta có chính nghĩa, có điều khoản hiệp định Geneve quy định và bảo vệ nên chúng ta sẽ được Ủy Ban bênh vực, được chính quyền miền Nam và các nước trên thế giới theo dõi, đặc biệt chúng ta có loại vũ khí vô hình nhưng rất hữu hiệu, đó là tinh thần đoàn kết. “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Anh Nguyễn văn Tân phát biểu:
– Tôi tiên đoán, vấn đề chính quyền bắt giáo dân để dập tắt phong trào đấu tranh chắc chắn sẽ xẩy ra. Chúng ta nên thảo luận kế hoạch đối phó để thống nhất hành động khi hữu sự. Vậy cuộc hội nghị hôm nay phải bàn tính ngay những biện pháp cần thiết để tất cả giáo dân biết cách phòng bị.

Anh chủ tọa hỏi:
– Hội nghị có quyết tâm bảo vệ lẫn nhau đến cùng, và nhất quyết không để cho chính quyền bắt bất cứ giáo dân nào ra đi khỏi giáo xứ không?

Toàn thể hội nghị hô lớn:
– Quyết tâm! Quyết tâm bảo vệ lẫn nhau!
Anh chủ tọa lại nói tiếp:
– Để kịp thời ngăn cản những cuộc bắt bớ có thể xảy đến. Yêu cầu hội nghị thảo luận, tìm những phản ứng nào nhanh nhất để bảo vệ lẫn nhau hữu hiệu, và khi hữu sự chúng ta phải hành động như thế nào tốt nhất?

Cuộc thảo luận phát biểu nhiều ý kiến. Nhưng ý kiến chung là tất cả có cùng đồng ý là nếu khi có ai trong giáo xứ bị bắt thì:

1. Người bị bắt phải nói thật lớn và bắt vì lý do gì. Làm thế nào kéo dài thì giờ cho mọi người biết để kịp đến can thiệp. Người trong gia đình phải la thật lớn cho các gia đình bên cạnh biết để họ mau chóng thông báo đến khắp mọi nơi trong giáo xứ.

2. Tất cả mọi người trong nhà cũng như nhà bên cạnh hay bất cứ ai, khi nghe báo động đều phải khua gõ la hò ầm ĩ, gặp gì khua nấy, gặp nồi khua nồi, gặp vách khua vách, miễn sao cho có tiếng khác thường để nhà bên cạnh biết rằng chính quyền đang bắt giáo dân, rồi họ sẽ báo động đến khắp nơi trong giáo xứ.

3. Chuông các nhà thờ giật liên hồi cho những nơi ở xa mau chóng biết để kịp thời chạy đến can thiệp làm vô hiệu hóa những cuộc ruồng bắt của chính quyền.

4. Khi có báo động, mỗi người cấp tốc mang theo gậy gộc, dao, búa, lanh lẹ chạy đến hiện trường để giải thoát cho người bị bắt.

5. Khi hữu sự phải hành động tế nhị, lắng nghe ý kiến chung, không nên nóng nảy ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh.

Anh chủ tọa hỏi:
– Hội nghị có quyết tâm thực hiện báo động vừa được thảo luận này không?
Toàn thể hội nghi hô lớn:
– Quyết tâm! Quyết tâm thực hiện những ý kiến của hội nghị.

Một cụ già xin phát biểu ý kiến:
– Kính thưa hội nghị, tất cả chúng ta đã lãnh hội, biết được mọi chi tiết bản hiệp định Geneve, chúng ta cũng biết phải làm gì khi hữu sự. Vậy kể từ giờ phút này chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần ngay, sẵn sàng mọi hành động để kịp thời đối phó với mọi bất trắc có thể xẩy ra. Mặt khác chúng ta phải cấp tốc liên lạc đến Ủy Ban Kiểm soát Đình Chiến Quốc Tế trình bày ước vọng tại Ba Làng, giáo dân muốn được di cư để Ủy Ban sớm về Ba Làng can thiệp trước khi giáo dân bị đàn áp. Tôi xin đề nghị và lưu ý, nhiệm vụ của chúng ta là dứt khoát không để chính quyền bắt đi một giáo dân nào. Nếu nhỡ có người nào bị bắt, chúng ta kéo nhau đến nhà tù đòi chính quyền trả tự do cho người vô tội bị bắt. Nếu chính quyền không trả tự do cho người bị bắt, chúng ta sẵn sàng vào tù tất, chờ Ủy Ban Giám Sát Đình Chiến đến can thiệp.

Hội nghị vỗ tay tán thưởng cao kiến của cụ vì bắt người tập thể trong thời gian thi hành hiệp định Geneve với lý do xin di cư sẽ làm cho Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế đến can thiệp mạnh và mau chóng hơn.

Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ, cuộc hội đã thảo luận đầy đủ các kế hoạch đối phó. Anh chủ tọa hỏi:
– Qúy vị còn ai có ý kiến nào khác nữa không?

Thấy không còn ai có ý kiến nữa, anh chủ tọa nói:
– Chúng ta đã thảo luận rất đầy đủ. Trước khi bế mạc đại hội, yêu cầu anh thư ký đọc biên bản hội nghị hôm nay.

Đọc xong biên bản, anh chủ tọa tuyên bố bế mạc. Anh không quên nhắc nhở đồng bào viết thêm đơn chờ ngày Ủy Ban Quốc Tế về Ba Làng đem nộp đơn xin di cư để Ủy Ban biết ở nơi đây có rất nhiều gia đình muốn di cư vào Nam.

Kết thúc cuộc hội nghị, đồng bào chia tay ra về với niềm vui hớn hở chờ đón ngày lên đường. Hai chữ “tự do” thật qúy giá.

(Kỳ tới: Chính Quyền Bắt Dân)
Trích trong: Hồi ký của cụ Nguyễn Đức Giỏi
Ảnh: Minh hoạ từ internet

 

Lượt xem 788 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *